“Thẻ tạm trú là loại giấy tờ do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao cấp cho người nước ngoài được phép cư trú có thời hạn tại Việt Nam và có giá trị thay thị thực.”
Hiện nay người nước ngoài đến Việt Nam sinh sống và làm việc họ thường xin cấp thẻ tạm trú để thuận lợi hơn. Tuy nhiên thẻ tạm trú luôn có thời hạn, do đó nếu có nhu cầu tiếp tục ở lại Việt Nam thì cần phải thực hiện thủ tục gia hạn. Vậy thủ tục gia hạn thẻ tạm trú cho người nước ngoài được thực hiện như thế nào?
Thẻ tạm trú là gì?
Theo qui định tại điều 3 của Luật số 47/2014/QH13 về Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, trong đó có quy định về thẻ tạm trú cho người nước ngoài, thì Thẻ tạm trú là loại giấy tờ do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao cấp cho người nước ngoài được phép cư trú có thời hạn tại Việt Nam và thẻ tạm trú có giá trị thay thế visa (thị thực).
Đặc điểm của thẻ tạm trú
– Một là, thẻ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền cấp. Cụ thể là cơ quan quản lý xuất nhập cảnh là cơ quan chuyên trách thuộc Bộ Công an làm nhiệm vụ quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. (Khoản 15, Điều 3, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam). Cục quản lý xuất nhập cảnh Hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ ngoại giao, ví dụ: Cục Lãnh sự hoặc Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh.
– Hai là, thẻ tạm trú được cấp cho người nước ngoài. Đây là những cá nhân không có quốc tịch Việt Nam.
– Ba là, thẻ tạm trú cho phép người nước ngoài được cư trú có thời hạn. Việc xác định thời hạn tùy theo từng loại thẻ tạm trú, thường từ 02 năm đến 05 năm.
– Bốn là, thẻ tạm trú có giá trị thay thị thực. Theo giải thích tại Khoản 11 Điều 3 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam: “Thị thực là loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, cho phép người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.” Việc ghi nhận thẻ tạm trú có giá trị thay thị thực cũng hoàn toàn hợp lý bởi bản chất của thẻ tạm trú bao hàm thị thực.
Lợi ích của thẻ tạm trú cho người nước ngoài
Khoản 13 điều 3 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 quy định:
“Thẻ tạm trú là loại giấy tờ do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao cấp cho người nước ngoài được phép cư trú có thời hạn tại Việt Nam và có giá trị thay thị thực.”
Theo quy định trên thì thẻ tạm trú có giá trị thay thế thị thực. Thị thực là loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, cho phép người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Khi được cấp thẻ tạm trú thì người nước ngoài sẽ có các quyền lợi như sau:
– Khi đã được cấp thẻ tạm trú, người nước ngoài có quyền bảo lãnh ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi sang Việt Nam thăm.
– Người nước ngoài được cấp thẻ tạm trú được bảo lãnh chồng, vợ, con dưới 18 tuổi sang Việt Nam ở cùng trong suốt thời gian thẻ tạm trú còn thời hạn nhưng phải được cơ quan, tổ chức mời hoặc bảo lãnh người đó đồng ý.
– Người mang thẻ tạm trú được miễn thị thực khi xuất cảnh, nhập cảnh trong thời hạn giá trị của thẻ tạm trú.
– Được đi lại tự do trên lãnh thổ Việt Nam, được kết hợp du lịch, thăm người thân, chữa bệnh không phải xin phép. Trường hợp vào khu vực cấm hoặc khu vực hạn chế đi lại, cư trú thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật
– Thuyền viên trên các tàu, thuyền nhập cảnh Việt Nam được phép đi bờ trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tàu, thuyền neo đậu. Trường hợp đi ra ngoài phạm vi trên hoặc xuất cảnh khỏi lãnh thổ Việt Nam qua các cửa khẩu khác thì được xét cấp thị thực.
– Được đảm bảo an toàn, bảo vệ, danh dự, tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng theo pháp luật Việt Nam trong thời gian cư trú hợp pháp trên lãnh thổ đất nước Việt Nam.
– Vợ, chồng, con cùng đi theo nhiệm kỳ của thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, hoặc cơ quan đại diện tổ chức liên chính phủ thì được phép làm việc nếu có giấy phép lao động, trừ trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động; được học tập nếu có văn bản tiếp nhận của nhà trường hoặc cơ sở giáo dục.
Thời hạn của thẻ tạm trú là bao lâu?
Khoản 16 điều 1 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 sửa đổi 2019 thì thẻ tạm trú có thời hạn như sau:
+ Thời hạn thẻ tạm trú được cấp ngắn hơn thời hạn còn lại của hộ chiếu ít nhất 30 ngày.
+ Thẻ tạm trú có ký hiệu ĐT1 có thời hạn không quá 10 năm.
+ Thẻ tạm trú có ký hiệu NG3, LV1, LV2, LS, ĐT2 và DH có thời hạn không quá 05 năm.
+ Thẻ tạm trú có ký hiệu NN1, NN2, ĐT3, TT có thời hạn không quá 03 năm.
+ Thẻ tạm trú có ký hiệu LĐ1, LĐ2 và PV1 có thời hạn không quá 02 năm.
+ Thẻ tạm trú hết hạn được xem xét cấp thẻ mới.
Như vậy có thể nhận thấy rằng thời hạn của thẻ tạm trú tùy thuộc vào từng loại khác nhau thì có thời hạn cũng không giống nhau.
Thủ tục Gia hạn thẻ tạm trú cho người nước ngoài
Theo điều 35 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 thì người nước ngoài đang tạm trú tại Việt Nam có nhu cầu gia hạn tạm trú phải đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh làm thủ tục tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao.
Đối với người nước ngoài được cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh theo quy định tại điều 16 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014.
– Hồ sơ cần chuẩn bị:
+ Văn bản đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân làm thủ tục mời, bảo lãnh (mẫu NA6 đối với cơ quan, tổ chức, NA7 đối với cá nhân);
+ Tờ khai đề nghị cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài (mẫu NA8);
+ Giấy tờ chứng minh thuộc diện xem xét cấp thẻ tạm trú là một trong các loại giấy tờ như: Giấy phép lao động/ Giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động/ Giấy chứng nhận đầu tư; chứng nhận đăng ký kết hôn/ Giấy khai sinh/ Giấy tờ chứng minh quan hệ gia đình…
+ Hộ chiếu
Số lượng hồ sơ: 01 (một) bộ.
– Nơi nộp hồ sơ: Trực tiếp tại trụ sở Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
– Thời hạn giải quyết: 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
Đối với người nước ngoài đã được cấp thị thực ký hiệu NG1, NG2 và NG4:
– Hồ sơ cần chuẩn bị:
+ Văn bản hoặc công hàm thông báo/đề nghị gia hạn tạm trú, trong đó nêu rõ: họ tên, ngày sinh, quốc tịch, giới tính, số và ký hiệu hộ chiếu, ngày cấp – hết hạn của hộ chiếu, nghề nghiệp, chức vụ, Mục đích nhập cảnh, thời hạn đề nghị gia hạn tạm trú và nhu cầu được cấp thị thực mới (nếu có) của người nước ngoài.
+ Hộ chiếu của người nước ngoài còn giá trị sử dụng trên 30 ngày so với thời gian xin gia hạn tạm trú.
+ Tờ khai đề nghị cấp thị thực, đề nghị gia hạn tạm trú (theo mẫu NA5 ban hành kèm theo Thông tư 04/2015/TT-BCA), có xác nhận và dấu của cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh người nước ngoài.
+ Đối với người nước ngoài vào Việt Nam thăm thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam thì kèm theo 01 bản chụp chứng minh thư của thành viên cơ quan đại diện này do Cục Lễ tân Nhà nước hoặc Sở Ngoại vụ TP. HCM cấp.
+ Đối với người nước ngoài là nhân viên hợp đồng đang làm việc tại cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam thì kèm theo 01 bản sao hợp đồng lao động hợp lệ.
– Nơi nộp hồ sơ: Cục Lãnh sự hoặc Sở Ngoại vụ TP. HCM.
– Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Lãnh sự hoặc Sở Ngoại vụ TP. HCM xem xét gia hạn tạm trú và cấp thị thực mới (nếu cần) cho người nước ngoài.
Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về nội dung Thủ tục Gia hạn thẻ tạm trú cho người nước ngoài. Chúng tôi hi vọng rằng nội dung bài viết sẽ hữu ích và giúp quý khách hàng dễ dàng hơn khi thực hiện thủ tục gia hạn thẻ tạm trú. Nếu có nhu cầu tư vấn chi tiết hơn quý khách vui lòng liên hệ chúng tôi để được giải đáp.