Tội giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi theo BLHS 2015

Khi hành vi phạm tội có đủ các dấu hiệu pháp lý của tội giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (khách thể, chủ thể, mặt chủ quan, mặt khách quan) thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 145 BLHS 2015.

1. Khách thể của tội giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi

Khách thể của tội phạm là các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và bị tội phạm xâm hại. Khách thể của tội phạm là hệ thống các quan hệ xã hội bị tội phạm xâm hại, trực hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến lợi ích và sự tồn tại của giai cấp thống trị được Nhà nước (đại diện cho giai cấp thống trị) bảo vệ bằng các quy phạm PLHS [5, tr. 104]. Đây là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất trong các yếu tố cấu thành tội phạm. Quan hệ xã hội bị tội phạm xâm hại được BLHS bảo vệ – khách thể trong trường hợp này được xác định là tính mạng, sức khỏe danh dự, nhân phẩm của con người và cụ thể hơn, khách thể loại là thuộc nhóm tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

Đối tượng quan hệ xã hội mà Điều 145 BLHS năm 2015 hướng tới bảo vệ là quyền được bảo đảm cho sự phát triển lành mạnh về thể chất và ổn định về tâm sinh lý của đối tượng trẻ em trong độ tuổi từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi. Ngoài ra, BLHS cũng bảo vệ các tác hại xấu có thể xuất hiện do hành vi quan hệ tình dục quá sớm, bảo vệ thuần phong mĩ tục và các giá trị đạo đức truyền thống. Nói cách khác, khách thể của tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi là quyền được tôn trọng và bảo vệ về sức khỏe, nhân phẩm, danh dự và sự an toàn tình dục ở đối tượng trong độ tuổi xuất hiện nhiều bất ổn và có nhiều chuyển biến lớn về tâm sinh lý – dậy thì.

Đối tượng tác động của tội phạm là đối tượng bị hành vi phạm tội tác động đến gây thiệt hại, hoặc đe dọa gây thiệt hại cho những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ được xác định là trẻ em ở độ từ đủ tuổi 13 đến dưới 16 tuổi. Trên thực tế, độ tuổi này trong tiến trình phát triển của BLHS đã có những thay đổi nhằm đảm bảo tính nghiêm khắc và sự phù hợp của hình phạt đối với hành vi phạm tội; cụ thể là BLHS hiện hành coi mọi hành vi quan hệ tình dục với trẻ em dưới 13 tuổi do người đã thành niên thực hiện là cấu thành của tội hiếp dâm trẻ em và phải chịu hình phạt theo khung hình phạt tại Điều 142 BLHS năm 2015 với khung hình phạt nặng nhất là chung thân hoặc tử hình. Trong trường hợp đối tượng tác động của hành vi giao cấu là người từ đủ 16 tuổi trở lên thì không cấu thành tội phạm này; độ tuổi này được coi là “tuổi giao cấu hợp pháp” với nguyên nhân do đối tượng này không phải là trẻ em.

Điều này cho thấy vai trò quan trọng của việc xác định độ tuổi với cả hai đối tượng là chủ thể của tội phạm và đối tượng tác động của tội phạm, đặc biệt trong các trường hợp khó khăn trong việc xác định độ tuổi (ví dụ như: do thiếu hiểu biết, sau khi sinh con bậc cha mẹ không đi khai sinh cho con của mình; hay trong trường hợp khác không có giấy tờ tuỳ thân; …) Trong trường này cần xác định tuổi theo Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSTC- TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 12/7/2011 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động, – thương binh và xã hội hướng dẫn cách xác định độ tuổi đối với bị can, bị cáo và người bị hại là người chưa thành niên. Cụ thể:

– Trong trường hợp xác định tháng sinh và năm sinh cụ thể, nhưng không xác định được ngày sinh trong tháng đó thì lấy ngày mùng một của tháng đó làm ngày sinh;

– Trong trường hợp xác định được quý cụ thể của năm, nhưng không xác định được ngày tháng nào trong quý đó thì lấy ngày mùng một của tháng đầu của quý đó làm ngày sinh;

– Trong trường hợp xác định được cụ thể nửa đầu năm hay nửa cuối năm, nhưng không xác định được ngày tháng nào trong nửa đầu năm hoặc nửa cuối năm đó thì lấy ngày mùng một tháng Giêng hoặc ngày mùng một tháng Bảy tương ứng của năm đó làm ngày sinh;

– Trong trường hợp xác định được năm sinh cụ thể nhưng không xác định được ngày tháng sinh thì lấy ngày mùng một tháng Giêng của năm đó làm ngày sinh.

– Trong trường hợp không xác định được năm sinh của người bị hại là người chưa thành niên thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi của họ.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý, quy định của BLHS năm 2015 tại Điều 145 không phân biệt giới tính của trẻ em từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi. Nói cách khác, nạn nhân của tội phạm có thể là trẻ em ở bất kỳ giới tính nào, bất kể nam hay nữ. Điều này cũng phù hợp với các quan điểm hiện đại về việc nam giới có thể là nạn nhân của các tội phạm XPTD thay vì chỉ là nữ giới như trước đây; tuy nhiên, cũng phải thừa nhận đối tượng bị xâm hại tình dục là nam giới ít hơn rất nhiều so với nữ giới. Thêm vào đó, BLHS năm 2015 quy định “người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi” thay vì “trẻ em..” điều này là sự thay đổi theo hướng đơn giản hoá và phù hợp với các văn bản pháp luật chuyên ngành – đặc biệt luật số 25/2004/QH11 về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em với nội dung trẻ em là “là công dân Việt Nam dưới mười sáu tuổi.” (Điều 1) [39]. Như vậy, đối tượng của tội phạm này có thể là người quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài hoặc không quốc tịch khi tội phạm xảy ra thuộc thẩm quyền xét xử của Việt Nam.

2. Mặt khách quan của tội giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi

Mặt khách quan của tội phạm là tổng hợp tất cả những biểu hiện của tội phạm diễn ra và tồn tại bên ngoài thế giới khách quan, là những yếu tố bên ngoài và phản ánh tính nguy hiểm của tội phạm, bao gồm các dấu hiệu gồm: hành vi khách quan; hậu quả; quan hệ nhân quả và các dấu hiệu khác (như: thời gian, địa điểm, phương pháp, công cụ phạm tội). Trong đó, Các dấu hiệu như thời gian, địa điểm, hậu quả và mối quan hệ nhân quả, Điều 145 BLHS năm 2015 không đặt ra là yêu cầu bắt buộc mà chỉ là yếu tố định khung trong quá trình quyết định hình phạt ví dụ như: hậu quả “làm nạn nhân có thai” (điểm d, khoản 2) hoặc hậu quả “tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%” (điểm đ, khoản 2) là tình tiết định khung khoản 2 và định khung khoản 3 khi sức khỏe của nạn nhân bị gây tổn hại mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên (điểm a, Khoản 3).

Về hành vi khách quan, tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi được xác định hành vi của một người từ đủ 18 tuổi trở lên (đã thành niên) giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trên cơ sở sự đồng thuận.

Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP về hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của BLHS năm 2015 và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi; theo đó, “Giao cấu quy định tại khoản 1 Điều 141, khoản 1 Điều 142, khoản 1 Điều 143, khoản 1 Điều 144 và khoản 1 Điều 145 của BLHS năm 2015 là hành vi xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ, với bất kỳ mức độ xâm nhập nào”. Các hành vi quan hệ tình dục khác có thể được hiểu là gồm những hình thức quan hệ tình dục khác ngoài giao cấu, hành vi của những người cùng giới tính hay khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục nam, bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi…), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn của người khác, bao gồm một trong các hành vi như: Đưa bộ phận sinh dục nam xâm nhập vào miệng, hậu môn của người khác; Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi…), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, hậu môn của người khác.

Cũng cần lưu ý, hành vi giao cấu được thực hiện trên cơ sở thuận tình, tự nguyện. Điều này không xuất phát từ áp lực về mặt tâm lý, hay các thủ đoạn khiến trẻ lệ thuộc, tạo nên sự miễn cưỡng đồng ý. Các hành vi dùng vũ lực hoặc de doạ dùng vũ lực nhằm đè bẹp khả năng kháng cự, tê liệt ý chí phản kháng bắt buộc nạn nhân phải đồng ý giao cấu không được coi là hành vi khách quan của tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Trên thực tế các hành vi vũ lực như xé quần áo, khoá chân tay, … vẫn có thể xảy ra trong quá trình quan hệ tình dục tuy nhiên chỉ mục đích của hành vi này là đạt được sự thỏa mãn chứ không nhằm cưỡng ép, hoặc đạt được sự đồng thuận miễn cưỡng. Thông thường, xuất phát từ sự đồng thuận từ phía nạn nhân, do vậy quá trình quan hệ tình dục sẽ có sự hưởng ứng từ phía cả hai.

Hành vi giao cấu hoặc hành vi quan hệ tình dục khác đã hoàn thành trên thực tế. Hay nói cách khác là đã thực hiện xâm nhập về mặt sinh học, sự xâm nhập này có thể là việc sử dụng bộ phận sinh dục nam, bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi…), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn của người khác bất kể giới tính. Sự hoàn thành được ở đây không đòi hỏi hành vi quan hệ kết thúc triệt để trên thực tế về tiến trình thời gian (tức là đã đạt được cực khoái ở nam giới- xuất tinh; hay những hậu quả khác như rách màng trinh; hay thậm chí làm nạn nhân có thai;…).

3. Chủ thể của tội giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi

Chủ thể của tội phạm là người có năng lực TNHS, đạt độ tuổi nhất định và đã thực hiện hành vi phạm tội cụ thể. Chủ thể của tội phạm được xác định tại Điều 8 BLHS năm 2015 gồm có thể nhân (con người cụ thể) và pháp nhân; tuy nhiên đối với tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi được xác định là thể nhân. Chủ thể của tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi phải là một con người cụ thể do những đặc tính của hành vi khách quan của tội phạm này được xác định do một cá thể sinh học thực hiện với khuynh hướng dình dục và giới tình cụ thể. Điều này cũng được quy định cụ thể tại Điều 76 BLHS năm 2015 khi loại trừ tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi khỏi phạm vi các tội danh pháp nhân bị truy cứu TNHS. Những cá nhân này cũng phải thỏa mãn hai điều kiện gồm: có năng lực trách nhiệm hình sự, đạt độ tuổi nhất định theo luật định; mặt khác, khi thực hiện hành vi giao cấu với trẻ em, người phạm tội phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên (người đã thành niên), có khả năng hoặc buộc phải nhận thức rõ được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi này, mặc dù được sự cho phép từ phía đối tượng còn lại (trong trường hợp này là người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi) nhưng vẫn phải chịu TNHS theo quy định của BLHS.

Điều 145 BLHS năm 2015 mô tả về chủ thể của tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi là “người nào”. Điều này cho thấy sự bình đẳng trong việc xác định giới tính của chủ thể thực hiện tội phạm; tuy nhiên, thực tiễn rất ít xuất hiện chủ thể của tội phạm này là nữ (ngay cả trong trường hợp đồng phạm).

Như vậy, Chủ thể của tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi là đối tượng cụ thể (con người cụ thể), có giới tình xác định, đủ 18 tuổi và có đầy đủ năng lực TNHS tại thời điểm tội phạm xảy ra.

4. Mặt chủ quan của tội giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi

Tội phạm là một thể thống nhất giữa mặt khách quan và mặt chủ quan.

Mặt chủ quan của tội phạm là mặt bên trong của tội phạm, là trạng thái tâm lý của chủ thể khi thực hiện hành vi phạm tội, bao gồm các dấu hiệu lỗi, động cơ phạm tội và mục đích phạm tội [55, tr. 99]. Mặt chủ quan của tội phạm được xác định là yếu tố tâm lý bên trong của người phạm tội phản ánh thái độ của họ với hành vi nguy hiểm cho xã hội mà họ thực hiện (tội phạm), bao gồm lỗi, động cơ, mục đích phạm tội. Yếu tố lỗi tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi là lỗi cố ý. Người phạm tội biết đối tác, người mà bản thân thực hiện hành vi giao cấu hoặc hành vi quan hệ tình dục khác là đối tượng thuộc độ tuổi từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.

Theo dõi chúng tôi trênDuong Gia FacebookDuong Gia FacebookDuong Gia TiktokDuong Gia TiktokDuong Gia YoutubeDuong Gia YoutubeDuong Gia GoogleDuong Gia Google
5/5(1
bình chọn
)

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com