1. Bảng giá đất được sử dụng để làm gì? 

Căn cứ khoản 2 Điều 114 Luật Đất đai năm 2013, thì bảng giá đất được sử dụng để làm căn cứ trong các trường hợp sau đây:

– Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích trong hạn mức; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với phần diện tích trong hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân

– Tính thuế sử dụng đất

– Tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai

– Tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai

– Tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai

– Tính giá trị quyền sử dụng đất để trả cho người tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước đối với trường hợp đất trả lại là đất Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất có thu tiền sử dụng đất, đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.

Còn giá đất cụ thể sẽ được sử dụng làm căn cứ trong các trường hợp sau đây: 

– Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích đất ở vượt hạn mức; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với phần diện tích vượt hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân. Tính tiền thuê đất đối với đất nông nghiệp vượt hạn mức giao đất, vượt hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân

– Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất; công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức mà phải nộp tiền sử dụng đất

– Tính tiền thuê đất đối với trường hợp Nhà nước cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất;

– Tính giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mà doanh nghiệp cổ phần sử dụng đất thuộc trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; tính tiền thuê đất đối với trường hợp doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm

– Tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.

Xem thêm: Bảng giá đất là gì? Phương pháp và nguyên tắc xác định giá đất?

2. Bảng giá đất của tỉnh Thanh Hoá có hiệu lực trong bao lâu?

Căn cứ khoản 1 Điều 114 Luật Đất đai 2013, Căn cứ nguyên tắc, phương pháp định giá đất và khung giá đất, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua bảng giá đất trước khi ban hành. Bảng giá đất được xây dựng định kỳ 05 năm một lần và công bố công khai vào ngày 01 tháng 01 của năm đầu kỳ. Hiện nay Thanh Hóa đã ban hành bảng giá đất mới được quy định tại Nghị quyết 231/2019/NQ-HĐND sửa đổi bởi Nghị quyết 319/2022/NQ-HĐND áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến ngày 31/12/2024

Trong thời gian thực hiện bảng giá đất, khi Chính phủ điều chỉnh khung giá đất hoặc giá đất phổ biến trên thị trường có biến động thì Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp. Trước khi trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua bảng giá đất ít nhất 60 ngày, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá gửi dự thảo bảng giá đất đến cơ quan có chức năng xây dựng khung giá đất xem xét, trường hợp có chênh lệch lớn về giá đất giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

3. Bảng giá đất tại tỉnh Thanh Hoá mới nhất năm 2023?

>>> Tải ngay: Bảng giá đất tại tỉnh Thanh Hoá mới nhất năm 2023

Căn cứ Nghị quyết 231/2019/NQ-HĐND thì những loại đất sau đây sẽ được quy định cụ thể trong bảng giá đất tại tỉnh Thanh Hoá được ban hành theo Nghị quyết này: 

– Giá đất trồng cây hàng năm (Chi tiết tại Bảng 1 kèm theo nghị quyết này)

– Giá đất trồng cây lâu năm (Chi tiết tại Bảng 2 kèm theo nghị quyết này)

– Giá đất nuôi trồng thủy sản (Chi tiết tại Bảng 3 kèm theo nghị quyết này)

– Giá đất làm muối (Chi tiết tại Bảng 4 kèm theo nghị quyết này)

– Giá đất rừng sản xuất (Chi tiết tại Bảng 5 kèm theo nghị quyết này)

– Giá đất rừng phòng hộ (Chi tiết tại Bảng 6 kèm theo nghị quyết này)

– Giá đất rừng đặc dụng (Chi tiết tại Bảng 7 kèm theo nghị quyết này)

– Giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại các khu công nghiệp (Chi tiết tại Bảng 8 kèm theo nghị quyết này)

– Giá đất ở (Chi tiết tại Bảng 9 kèm theo nghị quyết này)

– Giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ được quy định như sau:

+ Tại địa bàn phường, thị trấn đồng bằng: Bằng 50% giá đất ở cùng vị trí.

+ Tại địa bàn xã đồng bằng, phường và thị trấn miền núi: Bằng 45% giá đất ở cùng vị trí.

+ Tại địa bàn xã miền núi: Bằng 40% giá đất ở cùng vị trí.

– Giá đất thương mại – dịch vụ:

+ Tại địa bàn phường, thị trấn đồng bằng: Bằng 60% giá đất ở cùng vị trí.

+ Tại địa bàn xã đồng bằng, phường và thị trấn miền núi: Bằng 50% giá đất ở cùng vị trí.

+ Tại địa bàn xã miền núi: Bằng 40% giá đất ở cùng vị trí. 

– Giá đất xây dựng trụ sở cơ quan Nhà nước và đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, đất tôn giáo, tín ngưỡng (bao gồm đất do các cơ sở tôn giáo sử dụng, đất có công trình là đình, đền, miếu, am, Từ đường, nhà thờ họ); đất có các công trình thờ tự, nhà bảo tàng, nhà bảo tồn, nhà trưng bày tác phẩm nghệ thuật, cơ sở sáng tác văn hoá nghệ thuật và các công trình đó không gắn liền với đất ở được xác định bằng giá đất ở cùng vị trí, Đường, đoạn Đường, phố tại các xã, phường, thị trấn.

– Giá đất phi nông nghiệp khác gồm: đất làm nhà nghỉ, lán, trại cho người lao động trong cơ sở sản xuất; đất xây dựng kho và nhà để chứa nông sản, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đất xây dựng công trình khác của người sử dụng đất không nhằm mục đích kinh doanh mà công trình đó không gắn liền với đất được xác định bằng giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ cùng vị trí, Đường, đoạn Đường tại các xã, phường, thị trấn. 

– Giá đất chưa sử dụng Đất chưa sử dụng là đất chưa xác định mục đích sử dụng, khi cần có giá để tính tiền bồi thường đối với người có hành vi vi phạm pháp luật thì căn cứ vào giá của loại đất liền kề có đề xuất giá đất từ cao nhất (trường hợp liền kề với hai loại đất khác nhau trở lên) để xác định giá đất. Khi đất chưa sử dụng được cơ quan có thẩm quyền cho phép đưa vào sử dụng thì căn cứ vào giá đất cùng loại, cùng mục đích sử dụng đã được quy định để xác định giá.

Khi quý khách muốn tìm hiểu bảng giá đất cụ thể tại tỉnh Thanh Hoá quý khách có thể xem tại phụ lục đính kèm Nghị quyết 231/2019 kèm theo mục sửa đổi, bỏ sung tại Nghị quyết 319/2022 để xác định chính xác giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá

Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Bảng giá đất, khung giá đất tỉnh Thanh Hoá năm 2023 mới nhất do Công ty Luật LVN Group biên soạn và muốn gửi đến quý khách mang tính chất tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.0191 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc. Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật LVN Group xin trân trọng cảm ơn!