Phân tích hậu quả pháp lí của giao dịch dân sự vô hiệu. Sưu tầm một bản án của Tòa án xác định giao dịch dân sự vô hiệu và nêu quan điểm cá nhân về hậu quả pháp lí của giao dịch dân sự này được giải quyết trong bản án.
Giao dịch dân sự là một trong những căn cứ quan trọng và phổ biến nhất làm phát sinh quan hệ pháp luật dân sự, là phương tiện phasp lí để các chủ thể trong xã hội thiết lập các quan hệ về tào sản và nhân thân. Kinh tế ngày càng phát triển, giao dịch dân sự ngày càng được mở rộng thì việc xảy ra các tranh chấp liên quan đến nó ngày càng tăng. Đặc biệt hiện nay, vấn đề vi phạm điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự khá phổ biến và phức tạp. Việc tìm hiểu và làm rõ các quan điểm của pháp luật về giao dịch dân sự vô hiệu và các nguyên tắc giải quyết hậu quả pháp lí của giao dịch dân sự vô hiệu là rất cần thiết. Để từ đó, thuận tiện hơn cho việc áp dụng pháp luật cũng như tìm ra những hạn chế khi áp dụng và có hướng hoàn thiện các quan điểm của pháp luật.
I, LÝ LUẬN CHUNG VỀ GIAO DỊCH DÂN SỰ VÔ HIỆU VÀ HẬU QUẢ PHÁP LÝ CỦA GIAO DỊCH DÂN SỰ VÔ HIỆU
1. Khái niệm giao dịch dân sự vô hiệu
1.1 Khái niệm giao dịch dân sự
Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lí đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự (Điều 116 BLDS 2015).
Hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận ý chí của hai hay nhiều bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Hành vi pháp lý đơn phương là giao dịch trong đó thể hiện ý chí của một bên nhằm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình hoặc của bên kia.
1.2 Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự
Điều 117 BLDS 2015 quy định:
“1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.”
1.3 Khái niệm, đặc điểm của giao dịch dân sự vô hiệu
– Điều 112: Giao dịch dân sự vô hiệu
Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 của Bộ luật này thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy đinh khác.
– Đặc điểm:
+ Giao dịch dân sự vô hiệu có sự vi phạm điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự từ khi giao kết, xác lập giao dịch.
+ Mức độ vi phạm là nghiệm trọng hoặc ít nghiêm trọng.
+ Sự vi phạm có thể do cố ý hoặc vô ý của một trong các bên giao dịch.
+ Các bên tham gia vào giao dịch phải gánh chịu hậu quả pháp lí.
* Phân biệt giao dịch dân sự vô hiệu với giao dịch dân sự không có hiệu lực:
– Có thể hiểu, GDDS vô hiệu là giao dịch không tồn tại theo quy định của pháp luật, không có hiệu lực pháp lý. Còn GDDS không có hiệu lực là GDDS không làm phát sinh bất kỳ một hậu quả pháp lí nào
– Giao dịch dân sự vô hiệu là giao dịch không có hiệu lực tại thời điểm giao kết còn GDDS bị mất hiệu lực là giao dịch có hiệu lực tại thời điểm ký kết nhưng giao dịch bị chấm dứt hiệu lực là do rơi vào tình trạng không thế thực hiện được.
– Về hậu quả pháp lí, nếu GDDS vô hiệu các bên phải khôi phục tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, bên nào có lỗi thì phải bồi thường. Đối với giao dịch bọ chấm dứt hiệu lực, các bên không phải khôi phục lại tình trạng ban đầu mà giữ nguyên hiện trạng hiện tại thời điểm chấm dứt giao dịch.
2. Phân hoại giao dịch dân sự vô hiệu
– Căn cứ theo phạm vi nội dung vô hiệu, GDDS vô hiệu được chia thành 2 loại
+ Giao dịch dân sự vô hiệu toàn bộ: xảy ra khi toàn bộ mục đích, nội dung của GDDS đó là vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội hoặc một trong các bên tham gia giao dịch đó không có quyền xác lập giao dịch dân sự hoặc vi phạm một thỏa thuận và ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại, dẫn đến toàn bộ giao dịch vô hiệu.
+ Giao dịch dân sự vô hiệu từng phần: là giao dịch mà trong đó chỉ có một phần hoặc một số phần của giao dịch đó bị vô hiệu nhưng không ảnh ưởng đến hiệu lực của các phần còn lại.
– Căn cứ theo tính chất, trình tự bị coi là vô hiệu thì có 2 loại:
+ Giao dịch dân sự vô hiệu tuyệt đối: không có hiệu lực pháp lý làm phát sinh quyền và nghĩa vụ các bên, thậm chí ngay cả trong trường hợp khi các bên đã tiến hành thực hiện nội dung cam kết.
+ Giao dịch dân sự vô hiệu tương đối: có hiệu lực pháp lý cho đến khi nào bị tuyên bố vô hiệu. Nó chỉ trở nên vô hiệu khi có đơn yêu cầu của người có quyền và lợi ích liên quan đồng thời cũng có quyết định của Tòa án.
3. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu
Hậu quả của GDDS vô hiệu phải tuân theo quy định tại Điều 131 BLDS 2015:
“1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.”
Riêng đối với trường hợp hợp đồng vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được (Điều 408):
“1. Trường hợp ngay từ khi giao kết, hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được thì hợp đồng này bị vô hiệu.
2. Trường hợp khi giao kết hợp đồng mà một bên biết hoặc phải biết về việc hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được nhưng không thông báo cho bên kia biết nên bên kia đã giao kết hợp đồng thì phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, trừ trường hợp bên kia biết hoặc phải biết về việc hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được.
3. Quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này cũng được áp dụng đối với trường hợp hợp đồng có một hoặc nhiều phần đối tượng không thể thực hiện được nhưng phần còn lại của hợp đồng vẫn có hiệu lực.”
Hậu quả pháp lý của GDDS vô hiệu: Không làm phát sinh, thay đỏi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên, kể từ thời điểm xác lập dù giao dịch đó đã được thực hiện hay chưa. Do vậy, việc chiếm hữu, sử dụng tài sản của các bên trong GDDS vô hiệu được coi là chiếm hữu, sử dụng tài sản không có căn cứ pháp luật, cho nên phát sinh nghĩa vụ hoàn trả do chiếm hữu, sử dụng tài sản không có căn cứ pháp luật theo quy định tại các điều từ Điều 579 đến Điều 583 BLDS 2015[1].
Khi một giao dịch dân sự được tuyên bố là vô hiệu thì có thể dẫn đến các vấn đề sau: Hoàn trả về tài sản, vấn đề thiệt hại xảy ra, vấn đề thỏa thuận của các bên khi giao dịch vô hiệu, vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba ngay tình. Trong việc hoàn trả tài sản, tùy theo từng trường hợp vi phạm cụ thể mà Tòa án có thể buộc các bên gánh chịu hậu quả theo một trong ba phương thức khác nhau: 1, Hoàn trả song phương: các bên đều phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận được từ bên kia; 2, Hoàn trả đơn phương: một bên được hoàn trả lại tài sản giao dịch, còn tài sản giai dịch thuộc bên kia (bên vi phạm) thì bị tịch thu sung công quỹ; 3, Tịch thu toàn bộ: Mọi tài sản giao dịch của cả hai bên vi phạm đều bị tịch thu sung công quỹ[2].
Do tính chất khác nhau của GDDS vô hiệu tương đối và GDDS vô hiệu tuyệt đối nên hậu quả pháp lý cũng khác nhau. Cụ thể:
a, Giao dịch dân sự vô hiệu tuyệt đối
– Trường hợp giao dịch dân sự chưa được thực hiện: Do chưa được thực hiện nên cũng chưa phát sinh vấn đề hoàn trả tài sản, hoa lợi, lợi tức. Trong trường hợp giao dịch đã được xác lập mà các bên vẫn chưa thực hiện các quyền và nghĩa vụ thỏa thuận cũng như chưa chuyển giao tài sản cho nhau thì hậu quả pháp lý vật chất không được đặt ra. Tuy nhiên, nếu giao dịch vô hiệu do có lỗi và gây thiệt hại cho bên không có lỗi thì bên có lỗi vẫn phải bồi thường.
– Trường hợp giao dịch dân sự đã, đang thực hiện: Về nguyên tắc, GDDS vô hiệu thì các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả lại được bằng hiện vật thì phải hoàn trả lại bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức bị tịch thu theo quy định của pháp luật.
b, Giao dịch dân sự vô hiệu tương đối
– Trường hợp giao dịch dân sự chưa thực hiện: Trường hợp này chưa làm phát sinh các hậu quả pháp lý cho các bên tham gia giao dịch, vì vậy vấn đề thiệt hại xảy ra, yêu cầu công nhân thỏa thuận các bên và bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình là không phát sinh trong trường hợp này.
– Trường hợp giao dịch dân sự đã, đang thực hiện: bên có lỗi làm cho giao dịch bị vô hiệu phải bồi thường cho bên bị thiệt hại hoặc người thứ ba bị thiệt hại. Nếu các bên đều có lỗi thì căn cứ vào mức độ lỗi để xác định trách nhiệm bồi thường tương ứng. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường do pháp luật quy định hoặc các bên có thỏa thuận trước về hậu quả, như: phạt, phạt cọc khi một bên có lỗi và phải chịu thiệt hại tương ứng với lỗi của họ gây ra. Đối với giao dịch vô hiệu tương đối là loại giao dịch có khả năng khắc phục, được coi là một laoij giao dịch dân sự có thể có hiệu lực nhưng cũng có thể bị vô hiệu theo sự lựa chọn của một trong các bên tham gia giao dịch. Giao dịch này thông thường không xâm phạm trật tự công cộng và đạo đức xã hội và chỉ có thể bị vô hiệu đối với bên có lỗi mà không bị vô hiệu đối với bên không có lỗi. Khi xác nhận giao dịch dân sự vô hiệu thì các quyền và nghĩa vụ của các bên đã thỏa thuận đều không có giá trị pháp lý.
II, BẢN ÁN CỦA TÒA ÁN XÁC ĐỊNH GIAO DỊCH DÂN SỰ VÔ HIỆU TRÊN THỰC TIỄN VÀ HẬU QUẢ PHÁP LÝ CỦA GIAO DỊCH ĐÓ
Từ những lý luận phân tích như trên cho thấy việc vi phạm trong giao kết hợp đồng dẫn đến giao dịch dân sự bị vô hiệu xảy ra nhiều trường hợp. Để làm rõ những trường hợp này có rất nhiều tình huống có thể làm rõ. Tuy nhiên, do hạn chế về số trang của tiểu luận nên em xin lấy ví dụ về một vụ án điển hình đó là Bản án 21/2017/DS-ST ngày 21/08/2017 về tranh chấp giao dịch về cầm cố quyền sử dụng đất.
1. Tóm tắt bản án
– Nguyên đơn: Anh Lê Văn H, sinh năm 1971. Địa chỉ: ấp 3BA, xã N, Huyện A, Tỉnh K. Có mặt
– Bị đơn: Ông Lê Văn S, sinh năm 1942; Bà Nguyễn Thị Ơ, sinh năm 1945
Cùng địa chỉ: Tổ 6, ấp 5 B, xã N, Huyện A, Tỉnh K. Có mặt
– Người làm chứng: Anh Lê Thanh T, sinh năm 1982. Địa chỉ: Ấp 5 B, xã N, Huyện A, Tỉnh K. Có mặt
– Nội dung vụ án: Ngày 29/02/2002, anh H có nhận cầm cố quyền sử dụng đất của vợ chồng ông Lê Văn S, bà Nguyễn Thị Ơ với diện tích là 05 công đất ruộng tầm 3m (tương đương 6.480m2, tọa lạc tại ấp 5 B, xã N, Huyện A, Tỉnh K với số vàng cố đất là 20 chỉ vàng 24kr (vàng 9999). Khi cố hai bên có làm giấy tay với nhau và thỏa thuận thời hạn cố từ ngày 29/02/2002 đến ngày 29/02/2004, nếu đến hạn vợ chồng ông Sứ, bà Ơ không chuộc đất thì anh tiếp tục sử dụng. Anh H đã giao vàng cho vợ chồng ông Sứ, bà Ơ xong và nhận 05 công đất canh tác. Do phần đất này năm trong chu vi đất của ông Sứ, bà Ơ nên khi nhà nước quy hoạch nuôi tôm anh không trồng lúa được nên đã cho con ông Sứ là anh Tùng thuê đến 2016. Sau khi hết hợp đồng anh Tùng không thuê nữa mà đã giao trả lại phần đất này cho ông Sứ, bà Ơ sử dụng. Hiện nay ông Sứ bà Ơ đã nhận lại đất cầm cố cho anh rồi nhưng chưa trả vàng cố đất cho anh. Vì vậy, anh H yêu cầu hủy hợp đồng cầm cố quyền sử dụng đất giữa anh với vợ chồng ông Sứ, bà Ơ ngày 29/02/2002 và yêu cầu ông Sứ, bà Ơ trả lại cho anh 20 chỉ vàng 24kr (vàng 9999).
– Nội dung giải quyết vụ án: tại bản án số 21/2017/DSST ngày 21/08/2017, Tòa án nhân dân huyện A tỉnh K đã xử:
+ Căn cứ pháp lý: Căn cứ vào Điều 35, Điều 39, Điều 144, Điều 147, Điều 271 và Điều 273 Bộ luật tố tụng dân năm 2015; Điều 179 Luật đất đai năm 2013; Điều 123, 131 Bộ luật Dân sự 2015; khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
+ Nội dung:
- Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn anh Lê Văn H.
- Tuyên bố giao dịch cầm cố quyền sử dụng đất giữa ông Lê Văn S, bà Nguyễn Thị Ơ và anh Lê Văn H xác lập ngày 29/02/2002 là vô hiệu.
- Buộc ông Lê Văn S, bà Nguyễn Thị Ơ có nghĩa vụ trả cho anh Lê Văn H 20 (Hai mươi) chỉ vàng 24kr (vàng 9999).
- Ghi nhận anh Lê Văn H đã giao và vợ chồng ông Lê Văn S, bà Nguyễn Thị Ơ đã nhận xong 05 công đất cầm cố cho anh Lê Văn H.
- Về án phí dân sự sơ thẩm:
Buộc ông Lê Văn S, bà Nguyễn Thị Ơ nộp 300.000đ (Ba trăm ngàn đồng).
Hoàn trả cho anh Lê Văn H số tiền tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp 300.000 đồng (Ba trăm ngàn đồng) theo biên lai thu tiền số 0007910 ngày 16/6/2017 của Chi cục thi hành án dân sự Huyện A.
- Quyền kháng cáo: Án xử công khai, các đương sự có mặt có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
2. Hậu quả pháp lý của bản án
– Vấn đề pháp lí của bản án “ Tranh chấp giao dịch cầm cố quyền sử dụng đất”.
– Giao dịch dân sự trong bản án được xác định là giao dịch dân sự vô hiệu tuyệt đối đã được thực hiện.
– Hậu quả pháp lý của bản án:
+ Ông Lê Văn S, bà Nguyễn Thị Ơ có nghĩa vụ hoàn trả số vàng cố đất lại cho anh Lê Văn H là 20 chỉ vàng 24kr (vàng 9999). Đối với phần đất cầm cố hiện nay anh Lê Văn H đã giao trả lại cho ông Lê Văn S, bà Nguyễn Thị Ơ xong nên Hội đồng xét xử ghi nhận và miễn xét.
+ Xét yêu cầu của ông Lê Văn S, bà Nguyễn Thị Ơ yêu cầu mỗi năm trả cho anh Lê Văn H 04 chỉ vàng đến khi trả đủ 20 chỉ là không có cơ sở chấp nhận.
3. Quan điểm của cá nhân về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự được giải quyết trong bản án
* Hậu quả pháp lý phát sinh:
– Với nội dung vụ án nêu trên, bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh K đã áp dụng Điều 35, Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Điều 179 Luật Đất đai; Điều 123 Bộ luật dân sự 2015 ra quyết định tuyên bố giao dịch cầm cố quyền sử dụng đất giữa ông Lê Văn S, bà Nguyễn Thị Ơ và anh Lê Văn H xác lập ngày 29/02/2002 là vô hiệu.
Pháp luật cho phép các chủ thể được tự do xác lập về thực hiện giao dịch dân sự. Tuy nhiên “tự do thực hiện giao dịch dân sự” chỉ được thừa nhận ở một mức độ hợp lý nếu giao dịch đó không trái pháp luật và trái đạo đức. Xét thấy, quyết định này của Tòa án nhân dân huyện A là hoàn toàn phù hợp và đúng theo pháp luật. Bởi, theo quy định tại Điều 179 của Luật Đất đai hiện hành quy định về quyền của người sử dụng đất thì không quy định người sử dụng đất được phép cầm cố quyền sử dụng đất. Như vậy, việc thỏa thuận cầm cố quyền sử dụng đất giữa ông Lê Văn S, bà Nguyễn Thị Ơ với anh Lê Văn H là vi phạm pháp luật nên bị vô hiệu theo quy định tại Điều 123 Bộ luật dân sự 2015: “Điều cấm của pháp luật là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định”.
Khi tìm hiểu nguyên nhân của giao dịch dân sự vô hiệu, áp dụng vào trường hợp cụ thể này thì chúng ta có thể thấy một bộ phận không nhỏ trong xã hội thiếu kiến thức pháp luật, không hiểu biết về quyền và nghĩa vụ của chính mình nên mới dẫn đến tranh chấp. Khi Tòa án giải quyết theo đúng pháp luật thì ít nhiều cũng ảnh hưởng không nhỏ đến phần tài sản giao dịch vì các bên trả lại cho nhau những gì đã nhận mà giao dịch đó diễn ra trước khi Tòa xử cũng là 15 năm. Do đó, hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu sẽ dẫn đến những hệ lụy không thể tránh khỏi, đây là hậu quả khi các bên không tìm hiểu pháp luật, thực hiện giao dịch dân sự dựa trên ý chí và nguyện vọng của mình.
– Theo quyết định đó, hậu quả pháp lý của bản án cũng phù hợp, đúng theo tinh thần pháp luật. Vì, theo quy định tại Điều 131 Bộ luật dân sự 2015, “1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập; 2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận”. Do đó, ông Lê Văn S, bà Nguyễn Thị Ơ có nghĩa vụ hoàn trả số vàng cố đất lại cho anh Lê Văn H là 20 chỉ vàng 24kr (vàng 9999) là hợp lý. Và đối với phần đất là 05 công đất tầm 3m khi anh H giao dịch với vợ chồng ông S, bà Ơ ngày 29/2/2002 thì hiện nay ông S, bà Ơ đã nhận lại nên Tòa không xét đến.
Theo chi tiết vụ việc trên, cá nhân em nhận thấy rằng, hậu quả pháp lý của bản án đã đúng theo quy định của pháp luật, đảm bảo cho việc thiết lập giao dịch được pháp luật bảo vệ, quyền và nghĩa vụ của các bên được cân bằng. Trong vụ án này, do phần đất giao dịch giữa anh H với vợ chồng ông S bà Ơ nằm trong chu vi đất của ông Sứ, bà Ơ nên khi nhà nước quy hoạch nuôi tôm anh không trồng lúa được nên đã cho con ông Sứ là anh Tùng thuê đến 2016. Sau khi hết hợp đồng anh Tùng không thuê nữa mà đã giao trả lại phần đất này cho ông Sứ, bà Ơ sử dụng. Tức là, tài sản là đối tượng của giao dịch vẫn giữ nguyên, có tác động nhưng không ảnh hưởng đến lợi ích của hai bên, và ông S, bà Ơ cũng không có ý kiến gì về việc trả hoa lợi ,lợi tức nên phần đất này sẽ không phải trị giá bằng tiền mà trả bằng hiện vật, ông S, bà Ơ cũng sẽ có nghĩa vụ trả lại anh H 20 chỉ vàng 24kr (vàng 9999).
– Xét yêu cầu của ông Lê Văn S, bà Nguyễn Thị Ơ yêu cầu mỗi năm trả cho anh Lê Văn H 04 chỉ vàng đến khi trả đủ 20 Tòa tuyên án là không có cơ sở chấp nhận. Bởi theo khoản 2 Điều 131 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “ Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận ”. Việc ông bà nhận của anh H 20 chỉ vàng 24kr thì phải có nghĩa vụ trả anh H 20 chỉ vàng 24kr. Trong trường hợp anh H đồng ý cho ông bà trả mỗi năm 04 chỉ vàng thì Hội đồng xét xử ghi nhận sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự. Tuy nhiên, anh H không đồng ý cho ông bà trả dần mỗi năm 04 chỉ vàng nên Hội đồng xét xử căn cứ vào quy định pháp luật buộc ông bà có nghĩa vụ trả cho anh H 20 chỉ vàng 24kr. Từ các nhận định nêu trên, sau khi thảo luận Hội đồng xét xử thống nhất chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Lê Văn H, buộc ông Lê Văn S, bà Nguyễn Thị Ơ có nghĩa vụ trả cho Lê Văn H 20 chỉ vàng 24kr (vàng 9999).
Đối với quyết định về hậu quả pháp lý này, cá nhân em cho rằng chưa đảm bảo lợi ích của các bên tham gia giao dịch. Vì sở dĩ giao dịch dân sự này bị vô hiệu là do lỗi của cả hai bên, theo nguyên tắc khi giao dịch dân sự bị vô hiệu thì các bên trả lại cho nhau những gì đã nhận. Khi xác lập giao dịch, ông S bà Ơ có nhận của anh H 20 chỉ vàng 24kr (vàng 9999). Theo như em tìm hiểu giá vàng này tại thời điểm ngày 29/2/2002 là 2,950 triệu đồng/1 chỉ và tính đến thời điểm giao dịch dân sự bị tuyên là vô hiệu là ngày 21/8/2017 giá vàng là 3,520 triệu đồng/1 chỉ. Như vậy, ta có thể dễ dàng nhận thấy giá vàng tại hai thời điểm khác nhau rất lớn. Nếu như phía ông S, bà Ơ đã sử dụng số vàng này rồi thì khả năng trả 20 chỉ vàng cùng một lúc là khó thực hiện, chưa kể ông S, bà Ơ đã tuổi cao, không lao động được nhiều, nên cá nhân em nhận thức được rằng Tòa án cần phải cân nhắc thêm, chấp nhận yêu cầu của ông S, bà Ơ mỗi năm trả 4 chỉ vàng cho đến khi trả xong. Điều này vẫn tuân thủ những quy định của pháp luật mà còn hợp lý, đảm bảo lợi ích của cả hai bên khi giao dịch dân sự bị tuyên bố vô hiệu.
* Hậu quả phải bồi thường thiệt hại:
– Trong vụ án này, mức độ thiệt hại của các bên tham gia giao dịch là không được nhắc đến vì trên thực tế phần thiệt hại là không đáng kể hoặc không có. Hơn nữa, yếu tố lỗi trong vụ án này thuộc về cả hai bên tham gia giao dịch. Ông S, bà Ơ có lỗi đã không hiểu biết pháp luật hoặc do lỗ hổng của pháp luật làm cho học không hiểu hoặc hiểu sai, họ đã đem phần đất tương ứng là 05 công đất tầm 3m của mình đi cầm cố; nhưng anh H cũng có lỗi không tìm hiểu trước khi tiến hành giao dịch để cuối cùng không thỏa thuận được dẫn đến tranh chấp. Do vậy, không có ai phải bồi thường thiệt hại.
* Hậu quả pháp lý phát sinh đối với người thứ ba ngay tình:
– Theo nguyên tắc, khi giao dịch dân sự vô hiệu thì ngoài việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch thì còn phải đảm bảo lợi ích xã hội, lợi ích công cộng và các chủ thể khác. Tuy nhiên, trong vụ án này chỉ có hai bên trực tiếp tham gia giao dịch và người có quyền và nghĩa vụ liên quan là anh Tùng con ông S, không tồn tại người thứ ba ngay tình nên hậu quả này cũng không được xét đến.
III, THỰC TRẠNG – PHƯƠNG HƯỚNG ÁP DỤNG LUẬT ĐỂ TUYÊN BỐ GIAO DỊCH DÂN SỰ VÔ HIỆU, HẬU QUẢ PHÁP LÝ CỦA VIỆC TUYÊN BỐ GIAO DỊCH DÂN SỰ VÔ HIỆU
1. Thực trạng
Hiện nay ở nước ta hàng năm có số lượng án giao dịch dân sự chiếm tỷ lệ khá lớn so với các án dân sự và hôn nhân gia đình, khoảng 70% – 80%, số lượng án giao dịch dân sự vô hiệu chiếm khoảng 15% – 20%, số lượng án giải quyết ở cấp sơ thẩm bị cấp phúc thẩm cải sửa còn cao hơn 50%. Với những con số ấy ta có thể thấy thực trạng sử dụng pháp luật và áp dụng pháp luật ở nước ta còn nhiều hạn chế. Thông thường, các bên khi tham gia giao dịch không nắm được những quy định của pháp luật mà thực hiện giao dịch chủ yếu dưới dạng tự phát, dẫn đến nhiều giao kết vô hiệu ngay tại thời điểm ký kết mà các bên không biết, vẫn thực hiện khi có tranh chấp mới yêu cầu hủy.
Khi giải quyết các vụ việc đã thực hiện rồi thì các thẩm phán thường lúng túng, phải cân nhắc có nên hủy hay không, nếu hủy giao dịch dân sự vô hiệu thì phù hợp với pháp luật nhưng không phù hợp với thực tiễn và ngược lại, thậm chí còn có trường hợp tuyên bố hủy nhưng vẫn công nhận. Mặt khác, diễn biến của giao dịch dân sự vô hiệu phức tạp do sự biến đổi về giá cả thị trường, có khi tài sản bị chênh lệch giá cả giữa lúc xác lập giao dịch và lúc giải quyết gấp 4,5 lần… Trong khi đó, đường lối giải quyết hậu quả của các giao dịch dân sự vô hiệu lại không nhất quán giữa các thành viên trong hội đồng xét xử, không mang lại sự công bằng cho các đương sự. Chính vì lẽ đó, nhiều khi đương sự lợi dụng sơ hở của pháp luật đã thất hứa, yêu cầu hủy giao dịch nhằm chuộc lợi cho mình. Hiện nay còn tồn tại tình trạng giải quyết một vụ án nhiều lần, nhiều cấp xét xử nhưng vẫn chưa đưa ra được quyết định phù hợp, các đương sự vẫn tiếp tục khiếu nại căng thẳng.
Vấn đề có liên quan đến hậu quả pháp lý của việc tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu:
+ Về hậu quả các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận: trên thực tế việc hoàn trả này không thật sự đảm bảo lợi ích của các chủ thể đặc biệt là trong các giao dịch có đối tượng là nhà, quyền sử dụng đất. Khi các giao dịch có đối tượng như trên bị vô hiệu, bên mua sẽ trả lại nhà, đất cho bên bán còn bên bán sẽ trả tiền cho bên mua. Một điều dễ nhận ra trong việc hoàn trả này đó chính là sự chênh lệch về số lượng tài sản. Lúc này tài sản hai bên thường không có giá trị ngang nhau như lúc kí kết giao dịch nữa. Việc này dẫn đến sự mất cân bằng về mặt lợi ích.
+ Sau một thời gian sau khi giao dịch dân sự được thiết lập, thường thì các đối tượng của giao dịch đã bị sửa đổi, cải tạo, không còn nguyên vẹn. Trong những trường hợp như thế này mà giao dịch dân sự bị vô hiệu sẽ rất khó xử lý trong việc hoàn trả tài sản. Về vấn đề này pháp luật cũng chưa quy định rõ.
+ Về hậu quả hoàn trả lại tiền nếu không hoàn trả lại bằng hiện vật: hiện nay pháp luật cũng chưa quy định về việc hoàn trả bằng tiền được tính theo giá trị của tài sản tại thời điểm hoàn trả hay tính theo giá trị của tài sản tại thời điểm các bên xác lập giao dịch. Vấn đề này rất quan trọng trong việc đảm bảo lợi ích các bên, đặc biệt là đối với các giao dịch có đối tượng thường xuyên thay đổi về giá cả.
2. Một số góp ý về giải pháp
– Trước tiên, vấn đề quan trọng nhất đó là giáo dục cho mọi người dân biết rõ hơn các quy định của pháp luật nói chung và pháp luật dân sự về vấn đề giao dịch dân sự nói riêng. Bởi lẽ có làm được điều này thì chúng ta sẽ hạn chế được một số lượng đáng kể các vụ việc tranh chấp về giao dịch dân sự vô hiệu.
– Những người cầm cán cân công lý cũng cần phải bồi dưỡng nâng cao trình độ không chỉ trên lý thuyết mà còn phải dực vào thực tế và những người trong nội bộ hội đồng xét xử không chỉ các vụ án về giao dịch dân sự mà các vụ án khác cũng cần có tiếng nói chung. Tránh tình trạng mỗi người một quan điểm, mỗi cấp một quan điểm như vậy sẽ làm cho nhân dân mất lòng tin, có thể còn dẫn đến tình trạng một số đối tượng lợi dụng sự bất đồng quan điểm đó nhằm chuộc lợi cho bản thân
– Ngoài ra, các cấp chính quyền cũng cần xiết chặt hơn nữa công tác quản lý về các mặt của đời sống xã hội của nhân dân để hạn chế phần nào các vi phạm pháp luật nói chung và vi phạm các hợp đồng dân sự nói riêng.
– Từ thực tiễn xét xử tại các Tòa án về xử lý hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu, có thể thấy, hợp đồng dân sự bị tuyên bố vô hiệu thường thuộc hai dạng sau:
Thứ nhất, hợp đồng bị tuyên bố là vô hiệu vì bản thân hợp đồng không đem lại lợi ích cho ít nhất một bên chủ thể như mong muốn của họ. Ví dụ như: hợp đồng vô hiệu do một bên bị lừa dối, bị nhầm lẫn, bị đe dọa.
Thứ hai, hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu bởi một lý do, nhưng lý do này không làm ảnh hưởng đến lợi ích mà các bên mong muốn. Ví dụ như: hợp đồng vô hiệu do vi phạm hình thức của hợp đồng hoặc hợp đồng vô hiệu do một bên chủ thể không có đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Thương mại.
Có thể nhận thấy, đối với dạng hợp đồng vô hiệu thứ nhất thì việc xử lý hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu là các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận… sẽ đem lại sự công bằng cho bên có lợi ích nhưng không đạt được. Nhưng đối với dạng hợp đồng vô hiệu thứ hai, thì khi giao kết và thực hiện hợp đồng, các bên đều đã đạt được mong muốn của mình, do đó, việc áp dụng một cách cứng nhắc quy định “khôi phục tình trạng ban đầu”, “hoàn trả cho nhau những gì đã nhận”… rõ ràng là không cần thiết. Hợp đồng này không làm ảnh hưởng đến lợi ích của các bên, lợi ích của người thứ ba hay của cộng đồng.
Sự chấp nhận này sẽ hạn chế được tình trạng tuyên bố hợp đồng vô hiệu tràn lan do một bên chủ thể lợi dụng quy định của pháp luật để “bội ước” hợp đồng hay sự lúng túng của Tòa án trong việc xét xử hợp đồng vô hiệu do vi phạm về hình thức hoặc không thỏa mãn điều kiện đăng ký kinh doanh. Và các quy định về hậu quả pháp lý đối với các hợp đồng trên cũng phải được sửa đổi, bổ sung.[3]
Với những quan điểm pháp luật đầy đủ, rõ ràng phù hợp với quy luật phát triển của kinh tế thị trường sẽ góp phần tạo môi trường kinh tế – xã hội thuận lợi, lành mạnh, đem lại lợi ích không nhỏ cho các chủ thể và sự phát triển kinh tế đất nước. Đặc biệt hơn nữa, với vị trí và tầm quan trọng của Bộ luật dân sự thì những quy định về GDDS hoặc các luật chuyên ngành điều chỉnh như Luật thương mại, Luật đất đai, Luật nhà ở,.. Nếu không có những quy định cụ thể, rành mạch sẽ làm cho các chủ thể hoang mang, thậm chí là mang tâm lý bắt buộc khi tham gia GDDS, gây ra những hậu quả khó lường. Vì vậy, cần xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật về GDDS vô hiệu, phù hợp với thực tiễn, tạo môi trường giao dịch thuận lợi để các cơ quan nhà nước nói chung, cơ quan tư pháp nói riêng hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ mà Nhà nước giao.
PHỤ LỤC
TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN A TỈNH K
BẢN ÁN 21/2017/DS-ST NGÀY 21/08/2017 VỀ TRANH CHẤP GIAO DỊCH VÀ CẦM CỐ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Ngày 21 tháng 8 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành Huyện A, Tỉnh K xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 111/2017/TLST-DS ngày 22 tháng 6 năm 2017, về việc “Tranh chấp giao dịch dân sự cầm cố quyền sử dụng đất” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 76/2017/QĐXXST-DS ngày 04 tháng 8 năm 2017, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Anh Lê Văn H, sinh năm 1971. Địa chỉ: ấp 3BA, xã N, Huyện A, Tỉnh K. Có mặt
2. Bị đơn: Ông Lê Văn S, sinh năm 1942
Bà Nguyễn Thị Ơ, sinh năm 1945
Cùng địa chỉ: Tổ 6, ấp 5 B, xã N, Huyện A, Tỉnh K. Có mặt
3. Người làm chứng: Anh Lê Thanh T, sinh năm 1982. Địa chỉ: Ấp 5 B, xã N, Huyện A, Tỉnh K. Có mặt
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện đề ngày 10/4/2017 và các lờ khai tiếp theo trong quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn anh Lê Văn H trình bày: Nguyên vào ngày 29/02/2002, anh có nhận cầm cố quyền sử dụng đất của vợ chồng ông Lê Văn S, bà Nguyễn Thị Ơ với diện tích là 05 công đất ruộng tầm 3m (tương đương 6.480m2, tọa lạc tại ấp 5 B, xã N, Huyện A, Tỉnh K với số vàng cố đất là 20 chỉ vàng 24kr (vàng 9999). Khi cố hai bên có làm giấy tay với nhau và thỏa thuận thời hạn cố từ ngày 29/02/2002 đến ngày 29/02/2004, nếu đến hạn vợ chồng ông Sứ, bà Ơ không chuộc đất thì anh tiếp tục sử dụng. Anh đã giao vàng cho vợ chồng ông Sứ, bà Ơ xong và nhận 05 công đất canh tác. Do phần đất này năm trong chu vi đất của ông Sứ, bà Ơ nên khi nhà nước quy hoạch nuôi tôm anh không trồng lúa được nên đã cho con ông Sứ là anh Tùng thuê đến 2016. Sau khi hết hợp đồng anh Tùng không thuê nữa mà đã giao trả lại phần đất này cho ông Sứ, bà Ơ sử dụng. Hiện nay ông Sứ bà Ơ đã nhận lại đất cầm cố cho anh rồi nhưng chưa trả vàng cố đất cho anh.
Nay anh H yêu cầu hủy hợp đồng cầm cố quyền sử dụng đất giữa anh với vợ chồng ông Sứ, bà Ơ ngày 29/02/2002 và yêu cầu ông Sứ, bà Ơ trả lại cho anh 20 chỉ vàng 24kr (vàng 9999).
Bị đơn, ông Lê Văn S trình bày: Ông thống nhất là vào năm 2002, vợ chồng ông có cố cho anh Lê Văn H 05 công đất ruộng tầm 3m, tọa lạc tại ấp 5 B, xã N, Huyện A, Tỉnh K với số vàng là 20 chỉ vàng 24kr (vàng 9999), phần đất này nằm trong chu vi diện tích đất 30 của ông, khi cố hai bên thỏa thuận khi nào vợ chồng ông có vàng thì chuộc lại đất, nếu không chuộc thì anh H cứ canh tác. Sau khi Nhà nước quy hoạch nuôi tôm thì anh H cho con trai ông tên là Tùng thuê lại mỗi công 800.000đ/năm, từ 2013 đến năm 2016 anh H cho Tùng thuê với số tiền 10.000.000đ/diện tích 05 công. Sau khi hết hợp đồng thì anh Tùng không thuê nữa và anh H cũng không canh tác nên vợ chồng ông đã nhận lại phần đất này rồi. Vì đất này nằm trong chu vi đất của ông chưa có bờ bao riêng.
Nay ông yêu cầu mỗi năm trả cho anh H 04 chỉ vàng 24kr đến khi trả đủ 20 chỉ vàng 24kr. Vì trả một lần 20 chỉ ông không có khả năng.
Bị đơn, bà Nguyễn Thị Ơ trình bày: Bà thống nhất với lời trình bày và yêu cầu của chồng bà là ông Lê Văn S.
Người làm chứng, anh Lê Thanh T trình bày: Trước đây anh có thuê 05 công đất của anh H, giá thuê mỗi công là 800.000đ/năm, từ năm 2013 anh thuê đến năm 2016, thời hạn thuê là 03 năm với giá 10.000.000đ/05 công đất. Sau khi hết hợp đồng anh không thuê nữa và phần đất này hiện nay cha mẹ anh là ông Sứ, bà Ơ đang quản lý.
Nay anh có ý kiến là yêu cầu anh H cho cha mẹ anh chuộc lại mỗi năm là 04 chỉ vàng, chuộc lại một lần 20 chỉ là cha mẹ anh không có khả năng.
Tài liệu, chứng cứ do các bên đương sự cung cấp gồm: Tờ cố đất ngày 29/02/2002, hợp đồng cho thuê đất, biên bản hòa giải của ban lãnh đạo ấp 5 B ngày 08/4/2017.
Quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa hôm nay: Các đương sự giữ nguyên ý kiến, yêu cầu khởi kiện như đã trình bày trên.
Phần các đương sự thống nhất nhau:
– Phần diện tích 05 công đất cố vợ chồng ông Sứ, bà Ơ đã nhận lại rồi.
– Ông Sứ, bà Ơ còn nợ anh H số vàng cố đất là 20 chỉ vàng 24kr (vàng 9999).
Phần không thỏa thuận được:
– Anh Lê Văn H yêu cầu ông Sứ, bà Ơ trả cho anh số vàng cố đất là 20 chỉ vàng 24kr, trả đủ một lần.
– Ông Sứ, bà Ơ yêu cầu mỗi năm trả 04 chỉ vàng 24kr cho anh H đến khi dứt nợ.
Tại phiên tòa kiểm sát viên phát biểu:
Về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán trong thời gian chuẩn bị xét xử:
Thẩm phán đã thụ lý vụ án đúng thẩm quyền, xác định đúng mối quan hệ pháp luật tranh chấp, tổ chức hòa giải, thu thập chứng cứ đúng theo trình tự Bộ luật tố tụng dân sự. Tuy nhiên, Thẩm phán chuyển hồ sơ cho việc kiểm sát nghiên cứu chưa đúng quy định tại Điều 220 Bộ luật tố tụng dân sự và sắp xếp hồ sơ chưa đúng quy định tại Điều 204 Bộ luật tố tụng dân sự.
Việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử, Thư ký tại phiên tòa: Hội đồng xét xử tiến hành phiên tòa sơ thẩm đúng theo trình tự Bộ luật tố tụng dân sự. Thư ký ghi biên bản phiên tòa đúng chức năng, nhiệm vụ của mình.
Đối với đương sự tham gia giải quyết vụ án đã thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật.
Về nội dung vụ án: Căn cứ vào hồ sơ vụ án, các chứng cứ đương sự cung cấp, lời khai của các đương sự. Thấy rằng yêu cầu của nguyên đơn anh Lê Văn H là có cơ sở chấp nhận. Bởi vì, theo luật đất đai hiện hành không quy định người sử dụng đất được phép cầm cố. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điều 123, 131 Bộ luật dân sự 2015 để tuyên bố giao dịch cầm cố quyền sử dụng đất giữa anh H với ông Sứ, bà Ơ là vô hiệu và buộc ông Sứ, bà Ơ trả lại cho ông H 20 chỉ vàng 24kr (vàng 9999).
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ do các đương sự cung cấp, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về thẩm quyền giải quyết vụ án: Nguyên đơn anh Lê Văn H khởi kiện bị đơn vợ chồng ông Lê Văn S, bà Nguyễn Thị Ơ có nơi cư trú trên địa bàn Huyện A nên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân Huyện A theo quy định tại Điều 35, Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
[2] Về quan hệ pháp luật tranh chấp: Nguyên đơn anh Lê Văn H yêu cầu hủy hợp đồng cầm cố giữa anh với vợ chồng ông Lê Văn S, bà Nguyễn Thị Ơ nên quan hệ pháp luật được xác định trong vụ án là “Tranh chấp giao dịch cầm cố quyền sử dụng đất”.
[3] Về nội dung vụ án: Anh Lê Văn H và vợ chồng ông Lê Văn S, bà Nguyễn Thị Ơ thống nhất là vào ngày 29 tháng 02 năm 2002, ông Sứ, bà Ơ có cố cho anh H 05 công đất tầm 3m với số vàng là 20 chỉ vàng 24kr (vàng 9999). Hiện nay phần đất cố ông Sứ, bà Ơ đã nhận lại rồi nhưng chưa trả lại vàng cố đất cho anh H.
Hội đồng xét xử, xét thấy anh H yêu cầu Tòa án hủy hợp đồng cầm cố quyền sử dụng đất giữa anh với ông Sứ, bà Ơ và yêu cầu ông Sứ, bà Ơ trả lại cho anh 20 chỉ vàng 24kr là có cơ sở chấp nhận. Bởi, theo quy định tại Điều 179 của Luật Đất đai hiện hành quy định về quyền của người sử dụng đất thì không quy định người sử dụng đất được phép cầm cố quyền sử dụng đất. Do đó, việc thỏa thuận cầm cố quyền sử dụng đất giữa ông Lê Văn S, bà Nguyễn Thị Ơ với anh Lê Văn H là vi phạm pháp luật nên bị vô hiệu theo quy định tại Điều 123 Bộ luật dân sự 2015.
Điều 123 Bộ luật dân sự 2015, có quy định: Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội.
“Điều cấm của pháp luật là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định”.
Theo quy định tại Điều 131 Bộ luật dân sự 2015, có quy định về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự bị vô hiệu như sau:
1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Như vậy, giao dịch cầm cố quyền sử dụng đất giữa ông Lê Văn S, bà Nguyễn Thị Ơ và anh Lê Văn H xác lập ngày 29/02/2002 là vô hiệu. Do đó, ông Lê Văn S, bà Nguyễn Thị Ơ có nghĩa vụ hoàn trả số vàng cố đất lại cho anh Lê Văn H là 20 chỉ vàng 24kr (vàng 9999) là phù hợp. Đối với phần đất cầm cố hiện nay anh Lê Văn H đã giao trả lại cho ông Lê Văn S, bà Nguyễn Thị Ơ xong nên Hội đồng xét xử ghi nhận và miễn xét.
Xét yêu cầu của ông Lê Văn S, bà Nguyễn Thị Ơ yêu cầu mỗi năm trả cho anh Lê Văn H 04 chỉ vàng đến khi trả đủ 20 chỉ là không có cơ sở chấp nhận. Bởi theo khoản 2 Điều 131 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “ Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận ”. Việc ông bà nhận của anh H 20 chỉ vàng 24kr thì phải có nghĩa vụ trả anh H 20 chỉ vàng 24kr. Trong trường hợp anh H đồng ý cho ông bà trả mỗi năm 04 chỉ vàng thì Hội đồng xét xử ghi nhận sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự. Tuy nhiên, anh H không đồng ý cho ông bà trả dần mỗi năm 04 chỉ vàng nên Hội đồng xét xử căn cứ vào quy định pháp luật buộc ông bà có nghĩa vụ trả cho anh H 20 chỉ vàng 24kr, khi nào Bản án có hiệu lực pháp luật thì các bên căn cứ Bản án để yêu cầu thi hành án theo Luật thi hành án dân sự.
Từ các nhận định nêu trên, sau khi thảo luận Hội đồng xét xử thống nhất chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Lê Văn H, buộc ông Lê Văn S, bà Nguyễn Thị Ơ có nghĩa vụ trả cho Lê Văn H 20 chỉ vàng 24kr (vàng 9999).
[4] Về án phí DSST:
Căn cứ Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Án phí dân sự sơ thẩm 300.000đ (ba trăm nghìn đồng).
Yêu cầu của anh Lê Văn H được chấp nhận nên không phải chịu án phí. Hoàn trả lại cho anh Lê Văn H số tiền tạm ứng án phí đã nộp.
Buộc ông Lê Văn S, bà Nguyễn Thị Ơ nộp 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng). Xét thấy, kiểm sát viên phát biểu về việc vi phạm của Thẩm phán về thời hạn chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát nghiên cứu và sắp xếp hồ sơ chưa đúng trình tự là phù hợp. Thẩm phán ghi nhận và rút kinh nghiệm khắc phục cho các vụ án khác. Xét thấy về nội dung Kiểm sát viên đề nghị là có cơ sở chấp nhận như Hội đồng xét xử phân tích ở phần trên.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào Điều 35, Điều 39, Điều 144, Điều 147, Điều 271 và Điều 273 Bộ luật tố tụng dân năm 2015; Điều 179 Luật đất đai năm 2013; Điều 123, 131 Bộ luật Dân sự 2015; khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn anh Lê Văn H.
2. Tuyên bố giao dịch cầm cố quyền sử dụng đất giữa ông Lê Văn S, bà Nguyễn Thị Ơ và anh Lê Văn H xác lập ngày 29/02/2002 là vô hiệu.
3. Buộc ông Lê Văn S, bà Nguyễn Thị Ơ có nghĩa vụ trả cho anh Lê Văn H 20 (Hai mươi) chỉ vàng 24kr (vàng 9999).
4. Ghi nhận anh Lê Văn H đã giao và vợ chồng ông Lê Văn S, bà Nguyễn Thị Ơ đã nhận xong 05 công đất cầm cố cho anh Lê Văn H.
5. Về án phí dân sự sơ thẩm:
Buộc ông Lê Văn S, bà Nguyễn Thị Ơ nộp 300.000đ (Ba trăm ngàn đồng).
Hoàn trả cho anh Lê Văn H số tiền tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp 300.000 đồng (Ba trăm ngàn đồng) theo biên lai thu tiền số 0007910 ngày 16/6/2017 của Chi cục thi hành án dân sự Huyện A.
6. Quyền kháng cáo:
Án xử công khai, các đương sự có mặt có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành thoequy định Điều 2 luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo Điều 6,7,9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án dân sự được quy định theo Điều 30 Luật thi hành án dân sự
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Trường đại học luật Hà Nội Giáo trình “ Luật dân sự Việt Nam – tập I”, Nxb Công an nhân dân, 2018.
- Bộ luật dân sự 2015( có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017), Nxb Lao động
- Luật đất đai 2013 ( có hiệu lực thi hành ngày 1 tháng 7 năm 2014)
- Luật Tố tụng dân sự 2015
- Trịnh Thị Hòa, Luận văn thạc sĩ “ Giao dịch dân sự vô hiệu và hậu quả pháp lí của giao dịch dân sự vô hiệu”, 2017
[1] Nguyễn Minh Tuấn (chủ biên, 2016), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2015, Nhà xuất bản Tư pháp, tr203
[2] Trịnh Thị Hòa, Giao dịch dân sự vô hiệu và hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu, 2017, tr22
[3] Nguyễn Thị Thanh (2013) “ Hoàn thiện các quy định về xử lý hậu quả của hợp đồng dân sư