Đó là mô hình Tổ chức quốc tế. Kể từ khi ra đời, các tổ chức quốc tế đã thể hiện vai trò và vị thế hết sức quan trọng đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng và hoàn thiện quy phạm pháp luật quốc tế.

 

1. Tổ chức quốc tế liên chính phủ là gì ?

Tổ chức quốc tế là thực thể liên kết các quốc gia và các chủ thể khác của luật quốc tế, hình thành trên cơ sở điều ước quốc tế, có quyền năng chủ thể luật quốc tế, có hệ thống các cơ quan để duy trì hoạt động thường xuyên theo đúng mục đích, tôn chỉ của tổ chức đó.

Tổ chức quốc tế gồm: Tổ chức quốc tế liên chính phủ và Tổ chức quốc tế phi chính phủ.

Tổ chức quốc tế liên chính phủ (Tổ chức liên chính phủ – IGOs), theo nghiên cứu của Uỷ ban pháp luật quốc tế, tổ chức quốc tế liên chính phủ được định nghĩa là Hiệp hội các quốc gia được thành lập trên cơ sở điều ước quốc tế, có văn kiện thành lập và các cơ quan chung, có tư cách pháp nhân độc lập tách biệt với tư cách pháp nhân của các quốc gia thành viên.

 

2. Lịch sử hình thành các tổ chức liên chính phủ

Dựa trên nhu cầu liên kết các quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu của các nước thành viên trong việc thiết lập những diễn đàn tập trung để đàm phán, giải quyết xung đột, cải thiện quan hệ quốc tế hoặc để cùng thống nhất nhưng mục tiêu chung như giữ gìn hoà bình, phát huy vai trò của hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường, đề cao nhân quyền, giao lưu phát triển giáo dục, kinh tế – xã hội, trợ giúp nhân đạo,… Cũng giống như các tổ chức khác, Tổ chức quốc tế cũng được hình thành dựa trên nhu cầu thiết yếu và những mục đích mang tính chính trị, kinh tế, xã hội của các quốc gia thành viên.

Nhìn vào lịch sử hình thành các điều ước quốc tế, chúng ta có thể thấy khi mà các hiệp định, liên minh, các hội nghị đa phương, song phương đã tồn tại từ hàng thế kỷ nay thì những tổ chức quốc tế mới chỉ bắt đầu hình thành từ khoảng thế kỷ thứ 19. Tổ chức tiên phong đầu tiên phải kể đến là Uỷ ban trung ương về lưu thông tàu bè trên sông Ranh (Rhine) được thành lập vào năm 1815 sau khi các cuộc chiến tranh của Napoleon kết thúc. Tiếp đó là Liên minh Viễn thông quốc tế được thành lập vào năm 1865, đến năm 1947 trở thành một trong các cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc. Hội Quốc Liên thành lập năm 1919 sau chiến tranh thế giới thứ nhất, năm 1945 đổi tên thành Liên Hiệp Quốc (hay Liên Hợp Quốc).

Với xu hướng toàn cầu hoá, hiện đại hoá như hiện nay, việc mở cửa giao lưu, hợp tác cùng phát triển là nhu cầu tất yếu khách quan. Điều này kéo theo việc xuất hiện, mở rộng và phát triển của các tổ chức quốc tế nói chung và tổ chức quốc tế liên chính phủ nói riêng ngày càng mạnh mẽ và phong phú. Hiện nay đã có hơn 200 tổ chức quốc tế liên chính phủ và con số này dự định vẫn tiếp tục còn tăng lên.

 

3. Phân loại tổ chức quốc tế liên chính phủ

Để phân loại tổ chức quốc tế, ta có thể dựa vào các tiêu chí sau:

Tiêu chí thứ nhất – tiêu chí về thành viên. Theo tiêu chí này, tổ chức quốc tế có thể được phân ra thành:

Tổ chức quốc tế toàn cầu – Cho phép mọi quốc gia nếu đáp ứng được các điệu kiện của tổ chức đều được gia nhập.(Ví dụ: Liên hợp quốc; Interpol; Quỹ tiền tệ quốc tế IMF; Tổ chức thương mại thế giới WTO; Tổ chức y tế thế giới WHO;…);

Tổ chức quốc tế khu vực hoặc liên khu vực – Tổ chức của các thành viên cùng một khu vực hoặc châu lục (ví dụ: Khối liên minh quân sự Bắc đại tây dương – NATO; Liên minh Châu Âu; Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á; …)

Tiêu chí thứ hai, tiêu chí về phạm vi hoạt động, gồm có:

Tổ chức quốc tế chung và tổ chức quốc tế chuyên môn.

Tổ chức quốc tế chung ví dụ như Liên Hợp Quốc.

Tổ chức quốc tế chuyên môn, ví dụ: Tổ chức văn hoá, ngôn ngữ, dân tộc, giáo dục, kinh tế – Tổ chức thương mại thế giới, Tổ chức y tế thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Đại học Liên Hợp quốc,…

 

4. Đặc điểm của tổ chức liên chính phủ

Từ các nội dung trên, có thể thấy rằng, các tổ chức liên chính phủ mang một số các đặc điểm sau:

Thành viên tham gia tổ chức

Tổ chức quốc tế liên chính phủ là mô hình liên kết chủ yếu của các quốc gia độc lập, có chủ quyền. Các thành viên trong tổ chức quốc tế không nhân danh chính bản thân mình mà đại diện cho một quốc gia, dân tộc. Ngoài ra, một số tổ chức quốc tế cũng thừa nhận tư cách thành viên của loại hình lãnh thổ đặc biệt (như Hồng Kông, Ma Cao,…), hoặc của một số liên minh thuế quan hay một số tổ chức quốc tế khác (ví dụ: EU là thành viên của WTO).

Con đường hình thành các tổ chức quốc tế liên chính phủ

Điều ước quốc tế được ký kết giữa các thành viên tham gia tổ chức quốc tế là cơ sở hình thành và duy trì sự phối hợp hoạt động giữa các quốc gia thành viên của tổ chức quốc tế đó. Ví dụ: Liên hợp quốc có Hiến chương Liên hợp quốc; Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có Tuyên bố Băng Cốc 1962.

Cơ cấu tổ chức

Để tồn tại, phát triển và thực hiện chức năng, nhiệm vụ mà các quốc gia thành viên trao cho, các tổ chức quốc tế đều có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, nhất định. Ví dụ: Tổ chức thương mại thế giới WTO có ba cơ quan chính là: Hội nghị bộ trưởng, Đại hội đồng và Ban thư ký…

Quyền năng chủ thể của các tổ chức liên chính phủ trong pháp luật quốc tế

Quyền năng chủ thể luật quốc tế của tổ chức quốc tế liên chính phủ là quyền năng mang tính chất phái sinh. Quyền năng này không xuất phát từ thuộc tính tự nhiên vốn có của tổ chức quốc tế mà quyền năng này do các thành viên của tổ chức thỏa thuận trao cho. Phạm vi quyền năng chủ thể của các tổ chức quốc tế được xác định cụ thể trong điều lệ hoặc trong điều ước ký kết để thành lập tổ chức đó. Đối với các tổ chức khác nhau, số lượng các quyền và nghĩa vụ của các tổ chức quốc tế sẽ không giống nhau. Ví dụ: WIPO không tham gia vào ký kết các điều ước quốc tế liên quan đến vấn đề an ninh, quốc phòng, thương mại,.. theo thỏa thuận của các thành viên. WIPO chỉ tham gia các điều ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Còn WTO lại có thẩm quyền trong việc giải quyết các quyết các quy định về thượng mại giữa các quốc gia với nhau.

 

5. Vai trò của các tổ chức quốc tế liên chính phủ trong xây dựng pháp luật quốc tế

Tổ chức quốc tế đóng vai trò quan trọng trọng việc xây dựng và hoàn thiện các quy phạm pháp luật quốc tế. Sở dĩ chúng ta có thể nói vậy là do những hoạt động của các tổ chức quốc tế đã góp phần khiến cho pháp luật quốc tế được thực hiện một cách hiệu quả, càng ngày càng hoàn thiện, góp phần thúc đẩy việc hợp tác cùng phát triển giữa các quốc gia trên thế giới. Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của các tổ chức quốc tế được thể hiện chủ yếu thông qua các hoạt động sau:

Đưa ra sáng kiến xây dựng pháp luật

Vai trò của các tổ chức quốc tế trong hoạt động này có thể thấy rõ rệt thông qua việc đưa ra các sáng kiến xây dựng pháp luật và các giải pháp pháp lý để giải quyết các vấn đề đang nảy sinh. Ví dụ: Liên hợp quốc đã có những sáng kiến tích cực trong việc xây dựng một Công ước Biển nhằm giảm bớt mẫu thuẫn giữa các quốc gia đang căng thẳng về vấn đề lợi ích từ biển. Điều này được thể hiện thông qua ba hội nghị về Luật biển do Liên Hợp quốc triệu tập. Một ví dụ khác là: sau Chiến tranh Thế giới thứ II, nhằm khôi phục sự phát triển kinh tế và thương mại, hơn 50 quốc gia trên thế giới đã cùng nhau kiến tạo một tổ chức mới điều chỉnh hoạt động hợp tác kinh tế quốc tế. Tháng 12/1946, Hội đồng Kinh tế – Xã hội Liên hợp quốc về Thương mại và Việc làm” với mục tiêu dự thảo Hiến chương cho Tổ chức thương mại Quốc tế (WTO). Dự thảo thành lập WTO không những chỉ điều chỉnh các quy tắc thương mại thế giới mà còn mở rộng cả các quy định về công ăn việc làm, các hành vi hạn chế thương mại, đầu tư và dịch vụ.

Tham gia soạn thảo các điều ước quốc tế

Các tổ chức quốc tế có những đóng góp quan trọng và tích cực trong việc tham gia soạn thảo các điều ước quốc tế. Việc soạn thảo các điều ước quốc tế là một hành động hiện thực hóa các ý kiến pháp luật được đề xuất, đòi hỏi những yêu cầu cao về mặt chuyên môn và phải được sự đồng thuận của các quốc gia thành viên.

Ví dụ: Vai trò của Liên hợp quốc trong việc soạn thảo một số văn kiện pháp lý. Ủy ban nhân quyền do Hội đồng kinh tế và xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) thành lập là cơ quan đóng vai trò trung tâm trong việc soạn thảo những văn kiện quốc tế về nhân quyền.

Các tổ chức quốc tế là chủ thể trực tiếp ký kết các điều ước quốc tế

Trong hoạt động xây dựng pháp luật này, các tổ chức quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc ký kết các điều ước quốc tế. Ký kết điều ước quốc tế là một quá trình phức tạp, nó chỉ diễn ra khi các bên chủ thể tham gia được thể hiện ý chí của mình một cách rõ ràng và dứt khoát. Do thành viên của tổ chức quốc tế là các quốc gia nên năng lực ký kết các điều ước quốc tế của các tổ chức quốc tế bị hạn chế bởi quyền năng mà các quốc gia thành viên trao cho thể hiện thông qua hiến chương hay các văn kiện thành lập của tổ chức đó. Phạm vi điều ước quốc tế được ký kết do các nước thành viên thỏa thuận. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể phủ nhận vai trò quan trọng của tổ chức quốc tế trong việc ký kết thành công các điều ước quốc tế. Có thể hình dung như sau: tổ chức quốc tế là “ đại diện” của rất nhiều quốc gia thành viên. Giả sử, các quốc gia chỉ đơn giản tuyên bố sẽ liên kết với nhau mà không cần “đại diện” vậy thì việc ký kết các điều ước quốc tế sẽ do quốc gia thành viên nào đảm nhận trong khi tất cả các thành viên đều có quyền như nhau? Khi xảy ra tranh chấp xung quanh điều ước quốc tế đó, quốc gia nào “dám” đứng ra giải quyết? Uy tín của các quốc gia có được bảo đảm hay không?… Tổ chức quốc tế chính là vỏ bọc của các quốc gia thành viên. Do có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, nhất định, nên việc ký kết các điều ước quốc tế sẽ không dẫn đến sự tranh chấp giữa các quốc gia thành viên, bên cạnh đó còn tạo ra uy tín, niềm tin của các chủ thể khác vào cơ chế giải quyết tranh chấp của các tổ chức quốc tế, góp phần thúc đẩy sự giao lưu, hợp tác phát triển giữa các quốc gia.

Vai trò trong việc bảo trợ việc ký kết các điều ước quốc tế

Các tổ chức quốc tế khi bảo trợ ký kết các điều ước quốc tế thường sẽ tổ chức các diễn đàn, các hội nghị để các bên thương lượng và ký kết điều ước quốc tế. Do tổ chức quốc tế là mô hình liên kết mà các quốc gia lựa chọn nên các tổ chức quốc tế sẽ có uy tín hơn. Cho nên, việc các tổ chức quốc tế đứng ra bảo trợ việc ký kết các điều ước đều nhằm đảm bảo cho tiến trình ký kết được thực hiện mạch lạc, nhất quán, và đảm bảo điều ước quốc tế sẽ được các thành viên thực hiện một cách thiện chí, tích cực. Minh chứng cho vai trò bảo trợ ký kết các điều ước quốc tế, ta có thế lấy ví dụ về Công ước quốc tế về Quyền trẻ em chính là văn kiện pháp lý do Liên hợp quốc bảo trợ ký kết.

Chấp nhận các tập quán quốc tế

Tập quán quốc tế và Điều ước quốc tế là hai nguồn luật độc lập, tương đương nhau của luật quốc tế. Chúng đều được coi là nguồn chủ yếu để xây dựng lên các quy phạm juscogen. Mặc dù điều ước quốc tế được xem là phương tiện chủ yếu được các quốc gia ưa sử dụng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, tập quán quốc tế lại được các quốc gia lựa chọn sử dụng. Tổ chức quốc tế là tổ chức gồm nhiều quốc gia thành viên. Việc các tổ chức quốc tế thừa nhận giá trị pháp lý của tập quán quốc tế cũng có nghĩa là các quốc gia thành viên chấp nhận tập quán quốc tế đó. Ví dụ: Khoản 11, Điều 38, Điểm b, Quy chế Tòa án Quốc tế có quy định hai yếu tố để hình thành tập quán quốc tế, đó là: sự áp dụng thường xuyên và được các chủ thể của luật quốc tế thừa nhận. Và như thế, việc chấp nhận sự hình thành, xuất hiện tập quán quốc tế của các tổ chức quốc tế đã góp phần làm hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật quốc tế. .

Giám sát việc thực hiện pháp luật quốc tế

Nhằm đảm bảo cho các điều ước quốc tế đã ký kết, các tập quán quốc tế đã được thừa nhận được thực hiện một cách nghiêm túc và hiệu quả các tổ chức quốc tế đã thiết lập nên các thiết chế để giám sát việc thực hiện này. Việc ký kết điều ước quốc tế sẽ tạo ra hành lang pháp lý và là cơ sở dẫn chiếu thẩm quyền của các tổ chức quốc tế trong việc đảm bảo thực thi các điều ước quốc tế và giải quyết các vấn đề trong phạm vi thẩm quyền của mình. Các tổ chức quốc tế với tư cách là chủ thế của luật quốc tế có quyền ký kết các điều ước quốc tế, có nghĩa vụ phải thực hiện theo các điều ước quốc tế. Điều này cũng có nghĩa là các thành viên của tổ chức quốc tế đó cũng có nghĩa vụ tuân thủ các điều ước quốc tế đã ký với các quốc gia, tổ chức quốc tế khác. Việc thiết lập cơ chế giám sát để giữ cho hành lang pháp lý ổn định, đảm bảo cho các chủ thể tuân thủ đúng các quy định, tránh sự “phá vỡ luật khi tham gia vào sân chơi quốc tế”.

Luật LVN Group (Tìm hiểu và biên tập)