Tại điều 8 luật biển việt nam quy định gì? Hãy cùng Luật LVN Group nghiên cứu chi tiết thông qua nội dung trình bày sau !!
1. Tại điều 8 luật biển việt nam quy định gì?
Điều 8. Xác định đường cơ sở
Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam là đường cơ sở thẳng đã được Chính phủ công bố. Chính phủ xác định và công bố đường cơ sở ở những khu vực không có đường cơ sở sau khi được Uỷ ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn.
2. Quy định chung về đường cơ sở trong luật biển quốc tế
Đường cơ sở có vai trò rất cần thiết vì nếu không xác định được đường cơ sở thì cũng không thể xác định được chiều rộng của vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Việc xác định vị trí của đường cơ sở cũng có thể làm cho các vùng biển khác của quốc gia được mở rộng hoặc thu hẹp.
Công ước luật biển năm 1982 cũng như thực tiễn xác định đường cơ sở của các quốc gia trên thế giới cho thấy có hai phương pháp xác định đường cơ sở chủ yếu: phương pháp đường cơ sở thông thường và phương pháp đường cơ sở thẳng. Căn cứ vào địa hình bờ biển của mình, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã áp dụng phương pháp đường cơ sở thẳng để xác định đường cơ sở của mình
Do địa hình bờ biển của các quốc gia rất phức tạp và khác nhau, mặt khác, việc xác định đường cơ sở lại do chính quốc gia ven biển tự tiến hành nên để tránh tình trạng việc xác định đường cơ sở có thể làm cho một khu vực lãnh hải trở thành nội thủy hay một vùng biển trở thành lãnh hải, Công ước Luật biển năm 1982 đã có những điều khoản quy định tương đối chỉ tiết về các phương pháp xác định đường cơ sở cho các quốc gia có biển.
3. Phân loại đường cơ sở trong luật biển quốc tế
Các quy tắc xác định đường cơ sở được quy định tại các điều từ 3 đến 13 của Công ước Giơnevơ 1958 về Lãnh hải và vùng tiếp giáp; các điều từ 5 đến 11, 13, 14 và 47 của UNCLOS 1982. Theo đó, căn cứ vào cấu tạo địa chất, các quốc gia trên thế giới hiện nay chủ yếu được chia làm hai nhóm đó là quốc gia lục địa và quốc gia quần đảo. Dựa vào cấu tạo bờ biển của hai nhóm quốc gia này, UNCLOS 1982 cũng đã đưa ra các phương pháp vạch đường cơ sở khác nhau, làm nền tảng cho việc xác định các vùng biển của quốc gia trong quan hệ quốc tế. Đối với quốc gia quần đảo, UNCLOS 1982 ghi nhận phương pháp xác định đường cơ sở quần đảo theo hướng dẫn tại Điều 47 và sẽ được trình bày trong chương riêng của giáo trình này. Đối với các quốc gia lục địa, UNCLOS 1982 chủ yếu đề cập đến 2 phương pháp vạch đường cơ sợ là phương pháp đường cơ sở thông thường và đường cơ sở thẳng.
Trong đó, đường cơ sở thông thường là phương pháp dùng để tính chiều rộng lãnh hải được xác định là ngấn nước thuỷ triều xuống thấp nhất dọc theo bờ biển, được thể hiện trên các hải đồ có tỉ lệ lớn và được quốc gia ven biển chính thức công nhận (Điều 3 Công ước Giơnevơ 1958 về Lãnh hải và vùng tiếp giáp và Điều 5 UNCLOS 1982). Việc xác định ngấn nước thủy triều thấp nhất không phải là một quy trình phức tạp. Đó là ngấn giao nhau giữa bờ biển với mức thấp nhất của mặt nước biển. Phương pháp này liên quan trực tiếp đển sự thay đổi mực nước biển, tới mực 0 trên các hải đồ. Trong trường hợp việc áp dụng phương pháp đường cơ sở thông thường không phù hợp với địa hình thực tiễn của bờ biển, quốc gia ven biển được phép áp dụng phương pháp đường cơ sở thẳng, là đường gãy khúc nổi liền các điểm được lựa chọn tại ngấn nước thuỷ triều thấp nhất dọc bờ biển và các đảo ven bờ.
Việc áp dụng phương pháp đường cơ sở thẳng, về cơ bản, sẽ khắc phục được một phần những hạn chế của phương pháp đường cơ sở thông thường. Phương pháp này dễ áp dụng với các quốc gia có bờ biển khúc khuỷu, bị khoét sâu, lồi lõm. Đây cũng là phương pháp đơn giản hóa nhưng không làm biến đổi sai lệch địa hình bờ biển. Tuy nhiên, phương pháp đường cơ sở thẳng cũng có thể bị các quốc gia ven biển lạm dụng thông qua việc lựa chọn điểm cơ sở để mở rộng thái quá vùng biển của quốc gia mình. Để hạn chế điều này, UNCLOS 1982 đưa ra các điều kiện cho việc xác định đường cơ sở thẳng.
Mặc dù ra đời sau so với đường cơ sở thông thường, tuy nhiên cho đến hiện nay, đường cơ sở thẳng lại là phương pháp xác định khá phổ biến của các quốc gia ven biển. Trong số hơn 150 quốc gia ven biển, đã có khoảng 60 nước đã xác định đường cơ sở thẳng dọc theo bờ biển của họ và khoảng 10 quốc gia khác đã ban hành pháp luật cho phép nhưng chưa công bố các tọa độ hoặc biểu đồ đường cơ sở thẳng của họ. Nhìn chung, việc xác định đường cơ sở theo phương pháp đường cơ sở thẳng sẽ giúp các quốc gia ven biển có được một vùng nội thủy rộng hơn so với việc áp dụng đường cơ sở thông thường. Tuy nhiên, chính việc mở rộng đó đã dẫn đến việc các quốc gia lạm dụng những khoảng trống trong cơ chế kiểm soát của UNCLOS 1982 để công bố những đoạn đường cơ sở thẳng chưa thực sự phù hợp với luật pháp quốc tế, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các quốc gia khác trên biển.
Thực tiễn xác định đường cơ sở của các quốc gia cho thấy, việc xác định đường cơ sở luôn là vấn đề có tính nhạy cảm trong quan hệ quốc tế. Một văn bản pháp lý của quốc gia liên quan đến việc xác định đường cơ sở không hợp lý, không tuân thủ các quy định của pháp luật quốc tế có thể gây ra những phản ứng khác nhau từ phía các quốc gia khác vì nó có thể ảnh hưởng đến các quyền và lợi ích của họ. Do vậy, các tuyên bố về xác định được đường cơ sở của quốc gia ven biển phải hết sức thận trọng và tuân thủ những phương pháp chung đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận.