1. Đánh giá học sinh tiểu học là gì?

Theo khoản 1 Điều 2 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 27/2020/BGDĐT, đánh giá học sinh tiểu học là quá trình thu thập, xử lý thông tin thông qua các hoạt động quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập, rèn luyện của học sinh; tư vấn, hướng dẫn, động viên học sinh; diễn giải thông tin định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số phẩm chất, năng lực của học sinh tiểu học.

Theo đó thì đánh giá học sinh tiểu học thì bao gồm đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ. 

– Đánh giá thường xuyên là hoạt động đánh giá diễn ra trong tiến trình thực hiện hoạt động dạy học theo yêu cầu cần đạt và biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục và một số biểu hiện phẩm chất, năng lực của học sinh. Đánh giá thường xuyên cung cấp thông tin phản hồi cho giáo viên và học sinh, để kịp thời điều chỉnh quá trình dạy học, hỗ trợ, thúc đẩy sự tiến bộ của học sinh theo mục tiêu giáo dục tiểu học.

– Đánh giá định kỳ là đánh giá kết quả giáo dục học sinh sau một giai đoạn học tập, rèn luyện, nhằm xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập, rèn luyện của học sinh theo yêu cầu cần đạt và biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học và sự hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

 

2. Những điểm mới của Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT so với Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT.

Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 10 năm 2020 thay thế cho Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT. Do đó thì Thông tư số 27 có những điểm mới  so với thông tư số 22 cụ thể như sau:

 

2.1 Đánh giá học sinh theo lộ trình

Theo đó, quy định đánh giá học sinh tiểu học được thực hiện theo lộ trình như sau

– Từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1.
– Từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2.
– Từ năm học 2022-2023 đối với lớp 3.
– Từ năm học 2023-2024 đối với lớp 4.
– Từ năm học 2024-2025 đối với lớp 5.

Lưu ý: Quy định đánh giá học sinh tiểu học tại Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT và Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT được áp dụng đến khi các quy định tại Điều 2 Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT được thực hiện.

 

2.2 Đề kiểm tra của học sinh chỉ còn 03 mức độ 

Thông tư quy định đề kiểm tra định kỳ của học sinh tiểu học được thiết kế phù hợp với yêu cầu cần đạt và các biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học, gồm các câu hỏi, bài tập theo 3 mức thay vì 4 mức độ tại Thông tư 22/2016.

– Mức 1: Nhận biết, nhắc lại hoặc mô tả được nội dung đã học và áp dụng trực tiếp để giải quyết một số tình huống, vấn đề quen thuộc trong học tập;

– Mức 2: Kết nối, sắp xếp được một số nội dung đã học để giải quyết vấn đề có nội dung tương tự;

– Mức 3: Vận dụng các nội dung đã học để giải quyết một số vấn đề mới hoặc đưa ra những phản hồi hợp lý trong học tập và cuộc sống.

Như vậy thì đề kiểm tra định kỳ của học sinh tiểu học được thiết kế phù hợp với yêu cầu cần đạt và biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học. 

 

2.3 Giáo viên được chấm điêm 0 trong bài kiểm tra 

Theo đó thì trong đánh giá định kỳ, bài kiểm tra được giáo viên sửa lỗi, nhận xét cho điểm theo thang điểm 10, giáo viên không cho điểm thập phân và được trả lại cho học sinh. Như vậy thì so với quy định tại Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT, Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT đã bỏ quy định “không cho điểm 0” đối với bài kiểm tra của học sinh tiểu học.

 

2.4 Vai trò của phụ huynh trong đánh giá thường xuyên 

– Về nội dung học tập các môn học, hoạt động giáo dục: Cha mẹ học sinh trao đổi với giáo viên về các nhận xét, đánh giá học sinh bằng các hình thức phù hợp và phối hợp với giáo viên động viên, giúp đỡ học sinh học tập, rèn luyện. (Thông tư 22/2016 quy định khuyến khích cha mẹ học sinh trao đổi với giáo viên).

– Về sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực: Cha mẹ học sinh trao đổi, phối hợp với giáo viên động viên, giúp đỡ học sinh rèn luyện và phát triển

 

2.5 Giáo viên sử dụng linh hoạt, phù hợp các phương pháp đánh giá

Theo quy định tại Thông tư 27 thì trong đánh giá thường xuyên:

– Về nội dung học tập các môn học, hoạt động giáo dục: Giáo viên sử dụng linh hoạt, phù hợp các phương pháp đánh giá, nhưng chủ yếu thông qua lời nói chỉ ra cho học sinh biết được chỗ đúng, chưa đúng và cách sửa chữa; viết nhận xét vào vở hoặc sản phẩm học tập của học sinh khi cần thiết, có biện pháp cụ thể giúp đỡ kịp thời.

– Về sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực: Giáo viên sử dụng linh hoạt, phù hợp các phương pháp đánh giá; căn cứ vào những biểu hiện về nhận thức, hành vi, thái độ của học sinh; đối chiếu với yêu cầu cần đạt của từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi theo Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học để nhận xét và có biện pháp giúp đỡ kịp thời.

 

2.6 Học sinh có thể được gửi thư khen

Hiệu trưởng tặng giấy khen cho học sinh

– Khên thưởng cuối năm học :

+ Danh hiệu học sinh xuất sắc cho những học sinh đánh giá kết quả giáo dục đạt mức hoàn thành xuất sắc

+ Danh hiệu học sinh tiêu biểu hoàn thành tốt tronh học tập và rèn luyện cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đào tạo đạt mức hoàn thành tốt, đồng thời có thành tích xuất sắc về ít nhất một môn học hoặc có tiến bộ rõ rệt ít nhất có một phẩm chất, năng lực, được tập thể lớp công nhận

– Khen thưởng đột xuất: học sinh có thành tích đột xuất trong năm học

Học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường xem xét đề nghị cấp trên khen thưởng

Cán bộ quản lý và giáo viên có thể gửi thư khen cho những học sinh có thành tích, cố gắng trong quá trình học tập, rèn luyện phẩm chất, năng lực hoặc có những việc làm tốt.

 

2.7 Đánh giá học sinh tiểu học chủ yếu qua lời nói, quan sát, vấn đáp, không cho điểm 

Thông tư 27 có đưa ra một số phương pháp đánh giá học sinh thường được sử dụng trong quá trình đánh giá học sinh bao gồm các phương pháp như sau:

– Phương pháp quan sát: Giáo viên theo dõi, lắng nghe học sinh trong quá trình giảng dạy trên lớp, sử dụng phiếu quan sát, bảng kiểm tra, nhật ký ghi chép lại các biểu hiện của học sinh để sử dụng làm minh chứng đánh giá quá trình học tập, rèn luyện của học sinh.

– Phương pháp đánh giá qua hồ sơ học tập, các sản phẩm, hoạt động của học sinh: Giáo viên đưa ra các nhận xét, đánh giá về các sản phẩm, kết quả hoạt động của học sinh, từ đó đánh giá học sinh theo từng nội dung đánh giá có liên quan.

– Phương pháp vấn đáp: Giáo viên trao đổi với học sinh thông qua việc hỏi – đáp để thu thập thông tin nhằm đưa ra những nhận xét, biện pháp giúp đỡ kịp thời.

– Phương pháp kiểm tra viết: Giáo viên sử dụng các bài kiểm tra gồm các câu hỏi, bài tập được thiết kế theo mức độ, yêu cầu cần đạt của chương tình dưới hình thức trắc nghiệm, tự luận hoặc kết hợp trắc nghiệm và tự luận để đánh giá mức độ đạt được về các nội dung giáo dục cần đánh giá.

Đánh giá định kỳ sẽ kết hợp giữa nhận xét và cho điểm. Cụ thể, đánh giá định kỳ diễn ra vào cuối học kỳ I và cuối năm học, đối với các môn học bắt buộc gồm: tiếng Việt, toán, ngoại ngữ 1, lịch sử và địa lý, khoa học, tin học và công nghệ, sẽ có bài kiểm tra định kỳ để đánh giá học sinh. Đối với lớp 4, lớp 5, có thêm bài kiểm tra định kỳ môn tiếng Việt, môn toán vào giữa học kỳ I và giữa học kỳ II.

Trên đây là một số điểm mới của Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT so với thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT , mong rằng những thông tin mà chúng tôi cung cấp đã giúp ích cho các bạn trong việc tìm hiểu về đánh giá học sinh tiểu học theo quy định. Mọi thắc mắc chưa rõ hay có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách hàng vui lòng liên hệ với bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline: 1900.0191 hoặc gửi yêu cầu tư vấn qua email: lienhe@luatLVN.vn để được hỗ trợ và giải đáp kịp thời. Xin trân trọng cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật LVN Group.