Cục quản lý, giám sát bảo hiểm là gì? Chức năng của Cục? Nhiệm vụ, quyền hạn của Cục quản lý, giám sát bảo hiểm? Cơ cấu tổ chức của Cục quản lý, giám sát bảo hiểm?
Ngoài các loại hình bảo hiểm như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thai sản,…. thì các loại hình bảo hiểm khác như bảo hiểm nhân thọ, … đang trở nên rất phát triển và trở thành một phần không thể thiếu ở nước ta hiện nay. Lĩnh vực bảo hiểm cũng là một thành phần không thể thiếu trong tài chính. Và cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý chính trong lĩnh vực này đó chính là Cục quản lý, giám sát bảo hiểm. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ cung cấp thông tin về vấn đề này.
* Cơ sở pháp lý:
– Quyết định số 1799/QĐ-BTC ngày 11 tháng 9 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm
– Quyết định số 98/QĐ-BTC ngày 21 tháng 01 năm 2020 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1799/QĐ-BTC ngày 11 tháng 9 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và Cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm và Quyết định số 565/QĐ-BTC ngày 29 tháng 3 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo bảo hiểm thuộc Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm.
– Quyết định số 1736/QĐ- BTC ngày 04 tháng 11 năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.
1. Cục quản lý, giám sát bảo hiểm là gì? Chức năng của Cục:
Tại Điều 1 của Quyết định số 1799/QĐ- BTC quy định về vị trí và chức năng của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm như sau:
” Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm là đơn vị thuộc Bộ Tài chính, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm trong phạm vi cả nước; trực tiếp quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm theo quy định của pháp luật.
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng theo quy định của pháp luật.”
Từ quy định này, thì hiểu rằng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm là đơn vị thuộc Bộ Tài chính, tức đây là cơ quan nhà nước, thuộc sự quản lý, giám sát của Bộ Tài chính, và chịu trách nhiệm về hoạt động trước Bộ Tài chính. Bên cạnh đó, thì Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm sẽ hoạt động dưới sự phân công nhiệm vụ của Bộ trưởng.
Về chức năng của Cục, thì quy định trên đã thể hiện rõ đó chính là giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm trong phạm vi cả nước. Quản lý nhà nước là một dạng của quản lý xã hội đặc biệt, sử dụng pháp luật của nhà nước để điều chỉnh hành vi hoạt động của con người trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Kinh doanh bảo hiểm được định nghĩa là hoạt động doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ, sản phẩm liên quan đến bảo hiểm để tìm kiếm lợi nhuận. Như vậy, có thể hiểu đơn giản thì quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm chính là việc sử dụng các công cụ khác nhau để điều chỉnh hoạt động của các chủ thể trong hoạt động kinh doanh, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực bảo hiểm.
Nhà nước cần phải quản lý hoạt động kinh doanh bảo hiểm bởi lẽ bởi lẽ bảo hiểm là phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện nay, loại hình bảo hiểm ngày một đa dạng, lượng vốn trong các công ty bảo hiểm lớn, và gắn liền mật thiết với hoạt động đầu tư, chứng khoán,…. đồng thời các vấn đề về bảo hiểm rất phức tạp mà khả năng quản lý của nhà nước vẫn còn hạn chế, do đó, đặt ra vấn đề cần phải có một cơ quan quản lý chuyên trách hoạt động của các công ty bảo hiểm để điều chỉnh, đảm bảo quyền lợi của các chủ thể tham gia bảo hiểm cũng như đảm bảo sự ổn định của thị trường.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cục quản lý, giám sát bảo hiểm:
Nhiệm vụ, quyền hạn của Cục quản lý, giám sát bảo hiểm được quy định tại Điều 2 Quyết định số 1799/ QĐ- BTC, cụ thể bao gồm những nhiệm vụ:
Đầu tiên đó là nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chính sách về kinh doanh bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Chính sách, văn bản quy phạm pháp luật là nền tảng, gốc rễ của bất kì vấn đề gì, và trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm cũng vậy. Để hoạt động kinh doanh bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm được định hướng đúng đắn, thực hiện đúng tinh thần, bản chất của bảo hiểm thì không thể thiếu chính sách và văn bản quy phạm pháp luật. Nên nhiệm vụ này là nhiệm vụ đầu tiên là hoàn toàn hợp lý. Và để hoạt động kinh doanh bảo hiểm phát triển bền vững thì cần phải có chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển trong các thời kì, giai đoạn khác nhau, và cơ quan có nhiệm vụ xây dựng những nội dung này cũng chính là Cục quản lý, giám sát bảo hiểm.
Là cơ quan thực hiện hoạt động xây dựng, sau khi các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, văn bản do Cục trình lên Bộ trưởng được ban hành, thì nhiệm vụ tiếp theo của Cục đó chính là “tổ chức thực hiện, tuyên truyền phổ biến và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.” (Khoản 2). Nhiệm vụ này đó chính là hiện thực hóa những kế hoạch, chiến lược đã được xây dựng. Nếu chiến lược, kế hoạch mà không được triển khai thực hiện thì không còn ý nghĩa gì nữa, do vậy, Cục sẽ tiến hành các hoạt động như gửi, tuyên truyền để các chủ thể trọng lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm biết được nội dung của kế hoạch, chiến lược, văn bản quy phạm pháp luật, sau đó đến việc phân công nhiệm vụ cho các chủ thể đó, hướng dẫn những vấn đề chưa rõ ràng và kiểm tra quá trình thực hiện nội dung văn bản pháp luật, quy hoạch kế hoạch đã được phổ biến trước đó.
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm phải được cấp phép hoạt động, thẩm quyền cấp phép thuộc về Bộ trưởng Bộ Tài chính. Trong hoạt động cấp phép này, thì Cục quản lý, giám sát bảo hiểm sẽ thực hiện các hoạt động giúp việc cho Bộ trưởng thông qua thực hiện các công việc như tiếp nhận hồ sơ do các doanh nghiệp gửi, thực hiện kiểm tra hồ sơ, kiểm tra các điều kiện,…. sau đó gửi lên Bộ trưởng để Bộ trưởng quyết định việc cấp phép.
Nhóm đối tượng mà Cục quản lý, giám sát bảo hiểm thực hiện quản lý không chỉ bao gồm các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm mà còn cả các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Việc quy định quyền hạn này thể hiện sự quản lý rộng rãi các hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong xã hội, dù doanh nghiệp có quốc tịch nào thì vẫn chịu quản lý của Nhà nước Việt Nam.
Tại Khoản 5 của Điều 2 quy định Cục quản lý, giám sát bảo hiểm có nhiệm vụ, quyền hạn: “Thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực bảo hiểm đối với các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm theo quy định của pháp luật.”
Hoạt động thanh tra chuyên ngành được hiểu là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo ngành, lĩnh vực đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân không trực thuộc về mặt tổ chức trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn – kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc ngành, lĩnh vực đó, đồng thời khắc phục những sơ hở của pháp luật, phát huy nhân tố tích cực, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, lợi ích nhà nước và xã hội. Như vậy có thể hiểu thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực bảo hiểm chính là việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm, quy định chuyên môn – kỹ thuật, quy tắc thuộc thuộc lĩnh vực bảo hiểm.
Bên cạnh đó, thì Cục quản lý, giám sát bảo hiểm còn thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý những vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Đây là hoạt động cũng khá quan trọng, khi xử lý những vi phạm sẽ kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm, cũng như hậu quả có nó gây ra đồng thời mang tính răn đe đối với các chủ thể khác.
Một nhiệm vụ khác nữa đó chính là hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Hợp tác quốc tế là xu thế chung, do đó, lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm cũng phải đi cùng xu thế chung đó để phát triển, mở rộng.
Trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm thì không chỉ có các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động kinh doanh bảo hiểm mà còn có các hiệp hội và các tổ chức phi Chính phủ hoạt động. Và thẩm quyền quản lý của Cục quản lý, giám sát bảo hiểm cũng được thể hiện trong các nội dung này.
Cục quản lý, giám sát bảo hiểm cũng thực hiện công việc xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống thông tin quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm; tổ chức công tác thống kê, phân tích, dự báo, tổng kết và đánh giá tình hình hoạt động của thị trường bảo hiểm; thực hiện chế độ báo cáo thống kê về thị trường bảo hiểm theo quy định của pháp luật….. (Khoản 10). Nhiệm vụ này có ý nghĩa nhằm hệ thống hóa các nội dung, tình hình cũng như kết quả kinh doanh bảo hiểm, tạo thành một hệ thống thông tin chung cho toàn quốc. Đâu cũng chính là cơ sở để tiếp thục theo dõi hoạt động của thị trường bảo hiểm trong các giai đoạn sau.
Cục cũng thực hiện hoạt động quản lý Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Hoạt động này hướng tới những cá nhân tham gia bảo hiểm khi doanh nghiệp bảo hiểm không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình. Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm như một phương thức bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm nên cần thiết đặt ra vấn đề phải quản lý nó.
3. Cơ cấu tổ chức của Cục quản lý, giám sát bảo hiểm:
Cơ cấu tổ chức của Cục quản lý, giám sát bảo hiểm quy định về cơ cấu tổ chức của Cục bao gồm các phòng sau:
– Văn phòng Cục;
– Phòng Phát triển thị trường bảo hiểm;
– Phòng Quản lý, giám sát bảo hiểm phi nhân thọ;
– Phòng Quản lý, giám sát bảo hiểm nhân thọ;
– Phòng Quản lý, giám sát trung gian và phụ trợ bảo hiểm”
– Phòng Thanh tra, kiểm tra;
– Phòng Thống kê và Thông tin thị trường bảo hiểm.
Ngoài ra thì Cục còn có đơn vị sự nghiệp đó chính là Viện phát triển bảo hiểm Việt Nam.