Hành lang an toàn giao thông là gì?

1. Hành lang an toàn đường bộ là gì?

Theo khoản 5 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008, hành lang an toàn đường bộ là dải đất dọc hai bên đất của đường bộ, tính từ mép ngoài đất của đường bộ ra hai bên để bảo đảm an toàn giao thông đường bộ.

Hành lang an toàn đường bộ là gì và một số quy định cần lưu ý (Hình từ Internet)

2. Hành vi bị nghiêm cấm thực hiện trên hành lang an toàn đường bộ

Khoản 2 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định nghiêm cấm lấn, chiếm hoặc sử dụng trái phép đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ.

3. Hành lang an toàn đường bộ thuộc phạm vi đất dành cho đường bộ

Căn cứ, Điều 43 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định phạm vi đất dành cho đường bộ gồm đất của đường bộ và đất hành lang an toàn đường bộ.

– Trong phạm vi đất dành cho đường bộ, không được xây dựng các công trình khác, trừ một số công trình thiết yếu không thể bố trí ngoài phạm vi đó nhưng phải được đơn vị có thẩm quyền cho phép, gồm công trình phục vụ quốc phòng, an ninh, công trình phục vụ quản lý, khai thác đường bộ, công trình viễn thông, điện lực, đường ống cấp, thoát nước, xăng, dầu, khí.

– Trong phạm vi đất hành lang an toàn đường bộ, ngoài việc thực hiện quy định nêu trên, được tạm thời sử dụng vào mục đích nông nghiệp, quảng cáo nhưng không được làm ảnh hưởng đến an toàn công trình, an toàn giao thông đường bộ.

Việc đặt biển quảng cáo trên đất hành lang an toàn đường bộ phải được đơn vị quản lý đường bộ có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản.

– Người đang sử dụng đất được pháp luật thừa nhận mà đất đó nằm trong hành lang an toàn đường bộ thì được tiếp tục sử dụng đất theo đúng mục đích đã được xác định và không được gây cản trở cho việc bảo vệ an toàn công trình đường bộ.

Trường hợp việc sử dụng đất gây ảnh hưởng đến việc bảo vệ an toàn công trình đường bộ thì chủ công trình và người sử dụng đất phải có biện pháp khắc phục, nếu không khắc phục được thì Nhà nước thu hồi đất và bồi thường theo hướng dẫn của pháp luật.

4. Mức xử phạt hành chính hành vi lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ

Việc lấn chiếm, sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:

– Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với cá nhân, từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với tổ chức sử dụng, khai thác tạm thời trên đất hành lang an toàn đường bộ vào mục đích canh tác nông nghiệp làm ảnh hưởng đến an toàn công trình đường bộ và an toàn giao thông; (điểm a khoản 2 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)

– Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức

+ Tự ý đào, đắp, san, lấp mặt bằng trong: Hành lang an toàn đường bộ, phần đất dọc hai bên đường bộ dùng để quản lý, bảo trì, bảo vệ công trình đường bộ; (điểm b khoản 6 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)

+ Sử dụng trái phép đất của đường bộ hoặc hành lang an toàn đường bộ làm nơi tập kết hoặc trung chuyển hàng hóa, vật tư, vật liệu xây dựng, máy móc, thiết bị, các loại vật dụng khác; (điểm d khoản 6 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)

– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức: Dựng biển quảng cáo trên đất hành lang an toàn đường bộ khi chưa được đơn vị quản lý đường bộ có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản hoặc dựng biển quảng cáo trên phần đất dọc hai bên đường bộ dùng để quản lý, bảo trì, bảo vệ công trình đường bộ. (điểm b khoản 8 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)

– Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức: Chiếm dụng đất của đường bộ hoặc đất hành lang an toàn đường bộ để xây dựng nhà ở. (điểm a khoản 9 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com