Mẫu tờ khai thay đổi thông tin cư trú 2023

Tờ khai thay đổi thông tin cư trú được sử dụng khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú, xóa đăng ký thường trú, tách hộ, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, đăng ký tạm trú, xóa đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, khai báo thông tin về cư trú, xác nhận thông tin về cư trú.

Một trong những điểm mới nổi bật khi thực hiện các quy định theo Luật Cư trú năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2021) là bỏ các mẫu HK01 (Bản khai nhân khẩu), HK02 (Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu). Vậy, hiện nay để thực hiện các thủ tục về cư trú như đăng ký thường trú, ta sử dụng mẫu nào? Bài viết về Mẫu tờ khai thay đổi thông tin cư trú sẽ giúp Quý vị có câu trả lời chính xác cho vấn đề này.

Khi nào sử dụng Mẫu tờ khai thay đổi thông tin cư trú?

Theo Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn hiện hành, tờ khai thay đổi thông tin cư trú được sử dụng trong các thủ tục như:

1/ Đăng ký thường trú

Theo Điều 21 Luật Cư trú về Hồ sơ đăng ký thường trú thì trong tất cả các trường hợp đăng ký thường trú hồ sơ đều bao gồm Tờ khai thay đổi thông tin cư trú.

2/ Tách hộ

Cụ thể, khoản 2 Điều 25 Luật Cư trú quy định về hồ sơ tách hộ như sau:

“ 2. Hồ sơ tách hộ bao gồm tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho tách hộ của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản.

Trường hợp tách hộ sau ly hôn quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thì hồ sơ tách hộ bao gồm tờ khai thay đổi thông tin cư trú, giấy tờ, tài liệu chứng minh việc ly hôn và việc tiếp tục được sử dụng chỗ ở hợp pháp đó.”

3/ Điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú

Để điều chỉnh thông tin về cư trú trong các trường hợp:

– Thay đổi chủ hộ;

– Thay đổi thông tin về hộ tịch so với thông tin đã được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu về cư trú;

Hồ sơ điều chỉnh thông tin về cư trú theo khoản 2 Điều 26 Luật Cư trú bao gồm:

– Tờ khai thay đổi thông tin cư trú;

– Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc điều chỉnh thông tin.

4/ Đăng ký, gia hạn tạm trú

Theo Điều 28 Luật Cư trú thì Hồ sơ đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú bao gồm:

– Tờ khai thay đổi thông tin cư trú; đối với người đăng ký tạm trú là người chưa thành niên thì trong tờ khai phải ghi rõ ý kiến đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;

– Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.

Ngoài ra, khoản 1 Điều 3 Thông tư số 56/2021/TT-BCA ngày 15/5/2021 thì Tờ khai thay đổi thông tin cư trú được sử dụng khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú, xóa đăng ký thường trú, tách hộ, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, đăng ký tạm trú, xóa đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, khai báo thông tin về cư trú, xác nhận thông tin về cư trú.

Mẫu tờ khai thay đổi thông tin cư trú là mẫu nào?

Mẫu tờ khai thay đổi thông tin cư trú là mẫu CT01 ban hành theo Thông tư số 56/2021/TT-BCA ngày 15/5/2021, cụ thể Quý vị tham khảo mẫu dưới đây:

  CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Mẫu CT01 ban hành

theo TT số 56/2021/TT-BCA ngày 15/5/2021

TỜ KHAI THAY ĐỔI THÔNG TIN CƯ TRÚ

Kính gửi(1):……………………………………..………………………………………..……………………

1. Họ, chữ đệm và tên:………………………………………………………………………………………………….

2. Ngày, tháng, năm sinh:………/………/ ……………. 3. Giới tính:………………………..

4. Số định danh cá nhân/CMND:

5. Số điện thoại liên hệ:……………………………………….6. Email:……………………………………………….

7. Nơi thường trú:…………………………………………………………………………………………………..

8. Nơi tạm trú:…………………………………………………………………………………………………………..

9. Nơi ở hiện tại:…………………………………………………………………………………………….

10. Nghề nghiệp, nơi làm việc:…………………………………………………………………………………….

11. Họ, chữ đệm và tên chủ hộ:……………………………………………………………. 12. Quan hệ với chủ hộ:…………….

13. Số định danh cá nhân/CMND của chủ hộ:

14. Nội dung đề nghị(2):……………………………………………………………………………………………………….

15. Những thành viên trong hộ gia đình cùng thay đổi:

TT Họ, chữ đệm

và tên

Ngày, tháng, năm   sinh Giới tính Số định danh cá nhân/CMND Nghề nghiệp, nơi làm việc Quan hệ với  người có thay đổi Quan hệ với

chủ hộ

 

…..,ngày…….tháng….năm…….

Ý KIẾN CỦA CHỦ HỘ(3)

(Ghi rõ nội dung và ký, ghi rõ họ tên)

 

…..,ngày…..tháng….năm

Ý KIẾN CỦA CHỦ SỞ HỮU HOẶC NGƯỜI ĐẠI DIỆN CHỖ Ở HỢP PHÁP(3)

(Ký, ghi rõ họ tên)

 

 

…..,ngày……tháng…năm…

Ý KIẾN CỦA CHA, MẸ

HOẶC NGƯỜI GIÁM HỘ (4)

(Ký, ghi rõ họ tên)

 

…..,ngày….thángnăm

NGƯỜI KÊ KHAI

(Ký, ghi rõ họ tên)

 

Chú thích:

(1) Cơ quan đăng ký cư trú.

(2) Ghi rõ ràng, cụ thể nội dung đề nghị. Ví dụ: đăng ký thường trú; đăng ký tạm trú; tách hộ; xác nhận thông tin về cư trú…

(3) Áp dụng đối với các trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 20; khoản 1 Điều 25 Luật Cư trú

(4) Áp dụng đối với trường hợp người chưa thành niên, người hạn chế hành vi dân sự, người không đủ năng lực hành vi dân sự có thay đổi thông tin về cư trú

Mẫu tờ khai thay đổi thông tin cư trú mới nhất

Quý vị có thể tải Mẫu tờ khai thay đổi thông tin cư trú ở dưới đây:

Download Tại Đây

Cách điền tờ khai thay đổi thông tin cư trú

Người kê khai trực tiếp ghi, điền thông tin vào mẫu theo các mục như sau:  

I. Mục “Kính gửi (1)”:

Ghi Cơ quan công an nơi đến làm thủ tục đăng ký cư trú (tức công an phường, xã, thị trấn hoặc Công an huyện, thành phố nơi tiếp nhận hồ sơ làm thủ tục đăng ký cư trú và có thẩm quyền xác nhận).

Ví dụ: Kính gửi: Công an phường Trần Phú, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định

II. Mục Tự kê khai

– Mục “1. Họ, chữ đệm và tên”: Ghi bằng chữ in hoa hoặc thường, đủ dấu (viết đúng họ, chữ đệm và tên ghi trong giấy khai sinh). Ví dụ: HOÀNG THÙY LINH

– Mục “2. Ngày, tháng, năm sinh”: Ghi ngày, tháng, năm sinh theo năm dương lịch và đúng với giấy khai sinh. Lưu ý: ghi 02 chữ số cho ngày sinh, 02 chữ số cho các tháng sinh là tháng 01 và tháng 02, 04 chữ số cho năm sinh. Ví dụ: 17/02/1991.

– Mục “3. Giới tính”: Ghi giới tính Nam hoặc Nữ.

– Mục “4. Số định danh cá nhân/CMND”: Ghi đầy đủ số định danh cá nhân (tức là số căn cước công dân gồm có 12 số) hoặc số CMND (9 số).

– Mục “5. Số điện thoại liên hệ”: Ghi số điện thoại di động hoặc điện thoại bàn hiện đang sử dụng.

– Mục “6. Email”: Ghi địa chỉ email cần liên lạc (nếu có). Ví dụ: tracuuphapluat@gmail.com

– Mục “7. Nơi thường trú”: Ghi địa chỉ nơi đang đăng ký thường trú theo địa danh hành chính (tức là địa chỉ ghi trong sổ hộ khẩu hoặc trong cơ sở dữ liệu quốc gia về cư trú). Ghi cụ thể theo thứ tự: số nhà, phố, đường phố; tổ, thôn, xóm, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc; xã, phường, thị trấn; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; tỉnh, thành phố thuộc Trung ương.

Ví dụ: xóm 6, thôn Vân Hội 2, thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định hoặc số nhà 123/4, đường Duy Tân, phường Trần Phú, Tp Quy Nhơn, tỉnh Bình Định

– Mục “8. Nơi tạm trú”: Ghi theo địa chỉ nơi đang đăng ký tạm trú (ghi trong sổ tạm trú). Cách ghi như hướng dẫn ở mục số 7.

– Mục “9. Nơi ở hiện tại”: Ghi theo địa chỉ hiện tại đang ở theo địa danh hành chính. Địa chỉ chỗ ở hiện tại có thể khác với nơi thường trú. Cách ghi như hướng dẫn ở mục số 7.

– Mục “10. Nghề nghiệp, nơi làm việc”: Ghi rõ hiện nay làm công việc chính là gì, tên cơ quan, đơn vị, tổ chức và địa chỉ nơi làm việc.

Ví dụ: Sinh viên trường Đại học Kinh tế Tp HCM; bác sĩ khoa ngoại Bệnh viện K hoặc chưa có việc làm.

– Mục “11. Họ, chữ đệm và tên chủ hộ” và Mục “12. Quan hệ với chủ hộ” có cách ghi cụ thể như sau:

a) Trường hợp đăng ký thường trú, tạm trú theo diện đã có chỗ ở, nhà ở hợp pháp thuộc sở hữu của mình hoặc được chủ nhà cho mượn, thuê ở:

+ Mục “11. Họ, chữ đệm và tên chủ hộ”: ghi họ, tên người đến đăng ký thường trú, tạm trú (người này cũng chính là chủ nhà ở hợp pháp hoặc là người được chủ nhà cho mượn nhà để ở). Do đó Mục “12. Quan hệ với chủ hộ”: phải ghi là chủ hộ, tức đăng ký mình làm chủ hộ.

b) Trường hợp đăng ký thường trú, tạm trú theo diện được chủ hộ đồng ý cho nhập khẩu hoặc cho tạm trú:

+ Mục “11. Họ, chữ đệm và tên chủ hộ”: ghi họ, tên chủ hộ đồng ý cho nhập khẩu, cho tạm trú

+ Mục “12. Quan hệ với chủ hộ”: ghi mối quan hệ thực tế với chủ hộ đó. Ví dụ: Vợ, con ruột, cháu ruột hoặc người ở nhờ, ở mượn, ở thuê, cùng ở nhờ, cùng ở thuê, cùng ở mượn…

c) Trường hợp thay đổi, xác nhận thông tin về cư trú (ví dụ: thay đổi về nơi cư trú; chỉnh sửa thông tin cá nhân; tách hộ; xóa đăng ký thường trú, tạm trú hoặc xác nhận trước đây đã đăng ký thường trú…) thì ghi họ và tên chủ hộ, quan hệ với chủ hộ theo thông tin đã khai trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về cư trú hoặc ghi theo sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

– Mục “13. Số định danh cá nhân/CMND của chủ hộ”: Ghi đầy đủ số định danh cá nhân (tức là số căn cước công dân gồm có 12 số) hoặc số CMND (9 số) của người chủ hộ.

– Mục “14. Nội dung đề nghị (2)”: Ghi rõ ràng, cụ thể nội dung cần đề nghị. Ví dụ: đăng ký thường trú vào địa chỉ A do ông D làm chủ hộ; đăng ký tạm trú vào hộ B ở địa chỉ C; tách hộ cùng nhà; đăng ký thường trú cho con là E; điều chỉnh về năm sinh…

– Mục “15. Những thành viên trong hộ gia đình cùng thay đổi”: Điền đầy đủ các cột mục về thông tin của những người có cùng thay đổi về cư trú. Ví dụ: những người con, cháu cùng nhập khẩu hay chồng và các con cùng tách hộ. Trong mục này cần lưu ý: 

+ Mục Quan hệ với người có thay đổi: Ghi rõ mối quan hệ với người khai mẫu tờ khai CT1

+ Mục Quan hệ với chủ hộ: Ghi mối quan hệ thực tế với chủ hộ đã ghi ở Mục số 11.

III. Mục ý kiến và chữ ký xác nhận của những người liên quan ở cuối trang:

– Mục “Ý KIẾN CỦA CHỦ HỘ (3)” và mục “Ý KIẾN CỦA CHỦ SỞ HỮU HOẶC NGƯỜI ĐẠI DIỆN CHỔ Ở HỢP PHÁP (3)”: Ở 2 mục này, chủ hộ và chủ nhà phải ghi rõ nội dung ý kiến của mình và ký tên xác nhận.

Ví dụ:”Đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa chỉ A” hoặc “Đồng ý cho tách hộ để đăng ký thường trú tại địa chỉ X”…

– Mục “Ý KIẾN CỦA CHA, MẸ HOẶC NGƯỜI GIÁM HỘ (4)”: Khi người chưa thành niên (con dưới 18 tuổi), người hạn chế hành vi dân sự, người không đủ năng lực hành vi dân sự có thay đổi thông tin về cư trú thì cha, mẹ hoặc người giám hộ của những người này phải ghi rõ ý kiến vào mục này. Ghi “Đồng ý cho con tôi hoặc ông/bà/anh/chị là: ….được…(ghi cụ thể các trường hợp thay đổi thông tin về cư trú).

Ví dụ: Đồng ý cho 2 con tôi là Nguyễn Văn C và Nguyễn Hoàng T được đăng ký thường trú theo mẹ.

– Mục “NGƯỜI KÊ KHAI”: Người kê khai là người trực tiếp ghi mẫu và ký tên xác nhận vào mẫu. Người kê khai có thể là người đã thành niên có thay đổi thông tin về cư trú hoặc là cha mẹ, người giám hộ của người chưa thành niên, người hạn chế về nhận thức

Lưu ý về yêu cầu chung khi ghi mẫu:

– Viết chữ rõ ràng, cùng một loại mực, không viết tắt.

– Không tự ý tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung đã ghi.

– Căn cứ vào giấy khai sinh,  căn cước công dân, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu… để ghi thông tin vào mẫu cho chính xác.

Trên đây là một số chia sẻ của chúng tôi về Mẫu tờ khai thay đổi thông tin cư trú. Khách hàng theo dõi nội dung bài viết của Luật LVN Group, có vướng mắc khác vui lòng liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật 1900.0191 để được hỗ trợ nhanh chóng, tận tình.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com