1. Các loại hợp đồng làm việc của viên chức

Theo khoản 5 Điều 3 Luật viên chức năm 2010, Hợp đồng làm việc là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa viên chức hoặc người được tuyển dụng làm viên chức với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập về vị trí việc làm, tiền lương, chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc quyền và nghĩa vụ của mỗi bên.

Như vậy, đối tượng ký kết hợp đồng làm việc bao gồm người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập và người được tuyển dụng làm viên chức.

Hợp đồng làm việc là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa viên chức hoặc người được tuyển dụng làm viên chức với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập về vị trí việc làm, tiền lương, chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc quyền và nghĩa vụ của mỗi bên.

Theo quy định tại Điều 25 Luật viên chức năm 2010 (Sửa đổi tại Khoản 2 Điều 2 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Luật Viên chức sửa đổi 2019), viên chức làm việc theo các loại hợp đồng sau:

 

1.1. Hợp đồng làm việc xác định thời hạn

Tại Khoản 1 Điều 25 Luật viên chức năm 2010 (Sửa đổi tại Khoản 2 Điều 2 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019) và Hướng dẫn tại Điều 11 Thông tư 15/2012/TT-BNV, hợp đồng có xác định thời hạn được quy định như sau:

Thứ nhất, về thời hạn của hợp đồng: Đây là loại hợp đồng xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng.

Thứ hai, về đối tượng áp dụng: Hợp đồng làm việc xác định thời hạn áp dụng đối với người được tuyển dụng làm viên chức kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020, trừ trường hợp cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức và người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định.

Thứ ba, về thẩm quyền ký kết: Hợp đồng làm việc xác định thời hạn được ký kết giữa người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập với người trúng tuyển vào viên chức, trừ trường hợp:

– Cán bộ, công chức được chuyển sang làm viên chức tại đơn vị sự nghiệp công lập khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật này;

– Công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập khi hết thời hạn bổ nhiệm mà không được bổ nhiệm lại nhưng vẫn tiếp tục làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập đó thì được chuyển làm viên chức và bố trí công tác phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ;

Lưu ý:

Căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp được tuyển dụng, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định thời hạn cụ thể để ký hợp đồng xác định thời hạn nhưng không quá 36 tháng.

 

1.2. Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 25 Luật viên chức năm 2010 (Sửa đổi tại Khoản 2 Điều 2 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019) và Hướng dẫn tại Điều 12 Thông tư 15/2012/TT-BNV về hợp đồng không xác định thời hạn:

Thứ nhất, hợp đồng làm việc không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng. Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn áp dụng đối với các trường hợp sau đây:

– Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2020;

– Cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức

– Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Thứ hai, về thẩm quyền ký kết: Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được ký kết giữa người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập với người đã thực hiện xong hợp đồng làm việc xác định thời hạn và trường hợp cán bộ, công chức chuyển thành viên chức theo quy định.

 

2. Quy định về trình tự ký hợp đồng làm việc của viên chức

Theo quy định tại Điều 20 Nghị định 115/2020/NĐ-CP việc ký kết hợp đồng làm việc của viên chức phải theo trình tự sau:

– Hợp đồng làm việc được ký kết bằng văn bản giữa viên chức hoặc người được tuyển dụng làm viên chức với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập. Trường hợp viên chức là người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thì do cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập ký kết hợp đồng làm việc.

– Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2020 nhưng đang thực hiện hợp đồng làm việc xác định thời hạn thì tiếp tục thực hiện hợp đồng làm việc đã ký kết, kể cả trường hợp viên chức chuyển đến đơn vị sự nghiệp công lập khác theo quy định tại khoản 4 Điều này, sau khi kết thúc thời hạn của hợp đồng làm việc đã ký kết thì được ký kết hợp đồng làm việc không xác định thời hạn nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật.

– Trong quá trình thực hiện hợp đồng làm việc, nếu có thay đổi nội dung hợp đồng làm việc thì viên chức hoặc người được tuyển dụng làm viên chức thỏa thuận với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập về các nội dung thay đổi đó và được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng làm việc hoặc ký kết hợp đồng làm việc mới có những nội dung thay đổi đó.

– Trường hợp viên chức được cấp có thẩm quyền đồng ý chuyển đến đơn vị sự nghiệp công lập khác thì không thực hiện việc tuyển dụng mới và không giải quyết chế độ thôi việc, nhưng phải ký kết hợp đồng làm việc mới với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập; đồng thời thực hiện chế độ tiền lương đối với viên chức phù hợp trên cơ sở căn cứ vào loại hình hợp đồng làm việc của viên chức đang được ký kết tại đơn vị sự nghiệp công lập trước khi chuyển công tác, năng lực, trình độ đào tạo, quá trình công tác, diễn biến tiền lương và thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của viên chức.

 

3. Nội dung chủ yếu của hợp đồng làm việc:

– Tên, địa chỉ của đơn vị sự nghiệp công lập và người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập;

– Họ tên, địa chỉ, ngày, tháng, năm sinh của người được tuyển dụng.

Trường hợp người được tuyển dụng là người dưới 18 tuổi thì phải có họ tên, địa chỉ, ngày, tháng, năm sinh của người đại diện theo pháp luật của người được tuyển dụng;

– Công việc hoặc nhiệm vụ, vị trí việc làm và địa điểm làm việc;

– Quyền và nghĩa vụ của các bên;

– Loại hợp đồng, thời hạn và điều kiện chấm dứt của hợp đồng làm việc;

– Tiền lương, tiền thưởng và chế độ đãi ngộ khác (nếu có);

– Thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi;

– Chế độ tập sự (nếu có);

– Điều kiện làm việc và các vấn đề liên quan đến bảo hộ lao động;

– Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế;

– Hiệu lực của hợp đồng làm việc;

– Các cam kết khác gắn với tính chất, đặc điểm của ngành, lĩnh vực và điều kiện đặc thù của đơn vị sự nghiệp công lập nhưng không trái với quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

 

4. Hình thức của hợp đồng:

Hợp đồng làm việc được ký kết bằng văn bản giữa người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập với người được tuyển dụng làm viên chức và được lập thành ba bản, trong đó một bản giao cho viên chức.

Đối với các chức danh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật do cấp trên của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập bổ nhiệm thì trước khi ký kết hợp đồng làm việc phải được sự đồng ý của cấp đó.

Lưu ý:

Người trúng tuyển viên chức phải thực hiện chế độ tập sự, trừ trường hợp đã có thời gian từ đủ 12 tháng trở lên thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng.

Thời gian tập sự từ 03 tháng đến 12 tháng và phải được quy định trong hợp đồng làm việc.

 

5. Phân biệt hợp đồng lao động và hợp đồng làm việc

Tiêu chí

Hợp đồng lao động (HĐLĐ)

Hợp đồng làm việc (HĐLV)

Khái niệm

– Là sự thỏa thuận giữa người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

– NSDLĐ là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo HĐLĐ; nếu là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

(Điều 15 Bộ Luật lao động 2012).

– Là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa viên chức hoặc người được tuyển dụng làm viên chức với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập về vị trí việc làm, tiền lương, chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc quyền và nghĩa vụ của mỗi bên.

 (Khoản 5 Điều 3 Luật Viên chức 2010).

 

Loại hợp đồng

Có 03 loại:

(1) HĐLĐ xác định thời hạn: hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.

(2) HĐLĐ không xác định thời hạn: hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.

(3) HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

(Điều 22 Bộ Luật lao động 2012).

Hiện hành, Có 02 loại:

– HĐLV xác định thời hạn: Được ký kết giữa người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập với người trúng tuyển vào viên chức (trừ trường hợp cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức).

Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định thời hạn cụ thể để ký hợp đồng xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên nhưng không vượt quá 36 tháng.

– HĐLV không xác định thời hạn được ký kết giữa người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập với người đã thực hiện xong HĐLV xác định thời hạn hoặc trường hợp cán bộ, công chức chuyển thành viên chức.

(Điều 25 Luật Viên chức 2010, Khoản 2 Khoản 3 Điều 3 Thông tư 03/2019/TT-BNV ).

Chủ thể giao kết

Bên phía NSDLĐ thuộc 1 trong các trường hợp sau:

– Người đại diện theo pháp luật.

– Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức có tư cách pháp nhân.

– Người được các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân ủy quyền làm người đại diện.

– Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động.

– Người được người đại diện theo pháp luật hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức có tư cách pháp nhân nêu trên ủy quyền bằng văn bản về việc giao kết HĐLĐ.

Bên phía NLĐ:

– NLĐ từ đủ 18 tuổi trở lên.
– NLĐ chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi (có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của NLĐ).
– Người đại diện theo pháp luật đối với người dưới 15 tuổi (có sự đồng ý của người dưới 15 tuổi).
– NLĐ được những NLĐ trong nhóm ủy quyền hợp pháp giao kết HĐLĐ.

(Điều 3 Nghị định 05/2015, Điều 1 Nghị định 148/2018).

– Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

– Người là viên chức hoặc người trúng tuyển vào viên chức.

– Người là cán bộ, công chức chuyển thành viên chức.

(Điều 25 Luật Viên chức 2010).  

Hình thức hợp đồng

– Giao kết bằng văn bản.

– Giao kết bằng lời nói (Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng)

– Lập thành 2 bản, mỗi bên giữ 1 bản.

(Điều 16 Bộ Luật lao động 2012).

Từ năm 2021, theo quy định tại Điều 14 Bộ luật lao động 2019, HĐLĐ có thể giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu và có thể giao kết HĐLĐ bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng.

– Giao kết bằng văn bản.

– Lập thành 3 bản, 1 bản giao cho viên chức.

(Điều 26 Luật viên chức 2010).

Nội dung hợp đồng

Cần có đủ những nội dung cơ bản sau:

– Tên và địa chỉ người sử dụng lao động hoặc của người đại diện hợp pháp.

– Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác của người lao động.

– Công việc và địa điểm làm việc.

– Thời hạn của hợp đồng lao động.

– Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

– Chế độ nâng bậc, nâng lương.

– Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.

– Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động.

– Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế.

– Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

(Điều 23 Bộ Luật lao động 2012, Điều 4 Nghị định 5/2015).

 

Cần có những nội dung cơ bản sau:

– Tên, địa chỉ của đơn vị sự nghiệp công lập và người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

– Họ tên, địa chỉ, ngày, tháng, năm sinh của người được tuyển dụng.

(Trường hợp người được tuyển dụng là người dưới 18 tuổi thì phải có họ tên, địa chỉ, ngày, tháng, năm sinh của người đại diện theo pháp luật của người được tuyển dụng).

– Công việc hoặc nhiệm vụ, vị trí việc làm và địa điểm làm việc.

– Quyền và nghĩa vụ của các bên.

– Loại hợp đồng, thời hạn và điều kiện chấm dứt của hợp đồng làm việc.

– Tiền lương, tiền thưởng và chế độ đãi ngộ khác (nếu có).

– Thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi.

– Chế độ tập sự (nếu có).

– Điều kiện làm việc và các vấn đề liên quan đến bảo hộ lao động.

– Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

– Hiệu lực của hợp đồng làm việc.

– Các cam kết khác gắn với tính chất, đặc điểm của ngành, lĩnh vực và điều kiện đặc thù của đơn vị sự nghiệp công lập.

(Điều 26 Luật Viên chức 2010).

Luật Minh KHuê (tổng hợp & phân tích)