1. Khái niệm về công cụ quản lý vĩ mô
Các phương tiện kinh tế, hành chính, pháp lý được Nhà nước sử dụng để quản lí, điều tiết hoạt động kinh tế, xã hội ở tầm vĩ mô.
Trong lịch sử phát triển xã hội loài người, các công cụ quản lý vĩ mô (cũng có thể gọi là công cụ điều tiết vĩ mô) đã từng được Nhà nước sử dụng bao gồm:
1) Các chính sách kinh tế – xã hội quan trọng như chính sách tài khoá; chính sách tiền tệ; chính sách đầu tư; chính sách lao động; chính sách điều tiết thu nhập; chính sách ngoại hối; chính sách xuất, nhập khẩu; chính sách trợ giá và trợ cấp của Chính phủ…;
2) Các chương trình, kế hoạch mang tính định hướng về phát triển kinh tế – xã hội ngắn hạn, trung hạn và dài hạn;
3) Hệ thống pháp luật.
Trong số các công cụ kể trên thì các chính sách kinh tế – xã hội có vai trò trọng tâm. Các chính sách này có đặc trưng cơ bản là chúng được xây dựng và vận hành trên nguyên tắc tôn trọng các quy luật kinh tế, xã hội khách quan, nhất là các quy luật thị trường. Vì thế, các chính sách này chẳng những không làm mất đi quyền tự chủ vốn có của các chủ thể kinh doanh mà trái lại, chúng còn có tác dụng khuyến khích, hỗ trợ và phát huy cao độ quyền tự chủ của các chủ thể này trong quá trình kinh doanh nhằm đem lại hiệu quả cao nhất cho các hoạt động kinh tế.
Trong quá trình điều tiết nền kinh tế, mỗi công cụ quản lý vĩ mô như trên đây được Nhà nước sử dụng linh hoạt, ở những mức độ khác nhau trong từng thời kì nhằm đem lại hiệu quả điều chỉnh cao nhất của mỗi công cụ. Mặt khác, giữa các công cụ này cũng có mối quan hệ tác động qua lại với nhau, chi phối và ảnh hưởng lẫn nhau, trong đó điển hình nhất là mối quan hệ giữa công cụ chính sách kinh tế vĩ mô và công cụ pháp luật. Thông qua việc thể chế hoá bằng pháp luật, các chính sách kinh tế vĩ mô sẽ có khả năng thực thi tốt hơn nhờ ở tính bắt buộc thi hành của pháp luật. Tuỳ thuộc vào bản chất kinh tế của từng loại chính sách vĩ mô mà chúng được quy định trong những văn bản pháp luật của từng lĩnh vực pháp luật khác nhau. Chẳng hạn, chính sách tài khoá bao giờ cũng được quy định trong các văn bản pháp luật về tài chính, trong khi chính sách tiền tệ quốc gia lại được quy định trong các văn bản pháp luật về ngân hàng; còn chính sách lao động tiền lương và chính sách đầu tư lại được quy định trong các văn bản pháp luật về lao động hay pháp luật đầu tư…
Trong bối cảnh nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung trước đây ở Việt Nam và một số nước xã hội chủ nghĩa khác, các công cụ quản lí vĩ mô như hệ thống chính sách kinh tế trên đây rất ít được áp dụng, thay vào đó là việc Nhà nước sử dụng triệt để các công cụ quản lí mang tính chất hành chính ở tầm vi mô như việc chỉ định kế hoạch hoạt động cho các doanh nghiệp, việc phân phối, sắp đặt thị trường theo một kế hoạch tổng thể của nền kinh tế quốc dân thống nhất.
Trong điều kiện nền kinh tế thị trường, các công cụ quản lí vĩ mô được Nhà nước sử dụng rộng rãi, phổ biến và triệt để nhằm tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế diễn ra theo đúng quy luật tự nhiên vốn có của thị trường. Việc sử dụng triệt để các
công cụ quản lí vĩ mô trong điều kiện nền kinh tế thị trường từng được xem là sự lựa chọn hoàn hảo nhất cho các quốc gia chấp nhận phát triển nền kinh tế theo hướng thị trường có sự kiểm soát của Nhà nước.
2. Kinh tế vĩ mô là gì ?
Kinh tế vĩ mô (macroeconomics) là ngành của kinh tế học nghiên cứu hoạt động của nền kinh tế với tư cách một tổng thể. Các phân tích kinh tế vĩ mô thường tập trung nghiên cứu vào cơ chế hoạt động của nền kinh tế và xác định các yếu tố chiến lược quy định thu nhập và sản lượng quốc dân, mức sử dụng lao động, giá cả và sự biến động của chúng.
Kinh tế học vĩ mô hay là kinh tế tầm lớn (Macroeconomic), là một phân ngành của kinh tế học chuyên nghiên cứu về đặc điểm, cấu trúc và hành vi của cả một nền kinh tế nói chung. Kinh tế học vĩ mô và kinh tế học vi mô là hai lĩnh vực bao quát nhất của kinh tế học. Trong khi kinh tế học vi mô chủ yếu nghiên cứu về hành vi của các cá thể đơn lẻ, như công ty, hộ gia đình và cá nhân người tiêu dùng, kinh tế học vĩ mô lại nghiên cứu các chỉ tiêu cộng hưởng như GDP, tỉ lệ thất nghiệp, và các chỉ số giá cả để hiểu cách hoạt động của cả nền kinh tế.
Kinh tế học vĩ mô là một lĩnh vực tổng quát nhưng có hai khu vực nghiên cứu điển hình:
– Nghiên cứu nguyên nhân và hậu quả của biến động ngắn đối với thu nhập quốc gia (còn gọi là chu kỳ kinh tế).
– Nghiên cứu những yếu tố quyết định cho tăng trưởng kinh tế bền vững.
Kinh tế học vĩ mô bắt nguồn từ các học thuyết trong kinh tế chính trị. Nó kế thừa hệ thống tri thức của môn kinh tế chính trị. Kinh tế học vĩ mô hình thành từ những nỗ lực tách các quan điểm chính trị ra khỏi các vấn đề kinh tế. Các nhà nghiên cứu kinh tế học vĩ mô phát triển các mô hình để giải thích mối quan hệ giữa các yếu tố trong nền kinh tế như thu nhập quốc gia, sản lượng, tiêu dùng, thất nghiệp, lạm phát, tiết kiệm, đầu tư, buôn bán đa quốc gia và tài chính đa quốc gia. Các mô hình này và các dự báo do chúng đưa ra được cả chính phủ lẫn các tập đoàn lớn sử dụng để giúp họ phát triển và đánh giá các chính sách kinh tế từ đó đưa ra các chiến lược quản trị.
3. Yêu cầu, nguyên tắc phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô
1. Phối hợp quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô theo mục tiêu nhằm đạt được các cân đối kinh tế vĩ mô trong ngắn hạn và trung hạn, bao gồm tăng trưởng kinh tế, lạm phát, cân đối thu chi ngân sách, cán cân thương mại và tiêu dùng.
2. Phối hợp chủ động, kịp thời, thống nhất, thường xuyên, liên tục và có hệ thống giữa bốn cơ quan trong toàn bộ quy trình nghiên cứu đề xuất, triển khai, thực hiện, giám sát và đánh giá các chính sách: tài khóa, tiền tệ, tín dụng, đầu tư và phát triển, thương mại và giá cả.
3. Đối với mỗi chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, có một cơ quan trong phạm vi chức năng, thẩm quyền hiện có chủ trì phối hợp với các cơ quan khác để đạt được mục tiêu điều hành, bảo đảm sự cân đối với các mục tiêu kinh tế vĩ mô khác.
4. Bảo đảm thống nhất với các chủ trương chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề liên quan đến điều hành các chính sách: tài khóa, tiền tệ, tín dụng, đầu tư và phát triển, thương mại và giá cả.
4. Phạm vi, nội dung phối hợp
1. Phối hợp xây dựng, đề xuất định hướng các mục tiêu kinh tế vĩ mô hàng năm, trung – dài hạn và điều hành thực hiện các chỉ tiêu: tốc độ tăng trưởng kinh tế, lạm phát, thu chi ngân sách nhà nước, cán cân thương mại và tiêu dùng.
2. Phối hợp, tham vấn lấy ý kiến, chia sẻ thông tin trong soạn thảo, thực hiện, theo dõi, đánh giá, giải trình kết quả thực hiện chính sách đầu tư và phân bổ nguồn lực, tiền tệ và tín dụng, tài khóa, thương mại trong nước, xuất nhập khẩu và tiêu dùng.
3. Phối hợp trong việc nâng cao năng lực phân tích, đánh giá, dự báo tác động của các chính sách: đầu tư và phát triển, tiền tệ, tín dụng, tài khóa, thương mại và giá cả đối với các mục tiêu kinh tế vĩ mô.
5. Quy trình phối hợp
1. Đối với từng chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, cơ quan chủ trì phối hợp đề xuất mục tiêu, giải pháp chính sách, biện pháp điều hành; đề xuất các nội dung mà cơ quan phối hợp có ý kiến tham gia và loại thông tin cơ quan phối hợp phải cung cấp, thời hạn và hình thức tham gia và cung cấp thông tin.
2. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ do Chính phủ quy định và trách nhiệm của các Bộ quy định tại Quy chế này, Cơ quan phối hợp có trách nhiệm cung cấp thông tin, tham gia ý kiến theo yêu cầu.
3. Trong quá trình thực hiện, Cơ quan chủ trì và Cơ quan phối hợp có trách nhiệm theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện các chính sách và mục tiêu kinh tế vĩ mô thuộc phạm vi phối hợp của Quy chế này. Trường hợp Cơ quan phối hợp phát hiện có vấn đề trong nội dung hoặc thực thi chính sách và mục tiêu kinh tế vĩ mô có liên quan, thì thông báo ngay bằng văn bản hoặc các hình thức khác với Cơ quan chủ trì để báo cáo Ban chỉ đạo xử lý hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền.
4. Đối với từng chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, cơ quan chủ trì tổng hợp tình hình và kết quả phối hợp gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan phối hợp khác; Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
6. Phối hợp xây dựng và điều hành mục tiêu tăng trưởng kinh tế
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng và điều hành mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tập trung vào: tốc độ tăng trưởng GDP; tổng vốn đầu tư toàn xã hội, bao gồm: đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước (bao gồm cả vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn trái phiếu Chính phủ), vốn tín dụng nhà nước, đầu tư của các loại hình doanh nghiệp, đối tác công – tư; và tiêu dùng xã hội.
2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong các nội dung thuộc chức năng thẩm quyền của mình như sau:
a) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp thông tin về tốc độ tăng dư nợ tín dụng, tổng phương tiện thanh toán, lãi suất, ưu đãi tín dụng cho các ngành, lĩnh vực và các vấn đề cần thiết khác; có ý kiến về mục tiêu tăng trưởng GDP, tốc độ tăng tín dụng phát triển, quy mô phát hành vốn trái phiếu Chính phủ, v.v…
b) Bộ Tài chính cung cấp thông tin về dự toán và tình hình thực hiện ngân sách nhà nước; công tác huy động vốn qua hệ thống Kho bạc Nhà nước và các kênh huy động khác; kế hoạch và tình hình thực hiện vốn tín dụng đầu tư phát triển và tín dụng; ưu đãi khác của Nhà nước; diễn biến huy động và kết quả huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán; dự kiến thay đổi các chính sách, chế độ về thu, chi ngân sách hàng năm.
c) Bộ Công Thương cung cấp thông tin về định hướng điều hành xuất nhập khẩu; điều hành thương mại, quản lý thị trường trong nước và các vấn đề cần thiết khác; sản xuất trong nước, trong đó lưu ý đến sản lượng khai thác dầu thô, than, v.v…; có ý kiến về tăng trưởng của các ngành công nghiệp, thương mại, tiêu dùng xã hội, v.v…
3. Định kỳ hàng quý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp báo cáo đánh giá kết quả phối hợp xây dựng và điều hành mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Luật LVN Group (sưu tầm & biên tập)