Thành lập, hoạt động Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo

Quy định về việc thành lập, hoạt động Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo như thế nào? Dưới đây là bài phân tích làm rõ vấn đề này.

1. Thành phần hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo:

Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo là tổ chức tư vấn trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giúp Bộ trưởng xem xét và đưa ra kết luận về sự phù hợp của sản phẩm quảng cáo với quy định của pháp luật trong trường hợp tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định sản phẩm quảng cáo.

Hiện nay, hoạt động quảng cáo ngày càng phát triển mạnh mẽ tại nước ta. Để kiểm soát nội dung của các chương trình quảng cáo, tránh việc truyền tải những thông tin, nội dung sai phạm, không đúng sự thật, ảnh hưởng đến thuần phong mĩ tục, Nhà nước đẩy mạnh thực hiện các hoạt động thẩm định sản phẩm quảng cáo.

Theo quy định tại Điều 5 Thông tư 10/2013/TT-BVHTTDL, số lượng thành viên của Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo phải là số lẻ và phải có ít nhất 5 thành viên: 01 Chủ tịch Hội đồng ( Chủ tịch Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo là Lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở), 01 ủy viên làm thư ký và các ủy viên. Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo là Cục Văn hóa cơ sở. Thành phần, cơ cấu của hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo bao gồm:

+ Đại diện các Cục, Vụ có liên quan thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành khác;

+ Đại diện các tổ chức nghề nghiệp;

+ Chuyên gia hoặc đại diện đơn vị, tổ chức khác có các hoạt động chuyên môn liên quan đến nội dung cần thẩm định.

2. Quy định của pháp luật về việc thành lập Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo:

Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 10/2013/TT-BVHTTDL, thành phần của hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo gồm đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện của tổ chức nghề nghiệp về quảng cáo và các chuyên gia trong lĩnh vực có liên quan.

Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo chịu trách nhiệm thực hiện việc giải quyết yêu cầu thẩm định sản phẩm quảng cáo và tự giải thể sau khi có kết quả thẩm định.

Theo nguyên tắc chung, việc quyết định thành viên của Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo thực hiện theo đề nghị của Cục Văn hóa cơ sở và văn bản cử thành viên của các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Như vậy, theo quy định tại Điều luật này, Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo được thành lập lên với mục đích  thực hiện việc giải quyết yêu cầu thẩm định sản phẩm quảng cáo và tự giải thể sau khi có kết quả thẩm định.Thành viên của Hội đồng thẩm định được tạo lập dựa trên  đề nghị của Cục Văn hóa cơ sở và văn bản cử thành viên của các cơ quan, đơn vị có liên quan. Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo được thành lập bởi cơ quan Nhà nước một cách khách quan và theo nguyên tắc chung nhất định. Do đó, nó mang tính khách quan cao, giúp quá trình hoạt động của Hội đồng thẩm định diễn ra ổn định, đạt hiệu quả cao về chức năng thẩm định.

3. Quy định của pháp luật về hoạt động Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo:

– Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 10/2013/TT-BVHTTDL, cơ chế hoạt động của Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo được quy định cụ thể như sau:

+ Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo làm việc dưới sự điều hành của Chủ tịch Hội đồng theo nguyên tắc tập trung dân chủ và quyết định theo đa số. Đây được xem là cơ chế hoạt động chung nhất của Hội đồng thẩm định. Nguyên tắc tập trung dân chủ và quyết định theo đa số giúp hoạt động thẩm định diễn ra khách quan, công bằng, trung thực, tránh những sai sót mang tính chủ quan diễn ra.

+ Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo và từng thành viên trong Hội đồng phải chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng thẩm định. Từng thành viên trong hội đồng thẩm định quảng cáo đều có quyền và trách nhiệm đưa ra quyết định. Do đó, họ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Cơ chế hoạt động này giúp tránh những sai sót không thể xảy ra. Nếu xảy ra sai phạm về nội dung và chất lượng thẩm định cũng dễ dàng cho việc tìm ra chủ thể liên quan để xử lý.

+ Khi tiến hành thẩm định sản phẩm quảng cáo, Hội đồng thẩm định phải tiến hành mở phiên họp. Về nguyên tắc, phiên họp của Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo phải đảm bảo có mặt ít nhất 3/4 tổng số thành viên.

+ Sau khi tiến hành thẩm định sản phẩm quảng cáo xong, Hội đồng thẩm định sẽ trả kết quả thẩm định. Kết quả thẩm định phải thể hiện bằng văn bản và phải có chữ ký của Chủ tịch và Thư ký Hội đồng.

– Điều 7 Thông tư 10/2013/TT-BVHTTDL quy định về quy trình thẩm định sản phẩm quảng cáo như sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ yêu cầu thẩm định sản phẩm quảng cáo.

Tổ chức, cá nhân gửi yêu cầu thẩm định sản phẩm quảng cáo trực tiếp đến Cục Văn hóa cơ sở hoặc qua đường bưu điện.

Bước 2: Thành lập hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo.

Sau khi nhận được yêu cầu thẩm định sản phẩm quảng cáo của tổ chức, cá nhân, Cục Văn hóa cơ sở trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định thành lập Hội đồng, gửi tóm tắt yêu cầu cần thẩm định và giấy mời họp đến các thành viên Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo ít nhất 2 ngày trước ngày diễn ra phiên họp.

Bước 3: Mở cuộc họp để thẩm định sản phẩm quảng cáo.

Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo tiến hành họp để thẩm định theo quy trình sau đây:

+ Chủ tịch Hội đồng trình bày tóm tắt nội dung yêu cầu cần thẩm định;

+ Các ủy viên của Hội đồng đưa ra nhận xét, đánh giá; Hội đồng thảo luận để thống nhất ý kiến nhận xét, đánh giá;

+ Thành viên Hội đồng biểu quyết; Chủ tịch Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo quyết định theo đa số về sự phù hợp của sản phẩm quảng cáo với quy định của pháp luật về quảng cáo;

+ Ủy viên thư ký lập biên bản phiên họp;

+ Hội đồng thông qua biên bản phiên họp, Chủ tịch và Ủy viên thư ký Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo ký vào biên bản đã được thông qua.

Bước 4: Đưa ra kết quả thẩm định sản phẩm quảng cáo.

Căn cứ vào kết quả thẩm định, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở có văn bản gửi tổ chức, cá nhân trong đó nêu rõ sản phẩm quảng cáo phù hợp hoặc không phù hợp với quy định của pháp luật về quảng cáo.Trong thời gian 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm định sản phẩm quảng cáo, Cục Văn hóa cơ sở phải gửi văn bản thẩm định sản phẩm quảng cáo cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu thẩm định.

Như vậy, hoạt động thẩm định quảng cáo phải tuân thủ đầy đủ theo quy định của pháp luật về cơ chế hoạt động, trình tự, thủ tục như trên.

4. Mẫu đơn đề nghị thẩm định sản phẩm quảng cáo:

Mẫu số 1

(Ban hành kèm theo Thông tư số 10 /2013/TT-BVHTTDL ngày 06 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

………, ngày … tháng … năm………

ĐƠN ĐỀ NGHỊ THẨM ĐỊNH SẢN PHẨM QUẢNG CÁO

Kính gửi: Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Họ và tên:……… Chức vụ:…………

Đại diện cho: …………

Địa chỉ:……….

Điện thoại:……….. Fax:………..

Đề nghị thẩm định sản phẩm quảng cáo:………

Nội dung thẩm định:……..

Hồ sơ gửi kèm:

1…………………

2………………….

3………………….

Chúng tôi xin bảo đảm về tính trung thực của các số liệu, tài liệu trong các văn bản nêu trên. Nếu có sai phạm, chúng tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

(Ký, ghi rõ họ tên, chức danh, đóng dấu)

Mẫu số 2

(Ban hành kèm theo Thông tư số 10/2013/TT-BVHTTDL ngày 06 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

CỤC VĂN HÓA CƠ SỞ

Số:             /VHCS-QC

V/v thẩm định sản phẩm quảng cáo

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

….., ngày…… tháng…… năm 20…

Kính gửi: .…(Tổ chức, cá nhân đề nghị thẩm định)

Căn cứ yêu cầu của (tổ chức, cá nhân) về việc thẩm sản phẩm quảng cáo…(tên sản phẩm) tại đơn đề nghị thẩm định sản phẩm quảng cáo ngày… tháng .. năm …. Sau khi Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo họp xem xét nội dung sản phẩm quảng cáo, Cục Văn hóa cơ sở (Thường trực Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo) có ý kiến thẩm định như sau:

1. Sự phù hợp của nội dung sản phẩm quảng cáo với quy định của pháp luật về quảng cáo…

2. Nội dung yêu cầu chỉnh sửa (nếu có)…..

Trên đây là ý kiến thẩm định về sản phẩm quảng cáo, gửi… (Tổ chức,     cá nhân yêu cầu thẩm định) nghiên cứu, chỉnh sửa trước khi quảng cáo./.

Nơi nhận:

– Như trên;

– Bộ trưởng (để báo cáo);

– Thứ trưởng (để báo cáo);

– Lưu: VT, QC(02), (tên người soạn thảo văn bản thẩm định).

CỤC TRƯỞNG

Mẫu số 3

(Ban hành kèm theo Thông tư số 10/2013/TT-BVHTTDL ngày 06 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

TÊN CƠ QUAN

TIẾP NHẬN HỒ SƠ

_________

Số:…….

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

______________

……, ngày…tháng…năm…

GIẤY TIẾP NHẬN

Cơ quan tiếp nhận hồ sơ: …………

Địa chỉ trụ sở: ………

Email:……Website (nếu có): ………

Ngày ……tháng…..năm……đã nhận của ông/bà:……

Các giấy tờ về việc: ………

Gồm:

1. ………

2. ………

3. ………

NGƯỜI NỘP HỒ SƠ

(Ký, ghi rõ họ tên)

NGƯỜI TIẾP NHẬN HỒ SƠ

(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu treo)

Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết: Thông tư 10/2013/TT-BVHTTDL quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quảng cáo và Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo

Theo dõi chúng tôi trênDuong Gia FacebookDuong Gia FacebookDuong Gia TiktokDuong Gia TiktokDuong Gia YoutubeDuong Gia YoutubeDuong Gia GoogleDuong Gia Google
5/5(1
bình chọn
)

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com