>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900.0191

 

Luật sư tư vấn:

1. Cơ sở pháp lý của nguyên tắc trung thực tuyệt đối trong bảo hiểm

– Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015

– Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 sửa đổi năm 2010

 

2. Lịch sử ra đời của nguyên tắc trung thực tuyệt đối trong pháp luật bảo hiểm hàng hải Anh

Vương quốc Anh là một trong những quốc gia có lịch sử phát triển hàng hải lâu đời nhất thế giới. Do đó, pháp luật hàng hải của Anh đã phát triển từ rất sớm. Các quy định pháp luật về hàng hải nói chung và bảo hiểm hàng hải nói riêng của hệ thống pháp luật Anh đã được rất nhiều hệ thống pháp luật trên thế giới tiếp nhận, đặc biệt là các hệ thống pháp luật thuộc truyền thống thông luật. Có thể nói, các nguyên tắc cơ bản trong lĩnh vực bảo hiểm hàng hải của pháp luật Anh đã trở thành nền tảng chuẩn mực cho pháp luật bảo hiểm hàng hải của nhiều quốc gia.

Trung thực tuyệt đối (utmost good faith/ uberrimae fidei) là một trong những nguyên tắc lâu đời của pháp luật bảo hiểm hàng hải được hình thành từ hoạt động xét xử của các thẩm phán Anh vào thế kỷ XVIII. Đến đầu thế kỷ XX, bằng hoạt động pháp điển hóa pháp luật trên cơ sở các án lệ trong lĩnh vực bảo hiểm hàng hải, các nhà làm luật đã tiếp tục ghi nhận nguyên tắc này trong Luật Bảo hiểm hàng hải năm 1906 (Marine Insurance Act 1906 – MIA 1906) và gần đây nhất là Luật Bảo hiểm năm 2015 (Insurance Act 2015).

Nguyên tắc trung thực (good faith) là một trong những nguyên tắc nền tảng cho việc giao kết, thực hiện hợp đồng. Trong luật La Mã, nguyên tắc này có tên gọi bằng tiếng latin là bona fide. Truyền thống dân luật và truyền thống thông luật đều ghi nhận sự tồn tại và vai trò quan trọng của nguyên tắc này trong lĩnh vực hợp đồng.

Nội dung cốt lõi của nguyên tắc này quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin của các bên khi giao kết hợp đồng bảo hiểm hàng hải, đặc biệt là nghĩa vụ của bên được bảo hiểm vì hợp đồng bảo hiểm hàng hải là hợp đồng mang tính chất suy đoán được xác lập chủ yếu dựa vào việc đánh giá các thông tin mà bên được bảo hiểm cung cấp.

 

3. Nguyên tắc trung thực tuyệt đối trong Luật Bảo hiểm hàng hải năm 1906 của Anh

Luật Bảo hiểm hàng hải năm 1906 (Marine Insurance Act 1906 – sau đây gọi là MIA 1906) là đạo luật đầu tiên của hệ thống pháp luật Anh về bảo hiểm hàng hải. Nội dung của đạo luật này được xây dựng dựa trên hệ thống các án lệ về bảo hiểm hàng hải với lịch sử hàng trăm năm và có ảnh hưởng rất lớn đối với pháp luật bảo hiểm hàng hải của nhiều quốc gia trên thế giới.

Nguyên tắc trung thực tuyệt đối được cụ thể hóa qua các quy định về bản chất pháp lý của hợp đồng bảo hiểm hàng hải và các quy định liên quan đến nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên được bảo hiểm tại các mục 17, 18, 19 và 20 của MIA năm 1906.

Hợp đồng bảo hiểm hàng hải theo Luật Bảo hiểm hàng hải 1906 là “hợp đồng dựa trên sự trung thực tuyệt đối, và nếu một trong các bên vi phạm nguyên tắc trung thực tuyệt đối, bên còn lại sẽ có quyền hủy hợp đồng”. Quy định này cho thấy nghĩa vụ cung cấp thông tin được xem là phần cốt lõi của nguyên tắc trung thực tuyệt đối. Yêu cầu về sự trung thực từ bên được bảo hiểm khi cung cấp thông tin rất được chú trọng.

MIA năm 1906 quy định “Trước khi ký kết hợp đồng, bên được bảo hiểm phải cung cấp cho bên bảo hiểm mọi thông tin thiết yếu mà bên được bảo hiểm biết, và bên bảo hiểm được cho là phải biết về mọi tình huống cần được biết trong điều kiện hoạt động bình thường”. Nội dung quy định này chính là kết quả pháp điển trên cơ sở án lệ Carter kiện Boehm năm 1776. Thông tin thiết yếu (material circumstance) được hiểu là những thông tin quan trọng, cần thiết mà bên bảo hiểm sẽ căn cứ vào đó để tính phí bảo hiểm, đánh giá rủi ro và đưa ra quyết định có chấp nhận giao kết hợp đồng hay không. Thông tin được sử dụng làm căn cứ để giao kết hợp đồng liên quan đến những vấn đề đang tồn tại trong thực tế phải hoàn toàn chính xác, nếu thông tin liên quan đến niềm tin hoặc sự mong muốn của bên bảo hiểm (những thông tin này không phải là sự phản ánh những sự việc đang hiện hữu) thì phải được đưa ra một cách trung thực, thiện chí.

Nếu hợp đồng bảo hiểm được giao kết thông qua đại diện của bên được bảo hiểm thì đại diện cũng phải tuân thủ nguyên tắc trung thực tuyệt đối. Đại diện của bên được bảo hiểm phải cung cấp mọi thông tin mà mình biết, phải biết và tất cả những thông tin mà bên được bảo hiểm có nghĩa vụ phải cung cấp cho bên bảo hiểm. Tuy nhiên, MIA 1906 của Anh cũng chỉ có các quy định mang tính chất định tính về thông tin thiết yếu là căn cứ xác định trách nhiệm của bên được bảo hiểm. Việc xác định tính chất thiết yếu của các thông tin hoàn toàn tùy thuộc vào từng tình huống cụ thể phát sinh trong thực tế.

Vào thời điểm MIA 1906 được ban hành, phạm vi áp dụng nguyên tắc trung thực tuyệt đối chỉ giới hạn ở giai đoạn trước khi ký kết hợp đồng (pre-contractual stage). Trong giai đoạn này, tuân thủ nguyên tắc trung thực tuyệt đối là nghĩa vụ của tất cả các bên. Đây là giai đoạn mà việc tuân thủ nguyên tắc trung thực có ý nghĩa rất quan trọng vì việc đánh giá rủi ro sẽ phụ thuộc phần lớn vào các thông tin được khai báo bởi bên được bảo hiểm cũng như đại lý của bên được bảo hiểm. MIA 1906 chỉ quy định rõ nghĩa vụ trung thực tuyệt đối trong giai đoạn trước khi ký kết hợp đồng chứ không quy định về việc tuân thủ sau khi hợp đồng được xác lập.

Sự bỏ ngỏ quy định của luật về phạm vi áp dụng của nguyên tắc này đã được bổ sung bởi lập luận của các thẩm phán vào những năm đầu của thập niên 80 theo hướng các bên vẫn phải tiếp tục tuân thủ nguyên tắc trung thực tuyệt đối sau khi hợp đồng đã được xác lập.Có nghĩa nguyên tắc này không chỉ áp dụng ở giai đoạn trước khi ký kết hợp đồng mà cả giai đoạn sau khi hợp đồng đã được giao kết (post-contractual stage). Yêu cầu tuân thủ nguyên tắc này trong giai đoạn sau khi hợp đồng được ký kết nhằm mục đích ngăn chặn và giải quyết các khiếu nại đòi tiền bảo hiểm mang tính chất trục lợi của bên được bảo hiểm.

Vụ kiện Litsion Pride năm 1985 (Black King Shipping Corporation and Wayang S.A kiện Mark Ranald Massie) là án lệ nổi tiếng về việc áp dụng nguyên tắc trung thực tuyệt đối sau khi hợp đồng được ký kết. Theo phán quyết của vụ kiện Litsion Pride, bên bảo hiểm có quyền hủy hợp đồng khi bên được bảo hiểm có hành vi vi phạm nguyên tắc trung thực tuyệt đối bất kể sự vi phạm đó có tính chất lừa dối hay không. Cách thức áp dụng và biện pháp chế tài đối với sự vi phạm của bên được bảo hiểm trong trường hợp này hoàn toàn giống với giai đoạn trước khi ký kết hợp đồng, yếu tố lỗi của bên vi phạm không được xem xét đến. Quan điểm này của thẩm phán trong án lệ Litsion Pride đã vấp phải rất nhiều ý kiến chỉ trích từ giới thẩm phán cho rằng việc áp dụng nguyên tắc trung thực tuyệt đối trong giai đoạn sau khi hợp đồng được xác lập một cách máy móc và cứng nhắc là sự bất hợp lý và không công bằng đối với bên được bảo hiểm.

Năm 2001, vụ kiện The Star Sea (Maniffest Shipping Co.Ltd kiện Uni-Polaris Insurance Co.Ltd và La Reunion European) đã tạo ra một sự thay đổi lớn trong việc áp dụng nguyên tắc trung thực tuyệt đối trong giai đoạn sau khi hợp đồng được ký kết và cách tiếp cận này của thẩm phán đã nhận được sự ủng hộ của Thượng nghị viện (cơ quan xét xử cao nhất trong hệ thống tòa án Anh tại thời điểm đó). Cụ thể, trong vụ kiện này, thẩm phán đã khẳng định nghĩa vụ tuân thủ nguyên tắc trung thực chỉ được đặt ra trong thời gian bảo hiểm và bên bảo hiểm chỉ có thể hủy hợp đồng khi sự vi phạm của bên được bảo hiểm trong thời gian bảo hiểm có tính chất lừa dối và gây phương hại cho bên bảo hiểm. Sự mở rộng phạm vi áp dụng nguyên tắc trung thực tuyệt đối qua thực tiễn áp dụng và giải thích các quy định MIA 1906 cho thấy giới thẩm phán Anh đã tạo ra một cơ chế pháp lý chỉ thiên về bảo vệ quyền lợi cho bên bảo hiểm.

Mặc dù phạm vi áp dụng của nguyên tắc này được chia ra làm hai giai đoạn nhưng hậu quả của việc vi phạm nguyên tắc này được áp dụng như nhau ở cả hai giai đoạn trước và sau khi ký hợp đồng. Khi một trong các bên vi phạm nguyên tắc trung thực tuyệt đối thì bên bị vi phạm có quyền hủy hợp đồng, hợp đồng bị xem như vô hiệu ngay từ đầu. Ở giai đoạn trước khi hợp đồng được ký kết chế tài hủy hợp đồng được áp dụng một cách hà khắc cho bất kỳ sự vi phạm nào liên quan đến nghĩa vụ khai báo thông tin mà không xem xét đến yếu tố lỗi của bên vi phạm. Quy định này đã tạo ra sự bất bình đẳng giữa bên bảo hiểm và bên được bảo hiểm, trái ngược với nguyên tắc đảm bảo sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hợp đồng. Đây cũng chính là điểm hạn chế lớn nhất của MIA 1906 liên quan đến nghĩa vụ trung thực tuyệt đối. Đối với chế tài áp dụng cho giai đoạn sau khi hợp đồng được ký kết, dù đã có sự thay đổi tích cực từ án lệ The Star Sea về căn cứ hủy hợp đồng phải dựa trên yếu tố lừa dối của bên vi phạm, song quan điểm tiến bộ này lại không nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các thẩm phán Anh vốn là những người luôn đề cao việc đảm bảo tính thống nhất trong việc áp dụng án lệ.

Có thể thấy, các quy định của MIA 1906 về nguyên tắc trung thực tuyệt đối đã tạo ra nghĩa vụ nặng nề cho bên được bảo hiểm với các quy định thể hiện rõ sự bất bình đẳng và tập trung bảo vệ lợi ích cho bên bảo hiểm. Sau hơn 100 năm áp dụng, rất nhiều các quy định của MIA 1906 đã trở nên không còn phù hợp, không theo kịp được sự phát triển của bảo hiểm hàng hải trong giai đoạn hiện đại. Các quy định liên quan đến nguyên tắc trung thực tuyệt đối là một trong những nội dung thể hiện rõ nhất sự bất cập của MIA 1906. Năm 1957, Ủy ban Cải cách pháp luật Anh quốc đã đưa ra bản báo cáo về những quy định cần cải cách đối với lĩnh vực bảo hiểm, bao gồm cả các kiến nghị sửa đổi về nghĩa vụ khai báo thông tin trong bảo hiểm hàng hải. Dự thảo đầu tiên của Luật Bảo hiểm mới được soạn thảo vào năm 2006, dự thảo cuối cùng được đưa ra vào năm 2014, được Nghị viện thông qua vào tháng 2 năm 2015 và chính thức có hiệu lực từ tháng 8 năm 2016. Những nội dung cải cách trong Luật Bảo hiểm năm 2015 được đánh giá là sự thay đổi mang tính chất bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển của lĩnh vực bảo hiểm nói chung và bảo hiểm hàng hải nói riêng ở Anh.

 

4. Nguyên tắc trung thực tuyệt đối theo Luật Bảo hiểm năm 2015 ở Anh

Luật Bảo hiểm năm 2015 (Insurance Act 2015) không thay thế MIA 1906 mà chỉ thay đổi hiệu lực áp dụng một phần quy định của đạo luật này, đặc biệt là những thay đổi liên quan đến nghĩa vụ cung cấp thông tin. Đây cũng là nội dung nổi bật nhất trong Luật Bảo hiểm năm 2015. Các quy định về nghĩa vụ của MIA 1906 từ Mục 17 đến Mục 20 bị bãi bỏ. Luật Bảo hiểm năm 2015 chỉ giữ quy định tại Mục 17 của MIA về bản chất hợp đồng bảo hiểm hàng hải là hợp đồng dựa trên sự trung thực tuyệt đối. Như vậy, tầm quan trọng và vị trí của nguyên tắc trung thực tuyệt đối trong bảo hiểm hàng hải tiếp tục được khẳng định. Sự kế thừa này còn được thể hiện cụ thể qua các quy định liên quan đến nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên được bảo hiểm. Bên cạnh những nội dung mang tính kế thừa thì Luật Bảo hiểm năm 2015 cũng đưa ra rất nhiều các quy định mới so với các quy định của MIA 1906.

Luật Bảo hiểm năm 2015 đưa ra khái niệm “nghĩa vụ trình bày ngay thẳng” (duty of fair presentation). Nội dung của nghĩa vụ này chính là sự cụ thể hóa yêu cầu của nguyên tắc trung thực tuyệt đối. Nếu MIA 1906 hầu như chỉ đưa ra yêu cầu cung cấp thông tin từ phía bên được bảo hiểm và không yêu cầu nghĩa vụ gì liên quan đến việc cung cấp thông tin từ bên bảo hiểm thì Luật Bảo hiểm năm 2015 đã cân bằng lại nghĩa vụ này theo hướng giảm bớt áp lực cung cấp thông tin cho bên được bảo hiểm, gia tăng trách nhiệm của bên bảo hiểm. Theo quy định mới, bên bảo hiểm có nghĩa vụ phải chủ động thu thập thông tin liên quan đến rủi ro từ bên được bảo hiểm. Nếu bên bảo hiểm không thực hiện hoạt động này thì có thể sẽ được xem là đã tự nguyện từ bỏ thông tin.

Cách tiếp cận mới của Luật Bảo hiểm năm 2015 đã tạo ra một cơ chế rõ ràng, hợp lý hơn về nghĩa vụ cung cấp thông tin của các bên. Bên được bảo hiểm được xem là đã hoàn thành “nghĩa vụ trình bày ngay thẳng” khi việc cung cấp thông tin về rủi ro đáp ứng được các tiêu chí sau:

– Cung cấp mọi thông tin thiết yếu mà bên được bảo hiểm biết hoặc phải biết, hoặc nếu không thì bên được bảo hiểm phải cung cấp được những thông tin tối thiểu để bên bảo hiểm phải đánh giá được là có cần thiết yêu cầu bên được bảo hiểm cung cấp thêm thông tin về rủi ro hay không;

– Việc cung cấp thông tin phải được tiến hành theo một cách thức rõ ràng, hợp lý và dễ tiếp cận đối với bên bảo hiểm;

– Thông tin về các vấn đề đang thực sự hiện hữu phải mang tính chính xác, thông tin về những vấn đề không đang thực sự hiện hữu – là những vấn đề mang tính chất được trông đợi hoặc niềm tin của bên được bảo hiểm – phải được đưa ra một cách thiện chí, trung thực.

Tính chất thiết yếu (material) của thông tin được giải thích rõ hơn, là những thông tin có ảnh hưởng quyết định đối với việc bên bảo hiểm có chấp nhận rủi ro hay không, ví dụ như những sự kiện đặc biệt bất thường liên quan đến rủi ro, những yếu tố tác động dẫn đến nhu cầu mua bảo hiểm cho rủi ro của bên được bảo hiểm. Đây là những nội dung thể hiện sự kế thừa từ MIA 1906 nhưng vẫn có những điểm mới mang tính “cách mạng” của Luật Bảo hiểm năm 2015 về nghĩa vụ cung cấp thông tin. Bên được bảo hiểm vẫn được xem là hoàn thành nghĩa vụ cung cấp thông tin khi “cung cấp thông tin đủ để bên bảo hiểm xét thấy phải yêu cầu thêm sự cung cấp thông tin thiết yếu liên quan đến rủi ro”. Để được xem là đã cung cấp “đủ” thông tin thì bên được bảo hiểm phải đáp ứng được yêu cầu về cách thức cung cấp thông tin, nghĩa là thông tin phải được cung cấp theo một cách thức rõ ràng và dễ tiếp cận cho bên bảo hiểm. Yêu cầu này đã đặt ra nghĩa vụ mới cho bên được bảo hiểm, đòi hỏi bên được bảo hiểm phải có sự chọn lọc thông tin trước khi cung cấp cho bên bảo hiểm. Mục đích của điều kiện về cách thức cung cấp thông tin là nhằm đảm bảo cho việc đánh giá rủi ro được hiệu quả, chính xác hơn nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến việc bên được bảo hiểm có thể bỏ sót thông tin thiết yếu. Như vậy bên được bảo hiểm có thể rơi vào trường hợp vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin.

Về phạm vi áp dụng, theo Luật Bảo hiểm năm 2015, nguyên tắc này vẫn áp dụng đối với các bên ở cả hai giai đoạn. Luật Bảo hiểm mới đã quy định rõ việc tuân thủ nguyên tắc này ở giai đoạn sau khi ký hợp đồng, ngay cả khi sửa đổi, bổ sung bất kỳ nội dung nào trong hợp đồng đã được ký kết, việc tuân thủ nguyên tắc trung thực luôn là một yêu cầu thiết yếu đối với các bên. Cơ sở pháp lý rõ ràng về hiệu lực áp dụng của nguyên tắc ở giai đoạn sau khi ký hợp đồng trong quy định của luật mới là kết quả của quá trình pháp điển các án lệ diễn giải quy định của MIA 1906 liên quan đến phạm vi áp dụng của nguyên tắc trung thực tuyệt đối.

Riêng với hậu quả pháp lý khi vi phạm nghĩa vụ thông tin, khác với quy định của MIA 1906 là áp dụng duy nhất chế tài hủy bỏ hợp đồng cho mọi trường hợp vi phạm nguyên tắc trung thực tuyệt đối, Luật Bảo hiểm năm 2015 đã thiết lập một hệ thống các chế tài áp dụng cho các trường hợp vi phạm khác nhau dựa vào mức độ lỗi của sự vi phạm như:

– Đối với các vi phạm mang tính chất cố ý hoặc vô ý (khinh suất không quan tâm đến hậu quả), bên bảo hiểm có quyền hủy hợp đồng và từ chối mọi khiếu nại mà không có nghĩa vụ phải hoàn trả phí bảo hiểm trong trường hợp này;

– Đối với những vi phạm không mang tính chất cố ý hay vô ý (bao gồm cả những trường hợp bên vi phạm hoàn toàn không có lỗi), việc áp dụng chế tài cụ thể sẽ được xác định dựa vào giả định bên bảo hiểm sẽ hành động như thế nào nếu thông tin bên được bảo hiểm cung cấp là trung thực.

Đối với giai đoạn sau khi hợp đồng đã được ký kết, việc áp dụng chế tài cho hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin cũng được xác định dựa vào yếu tố lỗi:

– Trong trường hợp vi phạm với lỗi cố ý hoặc vô ý không quan tâm đến hậu quả thì bên bảo hiểm chỉ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng kể từ thời điểm sự vi phạm được thực hiện chứ không có quyền hủy hợp đồng, bên bảo hiểm phải thông báo cho bên được bảo hiểm về việc chấm dứt hợp đồng và không có nghĩa vụ hoàn trả phí bảo hiểm;

– Trong trường hợp bên được bảo hiểm không có lỗi khi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin thì bên bảo hiểm sẽ có quyền lựa chọn ba giải pháp tương tự các giải pháp áp dụng cho trường hợp bên được bảo hiểm vi phạm mà không có lỗi trong giai đoạn trước khi hợp đồng được ký kết như đã đề cập ở trên.

 

5. Pháp luật Việt Nam về nghĩa vụ cung cấp thông tin của các bên trong bảo hiểm hàng hải

Trong pháp luật bảo hiểm hàng hải Việt Nam không có sự ghi nhận nguyên tắc với tên gọi là “trung thực tuyệt đối” như pháp luật Anh. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật Việt Nam về nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên được bảo hiểm, xét về cơ bản, có nội dung tương tự như nguyên tắc trung thực tuyệt đối trong pháp luật bảo hiểm hàng hải Anh.

Bộ luật Hàng hải năm 2015 quy định khi giao kết hợp đồng bảo hiểm hàng hải thì “người được bảo hiểm có nghĩa vụ cung cấp cho người bảo hiểm biết tất cả thông tin mà mình biết hoặc phải biết liên quan đến việc giao kết hợp đồng bảo hiểm có thể ảnh hưởng đến việc xác định khả năng xảy ra rủi ro hoặc quyết định của người bảo hiểm về việc nhận bảo hiểm và các điều kiện bảo hiểm, trừ thông tin mà mọi người biết hoặc người bảo hiểm đã biết hoặc phải biết”.

Nghĩa vụ này của người được bảo hiểm cũng được áp dụng cho người đại diện của người được bảo hiểm. Nếu người được bảo hiểm cố ý vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin thì người bảo hiểm có quyền chấm dứt hợp đồng, nếu người được bảo hiểm không có lỗi trong việc không cung cấp hoặc cung cấp không chính xác thì người bảo hiểm không có quyền chấm dứt hợp đồng nhưng có quyền thu thêm phí bảo hiểm ở mức hợp lý.

Trong Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 sửa đổi năm 2010 cũng quy định “bên mua bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến đối tượng bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm” và phải “chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin đó”. Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định cụ thể bên mua bảo hiểm phải “kê khai đầy đủ, trung thực mọi chi tiết có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm; thông báo những trường hợp có thể làm tăng rủi ro hoặc làm phát sinh thêm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm”. Nếu bên mua bảo hiểm vi phạm các nghĩa vụ này hoặc cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm trục lợi bảo hiểm thì bên bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm và thu phí bảo hiểm đến thời điểm đình chỉ hợp đồng bảo hiểm.

Các quy định trên cho thấy pháp luật Việt Nam và pháp luật Anh đều yêu cầu sự trung thực thiện chí khi cung cấp thông tin từ các bên, đặc biệt từ phía người được bảo hiểm. Tuy nhiên, các quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm Việt Nam nói chung và Bộ luật Hàng hải năm 2015 nói riêng chưa chi tiết, cụ thể như các quy định trong Luật Bảo hiểm năm 2015 của Anh.

Quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm được thiết lập theo hướng xác định nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên được bảo hiểm dựa trên yêu cầu của bên bảo hiểm chứ không đề cập tính chủ động, độc lập trong nghĩa vụ cung cấp đầy đủ thông tin của bên được bảo hiểm cũng như chưa có sự phân chia rõ ràng các trường hợp vi phạm với lỗi cố ý, vô ý, hoặc không có lỗi trong việc không cung cấp thông tin.

Bộ luật Hàng hải năm 2015 dù đã xác định rõ hơn tính chất của các thông tin mà bên được bảo hiểm phải cung cấp và có quy định về hậu quả pháp lý áp dụng cho trường hợp bên được bảo hiểm vi phạm với lỗi cố ý hoặc không có lỗi song các quy định này chưa bao quát hết được các vấn đề có thể phát sinh liên quan đến nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên được bảo hiểm, ví dụ như không quy định cách thức giải quyết đối với trường hợp bên được bảo hiểm vi phạm với lỗi vô ý, hoặc trong trường hợp thay đổi các điều khoản trong quá trình thực hiện hợp đồng thì yêu cầu về sự trung thực khi cung cấp thông tin có cần thiết phải tiếp tục được tuân thủ hay không… Quy định trong Bộ luật Hàng hải năm 2015 chỉ đặt ra yêu cầu về nghĩa vụ cung cấp thông tin ở giai đoạn tiền hợp đồng. Trong khi đó, việc tuân thủ nghĩa vụ này cần thiết phải được đặt ra ở cả giai đoạn sau khi hợp đồng được xác lập như quy định của pháp luật Anh.

Dường như các nhà làm luật Việt Nam chưa thực sự chú trọng đến nghĩa vụ cung cấp thông tin của các bên, trong khi đó nghĩa vụ cung cấp thông tin lại có vai trò then chốt cho việc xác lập hợp đồng trong lĩnh vực bảo hiểm nói chung và bảo hiểm hàng hải nói riêng. Quy định đầy đủ và chặt chẽ của pháp luật về nghĩa vụ cung cấp thông tin là cơ sở pháp lý hiệu quả để bảo vệ, cân bằng quyền lợi của các bên trong quan hệ bảo hiểm hàng hải vì không riêng gì trong bảo hiểm hàng hải mà trong bất kỳ loại hình bảo hiểm nào cũng luôn tồn tại sự bất cân xứng về việc nắm giữ thông tin giữa các bên, bên được bảo hiểm là bên nắm giữ các thông tin mang tính chất quyết định đối với việc đánh giá rủi ro.

Chính vì vậy, pháp luật Việt Nam cần có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn về các vấn đề pháp lý liên quan đến nghĩa vụ cung cấp thông tin trong lĩnh vực bảo hiểm hàng hải. Tham khảo kinh nghiệm lập pháp của các quốc gia có lịch sử phát triển lâu đời và tầm ảnh hưởng rộng lớn ở phạm vi thế giới về pháp luật bảo hiểm hàng hải như hệ thống pháp luật Anh là một trong những giải pháp để hoàn thiện hơn các quy định của pháp luật bảo hiểm hàng hải Việt Nam.

Trên đây là tư vấn của Luật LVN Group. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại, gọi ngay số: 1900.0191 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.