Theo luật giáo dục 2019 giai đoạn định hướng những gì? - Biểu mẫu
Văn Phòng Luật LVN
Trang chủ - ACC - Theo luật giáo dục 2019 giai đoạn định hướng những gì?

Theo luật giáo dục 2019 giai đoạn định hướng những gì?

Luật Giáo dục năm 2019 (gồm 9 chương, 115 điều), thay thế Luật Giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020;

Theo luật giáo dục 2019 giai đoạn định hướng những gì?

1. Hiểu thế nào là giáo dục phát triển toàn diện con người

Chúng ta được biết Luật Giáo dục mới đã được Quốc hội khóa XIV (Luật số 43/2019/QH14) thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2019. Luật đã có hiệu lực từ ngày 01-07-2020. Điều 2 của Luật Giáo dục đã ghi rõ “Mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế” [1, tr.6].

Giáo dục phát triển toàn diện con người cần được hiểu thế nào?

-Trước hết, đấy không phải là một sự phát triển phiến diện, què quặt. Đứa trẻ được đào tạo ra không phải là những đứa trẻ chỉ biết chúi đầu vào sách, mắt đeo kính cận, khiếm khuyết về thể lực, thiếu sự năng động, thiếu khả năng cảm thụ nghệ thuật, có hoặc rất hạn chế về kỹ năng sống, thiếu trải nghiệm cuộc sống thực tiễn, tâm lý, cảm xúc và tình cảm nghèo nàn, thiếu thốn. Giáo dục phát triển toàn diện con người cũng không có nghĩa là dạy cho học sinh tràn lan mọi thứ. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng có nhấn mạnh: “Đổi mới chương trình, nội dung giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và ngành nghề”[2, tr. 115]

– Nền giáo dục này phải tạo cho được những con người có phẩm chất đạo đức cao đẹp: yêu Tổ quốc, sẵn sàng đứng lên bảo vệ Tổ quốc, yêu nhân dân, trung thực, dám nói thẳng, tình nghĩa, vị tha, biết sống, biết chia sẻ, hợp tác vì lợi ích chung, phải là người công dân toàn cầu.

– Chương trình giáo dục cho các đối tượng này được soạn thảo kỹ cho từng cấp học, ngành học nhằm đào tạo ra những con người có trọn vẹn những tri thức cơ bản cần thiết cho xã hội. Một chương trình giáo dục tốt phải là chương trình đem lại sự phát triển toàn diện cho một đứa trẻ. Nghĩa là các em phải giỏi kiến thức, có nhân cách tốt, sức khỏe tốt với đội ngũ giáo viên dày dạn kinh nghiệm là điều kiện tiên quyết. Chương trình giáo dục phát triển toàn diện là chương trình đã được phê duyệt, thể hiện trên các sách giáo khoa đã được cơ sở giáo dục lựa chọn, xem như là chương trình cứng, nhà trường, cơ sở giáo dục và chính là tự các thầy, cô phải biến thành một chương trình mềm, giáo trình mềm thuận lợi nhất giúp người học tương tác trực tiếp và có hiệu quả với môi trường xung quanh, với thực tiễn xã hội.

-Nền giáo dục này không quá gây áp lực đối với người học mà bằng tài năng sư phạm và nghệ thuật dạy học, người thầy giúp người học tự phát hiện được các năng khiếu, cá tính, sở thích của chính mình để tự phát triển. Học sinh phải cảm thấy thoải mái ở trường học, sẵn sàng chia sẻ với bạn bè, thầy cô thì mới sẵn sàng tiếp thu kiến thức. Cốt lõi là nhà trường, thầy, cô giáo phải tôn trọng tính độc lập của học sinh, giúp học sinh phát hiện được cá tính của bản thân, ý nghĩa và mục đích sống khi tiếp cận với cộng đồng xã hội, thế giới tự nhiên và các giá trị tinh thần cao đẹp mà họ cần hướng tới. Một đứa trẻ được giáo dục toàn điện ngay từ nhỏ chắc chắn sẽ có cuộc sống cân bằng, phong phú và hạnh phúc hơn một đứa trẻ bị phát triển “lệch”.

-Nhà trường, các cơ sở giáo dục cũng rất cần phải có đủ cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại để phục vụ các hoạt động trải nghiệm cho học sinh liên quan đến các lĩnh vực của các loại hình nghệ thuật chẳng hạn như hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh, kiến trúc, thiết kế, khiêu vũ, âm nhạc, điện ảnh, kịch, xiếc, ảo thuật v.v…mà lâu nay, nhiều thế hệ học sinh của chúng ta đã không được hoặc không có điều kiện tiếp xúc những bộ môn nghệ thuật này.

2. Những điểm nhấn của Luật GD mới 2019 nhằm giáo dục phát triển toàn diện con người trong điều kiện mới

Về mục tiêu giáo dục, như đã nêu ở trên, tại điều 2 Luật Giáo dục có chỉ rõ “phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân”. Theo đó, việc dạy và học trong chương trình phổ thông chuyển từ giáo dục thiên về truyền thụ kiến thức sang giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực, phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh. Vì vậy có thể thấy, Luật sửa đổi lần này đã chú trọng đến việc làm thế nào để mỗi người có được năng lực tự nhận thức mình, có khả năng lựa chọn con đường phát triển, thông qua giáo dục để thực hiện được ước mơ, đồng thời đóng góp cho lợi ích toàn xã hội.

 Về nội dung giáo dục đã được đề cập tại điều 7 nhấn mạnh việc bảo đảm tính cơ bản, toàn diện, thiết thực, hiện đại, có hệ thống và được cập nhật thường xuyên; coi trọng giáo dục tư tưởng, phẩm chất đạo đức và ý thức công dân; kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; phù hợp với sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tâm sinh lý lứa tuổi và khả năng của người học.

Về chương trình giáo dục, tại điều 8, đã nêu rõ: i)- thể hiện mục tiêu giáo dục; quy định chuẩn kiến thức, kỹ năng, yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của người học; phạm vi và cấu trúc nội dung giáo dục; phương pháp và cách thức tổ chức hoạt động giáo dục; cách thức đánh giá kết quả giáo dục đối với các môn học ở mỗi lớp học, mỗi cấp học hoặc các môn học, mô-đun, ngành học đối với từng trình độ đào tạo. ii)- Chương trình giáo dục phải bảo đảm tính khoa học và thực tiễn; kế thừa, liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo; tạo điều kiện cho phân luồng, chuyển đổi giữa các trình độ đào tạo, ngành đào tạo và cách thức giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân để địa phương và cơ sở giáo dục chủ động triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp; đáp ứng mục tiêu bình đẳng giới, yêu cầu hội nhập quốc tế. Chương trình giáo dục là cơ sở bảo đảm chất lượng giáo dục toàn diện.

Luật Giáo dục đã nhấn mạnh đến hai giai đoạn trong giáo dục: Giáo dục cơ bản và Giáo dục định hướng nghề nghiệp [1, tr.24] Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12), đã đáp ứng nhiệm vụ là “Xây dựng và chuẩn hóa nội dung GDPT theo hướng hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng, tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên; giảm số môn học bắt buộc; tăng môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn”. Sự thay đổi này đã thực hiện mục tiêu “phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng”, nội dung giáo dục được xây dựng theo hướng tích hợp ở các cấp học dưới và phân hóa theo định hướng nghề nghiệp ở cấp học trên để tạo thuận lợi cho việc tổ chức hoạt động dạy học gắn với thực tiễn, qua đó phát triển năng lực học sinh.

Về giáo dục phổ thông, điều 29 nêu rõ:

– Giáo dục phổ thông nhằm phát triển toàn diện cho người học về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo; hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa và trách nhiệm công dân; chuẩn bị cho người học tiếp tục học chương trình giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

–  Giáo dục tiểu học nhằm hình thành cơ sở ban đầu cho sự phát triển về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, năng lực của học sinh; chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học trung học cơ sở.

– Giáo dục trung học cơ sở nhằm củng cố và phát triển kết quả của giáo dục tiểu học; bảo đảm cho học sinh có học vấn phổ thông nền tảng, hiểu biết cần thiết tối thiểu về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học trung học phổ thông hoặc chương trình giáo dục nghề nghiệp.

– Giáo dục trung học phổ thông nhằm trang bị kiến thức công dân; bảo đảm cho học sinh củng cố, phát triển kết quả của giáo dục trung học cơ sở, hoàn thiện học vấn phổ thông và có hiểu biết thông thường về kỹ thuật, hướng nghiệp; có điều kiện phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển, tiếp tục học chương trình giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

-Nội dung giáo dục theo điều 30 của Luật yêu cầu phải bảo đảm tính phổ thông, cơ bản, toàn diện, hướng nghiệp và có hệ thống; gắn với thực tiễn cuộc sống, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh, đáp ứng mục tiêu giáo dục ở mỗi cấp học.

-Với các cấp học, luật đã quy định:

+ Nội dung giáo dục ở cấp Tiểu học bao gồm 11 môn học. Giáo dục tiểu học phải bảo đảm cho học sinh nền tảng phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, kỹ năng xã hội; có hiểu biết đơn giản, cần thiết về tự nhiên, xã hội và con người; có nhận thức đạo đức xã hội; có kỹ năng cơ bản về nghe, nói, đọc, viết và tính toán; có thói quen rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh; có hiểu biết ban đầu về hát, múa, âm nhạc, mỹ thuật;

+ Nội dung giáo dục cấp THCS bao gồm 12 môn học. Giáo dục trung học cơ sở củng cố, phát triển nội dung đã học ở tiểu học, bảo đảm cho học sinh có hiểu biết phổ thông cơ bản về tiếng Việt, toán, lịch sử dân tộc; kiến thức khác về khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, pháp luật, tin học, ngoại ngữ; có hiểu biết cần thiết tối thiểu về kỹ thuật và hướng nghiệp;

+ Nội dung giáo dục cấp THPT gồm 7 môn học. Giáo dục trung học phổ thông củng cố, phát triển nội dung đã học ở trung học cơ sở, hoàn thành nội dung giáo dục phổ thông; bảo đảm chuẩn kiến thức phổ thông cơ bản, toàn diện và hướng nghiệp cho học sinh, có nội dung nâng cao ở một số môn học để phát triển năng lực, đáp ứng nguyện vọng của học sinh.

– Về phương pháp, khoản 3, điều 30 Luật Giáo dục nêu rõ:  Phương pháp giáo dục phổ thông phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh phù hợp với đặc trưng từng môn học, lớp học và đặc điểm đối tượng học sinh; bồi dưỡng phương pháp tự học, hứng thú học tập, kỹ năng hợp tác, khả năng tư duy độc lập; phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của người học; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào quá trình giáo dục [1, tr. 27].

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com