Sự ra đời của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là quy định mang tính đột phá, kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa, pháp lý tốt đẹp của dân tộc và có ý nghĩa đặc biệt cần thiết, đáp ứng được nhu cầu và đòi hỏi của xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống. Luật Hòa giải, đối thoại tại đã đem lại những hiệu quả tích cực, không chỉ giúp giảm tải công việc của tòa án mà rất nhiều đương sự đã lựa chọn phương án hòa giải để giải quyết đơn khởi kiện của mình.
Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử. Kết quả hòa giải thành, đối thoại thành được các bên tự nguyện thi hành; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận. Với Tòa án, đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại là giải pháp căn cơ, giúp giải quyết khối lượng công việc ngày càng nặng nề, trong bối cảnh hàng năm các tranh chấp, khiếu kiện không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp trong khi biên chế không tăng.
1. Nội dung đáng chú ý của Thông tư
Hướng dẫn thủ tục nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án
Nội dung này được đề cập tại Thông tư 03/2020/TT-TANDTC hướng dẫn về trình tự nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án và chỉ định hòa giải viên.
Theo đó, thủ tục nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án được hướng dẫn như sau:
Khi nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu thuộc các trường hợp sau đây kèm tài liệu, chứng cứ theo hướng dẫn, Tòa án ghi vào sổ nhận, xác nhận việc nhận đơn theo hướng dẫn
Đơn khởi kiện về về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động;
Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn;
Đơn khởi kiện vụ án hành chính.
Trong thời hạn 02 ngày công tác kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, bộ phận tiếp nhận đơn xem xét và báo cáo để Chánh án xử lý đơn theo hướng dẫn.
Thông tư 03/2020/TT-TANDTC, Thông tư này quy định chi tiết về trình tự, thủ tục nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án và chỉ định Hòa giải viên theo hướng dẫn tại Điều 16 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Nội dung chi tiết tại Thông tư 03/2020/TT-TANDTC có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.
2. Thông tư 03/2020/TT-TANDTC
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH CHI TIẾT VỀ TRÌNH TỰ NHẬN, XỬ LÝ ĐƠN KHỞI KIỆN, ĐƠN YÊU CẦU TẠI TÒA ÁN VÀ CHỈ ĐỊNH HÒA GIẢI VIÊN
Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân dân ngày 24 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án ngày 16 tháng 6 năm 2020;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Tòa án nhân dân tối cao;
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư quy định chi tiết về trình tự nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án và chỉ định Hòa giải viên.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định chi tiết về trình tự, thủ tục nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án và chỉ định Hòa giải viên theo hướng dẫn tại Điều 16 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Điều 2. Thủ tục nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án
- Khi nhận được đơn khởi kiện vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; đơn khởi kiện vụ án hành chính kèm theo tài liệu, chứng cứ theo hướng dẫn tại Điều 190 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 119 của Luật Tố tụng hành chính, Tòa án ghi vào sổ nhận đơn, xác nhận việc nhận đơn theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 191 của Bộ luật Tố tụng dân sự, khoản 1 Điều 121 của Luật Tố tụng hành chính.
- Trong thời hạn 02 ngày công tác kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, đơn yêu cầu theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều này, bộ phận tiếp nhận đơn xem xét đơn và báo cáo để Chánh án xử lý đơn như sau:
a) Phân công Thẩm phán xem xét, giải quyết đơn khởi kiện, đơn yêu cầu theo hướng dẫn của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính nếu vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính thuộc trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 4, 5, 6 và 7 Điều 19 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; các điểm a, b, c, đ và g khoản 1 Điều 192 của Bộ luật Tố tụng dân sự; các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 1 Điều 123, điểm g khoản 1 Điều 143 của Luật Tố tụng hành chính;
b) Thực hiện thủ tục thông báo cho người khởi kiện, người yêu cầu biết về quyền được lựa chọn hòa giải, đối thoại và lựa chọn Hòa giải viên theo hướng dẫn tại Điều 3 của Thông tư này nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.
Điều 3. Về việc lựa chọn hòa giải, đối thoại, lựa chọn Hòa giải viên của người khởi kiện, người yêu cầu theo hướng dẫn tại khoản 3 và khoản 4 Điều 16 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
- Tòa án thông báo bằng văn bản cho người khởi kiện, người yêu cầu biết về quyền được lựa chọn hòa giải, đối thoại và lựa chọn Hòa giải viên theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 16 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Thông báo của Tòa án phải kèm theo danh sách Hòa giải viên tại Tòa án đó.
- Trong thời hạn 03 ngày công tác kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, người khởi kiện, người yêu cầu phải trả lời cho Tòa án biết về các nội dung đã được Tòa án thông báo. Hình thức trả lời có thể bằng văn bản hoặc bằng cách thức khác như fax, thư điện tử theo địa chỉ nêu tại Thông báo của Tòa án. Trường hợp người khởi kiện, người yêu cầu trực tiếp đến Tòa án trình bày ý kiến thì Tòa án lập biên bản ghi nhận ý kiến của họ.
- Trường hợp người khởi kiện, người yêu cầu lựa chọn Hòa giải viên trong danh sách Hòa giải viên của Tòa án nhân dân cấp huyện khác trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án nhân dân cấp tỉnh thì phải thực hiện thủ tục lấy ý kiến của Hòa giải viên được lựa chọn và ý kiến của Tòa án nơi Hòa giải viên công tác theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 17 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
- Sau khi thực hiện thủ tục theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều này mà nhận được ý kiến không đồng ý của Hòa giải viên, của Tòa án nơi Hòa giải viên công tác thì người khởi kiện, người yêu cầu có thể lựa chọn Hòa giải viên khác. Việc lựa chọn lại Hòa giải viên được thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
- Hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, nếu người khởi kiện, người yêu cầu không có ý kiến trả lời thì Tòa án thông báo lại lần thứ hai cho người khởi kiện, người yêu cầu biết để thực hiện quyền lựa chọn hòa giải, đối thoại và lựa chọn Hòa giải viên.
Thông báo lần thứ hai của Tòa án và ý kiến trả lời của người khởi kiện, người yêu cầu phải theo hướng dẫn tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Điều 4. Phân công Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại
Chánh án phân công Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại trong các trường hợp sau đây:
- Trong thời hạn 03 ngày công tác kể từ ngày người khởi kiện, người yêu cầu có ý kiến đồng ý hòa giải, đối thoại.
- Trong thời hạn 03 ngày công tác kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản 5 Điều 3 của Thông tư này mà người khởi kiện, người yêu cầu không trả lời.
Điều 5. Về việc chỉ định Hòa giải viên theo hướng dẫn tại khoản 6 Điều 16 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
- Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại ra quyết định chỉ định Hòa giải viên theo sự lựa chọn của người khởi kiện, người yêu cầu trong các trường hợp sau đây:
a) Người khởi kiện, người yêu cầu lựa chọn Hòa giải viên trong danh sách Hòa giải viên của Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc;
b) Người khởi kiện, người yêu cầu lựa chọn Hòa giải viên trong danh sách Hòa giải viên của Tòa án nhân dân cấp huyện khác trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án nhân dân cấp tỉnh, đã được sự đồng ý của Hòa giải viên và Tòa án nơi Hòa giải viên công tác.
2. Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại tự mình ra quyết định chỉ định Hòa giải viên trong các trường hợp sau đây:
a) Người khởi kiện, người yêu cầu lựa chọn hòa giải, đối thoại nhưng không lựa chọn Hòa giải viên;
b) Người khởi kiện, người yêu cầu lựa chọn Hòa giải viên trong danh sách Hòa giải viên của Tòa án nhân dân cấp huyện khác trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án nhân dân cấp tỉnh, nhưng Hòa giải viên hoặc Tòa án nơi Hòa giải viên công tác không đồng ý mà người khởi kiện, người yêu cầu không lựa chọn Hòa giải viên khác;
c) Quá thời hạn 03 ngày công tác kể từ ngày nhận được thông báo lần thứ hai mà người khởi kiện, người yêu cầu không trả lời.
3. Khi tự mình chỉ định Hòa giải viên theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều này, Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại căn cứ vào tính chất của từng vụ việc, số lượng vụ việc mà Hòa giải viên đang giải quyết, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm của Hòa giải viên để chỉ định.
Đối với vụ việc có liên quan đến người dưới 18 tuổi, khi chỉ định Hòa giải viên, Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại phải căn cứ vào trình độ chuyên môn, lĩnh vực, thời gian công tác của Hòa giải viên để đánh giá kinh nghiệm, hiểu biết của Hòa giải viên về tâm lý của người dưới 18 tuổi.
Điều 6. Chuyển vụ việc sang hòa giải, đối thoại
Trong thời hạn 02 ngày công tác kể từ ngày ra quyết định chỉ định Hòa giải viên theo hướng dẫn tại Điều 5 của Thông tư này, Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại thông báo bằng văn bản cho Hòa giải viên, người khởi kiện, người yêu cầu, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về việc chuyển vụ việc sang hòa giải, đối thoại và gửi kèm theo quyết định chỉ định Hòa giải viên.
Trường hợp Hòa giải viên được lựa chọn thuộc danh sách Hòa giải viên của Tòa án nhân dân cấp huyện khác thì quyết định chỉ định Hòa giải viên phải được gửi cho Tòa án đó.
Điều 7. Về việc lựa chọn hòa giải, đối thoại, lựa chọn Hòa giải viên của người bị kiện theo hướng dẫn tại khoản 8 Điều 16 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
- Trong thời hạn 03 ngày công tác kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án theo hướng dẫn tại Điều 6 của Thông tư này, người bị kiện phải trả lời cho Tòa án biết về việc đồng ý hoặc không đồng ý tiến hành hòa giải, đối thoại. Hình thức trả lời có thể bằng văn bản hoặc bằng cách thức khác như fax, thư điện tử theo địa chỉ nêu tại Thông báo của Tòa án. Trường hợp người bị kiện trực tiếp đến Tòa án trình bày ý kiến thì Tòa án lập biên bản ghi nhận ý kiến của họ.
- Trường hợp người bị kiện đề nghị thay đổi Hòa giải viên, Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại tự mình chỉ định Hòa giải viên khác trong danh sách Hòa giải viên của Tòa án mình trong thời hạn 03 ngày công tác kể từ ngày nhận được đề nghị thay đổi. Việc chỉ định Hòa giải viên được thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 5 của Thông tư này.
- Tòa án gửi quyết định chỉ định Hòa giải viên cho Hòa giải viên được chỉ định, Hòa giải viên bị thay đổi, người khởi kiện, người yêu cầu, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong thời hạn 02 ngày công tác kể từ ngày ra quyết định.
Điều 8. Thời điểm bắt đầu tiến hành hòa giải, đối thoại
- Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại kể từ thời gian nhận được ý kiến đồng ý hòa giải, đối thoại của người bị kiện hoặc hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 7 của Thông tư này mà người bị kiện không trả lời Tòa án.
- Trường hợp người bị kiện đề nghị thay đổi Hòa giải viên theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 7 của Thông tư này, Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại kể từ thời gian nhận được quyết định chỉ định Hòa giải viên.
Điều 9. Chuyển đơn để xử lý theo hướng dẫn của pháp luật tố tụng
Trong quá trình xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, Tòa án chuyển đơn để xử lý theo hướng dẫn của pháp luật tố tụng khi vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 của Thông tư này.
Điều 10. Hiệu lực thi hành
- Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.
- Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, Tòa án nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu theo hướng dẫn của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và quy định chi tiết tại Thông tư này.
- Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc đề xuất, kiến nghị thì phản ánh cho Tòa án nhân dân tối cao (qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) để có hướng dẫn kịp thời. Việc sửa đổi, bổ sung Thông tư này do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định./.