1. Dự án đầu tư là gì?
Theo khoản 4 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 thì dự án đầu tư là tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định.
Trong đó, theo khoản 5, 6 và 7 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 quy định về các loại dự án đầu tư như sau:
– Dự án đầu tư mở rộng là dự án đầu tư phát triển dự án đầu tư đang hoạt động bằng cách mở rộng quy mô, nâng cao công suất, đổi mới công nghệ, giảm ô nhiễm hoặc cải thiện môi trường.
– Dự án đầu tư mới là dự án đầu tư thực hiện lần đầu hoặc dự án đầu tư độc lập với dự án đầu tư đang hoạt động.
– Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo là dự án đầu tư thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh.
2. Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư
Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư theo Điều 44 Luật Đầu tư 2020 như sau:
– Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư trong khu kinh tế không quá 70 năm.
– Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư ngoài khu kinh tế không quá 50 năm.
Dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hoặc dự án đầu tư có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm thì thời hạn hoạt động của dự án đầu tư có thể dài hơn nhưng không quá 70 năm.
– Đối với dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng nhà đầu tư chậm được bàn giao đất thì thời gian Nhà nước chậm bàn giao đất không tính vào thời hạn hoạt động, tiến độ thực hiện của dự án đầu tư.
– Khi hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư mà nhà đầu tư có nhu cầu tiếp tục thực hiện dự án đầu tư và đáp ứng điều kiện theo hướng dẫn của pháp luật thì được xem xét gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư nhưng không quá thời hạn tối đa quy định, trừ các dự án đầu tư sau đây:
+ Dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên;
+ Dự án đầu tư thuộc trường hợp nhà đầu tư phải chuyển giao không bồi hoàn tài sản cho Nhà nước Việt Nam hoặc bên Việt Nam.
3. Hồ sơ đăng ký dự án đầu tư gồm những giấy tờ gì?
Trước khi tiến hành dự án đầu tư, Quý vị cần chuẩn bị kỹ lưỡng những thành phần hồ sơ đăng ký đầu tư như sau:
- Văn bản đề nghị cho tiến hành thực hiện dự án đầu tư
- Bản sao chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc hộ chiếu (nhà đầu tư là cá nhân); bản sao Giấy chứng nhận về đăng ký kinh doanh (nhà đầu tư là pháp nhân)
- Đề xuất dự án đầu tư
- Bản sao báo cáo tài chính 02 năm gần nhất; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư hoặc tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư
- Đề xuất nhu cầu sử dụng đất; trường hợp dự án không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao thỏa thuận thuê địa điểm hoặc tài liệu khác xác nhận nhà đầu tư có quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư
- Giải trình về sử dụng công nghệ đối với Dự án có sử dụng công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao
- Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo cách thức hợp đồng BCC.
4. Nguyên tắc khi nộp hồ sơ đăng ký dự án đầu tư thế nào?
Việc nộp hồ sơ để đăng ký dự án đầu tư cho Cơ quan đăng ký đầu tư được thực hiện theo những nguyên tắc sau:
- Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự án đầu tư thì Cơ quan đăng ký đầu tư phải chịu trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký đầu tư. Và nhà đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của hồ sơ đăng ký đầu tư và các văn bản gửi đơn vị nhà nước có thẩm quyền.
- Cơ quan đăng ký đầu tư không được phép yêu cầu nhà đầu tư nộp thêm bất kỳ giấy tờ khác ngoài các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký đầu tư như trên
- Khi có yêu cầu sửa đổi, bổ sung bộ hồ sơ dự án đầu tư thì đơn vị đăng ký đầu tư phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ yêu cầu sửa đổi, bổ sung và lý do của việc yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ cho nhà đầu tư về toàn bộ các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung đối với mỗi một bộ hồ sơ.