Điệp từ hay còn được gọi với tên gọi khác là điệp ngữ là một biện pháp tu từ trong văn học chỉ việc lặp đi lặp lại một từ hoặc cụm từ nhằm nhấn mạnh, khẳng định hoặc liệt kê để làm nổi bật vấn đề được nói đến.
Trong văn học, các thủ pháp nghệ thuật đặc sắc có vai trò không nhỏ đóng góp nên sự thành công của một tác phẩm. Nếu ý nghĩa của tác phẩm mang đến cho người đọc những cảm xúc đặc biệt thì nghệ thuật dùng từ để lại những dấu ấn thể hiện nét riêng của tác giả.
Điệp từ là gì?
Điệp từ, hay còn được gọi với tên gọi khác là điệp ngữ, là một biện pháp tu từ trong văn học chỉ việc lặp đi lặp lại một từ hoặc cụm từ nhằm nhấn mạnh, khẳng định hoặc liệt kê để làm nổi bật vấn đề được nói đến.
Ví dụ:
Khăn thương nhớ ai
Khăn rơi xuống đất
Khăn thương nhớ ai,
Khăn vắt lên vai?
Khăn thương nhớ ai,
Khăn chùi nước mắt?
Đèn thương nhớ ai,
Mà đèn không tắt?
Mắt thương nhớ ai,
Mắt ngủ không yên?
Các dạng điệp từ
Dựa vào hình thức lặp từ, điệp từ tồn tại dưới 3 dạng chủ yếu sau:
– Điệp từ cách quãng:
Là hình thức lặp lại một từ hoặc cụm từ, mà trong đó các từ, cụm từ không có sự liên tiếp và cách quãng nhau:
Ví dụ: Trong đoạn thơ Việt Bắc của Tố Hữu, tác giả đã sử dụng nhuần nhuyễn biện pháp điện từ cách quãng để miêu tả nỗi nhớ của mình đối với Việt Bắc:
“… Nhớ sao lớp học i tờ
Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan
Nhớ sao ngày tháng cơ quan
Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo
Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều
Chày đêm nện cối đều đều suối xa…”
– Điệp từ nối tiếp:
Là hình thức lặp đi lặp lại một từ, cụm từ có sự nối tiếp nhau.
Ví dụ:
Chuyện kể từ nỗi nhớ sâu xa
Thương em, thương em, thương em biết mấy.
Đoạn thơ trên trên được trích từ bài thơ Gửi em Cô thanh niên xung phong của tác giả Phạm Tiến Duật, tác giả đã sử dụng biện pháp lặp từ nối tiếp “thương em” vô cùng gợi cảm. Cụm từ “thương em” được lặp lại nhiều lần diễn tả tình cảm của tác giả đối với cô thanh niên xung phong.
– Điệp từ chuyển tiếp hay còn được gọi là điệp từ vòng, tức là từ ngữ được điệp nằm cuối câu trên chuyển xuống đầu câu dưới tiếp với nó, làm cho câu văn, câu thơ liền mạch nhau.
Ví dụ:
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai.
(Đoàn Thị Điểm)
Tác dụng của điệp ngữ
Việc lặp đi lặp lại các từ ngữ góp phần nhấn mạnh ý, biểu thị tốt nhất ý muốn diễn đạt của tác giả. Từ đó, mang lại hiệu qua truyền đạt nội dung, cảm xúc tới người đọc.
Ngoài ra, điệp ngữ cũng tạo ra những câu văn, câu thơ giàu âm điệu, làm cho giọng văn tha thiết, nhịp nhàng hoặc hào hùng, mạnh mẽ, nhiều rung cảm, gợi cảm.
Để hiểu rõ hơn điệp ngữ là gì và tác dụng của điệp ngữ, ta phân tích đoạn văn sau:
Tôi yêu Sài Gòn da diết… Tôi yêu trong nắng sớm, một thứ nắng ngọt ngào… Tôi yêu cả đêm khuya thưa thớt tiếng ồn. Tôi yêu phố phường náo động, dập dìu xe cộ vào những giờ cao điểm. Yêu cả cái tĩnh lặng của buổi sáng tinh sương với làn không khí mát dịu, thanh sạch trên một số đường còn nhiều cây xanh che chở…
(Minh Hương)
Điệp ngữ Tôi yêu cho người đọc thấy được tình yêu nồng nhiệt, say đắm của tác giả đối với Sài Gòn. Bên cạnh đó, từ Tôi yêu được lặp đi lặp nhiều lần tạo nên âm điệu da diết mà sôi nổi tạo nên dấu ấn khó phai đối với người đọc.
Như vậy, ta thấy rằng điệp từ là một biện pháp nghệ thuật đặc biệt, được ứng dụng nhiều trong các tác phẩm văn học Việt Nam. Qua các nội dung trên, bạn đọc đã hiểu được điệp từ là gì? Để củng cố kiến thức cũng như nhận diện tốt biện pháp lặp từ trong các tác phẩm nghệ thuật, ta cùng nhau tìm hiểu một số dạng bài tập thông dụng.
Bài tập ứng dụng
Là một biện pháp tu từ tạo nên sự thành công của nhiều tác phẩm và thể hiện vẻ đẹp của tiếng Việt, điệp từ được lựa chọn là một trong những nội dung trọng tâm trong chương trình giáo dục phổ thông. Dưới đây là một số dạng bài tập cơ bản giúp các em học sinh dễ dàng nhận diện và học tập tốt môn Ngữ văn.
Bài tập: Tìm điệp từ trong đoạn thơ sau và nêu tác dụng của chúng:
“ Ngày xuân mở nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu, rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”
(Tố Hữu)
– Đoạn thơ trên nằm trong bài thơ Việt Bắc của tác giả Tố Hữu. Để miêu tả nỗi nhớ Việt Bắc, tác giả đã sử dụng biện pháp điệp từ “Nhớ”, đây là dạng điệp từ cách quãng.
– Ý nghĩa:
Điệp từ “Nhớ” lặp lại 3 lần cùng với “Ngày xuân mở nở trắng rừng”, “Ve kêu, rừng phách đổ vàng”, “Rừng thu trăng rọi hòa bình” tạo thể hiện hồi ức của tác giả về một bức tranh Việt Bắc với 3 mùa đẹp nhất trong năm của vùng đất này: xuân, hạ, thu.
Cách sử dụng điệp ngữ trong đoạn trích cũng như cả bài thơ vừa làm nổi bật hồi ức của tác giả, vừa mang đến cảm xúc mạnh cho người đọc. Từ đó, mang đến một bức tranh sống động về thiên nhiên và con người Việt Bắc.
Qua định nghĩa, phân loại và các ví dụ cụ thể trong bài viết bạn đọc đã hiểu được Điệp từ là gì? Ngoài ra, còn thấy được sự giàu đẹp của tiếng Việt và sự phong phú, đa dạng trong văn học Việt Nam.
Chúng tôi mong rằng các thông tin chúng tôi cung cấp sẽ hữu ích với quý bạn đọc. Cảm ơn quý bạn đọc đã theo dõi bài viết.