1. Dự án đầu tư là gì?
Theo khoản 4 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 thì dự án đầu tư là tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định.
Trong đó, theo khoản 5, 6 và 7 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 quy định về các loại dự án đầu tư như sau:
– Dự án đầu tư mở rộng là dự án đầu tư phát triển dự án đầu tư đang hoạt động bằng cách mở rộng quy mô, nâng cao công suất, đổi mới công nghệ, giảm ô nhiễm hoặc cải thiện môi trường.
– Dự án đầu tư mới là dự án đầu tư thực hiện lần đầu hoặc dự án đầu tư độc lập với dự án đầu tư đang hoạt động.
– Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo là dự án đầu tư thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh.
2. Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư
Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư theo Điều 44 Luật Đầu tư 2020 như sau:
– Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư trong khu kinh tế không quá 70 năm.
– Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư ngoài khu kinh tế không quá 50 năm.
Dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hoặc dự án đầu tư có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm thì thời hạn hoạt động của dự án đầu tư có thể dài hơn nhưng không quá 70 năm.
– Đối với dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng nhà đầu tư chậm được bàn giao đất thì thời gian Nhà nước chậm bàn giao đất không tính vào thời hạn hoạt động, tiến độ thực hiện của dự án đầu tư.
– Khi hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư mà nhà đầu tư có nhu cầu tiếp tục thực hiện dự án đầu tư và đáp ứng điều kiện theo hướng dẫn của pháp luật thì được xem xét gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư nhưng không quá thời hạn tối đa quy định, trừ các dự án đầu tư sau đây:
+ Dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên;
+ Dự án đầu tư thuộc trường hợp nhà đầu tư phải chuyển giao không bồi hoàn tài sản cho Nhà nước Việt Nam hoặc bên Việt Nam.
3. Quy định về phê duyệt dự án đầu tư xây dựng?
Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 18 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định về phê duyệt dự án đầu tư xây dựng như sau:
– Cơ quan chủ trì thẩm định có trách nhiệm tổng hợp kết quả thẩm định và trình người quyết định đầu tư phê duyệt dự án, quyết định đầu tư. Thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 60 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 17 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14.
– Việc phê duyệt dự án của đơn vị có thẩm quyền đối với dự án PPP được thực hiện theo hướng dẫn pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
4. Quy định về quyết định đầu tư xây dựng bao gồm những nội dung nào?
Căn cứ khoản 3 Điều 18 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định về việc quyết định đầu tư xây dựng của người quyết định đầu tư được thể hiện tại quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, gồm các nội dung chủ yếu sau:
– Tên dự án;
– Người quyết định đầu tư; Chủ đầu tư;
– Mục tiêu, quy mô đầu tư xây dựng;
– Tổ chức tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi (Báo cáo kinh tế – kỹ thuật) đầu tư xây dựng, tổ chức lập khảo sát xây dựng (nếu có); tổ chức tư vấn lập thiết kế cơ sở;
– Địa điểm xây dựng và diện tích đất sử dụng;
– Loại, nhóm dự án; loại, cấp công trình chính; thời hạn sử dụng theo thiết kế của công trình chính;
– Số bước thiết kế, danh mục tiêu chuẩn chủ yếu được lựa chọn;
– Tổng mức đầu tư; giá trị các khoản mục chi phí trong tổng mức đầu tư;
– Tiến độ thực hiện dự án, phân kỳ đầu tư (nếu có), thời hạn hoạt động cửa dự án, (nếu có);
– Nguồn vốn đầu tư và dự kiến bố trí kế hoạch vốn theo tiến độ thực hiện dự án;
– Hình thức tổ chức quản lý dự án được áp dụng;
– Yêu cầu về nguồn lực, khai thác sử dụng tài nguyên (nếu có); phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (nếu có);
– Trình tự đầu tư xây dựng đối với công trình bí mật nhà nước (nếu có);
– Các nội dung khác (nếu có).
Lưu ý: Mẫu Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công quy định tại Mẫu số 03 Phụ lục I Nghị định này.
5. Quy định về điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng?
Căn cứ Điều 19 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định về điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng như sau:
– Dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công được điều chỉnh theo các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 61 của Luật Xây dựng năm 2014 đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 18 và khoản 64 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14. Việc điều chỉnh dự án PPP được thực hiện theo hướng dẫn tại pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Việc điều chỉnh dự án sử dụng vốn khác thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 3 và khoản 4 Điều 61 của Luật Xây dựng năm 2014.
– Đối với các dự án đầu tư xây dựng điều chỉnh, đơn vị chuyên môn về xây dựng thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh trong các trường hợp sau:
+ Khi điều chỉnh dự án có thay đổi về mục tiêu, quy mô sử dụng đất, quy mô đầu tư xây dựng;
+ Khi có thay đổi về chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc của dự án tại quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành khác hoặc quyết định/chấp thuận chủ trương đầu tư được phê duyệt;
+ Khi điều chỉnh làm tăng tổng mức đầu tư dự án đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công, dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công;
+ Khi có thay đổi về giải pháp bố trí các công năng chính trong công trình dẫn đến yêu cầu phải đánh giá lại về giải pháp thiết kế bảo đảm an toàn xây dựng, phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường, sự tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật của dự án.
– Thẩm quyền, trình tự thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng điều chỉnh của đơn vị chuyên môn về xây dựng thực hiện theo hướng dẫn tại các Điều 13, 14 và 15 Nghị định này.
Trường hợp điều chỉnh dự án làm thay đổi nhóm dự án hoặc cấp công trình xây dựng của dự án, thẩm quyền thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng điều chỉnh được xác định theo thẩm quyền của nhóm dự án, cấp công trình sau điều chỉnh.
– Việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng điều chỉnh của đơn vị chuyên môn về xây dựng, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng điều chỉnh của người quyết định đầu tư hoặc đơn vị có thẩm quyền đối với dự án PPP gồm các nội dung được điều chỉnh hoặc toàn bộ các nội dung của dự án sau khi điều chỉnh.
Vì vậy, Nghị định hướng dẫn rất chi tiết về việc phê duyệt dự án, quyết định, điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng.