Luật số 74/2014/QH13 – Luật giáo dục nghề nghiệp 2014 được ban hành vào ngày 27/11/2014 và có hiệu lực ngày 01/07/2015 quy định về hệ thống giáo dục nghề nghiệp; tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.Luật này áp dụng đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp, trường cao đẳng; doanh nghiệp và đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam.
I.Gíao dục nghề nghiệp là gì?
Giáo dục nghề nghiệp là một bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, được thực hiện theo hai cách thức là đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên.
1.Mục tiêu
Mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp bao gồm các mục tiêu sau đây:
1.1.Mục tiêu chung
– Đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo; có đạo đức, sức khỏe; có trách nhiệm nghề nghiệp; có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường công tác trong bối cảnh hội nhập quốc tế;
– Bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng lao động; tạo điều kiện cho người học sau khi hoàn thành khóa học có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc học lên trình độ cao hơn.
1.2.Mục tiêu cụ thể
– Đào tạo trình độ sơ cấp để người học có năng lực thực hiện được các công việc đơn giản của một nghề;
– Đào tạo trình độ trung cấp để người học có năng lực thực hiện được các công việc của trình độ sơ cấp và thực hiện được một số công việc có tính phức tạp của chuyên ngành hoặc nghề; có khả năng ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào công việc, công tác độc lập, công tác theo nhóm;
– Đào tạo trình độ cao đẳng để người học có năng lực thực hiện được các công việc của trình độ trung cấp và giải quyết được các công việc có tính phức tạp của chuyên ngành hoặc nghề; có khả năng sáng tạo, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào công việc, hướng dẫn và giám sát được người khác trong nhóm thực hiện công việc.
2.Cơ hội và thách thức
– Cơ hội:
Đối với thị trường hội nhập quốc tế hiện nay, sự phát triển của các lĩnh vực khoa học kỹ thuật đã làm thay đổi đáng kể các quy trình công nghệ trong sản xuất, thậm chí đã làm mất đi vai trò của một số ngành nghề và mở ra cơ hội cho nhiều lĩnh vực mới, ngành nghề mới. Điều này dẫn đến những đòi hỏi về kiến thức, năng lực chuyên môn của những ngành nghề khác nhau. Nắm bắt được tình hình đó, đây chính là cơ hội lợi đối với giáo dục nghề nghiệp.
Nếu chúng ta phán đoán được những ngành nghề sẽ thiếu hụt lao động trong những năm tiếp theo, thay đổi hướng đào tạo để cho ra người lao động đáp ứng được yêu cầu của thị trường đó thì chúng ta sẽ có rất nhiều cơ hội mới.
Hơn thế nữa dân số của nước chúng ta đang là dân số “vàng”. Lợi thế về việc những người trẻ tuổi đi theo con đường giáo dục ngành nghề là rất lớn.
Theo những thống kê về mặt số lượng thì 85% người học giáo dục nghề nghiệp ra trường có việc làm ngay. Đây cũng là một con số khả quan, tạo tiền đề thu hút lượng lao động dồi dào của chúng ta.
– Thách thức:
Bên cạnh những cơ hội mở ra đó, giáo dục ngành nghề cũng đối mặt với những thách thức nhất định. Thách thức có thể kể đến như giáo dục nghề nghiệp hiện chưa thực sự là con đường hấp dẫn nhất đối với học sinh, tuyển sinh khóa khăn, các điều kiện đảm bảo còn hạn chế; hiệu quả đào tạo, việc làm sau đào tạo còn chưa bền vững.
Mặc dù trên thực tiễn hiện nay, chúng ta có một mạng lưới dày đặc các cơ sở dạy nghề trên tất cả các tỉnh thành trong cả nước. Thế nhưng thực trạng thiếu lao động có trình độ cao, tay nghề chuyên môn giỏi đang đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp, khiến cho họ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động.
II.Mục tiêu, đối tượng, nguyên tắc kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp
Theo quy định tại Điều 65 Luật số 74/2014/QH13 – Luật giáo dục nghề nghiệp 2014 quy định như sau:
“Điều 65. Mục tiêu, đối tượng, nguyên tắc kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp
1. Mục tiêu của kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp bao gồm:
a) Bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp;
b) Xác nhận mức độ đáp ứng mục tiêu giáo dục nghề nghiệp trong từng giai đoạn nhất định của cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc chương trình giáo dục nghề nghiệp.
2. Đối tượng kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp bao gồm:
a) Cơ sở giáo dục nghề nghiệp;
b) Chương trình đào tạo các trình độ giáo dục nghề nghiệp.
3. Việc kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:
a) Độc lập, khách quan, đúng pháp luật;
b) Trung thực, công khai, minh bạch;
c) Bình đẳng, định kỳ;
d) Bắt buộc đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và chương trình đào tạo các ngành, chuyên ngành hoặc nghề trọng điểm quốc gia, khu vực, quốc tế; cơ sở giáo dục nghề nghiệp và chương trình đào tạo các ngành, nghề phục vụ yêu cầu công tác quản lý nhà nước.”