Thực trạng của việc thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hiện nay

Bài viết sau đây của Luật LVN Group phân tích thực trạng, hiệu quả nguồn thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp tại Việt Nam kể từ khi triển khai Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (2010) đến nay và đưa ra một số kiến nghị nhằm cải thiện sắc thuế này trong thời gian tới.

Thực trạng của việc thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hiện nay

1. Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là gì?

Hiện nay, pháp luật không có định nghĩa về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Có thể hiểu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (hay còn gọi là thuế đất phi nông nghiệp) là một khoản nộp ngân sách nhà nước bắt buộc mà người sử dụng đất phải đóng khi sử dụng đất phi nông nghiệp, trừ trường hợp không phải đóng hoặc được miễn đóng.

2. Thực trạng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp tại Việt Nam

Ở Việt Nam, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (thuế SDĐPNN) số 48/2010/QH12 có hiệu lực từ ngày 1/1/2012 thay thế cho Pháp lệnh thuế nhà, đất năm 1992, loại bỏ đối tượng chịu thuế là nhà ở với các mục tiêu: (1). Khuyến khích việc sử dụng đất tiết kiệm và hiệu quả; (2) Động viên hợp lý sự đóng góp của người sử dụng đất vào ngân sách nhà nước; (3) Xây dựng một sắc thuế dễ thực hiện, dễ quản lý.

Chính sách thuế SDĐPNN được ban hành trên cơ sở tổng kết, đánh giá và kế thừa chính sách thuế nhà đất trước đây và có điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp với những quy định của Luật Đất đai 2013. Có thể nói rằng đây là chính sách mới trong hệ thống chính sách thuế hiện nay, để nhằm đạt được những mục tiêu đạt được số thu thuế cao nhất mà vẫn đảm bảo công bằng xã hội, điều tiết thị trường đất đai và bất động sản. Thực tế qua 06 năm triển khai thực hiện, chính sách thuế SDĐPNN đã đạt những kết quả nhất định:

Thứ nhất, căn cứ tính thuế theo giá đất góp phần đảm bảo công bằng giữa các vùng miền, giữa đô thị và nông thôn;

Thứ hai, thuế suất thuế SDĐPNN áp dụng biểu thuế suất lũy tiến đã phản ánh được mức độ điều tiết đối với việc sử dụng đất ngoài hạn mức;

Thứ ba, chính sách miễn giảm thuế theo thông tư 130/2016/ TT-BTC đã thể hiện chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với những người có công với cách mạng và đảm bảo tính công bằng đối với những đối tượng khác.

Tuy vậy chính sách thuế SDĐPNN cũng bộc lộ những hạn chế, khó khăn:

– Xét về tỷ lệ đóng góp vào ngân sách: Theo báo cáo tổng kết của Bộ Tài chính, thuế SDĐPNN có số thu bình quân khoảng 1.300 tỷ đồng mỗi năm và tốc độ tăng bình quân hàng năm 1,3%. Nguồn thu từ thuế SDĐPNN giai đoạn 2012-2018 chiếm trung bình khoảng 0,15% tổng thu ngân sách nhà nước, tương đương khoảng 0,3% thu ngân sách địa phương. Khi so sánh giữa tiền sử dụng đất và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cả về tỷ lệ với tổng thu nội địa và tỷ lệ phần trăm với thu ngân sách địa phương thuế SDĐPNN chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Điều này thể hiện rằng nguồn thu từ thuế SDĐPNN không phải là nguồn thu chính mà chủ yếu đến từ nguồn tiền do nhà nước giao quyền sử dụng đất (chiếm đến 8,15% tổng thu ngân sách giai đoạn 2015 – 2018) nhưng đây cũng là nguồn thu không được ổn định, kém bền vững, mang tính chất “tận thu”, hiện tại đã thu thì tương lai nguy cơ không còn gì để thu. Phụ thuộc vào nguồn thu từ đất trong giai đoạn thị trường bất động sản ảm đạm cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, giảm từ 9,59% xuống còn 6,55%. Tình hình này cũng chẳng khác gì các quốc gia phụ thuộc hoàn toàn vào xuất khẩu dầu lửa, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định của nền kinh tế.

– Xét về thuế suất: Về thuế suất SDĐPNN cho thấy mức thuế suất chưa đủ mạnh đối với người sở hữu nhiều đất đai, chưa thúc đẩy các tổ chức, cá nhân sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả. Đặc biệt, các mức thuế suất 0,07% và 0,15% tương ứng với diện tích đất vượt từ trên 1 lần đến 3 lần và trên 3 lần hạn mức sử dụng đất ở là thấp, chủ sử dụng đất không bị tác động nhiều từ thuế, đất không được sử dụng hết hiệu suất cho sản xuất, kinh doanh, thậm chí còn bị bỏ trống, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai. Theo luật hiện hành, mức thuế suất cơ sở của thuế SDĐPNN thấp hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới với thuế suất thấp nhất là 0,03% với đất ở trong hạn mức và 0,2% đối với đất lấn chiếm.

– Xét về giá tính thuế: Giá đất tính thuế được quy định theo bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành hàng năm nhưng trên thực tiễn mức giá ban hành này còn khoảng cách khá xa so với giá thị trường không có nhiều tác dụng với nạn đầu cơ đất đai.

– Xét về mặt hành thu:Thất thoát tiền thuế SDĐPNN còn nhiều do đây là nguồn thu có tổng số thu thấp và quản lý thu với số lượng lớn người nộp nên công tác này chưa được quan tâm đúng mức. Công tác thu thuế vượt hạn mức gặp nhiều khó khăn do các hộ phần lớn là nông dân lao động thuần tuý không đầu cơ đất để kinh doanh mà có 2 đến 3 thửa chưa làm thủ tục thừa kế cho các con dẫn đến có diện tích vượt hạn mức. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa đơn vị tài nguyên môi trường và đơn vị thuế về việc cập nhập dữ liệu phục vụ lập sổ thuế còn nhiều khó khăn do khối lượng công việc nhiều và không được hỗ trợ kinh phí thực hiện. Hệ thống ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS) tuy được triển khai thực hiện nhưng việc kết xuất số liệu phục vụ cho công tác quản lý thu chưa đáp ứng công tác thống kê báo cáo khác nhau.

Vì vậy, mặc dù thuế SDĐPNN nhằm mục đích mang lại nguồn thu lớn hơn cho ngân sách nhà nước, nhưng vẫn cần được cải thiện để sắc thuế này trở thành sắc thuế đóng góp cho ngân sách một cách ổn định và hiệu quả.

3. Một số đề xuất cải thiện thuế sử dụng đất phi nông nghiệp tại Việt Nam

Trên thực tiễn, nhận thức được những bất cập của thuế SDĐPNN, thời gian vừa qua có rất nhiều ý kiến của các chuyên gia kiến nghị về tăng thuế SDĐPNN. Tuy nhiên để cải thiện sắc thuế này cần xem xét, đánh giá kỹ lưỡng một số vấn đề sau đây:

Thứ nhất, mức thuế suất hiện nay còn thấp so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, nhưng nếu tăng mức thuế suất đưa ra phải có lộ trình, từng bước nhằm đảm bảo thu được số cao hơn nhưng vẫn khích lệ được người dân tuân thủ.

Thứ hai, vấn đề cải cách loại thuế này không chỉ đơn giản là tìm giải pháp tăng nguồn thu ngân sách nhà nước một cách triệt để mà cần phải cải cách cả hệ thống thuế, xem xét cân đối giảm những nguồn thu thuế khác ảnh hưởng đến kinh tế và phúc lợi của người sử dụng đất. Một kiến nghị cụ thể là khái niệm “tiền sử dụng đất” cần xem xét bỏ khi tăng thuế suất sử dụng đất nhằm tránh tình trạng “ thuế chồng thuế”; minh bạch hóa và hạn chế cơ chế “xin-cho”, duy trì nguồn thu bền vững lâu dài cho Nhà nước; giảm bớt những ách tắc do tiền sử dụng đất phải nộp quá cao cho doanh nghiệp và người dân.

Thứ ba là hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai, bản đồ địa chính, từng bước hoàn thiện cơ sở dữ liệu về giá đất, đảm bảo dữ liệu có tính chọn lọc và phải đảm bảo tiến hành cập nhập thường xuyên. vì xét cho cùng thông tin và số liệu đóng vai trò cần thiết nhất đến công tác thu thuế để đạt hiệu quả cao. Điều này đòi hỏi công tác đo đạc, thống kê kiểm kê và đăng ký đất đai phải được quan tâm đúng mực.

Thứ tư, cần phải tuyên truyền phổ biến chính sách sâu rộng đối với cộng đồng xã hội nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm và nghĩa vụ của người nộp thuế. Khi ý thức nộp thuế được tuân thủ, chi phí cho việc thu thuế và cưỡng chế thuế sẽ dần dần giảm.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com