Kỹ thuật, quy trình uốn tóc đúng chuẩn cho nhà tạo mẫu tóc

1.Uốn tóc bền nếp là gì?

Uốn tóc bền nếp hay Permannat wave là những kỹ thuật, thao tác người thợ làm tóc thực hiện trên mái tóc của khách hàng để tạo ra một mái tóc quăn bền bỉ có thể chịu được những tác động như gội, chải, sấy,… hay các tác nhân môi trường như mưa, gió, nắng,…mà vẫn giữ được hình dáng.

2.Những tác động lên mái tóc khi uốn

Để tạo một mái tóc quăn bền nếp, người thợ làm tóc phải phải tác động lên mái tóc khách hàng cả tác động vật lí và tác động hóa học nhằm mục đích định hình sợi tóc thành những lọn quăn như mong muốn và giữ nguyên hình dạng đó.

2.1 Tác động vật lí

  • Là lực ta tác động vào tóc để quấn tóc vào cây uốn sao cho tóc không bị kéo quá căng, chặt mà phải ôm vừa vặn vào thân cây uốn để khi thoa hóa chất tóc dãn nở vẫn theo hình dạng cây uốn một cách tự nhiên.
  • Nhiệt lượng tỏa ra từ các loại máy uốn tóc setting cũng là một tác nhân vật lí tác động lên mái tóc, nhằm mục đích tạo ra những lọn tóc quăn có hình dạng mong muốn
Tác động vật lý lên tóc bao gồm từ dụng cụ và nhiệt

2.2 Tác động hóa học

Tác động hóa học là những tác động từ các loại hóa chất uốn tóc lên sợi tóc khi ta thao hóa chất lên tóc. Hóa chất uốn tóc có tác dụng bẻ gãy các liên kết hóa học hiện tại của sợi tóc là liên kết hydro và disunfua để hình thành các liên kết hydro và disunfua với cấu trúc mới từ đó tạo là những lọn tóc quăn bền bỉ.

Tác động hóa học lên tóc chủ yếu từ các hóa chất uốn tóc, kem dưỡng tóc, dầu gội

Có 2 loại hóa chất cần thiết cho quá trình uốn tóc đi cùng với 2 chu trình sửa soạn tóc.

Tác động hóa chất lần một: thuốc uốn (Permanent lotion)

Đây là giai đoạn cắt đứt tạm thời các liên kết hóa học hydro và Disunfua của sợi tóc, chuẩn bị cho giai đoạn tạo hình sợi tóc tiếp theo.

Khi uốn tóc ta sử dụng nước đồng thời với chất Thio có khả năng làm gãy một phần cầu nối Disunfua.  Điều này làm phá bỏ cấu trúc Protein cũ và có thể xê xích trong một khoảng cách rất nhỏ để chuyển sang một vị trí khác. Và hình thành lên một cấu trúc protein mới sau khi uốn.

Sau quá trình này sợi tóc sẽ mềm rũ ra và uốn cong mềm mại theo hình dáng của cây uốn.

Tác động hóa chất lần hai: thuốc dập (Neutralizer)

Dưới tác động của hóa chất, các liên kết hóa học vừa bị bẻ gãy sẽ được hình thành lại với cấu trúc khác đặc biệt là liên kết disunfua. Kết quả sợi tóc cứng lại, giữ nguyên hình dạng lọn quăn vừa mới tạo ngay cả khi tháo cây uốn.

Một số loại hóa chất được dùng hiện nay

  • Thuốc uốn dạng kiềm: Alkaline Perms, hóa chất này dùng một loại kiềm Alkaline rất mạnh, thường là Ammonium Thioglycolate có cường độ pH từ 8.2 – 10, tác động mạnh và bền lâu lên sợi tóc, giữ lọn xoăn trong thời gian lâu.
  • Thuốc uốn dạng axit: Acid Balanced Perm, loại này có cường độ pH nhẹ hơn, từ 4.5 – 8, dùng tạo những lọn xoăn nhẹ, gợn sóng. Ưu điểm của việc sử dụng acid permanent là không làm tổn thương tóc vì độ pH nhẹ nhưng trong quá trình uốn cần thời gian lâu hơn để có lọn xoăn vừa ý. Trong nhiều trường hợp, có thể dùng thêm nhiệt để đẩy nhanh quá trình làm xoăn của thuốc.

Các kí hiệu thường in trên hộp thuốc:

Số: 0 hoặc R thường có màu đỏ: là loại thuốc mạnh

Số: 1 hoặc N thường có màu xanh lá: là loại thuốc trung bình

Số: 2 hoặc F,D thường có màu xanh đậm: là loại thuốc yếu

Người thợ làm tóc dựa vào kinh nghiệm cũng có thể pha các loại thuốc mạnh yếu tùy tình trạng tóc của khách hàng, hoặc pha thêm các loại dưỡng tóc để sau khi uốn mái tóc có thể bóng mượt, khỏe mạnh.

3.Khảo sát tình trạng tóc

Để có một mái tóc uốn đẹp, tình trạng tóc hiện tại là một yếu tố quyết định rất lớn. Do đó người thợ làm tóc phải kiểm tra đánh giá được tình trạng hiện tại của tóc khách hàng để lựa chọn được loại thuốc uốn, phương pháp uốn phù hợp cũng như các giải pháp chăm sóc tóc hiệu quả hơn.

3.1 Tình trạng da dầu

Kiểm tra kĩ tình trạng da đầu của khách hàng xem có vết thương hay xây xát không vì việc sử dụng hóa chất có thể thông qua vết thương gây ảnh hưởng tới sức khỏe của khách hàng.

3.2 Tình trạng tóc

Khảo sát tình trạng tóc, tình trạng da dầu để quyết định các bước cần làm để uốn tóc

Khả năng thấm hút của tóc

Là khả năng thấm hút chất lỏng của tóc nhanh hay chậm. Khả năng này giúp cho tóc có thể thấm hút hóa chất, người thợ làm tóc cần phân biệt được khả năng thấm hút của tóc để lựa chọn được loại thuốc có nồng độ phù hợp cũng như thời gian lưu giữ thuốc trên tóc phù hợp.

Tóc thấm hút xấu

Là loại tóc tự nhiên, chưa từng qua sử dụng hóa chất, cấu trúc sợi tóc to, lớp vỏ ngoài áp sát với thân tóc. Loại tóc này đề kháng với hầu hết loại thuốc uốn, nên cần thời gian ủ thuốc dài và nồng độ thuốc mạnh.

Tóc thấm hút trung bình

Là loại tóc đã qua một lần dùng hóa chất, nhưng chưa tổn hại nhiều, cấu trúc sợi nhỏ hơn. Cần thời gian và nồng độ trung bình.

Tóc thấm hút tốt

Là loại tóc đã qua sử dụng hóa chất vài lần, nhưng chưa quá hư tổn, có nhiều lỗ hút thấm hơn các loại trên, nên khả năng hút thấm hóa chất tốt do đó nên giữ hóa chất trên tóc trong thời gian ngắn . Loại thuốc uốn nên chọn là loại trung bình.

Tóc thấm hút cực tốt

Đây là loại tóc hư cháy, bị tổn thương nhiều do nhuộm, tẩy, duỗi … khả năng hút thấm chất lỏng cực mạnh. Trước khi uốn tóc nên lựa chọn các phương pháp phù hợp và có thể kết hợp dưỡng tóc trong quá trình uốn. Nên lựa chọn các loại thuốc uốn có nồng độ nhẹ và nên kết hợp thêm thuốc dưỡng tóc.

Cách thử tính thấm hút của tóc:

Cách 1: Cắt tóc khô bằng kéo, nếu cắt dễ dàng thì chứng tỏ tóc có nhiều lỗ hút thấm và ngược lại.

Cách 2: Để tóc ướt dưới mái sấy, nếu sấy lâu hơn bình thường tóc mới khô, thì chứng tỏ tóc ngậm nhiều nước vì lỗ hút thấm nhiều hơn.

Cấu trúc của sợi tóc

Cấu trúc sợi tóc to hay nhỏ có liên quan đến khả năng thấm hút của sợi tóc và việc lựa chọn nồng độ thuốc và thời gian phù hợp.

Tóc có cấu trúc nhỏ sẽ thấm hút thuốc nhanh hơn tóc có cấu trúc to nhưng ít lỗ thấm hút và ngược lại.

Sự kết cấu này cũng ảnh hưởng không nhỏ trong việc thiết kế kiểu tóc, sử dụng cây uốn tóc, trong lượng thuốc cần sử dụng.

Tính đàn hồi của sợi tóc

Đây là một tính chất cần thiết của sợi tóc mà người thợ cần rất chú ý khi uốn tóc. Nếu không có sự mềm dẻo này sẽ không có những lọn tóc xoăn hay gợn khi uốn.Tóc càng dẻo dai chừng nào thì lọn xoăn được giữ lâu bền chừng ấy.

Cách thử tính đàn hồi của tóc:

Cầm một sợi tóc bằng hai ngón tay cái và rồi kéo ra từ từ. Nếu càng kéo giãn ra mà tóc không bị đứt, thì tóc có tính dẻo dai tốt. Bình thường tóc có thể kéo dài khoảng 1/5 chiều dài của nó, và sẽ co lại khi buông ra.

Tóc ướt có thể kéo giãn từ 40% đến 50% chiều dài của nó. Loại tóc có nhiều lỗ hút thấm sẽ đàn hồi nhiều hơn loại tóc có ít lỗ hút thấm.

Loại tóc không dẻo dai: dấu hiệu của loại này là mềm nhão, xốp, dễ rối.

Loại tóc này khó có thể uốn và duy trì được các lọn xoăn mạnh mẽ.

Có vài loại hóa chất thích hợp cho việc uốn loại tóc này. Loại cây uốn đường kính nhỏ thường được sử dụng để tóc có sự co giãn tốt hơn.

4.Những vật liệu cần khi thực hiện uốn tóc

Hóa chất: gồm thuốc uốn và thuốc dập như đã nói ở trên

Cây uốn tóc: gồm nhiều loại hình dáng, kích thước khác nhau để người làm tóc có thể tạo ra nhiều kiểu tóc phù hợp với từng loại khách hàng. Tuy nhiên phổ biến hiện nay có hai loại:

  • Loại mặt lõm: Có đường kính hẹp, nhất là ở giữa và phình ra ở hai đầu, được sử dụng cho các loại tóc uốn xoăn sát da đầu, khi cuốn tóc lên ống, kết quả phần ngoài hai đầu sẻ dợn lớn hơn phần tóc trong giữa ống.Vì vậy đuôi tóc sẽ xoăn nhiều hơn và càng gần da đầu lọn xoăn càng lớn hơn ra.
  • Loại mặt bằng: Đường kính và chu vi cây uốn gần bằng nhau, có thể hơi lõm nhẹ ở giữa cây uốn, loại này thường được sử dụng để uốn cho các loại tóc gợn nhẹ nhàng, hay tạo các nếp uốn nhẹ nhàng đơn giản.
Ống uốn tóc là dụng cụ thông dụng của thợ làm tóc

Giấy quấn tóc: giấy này có nhiều lỗ nhỏ li ti rất cần thiết cho việc quấn tóc lên ống. Sử dụng một cách chính xác sẻ tạo ra những lọn xoăn đều đặn, trơn tru. Nó giúp tránh được tình trạng đuôi tóc xoắn tít hoặc làm giòn, làm gãy cúp tóc.

Vật dụng cần thiết để bảo vệ khách hàng: bao gồm áo choàng, khăn lông, kính, khẩu trang… giúp bảo vệ khách hàng tránh dính thuốc hóa chất gây ảnh hưởng tới sức khỏe.

Vật dụng bảo vệ và hỗ trợ thợ làm tóc: găng tay, khẩu trang, kẹp,… giúp bảo vệ người làm tóc khi thoa hóa chất và hỗ trợ việc làm tóc dễ dàng hơn.

5.Phương pháp uốn tóc

5.1 Gội đầu

Khách hàng nên được gội đầu trước khi uốn tóc để loại bỏ hết bụi bẩn, các chất dính trên tóc,… Không nên trà da đầu quá mạnh có thể gây xây xát da đầu gây bất lợi khi thoa hóa chất lên tóc.

Gội đầu trước khi uốn làm tóc mềm dễ vào nếp hơn

5.2 Cắt tạo kiểu

Để có một mái tóc uốn đẹp việc cắt tóc tạo kiểu trước là rất cần thiết, tránh tình trạng phải chỉnh sửa lại quá nhiều sau khi đã uốn xong làm ảnh hưởng tới các lọn quăn.

Người thợ nên chú ý đến tình trạng tóc của khách hàng khi lựa chọn kiểu cắt.Các loại tóc nhỏ sợi, mềm, hư, cháy, …..nên cắt bằng kéo khi tóc còn khô, không nên cắt quá nhọn hoặc tỉa quá mỏng tóc dễ bị xoăn tít ở ngọn. Nên nhớ, chiều dài của tóc phải đủ để quấn hai vòng quanh ống cuốn.

5.3 Cách chia và cuốn tóc trên cây uốn

Tùy từng mẫu tóc ta thiết kế mà sẽ chọn loại cây uốn phù hợp.

Chia tóc: chia tóc ra thành các phần chính theo kiểu tóc đã thiết kế. Từ các phần chính đó, chia tóc thành các phần phụ nhỏ hơn và đều đặn theo chiều dài và chiều ngang (gọi là rẽ tóc), cỡ của một rẽ tóc phải nhỏ hơn hoặc bằng chiều rộng của cây uốn.

Cách quấn tóc: quấn tóc thẳng, gọn gàng trên từng ống cuốn, không kéo căng tóc vì có thể làm đứt gãy tóc và ảnh hưởng tới quá trình ngấm thuốc của tóc.

Các kiểu quấn thường gặp:

  • Quấn tóc thẳng góc với da đầu: lọn tóc sẽ quăn nửa chừng ở chân tóc, rất thông dụng để chải nhiều kiểu khác nhau.
  • Quấn tóc có góc nhọn với da đầu: lọn tóc sẽ quăn hoặc làm thành dợn xa da đầu.
  • Quấn tóc có góc tù hoặc rộng hơn 90 độ: lọn tóc sẽ được quăn ngay chân tóc giúp tóc bồng lên và dày hơn.

5.4 Thoa hóa chất

Thoa trước

Sau khi gội đầu và lau ráo nước bằng khăn bông, tiến hành thoa thuốc uốn uốn vào tóc. chú ý thoa cách da đầu khoảng 1cm và cách ngọn tóc khoảng 2cm, sau đó lấy lược chải đều thuốc trên tóc.

Thoa sau

Việc thoa thuốc được thực hiện sau khi đã quấn hết tóc lên cây uốn, thoa thuốc uốn lên từng cây uốn sao cho thuốc thấm đều.

Tính thời gian phát triển

Đây là thời gian cần thiết để tóc thấm hút hóa chất và thay đổi cấu trúc tóc tạo thành hình dạng theo ống cuốn. Thời gian phát triển tùy thuộc vào cường độ tác dụng mạnh yếu của thuốc, tình trạng hiện tại của tóc, nhiệt độ môi trường,…

Có thể chấm thêm thuốc trong thời gian này bởi các lý do sau :

  • Tóc bị khô vì thuốc bốc hơi.
  • Lúc thấm thuốc không đều.
  • Chọn không đúng nồng độ thuốc.
  • Không theo đúng chỉ dẫn của nhà sản xuất thuốc…

Sự thêm thuốc lần này sẽ rút ngắn thời gian phát triển, tuy nhiên cần theo dõi cẩn thận để tóc không bị tác động quá mức.

5.5 Làm ngưng đọng

Đây là bước tác dụng hóa chất lần hai để lọn tóc có thể giữ nguyên hình dạng lọn quăn bền bỉ.

Xịt thuốc ngưng đọng lên từng cây uốn, giữ trong khoảng 10 phút, thóa các cây uốn ra một cách cẩn thận, không kéo dãn tóc, sau đó chờ 5 phút rồi đưa khách hàng đi gội đầu.

Sau khi người thợ đã tạo ra được một mái tóc uốn đẹp thì việc tư vấn cho khách hàng chăm sóc tóc sau khi uốn như sử dụng các sản phẩm dưỡng tóc, thường xuyên đi hấp tóc,…

Đó là một việc rất cần thiết để giữ mái tóc uốn được bền đẹp, bóng mượt và ít hư tổn.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com