Công ty không được giữ lương của người lao động bởi một trong những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, kết hiện hợp đồng lao động là yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động theo khoản 2 Điều 17 Bộ luật lao động.
Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ giúp Quý vị làm rõ thắc mắc: Công ty có được giữ lương nhân viên không? Mời Quý vị theo dõi, tham khảo:
Công ty có được giữ lương nhân viên không?
Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Điều 94 Bộ luật lao động 2019 quy định về Nguyên tắc trả lương như sau:
1. Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.
2. Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.
Như vậy, đến kì trả lương, công ty có trách nhiệm phải trả đủ tiền cho người lao động. Một số trường hợp thực tế công ty giữ lương của người lao động như:
(1) Công ty còn đưa ra cam kết ngay trong hợp đồng về việc mỗi tháng người lao động sẽ phải trích lại một phần tiền lương cho công ty coi như khoản tiền đảm bảo cho việc người lao động không được nghỉ việc trước hạn.
(2) Công ty giữ lương nhân viên khi vi phạm nội quy lao động.
(3) Công ty giữ lương nhân viên khi người lao động gây thiệt hại cho công ty.
Vậy công ty có được giữ lương nhân viên không? Chúng tôi lần lượt xét các trường hợp theo quy định pháp luật như sau:
– Trong trường hợp (1): Công ty không được giữ lương của người lao động bởi một trong những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, kết hiện hợp đồng lao động là yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động theo khoản 2 Điều 17 Bộ luật lao động.
– Trong trường hợp (2): Công ty không được giữ lương của người lao động bởi Điều 124, 127 Bộ luật lao động quy định:
Điều 124. Hình thức xử lý kỷ luật lao động
1. Khiển trách.
2. Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng.
3. Cách chức.
4. Sa thải.
Như vậy, giữ lương không phải là môt trong những hình thức xử lý kỷ luật, việc áp dụng giữ lương với lý do người lao động vi phạm kỷ luật lao động là không đúng quy định.
– Trong trường hợp (3):
Khoản 1 Điều 129 và khoản 3 Điều 102 Bộ luật lao động quy định:
Điều 129. Bồi thường thiệt hại
1. Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật hoặc nội quy lao động của người sử dụng lao động.
Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 Điều 102 của Bộ luật này.
Điều 102. Khấu trừ tiền lương
[…] 3. Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương thực trả hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân.
Theo đó, trong trường hợp người lao động gây thiệt hại cho công ty thì người lao động phải bồi thường cho công ty theo mức pháp luật quy định, được thực hiện bằng việc khấu trừ hàng tháng vào tiền lương không quá 30% tiền lương thực trả hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, việc khấu trừ tiền lương khác với việc khác với việc giữ lương, do đó, trong trường hợp này công ty giữ lương người lao động cũng không đúng quy định pháp luật.
Như vậy, trong các trường hợp việc công ty giữ lương của người lao động là không đúng quy định pháp luật.
Xử phạt công ty giữ lương nhân viên
Thứ nhất: Xử phạt đối với hành vi trả lương không đủ cho người lao động
Theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì:
Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có hành vi: Không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động theo một trong các mức sau đây:
– Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
– Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
– Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
– Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
– Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Đồng thời, người sử dụng lao động bị buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm.
Thứ hai: Xử phạt đối với hành vi buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động
Theo khoản 2 Điều 9 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
Phải làm gì khi bị công ty giữ lương?
Để đòi lại quyền lợi của mình trong trường hợp công ty bị giữ lương, người lao động có thể thực hiện theo các cách sau đây:
Cách 1: Thương lượng với người sử dụng lao động
Đây là cách giải quyết “tình cảm”, giúp xử lý tranh chấp một cách nhanh gọn, tránh các rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Cách 2: Khiếu nại theo quy định
Đối với các tranh chấp về vấn đề tiền lương, người lao động có thể thực hiện khiếu nại theo quy định tại Nghị định 24/2018/NĐ-CP.
Theo đó, người lao động phải khiếu nại lần lượt như sau:
– Khiếu nại lần 1: Đến người sử dụng lao động.
Nếu không được giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng thì có thể thực hiện khiếu nại lần 2.
– Khiếu nại lần 2: Đến Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi công ty đặt trụ sở chính.
Trong quá trình giải quyết khiếu nại, nếu xác minh người sử dụng lao động có hành vi vi phạm, thanh tra lao động sẽ tiến hành xử phạt và yêu cầu công ty giải quyết đầy đủ quyền lợi cho người lao động.
Cách 3: Tố cáo vi phạm của người sử dụng lao động
Việc giữ lương nhân viên là hành vi vi phạm pháp luật nên người lao động có thể tố cáo hành vi này đến Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi công ty đặt trụ sở chính để xử lý vi phạm.
Qua những thông tin Công ty Luật LVN Group chia sẻ trên đây, Quý vị chắc hẳn đã có cho mình câu trả lời với câu hỏi: Công ty có được giữ lương nhân viên không?. Trường hợp còn những băn khoăn, vướng mắc trong quá trình tham khảo nội dung bài viết, Quý độc giả có thể liên hệ chúng tôi qua Tổng đài 1900.0191 để được hỗ trợ giải đáp.