Di chúc vô hiệu, vô hiệu một phần thì chia thừa kế thế nào?

Di chúc là văn bản pháp lý, thể hiện mong muốn, ý chí của người lập với phần tài sản của mình khi họ chết. Trong thực tiễn mở thừa kế, sẽ xảy ra tình trạng di chúc vô hiệu. Vậy khi di chúc vô hiệu, vô hiệu một phần thì chia thừa kế thế nào?

1. Thế nào là tính hiệu lực của di chúc?

– Di chúc là văn bản pháp lý, thể hiện mong muốn, ý chí của người lập với phần tài sản của mình khi họ chết.

– Khi lập di chúc, người lập được thực hiện một số quyền sau đây đối với nội dung di chúc của mình:

+ Người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.

+ Người lập di chúc có quyền phân định phần di sản cho từng người thừa kế. Tức khi lập di chúc, người lập có quyền phân chia tài sản của mình, và xác định với từng phần tài sản cụ thể, sẽ thuộc quyền thụ hưởng của đối tượng nào.

+ Trong nội dung di chúc, người lập có quyền dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.

+ Di chúc không chỉ là việc phân chia tài sản, để người để lại di sản xác định chủ thể được hưởng tài sản theo mong muốn, ý chí của mình, mà nó còn thể hiện sự giao nghĩa vụ cho người thừa kế.

+ Người lập di chúc có quyền chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

– Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, nếu bản di chúc đảm bảo tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật về hình thức và nội dung, thì bản di chúc đó sẽ được xem là hợp pháp.

– Khi người để lại di sản thừa kế chết, bản di chúc sẽ có hiệu lực về mặt pháp lý. Các chủ thể nằm trong diện được hưởng di sản thừa kế theo di chúc có thể làm thủ tục mở thừa kế và khai nhận di sản thừa kế. Tuy nhiên, khi tiến hành khai nhận, phân chia di sản thừa kế theo di chúc, cơ quan công chứng thường phải xác định xem bản di chúc có hiệu lực pháp luật hay không.

– Tính hiệu lực của di chúc được hiểu là căn cứ để xác định xem bản di chúc đó có hiệu lực pháp lý trong việc áp dụng giải quyết phân chia di sản thừa kế hay không. Nếu di chúc có hiệu lực, nội dung của di chúc mới được xác định phân chia cho các chủ thể có quyền và lợi ích liên quan. Trong trường hợp di chúc không có hiệu lực, cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ xác định xem di chúc không có hiệu lực một phần hay toàn bộ, từ đó đưa ra phương án giải quyết vấn đề phân chia di sản thừa kế theo di chúc sao cho phù hợp nhất.

Có thể thấy, tính hiệu lực của di chúc có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giải quyết khai nhận và phân chia di sản thừa kế. Cụ thể như sau:

+ Đây là căn cứ để xác định xem nội dung của bản di chúc có được đưa vào thực hiện khai nhận và phân chia di sản thừa kế hay không.

+ Tính có hiệu lực của di chúc chính là căn cứ để Cơ quan công chứng thực hiện việc giải quyết phân chia di sản thừa kế cho các cá nhân và chủ thể liên quan.

+ Tính có hiệu lực của di chúc cũng chính là cơ sở nền tảng, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có quyền và lợi ích liên quan.

2. Các trường hợp di chúc vô hiệu toàn bộ, vô hiệu một phần:

Di chúc vô hiệu một phần được hiểu là bản di chúc có nội dung bị mất hiệu lực một phần. Di chúc vô hiệu toàn bộ là bản di chúc bị mất hiệu lực toàn bộ về mặt nội dung.

Điều 643 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hiệu lực của di chúc như sau:

– Tính hiệu lực của di chúc được xác định từ thời điểm mở thừa kế.

– Trong các trường hợp cụ thể sau đây, di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần:

+ Trường hợp người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc. Trong trường hợp này, phần nội dung phân chia tài sản cho các chủ thể này mà người để lại di sản thừa kế thể hiện trong di chúc sẽ không có hiệu lực. Lúc này, di chúc vô hiệu một phần hay toàn bộ còn phụ thuộc vào việc trong nội dung di chúc, người để lại di sản phân chia toàn bộ tài sản cho chủ thể này hay chỉ phân định một phần. Nếu toàn bộ nội dung di chúc đều xác định phân định tài sản cho 1 đối tượng, thì khi người này chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, di chúc sẽ vô hiệu toàn phần. Nếu nội dung di chúc chỉ phân định một phần tài sản cho 1 đối tượng, thì khi họ chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, di chúc chỉ mất hiệu lực một phần. Các nội dung khác (liên quan đến việc phân định với các chủ thể khác) vẫn sẽ có hiệu lực pháp lý.

+ Trong trường hợp cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế, thì di chúc sẽ được xác định là hết hiệu lực. Nếu một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực.

+ Nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế thì di chúc không có hiệu lực. Hoặc trong trường hợp di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.

– Một điểm cần lưu ý rằng, nếu một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.

Như vậy, trong các trường hợp cụ thể nêu trên, di chúc sẽ được xác định là không có hiệu lực một phần hoặc vô hiệu toàn bộ. 

3. Di chúc vô hiệu, vô hiệu một phần thì chia thừa kế thế nào?

Vậy trong trường hợp di chúc vô hiệu toàn phần, vô hiệu một phần thì giải quyết việc phân chia di sản thừa kế như thế nào?

– Đối với trường hợp di chúc vô hiệu toàn bộ: Di chúc vô hiệu toàn bộ diễn ra trong trường hợp chủ thể nhận di sản thừa kế chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di chúc, khi di sản thừa kế không còn tại thời điểm mở thừa kế.

+ Bản chất của thừa kế theo di chúc là việc phân chia di sản thừa kế theo ý chí, mong muốn của người để lại di sản thể hiện trong nội dung của di chúc. Do đó, trong trường hợp các cá thể thuộc diện được hưởng tài sản thừa kế đã chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản (không còn chủ thể nhận thừa kế theo nội dung của di chúc), thì bản di chúc sẽ vô hiệu. Trong trường hợp này, di chúc sẽ vô hiệu toàn phần. Di sản thừa kế sẽ được phân chia theo pháp luật. Tức sẽ áp dụng chi theo hàng thừa kế.

+ Đối với trường hợp sản thừa kế không còn tại thời điểm mở thừa kế (mất hoàn toàn), thì di chúc vô hiệu. Lúc này, việc phân chia di sản thừa kế sẽ không được diễn ra.

– Đối với trường hợp di chúc vô hiệu một phần:

+ Di chúc vô hiệu một phần khi một hoặc một số chủ thể được phân chia di sản thừa kế chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản thì di chúc vô hiệu một phần. Tại trường hợp này, di chúc chỉ vô hiệu tại nội dung phân chia liên quan với chủ thể đã chết kia; còn các nội dung phân chia còn lại vẫn sẽ có hiệu lực về mặt pháp luật. Phần nội dung không bị vô hiệu vẫn được thực hiện phân chia như bình thường. Còn phần nội dung vô hiệu sẽ được xem xét phân chia thừa kế theo pháp luật (chia cho các chủ thể thuộc hàng thừa kế ưu tiên).

+ Di chúc vô hiệu một phần khi di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần. Tại trường hợp này, phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực. Các chủ thể được nhận di sản thừa kế này theo nội dung di chúc sẽ được tiến hành khai nhận di sản thừa kế với phần tài sản tương ứng. Trong trường hợp người để lại di chúc chỉ phân định tài sản chung chung (Giả sử: Ông Nguyễn Văn A để lại tài sản thừa kế là đất đai cho 4 người con. Trong nội dung di chúc, ông chỉ nêu phần đất này chia đều cho 4 con). Vậy tại đây, nếu một phần đất của ông A không còn (tài sản thừa kế mất một phần), thì phần còn lại sẽ được chia đều cho các chủ thể được thể hiện trong di chúc.

Đối với trường hợp di chúc vô hiệu một phần, nội dung còn lại của di chúc vẫn sẽ có hiệu lực, và vẫn được áp dụng phân chia di sản thừa kế cho các chủ thể có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan.

Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết: Bộ luật dân sự 2015.

Theo dõi chúng tôi trênDuong Gia FacebookDuong Gia FacebookDuong Gia TiktokDuong Gia TiktokDuong Gia YoutubeDuong Gia YoutubeDuong Gia GoogleDuong Gia Google
5/5(1
bình chọn
)

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com