Mục lục nội dung trình bày

  • 1. Phân tích cấu thành tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản ?
  • 2. Khi khám bệnh bị mất tài sản, kiện đòi thế nào ?
  • 3. Bí mật lấy tài sản của chủ sở hữu nhưng công khai với người khác thì phạm tội gì?
  • 4. Đòi lại tài sản bị chiếm đoạt trái phép thế nào ?
  • 5. Kiện ra tòa để bán tài sản ?

 

1. Phân tích cấu thành tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản ?

Tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản là một trong các tội phạm về xâm phạm sở hữu được quy định tại Chương XVI của Bộ luật Hình sự 2015 và sửa đổi bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung Bộ Luật hình sự 2017. Các yếu tố cấu thành tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản thể hiện như sau:

Tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 172 Bộ Luật Hình sự năm 2015, cụ thể:

“1. Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 173, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:…….”

Công khai chiếm đoạt tài sản theo hướng dẫn trên được hiểu là hành vi công khai lấy tài sản trước sự chứng kiến của chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản mà không dùng đến vũ lực hay bất cứ thủ đoạn nào nhằm đe dọa, uy hiếp để chiếm đoạt tài sản. Chủ sở hữu hay người quản lý tài sản biết rõ người chiếm đoạt và hành vi chiếm đoạt đó nhưng không thể làm gì hay ngăn chặn hành vi đó. Tính chất công khai, trắng trợn của hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản thể hiện ở chỗ người phạm tội không giấu diếm hành vi phạm tội của mình, trước, trong hoặc ngay sau khi bị mất tài sản người bị hại biết ngay người lấy tài sản của mình nhưng không thể giữ được.

Các yếu tố cấu thành tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản như sau:

– Chủ thể phạm tội: là người từ đủ 16 tuổi thực hiện hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản.

– Khách thể: là quan hệ tài sản được pháp luật bảo vệ và bị hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản xâm hại đến.

– Hành vi: là chiếm đoạt tài sản. Hành vi chiếm đoạt tài sản thể hiện thông qua một số phương thức cụ thể như sau:

+ Người phạm tội lợi dụng sơ hở, vướng mắc của người quản lý tài sản để công nhiên chiếm đoạt tài sản của họ;

+ Người phạm tội lợi dụng hoàn cảnh khách quan như: thiên tai, hoả hoạn, bị tai nạn, đang có chiến sự để chiếm đoạt tài sản. Những hoàn cảnh cụ thể này không do người có tài sản gây ra mà do hoàn cảnh khách quan làm cho họ lâm vào tình trạng không thể bảo vệ được tài sản của mình, nhìn thấy người phạm tội lấy tài sản mà không làm gì được.

Tính chất của hành vi là công khai, trắng trợn, không che giấu, công khai ngay trước chủ sở hữu, người quản lý tài sản và công khai với mọi người xung quanh.

– Hậu quả và mối quan hệ nhân quả: Hậu quả của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là tổn hại về tài sản mà cụ thể là giá trị tài sản bị chiếm đoạt.

– Lỗi: Lỗi của hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản là lỗi cố ý của người thực hiện hành vi này. Thể hiện ở ý chí của người thực hiện, mong muốn đạt được và tự bản thân thực hiện hành vi này một cách dứt khoát và quyết đoán.

2. Bí mật lấy tài sản của chủ sở hữu nhưng công khai với người khác thì phạm tội gì

a, Trách nhiệm hình sự

Lợi dụng lúc bạn vắng mặt, anh họ đã lén lút (bí mật) lấy xe máy của bạn và mặc dù anh ta lấy xe máy ngang nhiên trước mặt chủ cửa hàng nước nhưng đó chỉ là ý thức che giấu tính hợp pháp cho hành vi của anh ta để cho chủ cửa hàng nước tưởng đó là xe máy của anh ta. Do đó hành vi của anh họ bạn chính là hành vi trộm cắp tài sản nên anh ta đã phạm tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 173 Bộ Luật Hình sự 2015

“Điều 173. Tội trộm cắp tài sản

1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.”

Theo quy định tại Điều 175 Bộ Luật Hình sự 2015 thì mặt khách quan của tội trộm cắp tài sản thể hiện ở hành vi lén lút, bí mật chiếm đoạt tài sản của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản mà người này không hề hay biết tài sản của mình đang bị chiếm đoạt, chỉ sau khi mất thì thì người đó mới biết bị mất tài sản.

Tính chất lén lút, bí mật của hành vi trộm cắp tài sản thể hiện ở chỗ người phạm tội che giấu, giấu diếm hành vi chiếm đoạt tài sản của mình đối với chủ sở hữu tài sản.

Người phạm tội không những chỉ có ý thức bí mật đối với người quản lý tài sản mà còn bí mật đối với người xung quanh khu vực có tài sản nhưng có những trường hợp người phạm tội không hề che giấu hành vi trộm cắp tài sản đối với người xung quanh nhưng lại có những hành động để người xung quanh tưởng lầm đó không phải là hành vi trộm cắp tài sản. Ví dụ như: giả vờ đi nhờ xe để người xung quanh tưởng nhầm là xe của người đó và đợi cho đến khi chủ sở hữu của xe đó sơ hở, mất cảnh giác thì trộm cắp xe.

Hậu quả của tội trộm cắp tài sản là tổn hại về tài sản mà cụ thể là giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Tài sản bị chiếm đoạt phải có giá trị từ 500.000 đồng trở lên mới cấu thành tội trộm cắp tài sản, nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị dưới 500.000 đồng thì phải kèm theo điều kiện gây hậu quả nghiêm trọng hoặc người có hành vi trộm cắp đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm mới cấu thành tội trộm cắp tài sản.

Tội phạm được hoàn thành khi người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản. Để xác định tội phạm đã hoàn thành hay chưa phải dựa vào đặc điểm, vị trí tài sản bị chiếm đoạt trong từng trường hợp cụ thể. Nếu tài sản bị chiếm đoạt nhỏ, gọn thì tội trộm cắp hoàn thành kể từ thời gian người phạm tội đã giấu được tài sản đó trong người. Trong trường hợp tài sản bị chiếm đoạt to, cồng kềnh thì tội trộm cắp hoàn thành kể từ thời gian người phạm tội mang tài sản đó ra khỏi nơi quản lý của chủ sở hữu.

b, Mức phạt

Bạn không nói rõ giá trị của chiếc xe máy là bao nhiêu nên rất khó để xác định mức phạt cụ thể đối với anh họ bạn sẽ thuộc khoản nào Điều 173

Nếu giá trị chiếc xe máy dưới 50 triệu đồng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Nếu giá trị chiếc xe máy từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Theo suy đoán chủ quan của tôi thì có lẽ chiếc xe máy của bạn cũng chỉ nằm trong hai khoảng đó. Bạn có thể cân nhắc mức phạt chúng tôi đã nêu trên.