Kháng cáo là một quyền cơ bản của công dân khi cho rằng bản án, quyết định của của Tòa án không hợp lý, không đúng theo quy định của pháp luật.
Đơn kháng cáo chính là một cách thức mà các đương sự có thể thực hiện được quyền của mình trong việc kháng cáo về bản án hoặc là quyết định sơ thẩm của tòa án. Quyền kháng cáo được thể hiện ở trong bộ luật tố tụng hình sự; bộ luật tố tụng dân sự và những văn bản khác có liên quan. Khi kháng cáo thì cần phải có đơn kháng cáo, nội dung bài viết sau đây sẽ hướng dẫn cụ thể hơn về cách viết mẫu đơn kháng cáo.
Đối tượng được quyền kháng cáo và cách viết mẫu đơn kháng cáo
Đơn kháng cáo là một văn bản rất quan trọng qua đó thể hiện được ý kiến phản đối một phần hoặc là phản đối toàn bộ bản án của tòa án cấp sơ thẩm. Đơn kháng cáo là cơ sở để tòa án cấp trên trực tiếp xem xét lại một phần hoặc là toàn bộ bản án.
Quyền kháng cáo được quy định cụ thể như sau:
– Trong tố tụng hình sự thì những người có quyền kháng cáo bản án hoặc là quyết định sơ thẩm của tòa án gồm: bị cáo, người bào chữa; người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và người đại diện hợp pháp của những người đó.
– Trong tố tụng dân sự những người có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm là đương sự, người đại diện của đương sự, cơ quan, tổ chức khởi kiện.
Như vậy tùy thuộc theo bản án đó là bản án dân sự hay là hình sự thì những người có quyền viết đơn kháng cáo là những người theo quy định như trên. Hiện nay chưa có quy định về mẫu đơn kháng cáo do đó khi viết đơn cần có đầy đủ những nội dung sau:
– Quốc hiệu tiêu ngữ là một phần cơ bản và không thể thiếu trong các loại mẫu đơn, ngày tháng năm viết đơn kháng cáo;
– Tên đơn được viết bằng chữ in hoa có dấu và căn chính giữ của văn bản cụ thể như ĐƠN KHÁNG CÁO
– Phần kính gửi sẽ là kính gửi tòa án nhân dân đã xét xử sơ thẩm đối với vụ án. Trong trường hợp là tòa án nhân dân cấp huyện thì cần ghi rõ là Tòa án nhân dân huyện nào, thuộc tỉnh nào; nếu là tòa án nhân dân cấp tỉnh thì cần ghi rõ là thuộc tỉnh nào.
– Thông tin về người kháng cáo: nếu người kháng cáo là cá nhân thì ghi họ tên của cá nhân đó;
+ Trường hợp người kháng cáo ủy quyền cho người khác thì ghi họ, tên của người đại diện theo ủy quyền của người kháng cáo, của người kháng cáo ủy quyền kháng cáo;
+ Người kháng cáo là cơ quan, tổ chức thì ghi tên của cơ quan, tổ chức đó và ghi họ tên, chức vụ của người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đó, nếu người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức ủy quyền cho người khác kháng cáo thì ghi họ tên của người đại diện theo ủy quyền, của đương sự là cơ quan, tổ chức ủy quyền.
– Ghi đầy đủ địa chỉ của người viết đơn kháng cáo nếu là cá nhân thì ghi đầy đủ nơi cư trú, nếu là tổ chức thì ghi địa chỉ trụ sở chính của cơ tổ chức.
– Ghi rõ tư cách tham gia tố tụng của người kháng cáo ví dụ như là nguyên đơn, là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn,…
– Ghi cụ thể thông tin về việc kháng cáo bản án, quyết định sơ thẩm của tòa án và nêu lý do cụ thể của việc kháng cáo. Cần nêu chi tiết từng vấn đề mà người kháng cáo yêu cầu tòa án phúc thẩm giải quyết.
– Trong trường hợp có các tài liệu chứng cứ bổ sung thêm thì cần phải ghi đầy đủ tên của các giấy tờ, tài liệu đó và gửi kèm theo đơn kháng cáo đó. Cuối cùng người viết đơn kháng cáo sẽ ký tên và gửi đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.
Như vậy khi viết mẫu đơn kháng cáo dù là bản án dân sự hay hình sự đều cần có đầy đủ những thông tin như đã nêu ở trên.
Tải (Download) mẫu Đơn kháng cáo
Mẫu đơn kháng cáo xin hưởng án treo
Có thể thấy được rằng thuật ngữ án treo được sử dụng phổ biến trên thực tế và khi bị kết án thì rất nhiều người quan tâm đến việc có được hưởng án treo hay không.
Hiểu một cách đơn giản thì án treo chính là việc tạm thời miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện đối với những người có hành vi vi phạm pháp luật ở mức độ ít nghiêm trọng.
Tuy nhiên không phải mọi trường hợp vi phạm ở mức độ ít nghiêm trọng đều được hưởng án treo mà muốn được hưởng thì phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Sau khi có bản án của tòa án nếu như muốn kháng cáo để hưởng án treo thì người yêu cầu cần phải viết đơn kháng cáo, tương tự như mẫu đơn kháng cáo thì đơn kháng cáo xin hưởng án treo có các nội dung như:
– Phần quốc hiệu tiêu ngữ là một phần không thể thiếu trong đơn; ngày tháng năm viết đơn;
– Tên đơn được viết bằng chữ in hoa cụ thể ĐƠN XIN ĐƯỢC HƯỞNG ÁN TREO
– Nêu căn cứ để xin hưởng án treo: cụ thể như Bộ luật hình sự 2015; Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo.
– Tiếp theo là phần kính gửi: kính gửi tòa án nhân dân cấp huyện/tỉnh,…nơi xét xử vụ án;
– Thông tin của người viết đơn như họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, số chứng minh nhân dân ngày cấp nơi cấp, hộ khẩu thường trú, chỗ ở hiện tại;
– Ghi rõ đối tượng trong vụ án ví dụ như bị cáo, người thân của bị cáo,…trong vụ án.
– Trình bày cụ thể nội dung sự việc và nêu rõ lý do kháng cáo: Ở phần này cần trình bày ngắn gọn, tránh việc trình bày quá dài dòng, nêu ra những lý do, điều kiện để xin được hưởng án treo. Cuối cùng người viết đơn sẽ ký vào đơn và gửi tòa án có thẩm quyền giải quyết.
Ví dụ: Từ những lý do trên tôi nhận thấy mình hoàn toàn có đủ điều kiện để có thể được hưởng án treo theo quy định của pháp luật, nên tôi làm đơn này kính đề nghị Tòa án nhân dân ……………. xem xét và tạo điều kiện cho tôi được miễn chấp hành hình phạt tù, hưởng án treo để tôi tự cải tạo dưới sự giám sát của người thân và một số cá nhân, cơ quan có thẩm quyền khác.
Tôi xin cam đoan sẽ thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong cũng như sau thời gian thử thách.
Một số lưu ý khi viết mẫu đơn kháng cáo xin hưởng án treo như sau:
– Đơn phải đáp ứng theo đúng thể thức quy định như phải có quốc hiệu tiêu ngữ, ngày tháng năm viết đơn, phần kính gửi, nội dung đơn và chữ ký của người viết đơn.
– Nội dung đơn khán cáo cần phải trình bày rõ ràng, đưa ra được những căn cứ để yêu cầu tòa án xem xét giải quyết việc kháng cáo. Đây là nội dung rất quan trọng trong đơn nên khi viết cần phải lưu ý.
– Ngoài ra khi viết mẫu đơn kháng cáo xin hưởng án treo thì cần lưu ý về chính tả trước khi gửi đơn đến tòa án để được giải quyết.
– Thời gian nộp đơn kháng cáo cũng là một vấn đề mà người kháng cáo cần phải lưu ý, theo quy định hiện nay thời hạn để thực hiện việc kháng cáo và nộp đơn kháng cáo là 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Tải (Download) mẫu Đơn kháng cáo xin hưởng án treo
Mẫu đơn kháng cáo ly hôn
Kết quả của việc xét xử sơ thẩm vụ án ly hôn sẽ là bản án sơ thẩm của Tòa án giải quyết về vấn đề chấm dứt quan hệ hôn nhân của hai vợ chồng, quyền nuôi con sau ly hôn và vấn đề chia tài sản chung của vợ chồng.
Mẫu đơn kháng cáo ly hôn được sử dụng trong thủ tục kháng cáo bản án ly hôn sơ thẩm. Đây là một văn bản pháp lý thể hiện ý chí, nguyện vọng của người khởi kiện, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại vụ án ly hôn theo thủ tục phúc thẩm.
Mẫu đơn kháng cáo ly hôn hiện nay được sử dụng theo mẫu số 54-DS được ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017 Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán trong đó có những nội dung sau:
– Quốc hiệu tiêu ngữ, ngày tháng năm viết đơn kháng cáo ly hôn; tên đơn;
– Phần kính gửi: ở đây sẽ là kính gửi tòa án nhân dân nơi giải quyết vụ án;
– Thông tin của người kháng cáo, địa chỉ, là…trong vụ án, lý do của việc kháng cáo; yêu cầu tòa án phúc thẩm giải quyết những việc sau đây…cần ghi rõ những việc yêu cầu Tòa án giải quyết;
– Những tài liệu, chứng cứ bổ sung kèm theo đơn kháng cáo cần liệt kê đầy đủ và nộp kèm theo trong đơn.
– Cuối cùng người viết đơn kháng cáo sẽ ký và ghi đầy đủ họ tên.
Như vậy khi kháng cáo bản án ly hôn cần phải sử dụng theo đúng mẫu như đã quy định ở trên, mẫu này có thể tải trực tiếp theo mẫu số 54-DS được ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán hoặc là có thể mua trực tiếp mẫu đơn này tại tòa án.
Như vậy khi thực hiện thủ tục kháng cáo bản án ly hôn ngoài việc nộp đúng mẫu đơn kháng cáo theo quy định thì người kháng cáo cần phải nộp kèm theo các giấy tờ, tài liệu liên quan để chứng minh được những vấn đề đã nêu trong nội dung của đơn kháng cáo.
Khi nộp đơn kháng cáo bản án ly hôn thì người nộp đơn cần phải lưu ý ngày nộp đơn kháng cáo. Theo quy định của pháp luật hiện nay thời gian nộp đơn kháng cáo đối với bản án ly hôn của tòa án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Như vậy khi quá thời hạn này thì sẽ không thể nộp đơn kháng cáo bản án ly hôn trừ những trường hợp kháng cáo quá hạn theo quy định tại điều 275 của Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015.
Theo đó có thể thấy rằng thời gian kháng cáo có ý nghĩa rất quan trọng do đó người kháng cáo cần phải lưu ý trước khi nộp đơn để bảo vệ quyền lợi của mình một cách tốt nhất.
Tải (Download) mẫu Đơn kháng cáo ly hôn
Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết của Luật LVN Group về vấn đề các đối tượng được quyền kháng cáo, cách viết mẫu đơn kháng cáo và một số đơn kháng cáo được sử dụng hiện nay như đơn kháng cáo xin hưởng án treo, đơn kháng cáo ly hôn.