Quy định về bảo vệ trẻ em khỏi bạo hành trên thế giới - Biểu mẫu
Văn Phòng Luật LVN
Trang chủ - ACC - Quy định về bảo vệ trẻ em khỏi bạo hành trên thế giới

Quy định về bảo vệ trẻ em khỏi bạo hành trên thế giới

Bạo hành trẻ em được hiểu là sự ngược đãi về thể xác, tinh thần, tình dục hay bằng lời nói đối với các em nhỏ, những người chưa phát triển một cách trọn vẹn về thể chất, tinh thần và trí tuệ. Trẻ em là tương lai của đất nước nên cần phải được bảo vệ và chăm sóc kỹ lưỡng. Vậy các nước trên thế giới xử lý vấn nạn bạo hành trẻ em thế nào? Hãy nghiên cứu qua nội dung trình bày Quy định về bảo vệ trẻ em khỏi bạo hành trên thế giới dưới đây.

Quy định về bảo vệ trẻ em khỏi bạo hành trên thế giới

1. Bạo hành trẻ em là gì?

Bạo hành trẻ em được hiểu là sự ngược đãi về thể xác, tinh thần, tình dục hay bằng lời nói đối với các em nhỏ, những người chưa phát triển một cách trọn vẹn về thể chất, tinh thần và trí tuệ.

Bạo hành trẻ em có thể xảy ra ở bất cứ đâu, từ các tổ chức ngoài xã hội, trong nhà trường cho đến ngay cả trong gia đình.

Theo thống kê của UNICEF, hiện có 223 triệu trẻ em là nạn nhân của bạo hành và ngược đãi. Ở các nước phương Tây, luật chống bạo hành trẻ em đã được thực thi từ lâu và rất cụ thể, tuy nhiên từng vùng sẽ có những điều luật bảo vệ trẻ em cũng như là mức độ xử lý vi phạm khác nhau.

2. Quy định về bảo vệ trẻ em khỏi bạo hành trên thế giới

Các chuyên gia tâm lý nhấn mạnh, bạo lực khiến trẻ em bạo lực hơn trong xã hội. Chúng cũng là nguyên nhân khiến trẻ em bị thiệt mạng, bị tổn thương, học hành sa sút, dẫn đến việc các em tự tử hay các hành vi chống đối xã hội khác…

Đi đầu trong việc thiết lập hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em trước nạn bạo hành bởi người thân là Thụy Điển. Nước này đã ban hành luật cấm bạo hành trẻ em trong gia đình từ năm 1966. Năm 2019, Quốc hội Pháp thông qua một luật cấm triệt để mọi trận đòn vào mông hay những cách thức bạo lực khác nhằm mục đích giáo dục trẻ em. 

Ở Hàn Quốc, tội vi phạm Đạo luật Phúc lợi trẻ em và hành vi bạo hành trẻ em với mức án phạt 10 tháng tù giam, 2 năm quản chế và 40 giờ học về phòng chống lạm dụng trẻ em. Trên thế giới hiện nay có khoảng 59 quốc gia đã ban hành bộ luật tương tự.

Riêng pháp luật Mỹ giải quyết việc đánh đập trẻ em rất triệt để. Việc đánh đập trẻ em, dù chỉ một cái tát ở Mỹ đều là phạm pháp. Dù người đánh là ai thì cũng là người phạm tội. Một khi đã có tội thì họ sẽ bị bắt vào tù ngay lập tức và phải ra tòa để nhận quyết định khởi tố. Ở bang Alabama, tội tra tấn, cố ý bạo hành, đánh đập tàn nhẫn, ngược đãi trẻ em dưới 18 tuổi sẽ bị phạt từ 1 đến 10 năm tù. Còn ở bang Florida, cố ý tra tấn, trừng phạt một cách nguy hiểm hoặc cố ý bạo hành một đứa trẻ, gây tổn thương cơ thể, tàn tật vĩnh viễn hoặc biến dạng vĩnh viễn sẽ bị phạt tối đa là 30 năm tù giam tại nhà tù tiểu bang. 

Bạo hành trẻ em ở bang Michigan sẽ bị phạt từ 6 đến 18 tháng, còn cố ý gây tử vong mức án là từ 8 đến 12 năm tù giam. Bạo hành hoặc bỏ rơi trẻ em dưới 16 tuổi sẽ phải ngồi tù từ 5 đến 10 năm. Xử lý bạo hành một đứa trẻ dưới 13 tuổi ở Washington là phạt tù tối đa 5 năm. Bên cạnh đó, tiểu bang Texas đối với tội bạo hành trẻ em sẽ xử lý rất nghiêm khắc, mức án có thể lên đến 99 năm tù tùy vào thể trạng cũng như tâm lý của nạn nhân. Tại bang Ohio, có 5 khung hình phạt dành cho tội phạm liên quan đến bạo hành trẻ em: Cấp độ 1, phạt từ 3 đến 10 năm; Cấp độ 2, phạt từ 2 đến 8 năm; Cấp độ 3 là từ 2 đến 5 năm; Cấp độ 4 phạt từ 6 đến 18 tháng; Cấp độ 5 là tù giam từ 2 đến 12 tháng.

Tại Singapore, các vụ bạo hành trẻ em ngày càng gia tăng. Theo thống kê từ Bộ Gia đình và Phát triển Xã hội, các trường hợp bạo hành đã tăng hơn gấp đôi từ 551 trường hợp năm 2015 lên 1.163 vụ vào năm 2018.

Tuy nhiên, nhiều trẻ em bị xâm hại không dám lên tiếng vì lo rằng không ai tin chúng hoặc tự đổ lỗi cho bản thân về hành vi xâm hại. Trẻ em cũng khó có thể lên tiếng về hành vi bạo hành vì hầu hết các nạn nhân thường bị lạm dụng bởi người mà chúng quen biết như cha mẹ, hàng xóm, người thân, người tình của cha hoặc mẹ, người giúp việc…

Thậm chí, một ai đó có liên quan đến hành vi ngược đãi dù không gây thương tích cho trẻ vẫn bị phạt. Trường hợp bạo hành trẻ em dưới 16 tuổi sẽ bị phạt đến 8.000 USD và án tù lên đến 8 năm hoặc cả hai nếu bị kết án. Người vi phạm sẽ đối mặt mức phạt từ 3 năm đến 10 năm tù giam phụ thuộc vào mức độ thương tật của nạn nhân.

Nếu hành vi ngược đãi dẫn đến cái chết của trẻ, hình phạt cho tội danh này là khoản phạt lên đến 40.000 USD và ngồi tù tối đa 14 năm hoặc cả hai.

Ở Singapore, một người nào đó bị xem là ngược đãi trẻ em nếu họ đối xử tệ hoặc cho phép đứa trẻ do họ chăm sóc bị đối xử tệ, gồm hành vi cố ý hoặc vô ý khiến trẻ làm điều gì đó nguy hiểm, cố ý hoặc vô ý khiến trẻ làm điều gì đó có thể gây tổn hại đến thể chất hoặc tinh thần sức khỏe của trẻ, đánh đập, lạm dụng tình dục trẻ em, bỏ mặc hoặc để trẻ rơi vào tình huống có thể gây tổn hại đến thể chất hoặc tinh thần, sức khỏe của chúng.

3. Quy định về tội bạo hành trẻ em ở Việt Nam

3.1. Xử phạt hành chính cho hành vi bạo hành trẻ em

Căn cứ theo Điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

– Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các cách thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em;

– Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em;

– Cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em;

– Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.

(Theo quy định cũ, các hành vi này bị áp dụng mức phạt tiền từ 5-10 triệu đồng).

Mặt khác, biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng gồm:

– Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi nêu trên.

– Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe trẻ em đối với hành vi thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.

3.2. Người bạo hành trẻ em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự về “Tội hành hạ người khác” thì:

– Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

+ Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 11% trở lên;

+ Đối với 02 người trở lên.

Nếu ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Trường hợp phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, người khuyết tật thì bị phạt tù từ 2-5 năm.

Mặt khác, tùy theo động cơ, mục đích và mức độ nghiêm trọng của hậu quả để lại mà người thực hiện hành vi bạo hành trẻ em có thể đối diện với các mức án (ngồi tù, chung thân, tử hình). Căn cứ:

– Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe đối với trẻ em với mức phạt tù cao nhất là 3 năm (theo điểm c khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự);

– Tội vô ý làm chết người với mức phạt tù cao nhất là 5 năm (theo khoản 1 Điều 128 Bộ luật Hình sự);

– Tội giết trẻ em với mức phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình (theo điểm b khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự).

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com