Chị Trân có câu hỏi:
Tôi và chồng hiện tại có một con gái 12 tuổi, một con trai 4 tuổi, nay tôi muốn li hôn và nhận nuôi cháu bé 4 tuổi còn cháu gái lớn thì để cháu tự quyết điịnh. nhưng chồng tôi không chịu và nói chỉ chấp nhận li hôn khi nói rõ tôi nuôi cháu nào còn cháu còn lại chồng tôi nuôi( vì anh ấy biết rõ cháu gái không muốn theo bố). nhà bố mẹ đẻ tôi có tách sổ đỏ đứng tên tôi vì vào khoảng năm 2003 nhà nước có quy điịnh một người không được đứng tên nhiều sổ đỏ, bố tôi tách sổ ra đứng tên tôi nhưng chưa tuyên bố sẽ cho tôi. Thuế đất hàng năm có một hai năm do tôi đóng hưng bố tôi đều trả tiền và hiện tại bố tôi đã tự đóng.
Mặt khác tôi xin bổ sung một số thông tin về mảnh đất đó như sau:
Khi bố tôi tách sổ đỏ là lúc tôi đã lập gia đình, nhưng là bố tôi tự làm chỉ khi giao nhận sổ đỏ của địa phương bố tôi bảo tôi ra kí tên, thú thực là đến bây giờ tôi cũng chưa một lần nhìn cái sổ đỏ đó nó như thê nào. Khi vợ chồng tôi xảy ra mâu thuẫn chồng tôi có nhắc đến mảnh đất đó có ý nói là phải chia vì cho rằng đó là tài sản phát sinh sau hôn nhân nên sẽ phải chia đôi.
Vậy xin phép hỏi LS:
+ Tài sản bố mẹ cho sau hôn nhân phải có thủ tục thế nào mới được coi là tài sản riêng?
+ Nếu bố tôi muốn cho riêng thì phải làm thủ tục đó ngay sau khi tách sổ đỏ hay sau này làm mới cũng được ạ?
Vậy xin Luật sư trả lời giúp tôi:
+ Nếu tôi nhận nuôi cháu bé và cháu lớn nhất quyết theo tôi thì tôi có được quyền nuôi cả hai không ( Trong điều kiện chồng tôi cũng nhất quyết đòi nuôi một cháu)
+ Khi ra tòa tôi có phải chia mảnh đất của bố tôi đứng tên tôi trong mục chia tài sản của vợ chồng cho chồng tôi không?
Xin cảm ơn luật sư.
Luật sư trả lời:
Chào bạn,
1. Do cháu gái lớn 12 tuổi không muốn ở với bố và cháu trai đã 4 tuổi nên trong trường hợp này bạn chỉ được nhận nuôi 1 trong 2 cháu theo hướng dẫn tại khoản 2, 3 Điều 81 Luật hôn nhân gia đình 2014:
“Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.
2. Chưa đủ cơ sở để khẳng định bạn có phải chia mảnh đất mà bạn đứng tên sổ đỏ cho chồng bạn được không vì với thông tin bạn nêu chưa đủ cơ sở để khẳng định mảnh đất do bạn đứng tên sổ đỏ là tài sản của riêng mà bố mẹ đẻ bạn cho bạn trong thời kỳ hôn nhân hay chỉ là bạn đứng hộ bố mẹ bạn tên trên sổ đỏ, ví dụ như phải xem xét trọn vẹn hồ sơ kê khai sổ đỏ mảnh đất của bạn tại Cơ quan đã cấp sổ đỏ đó…
Nếu bố bạn cho riêng thì phải làm thủ tục ngay khi tách sổ đỏ, cần xem lại hồ sơ tách sổ đỏ của bạn tại Văn phòng đăng ký đất đai nơi đã cấp sổ đỏ cho bạn để biết cụ thể.
Mặt khác, để xem là tài sản chung hay riêng thì phải xem các bạn có sử dụng thửa đất đó không và căn cứ theo Điều 16 Luật hôn nhân gia đình 1986 nếu các bạn kết hôn sau ngày 31/12/1986: : “Đối với tài sản mà vợ hoặc chồng có trước khi kết hôn, tài sản được thừa kế riêng hoặc được cho riêng trong thời kỳ hôn nhân thì người có tài sản đó có quyền nhập hoặc không nhập vào khối tài sản chung của vợ chồng”