1. Hợp đồng mua bán hàng hóa là gì?
Hợp đồng mua bán hàng hóa có thể phát sinh mua bán hàng hóa trong nước hoặc mua bán hàng hóa nước ngoài.
Hợp đồng mua bán hàng hóa trong nước
Trước hết, hợp đồng mua bán hàng hóa trong nước là một dạng của hợp đồng mua bán tài sản, nhằm phục vụ hoạt động mua bán diễn ra trên lãnh thổ của nước Việt Nam. Trong đó, Điều 430 Bộ luật dân sự 2015 quy định Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.
Theo khoản 2 Điều 3 Luật Thương mại 2005, thì đối tượng của Hợp đồng là hàng hóa bao gồm: động sản (ví dụ như ô tô, xe máy,…), kể cả động sản hình thành trong tương lai; và những vật gắn liền với đất đai. Theo đó, các bên tuân thủ quy định pháp luật thương mại, cũng như các quy định pháp luật có liên quan.
Hợp đồng mua bán hàng hóa ngoài nước
Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nói chung là hợp đồng mua bán hàng hóa trong đó các bên kí kết có trụ sở thương mại ở các nước khác nhau, hàng hóa được chuyển từ nước này sang nước khác, hoặc việc trao đổi ý chí kí kết hợp đồng giữa các bên kí kết được thiết lập ở các nước khác nhau.
Theo đó, hợp đồng mua bán hàng hóa ngoài nước là loại hợp đồng nhằm chỉ quan hệ mua bán mà trong trong các bên là thương nhân nước ngoài, hoặc việc xác lập, thực hiện hợp đồng diễn ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Loại hợp đồng này chịu sự điều chỉnh pháp lý của Công ước Viên về mua bán hàng hóa quốc tế (CISG).
2. Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa là gì?
Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa là những mâu thuẫn, bất đồng về quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể tham gia trong hợp đồng mà chủ yếu là liên quan đến việc thực hiện hoặc không thực hiện quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng. Tranh chấp có thể phát sinh từ nội dung của hợp đồng, giải thích hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng…
Những nội dung tranh chấp trong hợp đồng mua bán hàng hoá thường xảy ra với các bên như sau:
- Bên bán giao hàng chậm;
- Bên bán giao hàng không đúng chủng loại, số lượng như đã cam kết trong hợp đồng hai bên kí kết;
- Bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán;
- Bên bán vi phạm các điều kiện về thời điểm chuyển giao hàng hoá;
- Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng.
Trên thực tế, tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa thường gặp nhất là tranh chấp về việc bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán.
3. Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa
Nguyên nhân phổ biến dẫn đến tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa là do sự chủ quan của các bên trong việc thiết lập hợp đồng. Trong thực tế kinh doanh, các bên khi kí kết một hợp đồng mua bán hàng hóa thường trao đổi rất nhanh thông tin dưới hình thức văn bản. Nếu có bất cứ một khó khăn nào phát sinh thì những thiếu sót, sở hở của một trong các bên dù nhỏ cũng phát sinh tranh chấp. Bởi vậy trước khi tiến hành ký kết bất cứ hợp đồng nào, các bên cần phải soạn thảo chặt chẽ các văn bản hoặc hợp đồng mua bán, những phụ lục đi kèm như miêu tả hàng hóa,… Mọi chi tiết chưa rõ ràng cần phải làm sáng tỏ ngay để tránh phát sinh những tranh chấp và thiệt hại không đáng có…. Tranh chấp mua bán hàng hóa cũng có thể phát sinh do ý chí chủ quan của các bên trong hợp đồng. Ví dụ như các bên đã thỏa thuận về số lượng, chủng loại, chất lượng giao hàng. Tuy nhiên, bên bán lại cố tình giao không đúng số lượng, chất lượng, chủng loại như đã thỏa thuận trong hợp đồng dẫn đến bên mua cũng không thực hiện nghĩa vụ thanh toán, hai bên xảy ra tranh chấp…
Hiện nay, các tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa diễn ra rất nhiều bởi hợp đồng mua bán hàng hóa là hợp đồng phổ biến, đặc biệt là khi đất nước bước vào nên kinh tế thị trường, nhiều loại hình doanh nghiệp ra đời, hoạt động thương mại ngày càng phát triển và đa dạng. Do đó, kéo theo các Tranh chấp mua bán hàng hóa ngày càng gia tăng.
4. Các phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa
Theo quy định của Luật thương mại 2005, khi xảy ra tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa thì có 4 phương thức để giải quyết tranh hợp đồng mua bán hàng hóa là: thương lượng, Hoà giải giữa các bên, giải quyết tại Trọng tài thương mại, giải quyết tại Tòa án.
Giải quyết tranh chấp bằng thương lượng
Các bên tự thương lượng với nhau để tìm phương án giải quyết tốt nhất. Tuy nhiên, phương thức này không yêu cầu cam kết pháp lý về việc tuân thủ kết quả thương lượng. Do đó, không loại trừ rủi ro có bên cố ý không thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận thương lượng.
Giải quyết tranh chấp bằng hòa giải
Hòa giải thương mại là là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp (khoản 1 Điều 3 Nghị định 22/2017/NĐ-CP).
Ngoài hai bên tranh chấp tham gia, trong hòa giải thương mại còn có bên thứ ba là hòa giải viên – là cầu nối, trung gian giúp các bên giải quyết những khúc mắc trong tranh chấp.
Các bên trong một vụ tranh chấp có thể lựa chọn phương thức giải quyết bằng hòa giải tại trung tâm hòa giải. Theo Nghị định 22/2017/NĐ-CP, các bên có quyền lựa chọn Quy tắc hòa giải của tổ chức hòa giải thương mại hoặc tự thỏa thuận trình tự, thủ tục hòa giải. Nếu không có thỏa thuận nào được đưa ra, hòa giải viên thương mại sẽ chọn trình tự, thủ tục hòa giải thích hợp với tình tiết cụ thể của tranh chấp và được các bên đồng ý. Tranh chấp có thể được giải quyết bởi một hoặc nhiều hòa giải viên thương mại theo thỏa thuận của các bên. Hòa giải viên thương mại có thể đưa ra đề xuất giải quyết tranh chấp bất kỳ thời điểm nào trong quá trình hòa giải. Địa điểm, thời gian hòa giải được thực hiện theo thỏa thuận của các bên hoặc theo lựa chọn của hòa giải viên thương mại khi các bên không có thỏa thuận.
Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010, trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận đưa tranh chấp ra trung tâm Trọng tài giải quyết và phán quyết. Quá trình giải quyết tranh chấp được tiến hành theo quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010. Phán quyết của trọng tài là chung thẩm và có giá trị thi hành ngay.
Giải quyết tranh chấp bằng Tòa án
Giải quyết tranh chấp tại Tòa án là phương thức giải quyết tranh chấp mà các bên sẽ thông qua cơ quan toà án với sự tham gia của thẩm phán để giải quyết tranh chấp. Việc giải quyết tranh chấp được tiến hành theo trình tự, thủ tục nghiêm ngặt, chặt chẽ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Thông thường phương thức này làm kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp. Bản án hay quyết định của Tòa án về vụ tranh chấp nếu các bên tranh chấp không tự nguyện tuân thủ thì có thể bị cưỡng chế thi hành. Bộ máy cưỡng chế thi hành chính là ưu điểm của phương pháp này so với tất cả những phương pháp còn lại.
Để tìm hiểu thêm những thông tin liên quan đến vấn đề tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa, mời quý bạn đọc cùng tham khảo bài viết: Giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế?
Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết của Luật LVN Group liên quan đến vấn đề: Giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa như thế nào? Mọi thắc mắc chưa rõ hay có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách hàng vui lòng liên hệ với bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline: 1900.0191 hoặc gửi yêu cầu tư vấn qua email: lienhe@luatLVN.vn để được hỗ trợ và giải đáp kịp thời. Xin trân trọng cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật LVN Group.