Đặc Điểm Của Kiểu Dáng Công Nghiệp [Chi Tiết 2023]

Để đáp ứng nhu cầu phát triển của thế giới, các doanh nghiệp tổ chức Việt Nam đang phát triển và phân phối các sản phẩm với rất nhiều mẫu mã đa dạng ở thị trường trong nước và quốc tế. Chính vì thế yêu cầu bảo hộ mẫu mã các sản phẩm này cũng tăng cao, pháp luật đã đưa ra phương án bảo hộ kiểu dáng công nghiệp để bảo hộ quyền lợi cho chủ sở hữu. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ đề cập đến những thông tin về kiểu dáng công nghiệp đặc điểm thế nào? Mời bạn đọc cùng theo dõi.

Đặc Điểm Của Kiểu Dáng Công Nghiệp [Chi Tiết 2023]

1. Kiểu dáng công nghiệp là gì?

Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này.

Trong hoạt động thương mại, người tiêu dùng không những chỉ hướng đến chất lượng của hàng hóa mà còn hướng đến nhu cầu thẩm mỹ mà hàng hóa mang lại, nhu cầu này được nhấn mạnh khi nền kinh tế phát triển ở trình độ cao. Bởi vậy, ngoài việc quan tâm đến chất lượng hàng hóa, thì để có thể cạnh tranh trên thị trường, nhà sản xuất phải đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của người tiêu dùng, kiểu dáng công nghiệp giải quyết nhu cầu này.

Theo WIPO, kiểu dáng công nghiệp là khía cạnh trang trí hoặc thẩm mỹ của một sản phẩm. Kiểu dáng công nghiệp có thể tồn tại trong không gian ba chiều, như hình dáng hoặc bề mặt của sản phẩm, hoặc tồn tại trong trong mặt phẳng như đường nét hay màu sắc.

Kiểu dáng công nghiệp có thể thuộc công nghiệp hoặc thủ công mỹ nghệ, có thể là các dụng cụ kỹ thuật, y tế, đồng hồ, đồ trang sức và các mặt hàng cao cấp khác, đồ gia dụng, thiết bị điện, kiểu dáng hàng dệt, hàng hóa giải trí…

2. Đặc điểm của kiểu dáng công nghiệp

Kiểu dáng công nghiệp có đặc điểm như sau:

– Thể hiện tính chất trang trí hay thẩm mỹ của sản phẩm;

– Là hình dáng bên ngoài của sản phẩm;

– Có thể tồn tại trên mặt phẳng hoặc trong không gian ba chiều.

Khoản 13 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ định nghĩa: “Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này”.

Điểm khác biệt trong hai định nghĩa vừa nêu về kiểu dáng công nghiệp là WIPO không nói rõ việc kiểu dáng công nghiệp có thể thể hiện bởi màu sắc, nhưng có thể nói khi WIPO đề cập đến kiểu dáng công nghiệp là dấu hiệu thể hiện tính chất trang trí hay thẩm mỹ của sản phẩm, trong đó cụm từ trang trí và thẩm mỹ đã bao gồm cả việc trang trí bởi màu sắc, đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ cũng bao gồm cả yếu tố màu sắc. Vì vậy, có thể nói định nghĩa của pháp luật Việt Nam về kiểu dáng công nghiệp được xem là tương đồng với quy định của WIPO về kiểu dáng công nghiệp.

Qua định nghĩa về kiểu dáng công nghiệp vừa nêu, có thể rút ra các đặc điểm sau đây của kiểu dáng công nghiệp:

– Kiểu dáng công nghiệp phải là dấu hiệu nhìn thấy, trong các định nghĩa về kiểu dáng công nghiệp không đề cập đến dấu hiệu này, nhưng có thể nói đây là dấu hiệu đương nhiên, bởi vì hình dáng bên ngoài, màu sắc… chỉ có thể nhận biết được bằng thị giác. Đây được coi là dấu hiệu cần thiết nhất khi đánh giá sự phù hợp của đối tượng đăng ký yêu cầu cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp: hình dáng bên ngoài của sản phẩm phải nhìn thấy và nhận biết được bằng mắt thường.

Đối tượng được coi là không có khả năng đánh giá được bằng mắt thường nếu sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp:

+ Tập hợp các hạt nhỏ như bột, đường cát, muối, bột giặt… là dấu hiệu nhìn thấy nhưng được coi là không có khả năng đánh giá được bằng mắt thường;

+ Trường hợp tập hợp các hạt nhỏ được đóng thành khuôn có hình dạng nhất định, ví dụ tập hợp các hạt nhỏ như bột, đường… đóng thành khuôn (như thanh socola chẳng hạn) lại được coi là có khả năng đánh giá được bằng mắt thường.

– Kiểu dáng công nghiệp được thể hiện bằng hình khối, đường nét, hay nói cách khác kiểu dáng công nghiệp có thể tồn tại trong  khôngian ba chiều hay trong mặt phẳng. Đường nét bao gồm đường viền, đường kẻ, nếp gấp, hoa văn trang trí thể hiện dưới dạng hai chiều hoặc ba chiều trên bề mặt bên ngoài của sản phẩm, để trang trí cho sản phẩm.

– Kiểu dáng công nghiệp được thể hiện bởi màu sắc, yếu tố màu sắc trong trường hợp này được hiểu trên hai khía cạnh: màu sắc tự nhiên do vật liệu (vật liệu dùng để chế tạo sản phẩm) tạo nên, màu sắc nhân tạo là màu sắc do nhà sản xuất phủ lên bề mặt của sản phẩm.

– Kiểu dáng công nghiệp bắt buộc phải ứng dụng cho sản phẩm cụ thể, tập hợp các đặc điểm tạo dáng không gắn liền với sản phẩm sẽ không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp. Sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp được hiểu là toàn bộ những đồ vật, dụng cụ, thiết bị, phương tiện… thuộc mọi lĩnh vực được sản xuất bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp, có kết cấu và chức năng rõ ràng.

– Kiểu dáng công nghiệp phải có khả năng lưu thông độc lập, khi đó nó phải là sản phẩm hoàn chỉnh (ví dụ kiểu dáng xe máy), hoặc là bộ phận, chi tiết lắp ráp được với nhau để tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh và tháo rời ra được (ví dụ kiểu dáng hộp đèn xe máy, kiểu dáng yếm xe máy).

Vì vậy, kiểu dáng công nghiệp được coi là có khả năng lưu thông độc lập, nếu:

+ Sản phẩm liền khối hoặc sản phẩm hoàn chỉnh được lắp ráp từ các bộ phận, chi tiết khác nhau, ví dụ đồ vật, dụng cụ, thiết bị, phương tiện, vật dụng, quần áo, vật liệu, hộp, bao gói… Các sản phẩm dạng thanh có độ dài không giới hạn, có mặt cắt không đổi hoặc theo cách lặp lại dọc theo chiều dài của sản phẩm dạng thanh (ví dụ như thanh nhôm định hình), sản phẩm hai chiều có diện tích không giới hạn với bề mặt được trang trí bằng các cụm họa tiết hoa văn lặp lại nhiều lần (ví dụ vải, giấy dán tường,…);

+ Các bộ phận, chi tiết hợp thành sản phẩm hoàn chỉnh theo cách tháo rời ra được bằng cách liên kết cơ khí hoặc liên kết bằng chất kết dính, khâu, hàn… được sản xuất hàng loạt để có thể thay thế lẫn nhau. Bao gồm cả nhãn sản phẩm, được hiểu là bộ phận sản phẩm dạng tấm mỏng, được trang trí bề mặt và dùng để dán hoặc gắn lên bề mặt của một sản phẩm khác nhằm tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh;

+ Bộ sản phẩm là tập hợp từ hai sản phẩm trở lên, thường được sử dụng cùng nhau hoặc để thực hiện chung một mục đích. Các phương án khác nhau của một kiểu dáng công nghiệp là các biến thể của kiểu dáng công nghiệp thể hiện trên một sản phẩm hoặc bộ sản phẩm, không khác biệt cơ bản với nhau. Ví dụ bộ bàn, ghế (thường gồm một bàn và một hoặc một số ghế), bộ ấm, chén (thường gồm một ấm và một số đĩa, chén)…

3. Ví dụ về bảo hộ kiểu dáng công nghiệp

Sản phẩm được hiểu là đồ vật, dụng cụ, thiết bị, phương tiện, hoặc bộ phận dùng để lắp ráp, hợp thành các sản phẩm đó, được sản xuất bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp, có kết cấu và chức năng rõ ràng, được lưu thông độc lập.

Ví dụ: Hình dáng bên ngoài của một cái ghế, một cái bàn, một hộp đựng thuốc… đều được coi là Kiểu dáng công nghiệp, đăng ký Kiểu dáng công nghiệp là thủ tục Xác lập quyền sở hữu đối với hình dáng bên ngoài của Sản phẩm, những chi tiết, màu sắc của sản phẩm đó.

4. Vì sao phải đăng ký kiểu dáng công nghiệp?

Vậy tại sao phải đăng ký kiểu dáng công nghiệp? Việc đăng ký này có cần thiết được không? Câu trả lời là Có, tuy đây không phải là một thủ tục bắt buộc nhưng lại vô cùng cần thiết.

Ví dụ một doanh nghiệp thiết kế, tạo nên một sản phẩm với những mẫu mã mới, không có trên thị trường làm cho người mua cảm thấy tò mò, bắt mắt, thế nhưng ngay hôm sau đã xuất hiện những dòng sản phẩm nhái, mô phỏng lại hình mẫu sản phẩm của mình công tác mua bán của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, gây tổn hại đến nền kinh tế, doanh nghiệp muốn giải quyết nhưng lại không đưa ra được chứng cứ mình là chủ sở hữu ban đầu.

– Phương án đưa ra: Doanh nghiệp phải đăng ký quyền sở hữu của mình đối với Kiểu dáng công nghiệp cho sản phẩm, tránh những cách thức xâm phạm và tranh chấp phát sinh sau này.

Không chỉ vậy, việc đăng ký Kiểu dáng công nghiệp mang lại rất nhiều lợi ích, tiêu biểu như sau:

– Khi chủ sở hữu nộp đơn đăng ký và được cấp giấy chứng nhận đăng ký, quyền đối với kiểu dáng công nghiệp mới được phát sinh

– Chủ sở hữu được độc quyền sử dụng kiểu dáng trong thời hạn 15 năm, từ đó có ưu thế cạnh tranh so với những đơn vị khác

– Trong thời gian 15 năm độc quyền, chủ sở hữu có thể tiến hành chuyển nhượng, cho phép bên thứ 3 sử dụng trên cơ sở thu phí chuyển nhượng, sử dụng…vv. Do đó, sẽ mang lại hiệu quả về mặt kinh tế cho chủ sở hữu.

– Chủ sở hữu và chuyên gia được pháp luật bảo vệ khi thấy bất cứ ai có hành vi xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp đã đăng ký

Trên đây là những thông tin mà chúng tôi đề cập đến kiểu dáng công nghiệp đặc điểm thế nào? Nếu bạn đọc có vướng mắc phát sinh trogn quá trình nghiên cứu, bạn đọc vui lòng liên hệ với chúng tôi LVN Group để được hỗ trợ trả lời.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com