1. Tính khoa học
Thể hiện người soạn thảo dự án đầu tư phải có một quá trình nghiên cứu tỷ mỷ kỹ càng, tính toán thận trọng, chính xác từng nội dung của dự án đặc biệt là nội dung về tài chính, nội dung về công nghệ kỹ thuật. Tính khoa học còn thể hiện trong quá trình soạn thảo dự án đầu tư cần có sự tư vấn của các đơn vị chuyên môn.
- Về số liệu thông tin. Những dữ liệu, thông tin để xây dựng dự án phải đảm bảo trung thực, chính xác, tức là phải chứng minh được nguồn gốc và xuất xứ của những thông tin và những số liệu đã thu thập được (do các đơn vị có trách nhiệm gửi tới, nghiên cứu nghiên cứu thực tiễn…).
- Về phương pháp lý giải. Các nội dung của dự án không tồn tại độc lập, riêng rẽ mà chúng luôn nằm trong một thể thống nhất, đồng bộ. Vì vậy, quá trình phân tích, lý giải các nội dung đã nêu trong dự án phải đảm bảo logic và chặt chẽ.
Ví dụ
Vấn đề mối quan hệ giữa các yếu tố thị trường, kỹ thuật và tài chính của dự án – quyết định đầu tư dây chuyền sản xuất – lắp ráp xe ga hay xe số.
- Về phương pháp tính toán. Khối lượng tính toán trong một dự án thường rất lớn. Do đó, khi thực hiện tính toán các chỉ tiêu cần đảm bảo đơn giản và chính xác. Đối với các đồ thị, các bản vẽ kỹ thuật phải đảm bảo chính xác về kích thước, tỷ lệ.
- Về cách thức trình bày. Dự án chứa đựng rất nhiều nội dung, nên khi trình bày phải đảm bảo có hệ thống, rõ ràng và sạch đep.
2. Tính thực tiễn
- Các nội dung của dự án đầu tư phải được nghiên cứu, xác định trên cơ sở xem xét, phân tích, đánh giá đúng mức các điều kiện và hoàn cảnh cụ thể liên quan trực tiếp và gián tiếp đến hoạt động đầu tư.
- Các nội dung, khía cạnh phân tích của dự án đầu tư không thể chung chung mà dựa trên những căn cứ thực tiễn -> phải được xây dựng trong điều kiện và hoàn cảnh cụ thể về mặt bằng, thị trường, vốn…
3. Tính pháp lý
Dự án đầu tư cần có cơ sở pháp lý vững chắc tức là phù hợp với chính sách và luật pháp của Nhà nước. Muốn vậy phải nghiên cứu kỹ chủ trương, chính sách của Nhà nước, các văn bản pháp quy liên quan đến hoạt động đầu tư.
4. Tính đồng nhất
Các dự án đầu tư phải tuân thủ các quy định chung của các đơn vị chức năng về hoạt động đầu tư, kể cả các quy định về thủ tục đầu tư. Với các dự án đầu tư quốc tế còn phải tuân thủ quy định chung mang tính quốc tế.
5. Tính phỏng định
Những nội dung, tính toán về quy mô sản xuất, chi phí, giá cả, doanh thu, lợi nhuận… trong dự án chỉ có tính chất dự trù, dự báo. Thực tế thường xảy ra không hoàn toàn đúng như dự báo. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, thực tiễn xảy ra lại khác xa so với dự kiến ban đầu trong dự án.
CÁC CÔNG VIỆC CẦN PHẢI THỰC HIỆN KHI LẬP DỰ ÁN ĐẦU TƯ
Lập một dự án đầu tư chỉ là bước sau cùng trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Muốn lập một dự án đầu tư có chất lượng, hiệu quả thì nhà đầu tư phải tiến hành nhiều công việc, cụ thể:
- Nghiên cứu,đánh giá thị trường đầu tư;
- Xác định thời gian đầu tư và qui mô đầu tư;
- Lựa chọn cách thức đầu tư;
- Tiến hành các hoạt động khảo sát và lựa chọn địa bàn đầu tư.
Sau khi thực hiện xong các công việc trên thì nhà đầu tư tiến hành lập dự án đầu tư. Dự án đầu tư được biểu hiện ở hai văn kiện :
- Báo cáo tiền khả thi.
- Báo cáo khả thi.