Nguyên tắc chiếm hữu thực sự trong Luật quốc tế và việc áp dụng nguyên tắc này vào việc xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam

Nguyên tắc chiếm hữu thực sự trong Luật quốc tế và việc áp dụng nguyên tắc này vào việc xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Đối với mỗi quốc gia chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là điều rất thiêng liêng. Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu đã thuộc chủ quyền và là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam. Điều này đã được khẳng định qua các chứng cứ lịch sử cũng như việc thực hiện chủ quyền một cách thực sự, liên tục trong suốt nhiều thế kỷ của nhà nước ta. Thế nhưng , hai quần đảo này lại là tâm điểm của các cuộc tranh chấp giữa Việt Nam với Trung Quốc và một số nước khác. Như chúng ta đã biết tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là tranh chấp dài nhất, phức tạp nhất, trên vùng biển rộng với nhiều đảo nhất và liên quan đến nhiều bên nhất trong lịch sử tranh chấp thế giới. Đây là đề tài thu hút được rất nhiều sự quan tâm của giới khoa học nhằm tìm ra giải pháp công bằng theo Luật quốc tế phù hợp mà các bên có thể chấp thuận. Bài nghiên cứu khoa học này được viết dựa trên những tư liệu liên quan mà tôi đã thu thập, phân tích cùng với những lập luận khách quan của mình. Ngoài Lời mở đầu, nội dung chính của bài nghiên cứu khoa học được chia làm 3 chương , tập trung vào 2 vấn đề cơ bản là: 

  • Chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được khẳng định qua những chứng cứ lịch sử và pháp lý. 
  • Nguyên tắc chiếm hữu thực sự trong Luật quốc tế và việc áp dụng nguyên tắc này vào việc xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo của Việt Nam.

Trong bài này, tôi muốn nhấn mạnh đến các bằng chứng lịch sử quan trọng, phù hợp vs pháp lý quốc tế về sự chiếm hữu mang tính nhà nước, hòa bình và liên tục của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường sa-2 quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Bên cạnh đó, cũng thể hiện rõ nguyên tắc chiếm hữu thực sự – một trong những nguyên tắc nền tảng của pháp luật quốc tế ,có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc xác lập chủ quyền của các quốc gia sau khi ra đời từ định ước Berlin, đồng thời có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ giữa các quốc gia với nhau.

Áp dụng nguyên tắc này của pháp luật quốc tế vào trường hợp hai quần đảo Hoàng Sa ,Trường Sa của Việt Nam , các tư liệu, bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý đều cho thấy rằng Nhà nước Việt Nam là Nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa khi hai quần đảo này còn là đất vô chủ và đã tiến hành thực thi chủ quyền của mình tại hai quần đảo này một cách liên tục, hòa bình. Việc căn cứ vào các quy định trong các văn bản Pháp lý quốc tế cũng như những nguyên tắc cơ bản về chủ quyền lãnh thổ, đặc biệt là nguyên tắc chiếm hữu thực sự là hết sức cần thiết để xác định chủ quyền một cách hợp pháp, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia liên quan, góp phần gìn giữ hòa bình, an ninh khu vực và thế giới.

CHƯƠNG I : Chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa 

1. Tổng quan về Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa:

1.1 Vị thế của Biển Đông: 

Biển Đông là một biển nửa kín được bao bọc bởi nhiều quốc gia nhất sau Địa Trung Hải ( gồm 9 quốc gia và 1 vùng lãnh thổ: Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, Thái Lan, Campuchia , Singapore và Đài Loan). Với diện tích khoảng 3,5 triệu km2, Biển Đông là biển lớn nhất trong sáu biển lớn của thế giới, trải rộng từ vĩ độ 30lên đến 260 Bắc và trải rộng từ kinh độ 100 đến 121 độ Đông, có chiều rộng gấp 8 lần Biển Đen và gấp 1.2 lần Địa Trung Hải. Đây là biển duy nhất nối liền hai đại dương là Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương , là khu vực có các đường biển nhộn nhịp. về phía Tây, Biển đông thông với Ấn Độ Dương qua eo biển Malacca. Nơi hẹp nhất của em biển này rộng khoảng 17 hải lý, sâu khoảng 30m. Về phía Đông có thể đi qua eo biển sâu Mondoro để đến biển Sulu. Năm trong số mười tuyến đường biển thông thương lớn nhất thế giới đều liên quan tới Biển Đông. Nhiều nước khu vực Đông Á có nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào con đường biển này như Nhật Bản, Hàn Quốc , Đài Loan, Singapore,.. Trung bình mỗi ngày , khoảng từ 150 đến 200 tàu các loại qua lại trên Biển Đông. Tàu thuyền đi qua eo biển Malacca hàng năm lên đến 18.000 chiếc, Nhật Bản coi đường vận tải qua Eo biển Malacca là “ tuyến đường sinh mệnh trên biển “ với 90% lượng dầu thô và một khối lượng lớn nguyên vật liệu khác mà nước này nhập khẩu từ châu Phi và Trung Đông đều đi qua đây. Quan hệ hàng hóa và thị trường giữa các nước tăng đáng kể với hơn một triệu tấn hàng hóa trao đổi qua Biển Đông. 

Đây cũng là biển duy nhất trên thế giới có hai quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới Indonesia và Philippines, là nơi liên kết khối thị trường phía nam Trung quốc với khối ASEAN , có vai trò chiến lược ngày càng quan trọng trong hợp tác kinh tế thế kỉ 21. Biển Đông tuy là biển rìa lục địa nưng lại mang những nét đặc trưng của đại dương. 

Từ góc nhìn của Công Ước 1982 thì Biển Đông là khu vực đặc thù, bao gồm tất cả những nội dung liên quan của Công Ước như: quốc gia ven biển, quốc gia quần đảo, phân định biển, eo biển quốc tế, hợp tác quản lý tài nguyên sinh vật,..

1.2 Khái quát về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: 

Hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là hai quần đảo bao gồm nhiều đảo có diện tích rất nhỏ, nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới .Ở đây thường là nơi đổ bộ của các trận bão lớn, hơn thế nữa, trên các đảo này hầu như không có đất canh tác, thảm thực vật nghèo nàn vì khí hậu khắc nghiệt, chủ yếu có cấu tạo san hô, không phù hợp với cuộc sống bình thường của con người. Đất đai trên các đảo màu mỡ vì được bổ sung nguồn phân chim song cây cối lại không thể tồn tại do khan hiếm nguồn nước ngọt, bão biển mang theo muối…Tuy nhiên, hai quần đảo này lại có giá trị địa chiến lược, chính trị, an ninh quốc phòng vô cùng quan trọng.

Thứ nhất, theo điều 121 khoản 3 Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, nếu một bãi san hô, đảo đá ngoài khơi xa lục địa này không thích hợp cho con người đến ở hoặc không có đời sống kinh tế riêng thì ít nhất cũng mang lại cho quốc gia 1.543 km2lãnh hải và nếu chứng minh được chúng có quy chế đảo chứ không phải đá thì chúng mang lại thêm 340.000 km2 vùng đặc quyền kinh tế và một thềm lục địa mở rộng, chính vì vậy bất kỳ một đảo nào hoặc đá nào cũng mang lại vùng biển xung quanh có giá trị gấp nhiều lần so với giá trị của bản thân đảo hay đá đó. Các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa có giá trị như một tàu sân bay không chìm, thích hợp là căn cứ đóng quân, tiếp dầu, sửa chữa, huấn luyện quân, thử nghiệm vũ khí và tác chiến. 

Ngoài vị thế, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm gần như giữa Biển Đông, khống chế tới 39 tuyến hàng hải quan trọng của thế giới, khu vực hai quần đảo còn chứa đựng một tiềm năng kinh tế dồi dào được thể hiện rõ qua các nguồn lợi thủy sản và dầu khí. 

Nhìn chung tài nguyên lớn nhất của hai quần đảo chính là tài nguyên vị thế – là quyền kiểm soát vùng biển xung quanh, nó cũng lớn dần cùng sự phát triển của Luật biển, thu hút sự quan tâm của các nước và làm nảy sinh tranh chấp vùng biển xung quanh. 

1.2.1 Quần đảo Hoàng Sa: 

Quần đảo Hoàng Sa nằm chủ yếu giữa hai bắc vĩ tuyến 16⁰ vs 170 và giữa hai đông kinh tuyến 1110 và 1130,nơi gần nhất cách đảo Lý Sơn khoảng 120 hải lý, cách cảng Đà Nẵng khoảng 170 hải lý và cách đảo Hải Nam ( Trung Quốc ) khoảng 156 hải lý.Quần đảo Hoàng Sa gồm hai nhóm đảo chính: nhóm Amphitrite ở phía đông và nhóm Crescent ở phía tây, cách nhau 70km.

Ngoài 2 nhóm đảo kể trên, quần đảo HS còn gồm hơn 30 đảo nhỏ, đá cồn, san hô, bãi cát , trải rộng trên một vùng biển rộng từ tây sang đông khoảng 100 hải lý, bắc xuống nam khoảng 85 hải lý và chiếm diện tích khoảng 15.000 km2. Các đảo này có bố cục rắc rối vô cùng nguy hiểm cho việc hàng hải , đã có nhiều di vật tàu đắm nơi đây.1 

Nơi đây không có mùa đông lạnh giá bù lại là mùa hè nóng nực. Thời tiết có thể chia ra hai mùa, mùa khô từ tháng 1 đến tháng 6 và mùa mưa từ tháng 7 cho tới tháng 12. Quần đảo này thường xuyên có bão đi qua trong khoảng tháng 6 đến tháng 8. 

Các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa được ước tính là có trữ lượng gần 10 triệu tấn phân chim tích tụ từ lâu bị phong hóa qua khảo sát của các nhà địa chất Pháp. Đây là nguồn phân bón có giá trị rất lớn. 

Hải sản ở Hoàng Sa cũng rất đa dạng , nhiều loài quý như tôm hùm, hải sâm, đồi mồi,… thêm vào đó là loại rau câu quý hiếm, rất có giá trị trên thị trường quốc tế. 

1.2.2 Quần đảo Trường Sa 

Quần đảo này không dễ nhận diện như quần đảo Hoàng Sa vì đây là vùng gồm những đảo, đảo nhỏ, bãi cát và cồn đá vô cùng phân tán. Tất cả có trên 100 hòn đảo, đá cồn, san hô và bãi san hô, trải dài trên vùng biển rộng từ tây sang đông khoảng 350 hải lý , bắc xuống nam khoảng 360 hải lý và tổng diện tích quần đảo vào khoảng 160.000 đến 180.00 km2 – gấp 10 lần quần đảo Hoàng Sa. Giới hạn phía Bắc là 12 độ vĩ tuyến, giới hạn phía đông 111 độ kinh tuyến. 

Các đảo, cồn ở đây rất nhỏ, phần nhiều không có cây cối , chỉ bao phủ bằng một lớp cát hay phân chim, một số khác có vài bụi cây hay cụm dừa.Những đảo chính nổi trên mặt nước gồm có 4 đảo nhỏ là North Beef ( đảo Bắc ), Northeast Cay ( Song Tử Đông ), Southeast Cay ( Song Tử Tây) và South Reef ( đá Nam) ; Trident Shoal ( bãi Đinh Ba) , Lys Shoal (bãi An Lão ),Thi Tu Island là nơi có cây cối và nước ngọt. Tizard Bank ( bãi ngầm ) và Itu Aba ( Ba Bình) là đảo quan trọng nhất của quần đảo Trường Sa.2

Nguồn lợi hải sản ở đây rất phong phú, tập trung nhiều loại cá với mật độ cao, có loại vích là động vật quý hiếm và cá ngừ có giá trị kinh tế cao. Quần đảo Trường Sa được tính có khoảng 370.000 tấn phân chim, trữ lượng khí đốt khoảng 25 tỷ mét khối và xăng dầu khoảng 105 tỷ thùng. 

Về khí hậu, thời tiết ở vùng biển quần đảo Trường Sa khác biệt lớn hơn so với vùng ven bờ. Mùa hè mát hơn và ấm hơn vào mùa đông. Hàng năm quần đảo này có tới 131 ngày có gió mạnh từ cấp 6 trở lên, phân phối không đồng đều trong các tháng. Giống quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa cũng có hai mùa: mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 tới tháng 1 năm sau với lượng mưa trung bình rất lớn, hiện tượng giông bão cũng rất phổ biến , quanh năm tháng nào cũng có giông và có bão lớn đi qua vào các tháng mùa mưa. 

2. Những cứ liệu lịch sử khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam: 

2.1. Thời các Chúa Nguyễn ( 1600-1777) 

Những bản đồ nước ta ở thời điểm này chưa mô tả đầy đủ bờ biển , Biển Đông và các cửa biển trên toàn quốc vì chúng được thực hiện trong giai đoạn lãnh thổ đang thời kỳ Nam tiến. Mặc dù vậy đã có những chi tiết xác định chính quyền và nhân dân ta đã khai thác, làm chủ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn có viết: “ Xã An Vĩnh thuộc huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi ở gần bãi biển. Về hướng Đông Bắc ngoài biển có nhiều đảo và nhiều núi linh tinh hơn 130 đỉnh… ở trong các hòn đảo có bến Cát Vàng…Ngày trước, họ Nguyễn có thiết lập đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người ở xã An Vĩnh…Họ Nguyễn còn thiết lập thêm đội Bắc Hải…”3 

2.2. Dưới triều Nguyễn ( 1802-1884): 

Hầu như năm nào các chúa Nguyễn , các vua triều Nguyễn cũng ra lệnh cho thủy quân đi công tác ở Hoàng Sa và tất cả các đảo ở Trường Sa để khai thác các mối lợi và thực thi chủ quyền vững chắc tên các hải đảo xa xôi trong Biển Đông. Thêm nữa, là BA BẢN ĐỒ CÙNG KHẲNG ĐỊNH Hoàng Sa – Trường Sa là CỦA VIỆT NAM 

– Đại Nam nhất thống toàn đồ. Quốc sử quán 1838 

– An Nam đại quốc họa đồ. Taberd 1838 

– Đông Nam dương các quốc diên cách đồ. Ngụy Nguyên 1842 1. Bản đồ Đại Nam nhất thống toàn đồ vẽ rõ tình hình địa lý với tất cả địa danh đương thời. Bờ biển VN khi ấy đã rõ nét như chữ S và gần giống vs các bản đồ theo kinh tuyến, vĩ tuyến. Trên Biển Đông có vẽ khối lớn gồm nhiều đảo nhỏ, phía Bắc có ghi 2 chữ Hán Hoàng Sa và phía Nam ghi 4 chữ Vạn lý Trường Sa.4 

2. Bản đồ An Nam đại quốc họa đồ được Giám mục Taberd công bố năm 1838 có nhiều chi tiết hơn bản đồ Đại Nam, ngoài ra các địa danh cũng đc ghi danh bằng chữ quốc ngữ. Ngoài Biển Đông có vẽ mấy hòn đảo nhỏ , được ghi là 

Paracel seu hay Bãi Cát Vàng. Điều này chứng tỏ HS hay Bãi Cát Vàng chỉ có thể là của VN. 

3. Bản đồ Đông Nam dương các quốc diên cách đồ của Ngụy Nguyên năm 1842 ghi nhiều đảo như dấu chấm với địa danh Vạn lý trường sa, đó là quần đảo Hoàng sa và dưới phía Nam, Ngụy nguyên cũng ghi nhiều dấu chấm với địa danh Thiên lý thạch đường , đó chính là quần đảo TS. Hai quần đảo vừa kể thuộc chủ quyền của VN. Trên Biển Đông , Ngụy Nguyên ghi rõ Đông dương đại hải tức Biển Đông rất lớn. 

Đa số bản đồ phương Tây với ba bản đồ trên đều không ghi nhầm Biển Đông là biển Trung Hoa ( Mer de Chine) hay Biển nam Trung Hoa ( Merméridionale de Chine ) . Các sách địa lý thế giới xưa của phương Tây cũng ghi nhận Hoàng Sa -Trường Sa là của VN. 

Năm 1833, trong sách “ Vũ trụ , lịch sử và mô tả hết mọi dân tộc, cùng tôn giáo, phong tục tập quán.” của Giám mục Taberd có đoạn mô tả rõ địa lý quần đảo HS: “Chúng tôi không thể đi sâu kể hết các hải đảo chính thuộc chủ quyền nước Giao Chỉ gần Trung Hoa ( Cochinchine, quốc hiệu chính thức khi ấy đã là Việt Nam). Chúng tôi chỉ xin lưu ý rằng từ 34 năm trước đây, quần đảo Paracels gọi là Cát Vàng hay Hoàng Sa. Một khu vực rắc rối như mê hồn trận gồm nhiều đảo nhỏ và các bãi cát làm cho các nhà hàng hải sợ hãi, đã do người Việt Nam chiếm giữ. Chúng tôi không biết họ thiết lập một cơ sở nào chưa, song chắc chắn rằng hoàng đế Gia Long đã quan tâm kết hợp thêm một cánh hoa nhỏ ấy vào vương miện của mình, vì ông xét là thích hợp nên đích thân ra đảo thực hiện chủ quyền năm 1816 và trân trọng trưng quốc kỳ Việt Nam”.

Tài liệu lịch sử thu thập được tại huyện đảo Lý Sơn cũng là thêm bằng chứng khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Đó là một sắc chỉ quý của triều đình nhà Nguyễn liên quan đến đội Hoàng Sa mà tộc họ Đặng ở thôn Đồng Hộ, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn đã gìn giữ hai thế kỷ qua. Ông Đặng Lên là hậu duệ của ông Đặng Văn Siểm – một đà công , tức người dẫn đường trong đội thuyền gồm 3 chiếc với 24 lính thủy ra canh giữ đảo Hoàng Sa vào ngày 15 tháng 4 năm Minh Mạng thứ 15 tức năm Ất Mùi – 1835 đã ghi trong sắc chỉ của vua Minh Mạng mà ông Đặng Lên đang lưu giữ. 

Tờ lệnh ghi rõ :” Các phái viên và lính thủy đi trước để cùng thám sát các vùng của xứ Hoàng Sa. Xem xét và tuyển chọn trong tỉnh ba thuyền tốt cùng với các vật dụng được tu bổ vững chắc… Cứ hạ tuần tháng ba thuận thời tiết mà đi.“ Tuy chỉ vỏn vẹn vài trang nhưng nó chứa đựng nhiều thông tin quý, nêu rõ danh tính, quê quán của từng binh thuyền vâng mệnh triều đình đi lính Hoàng Sa, không chỉ riêng ở huyện đảo Lý Sơn mà còn ở các vùng quê ven biển khác tại Quảng Ngãi.6 

2.3. Dưới thời Pháp thuộc ( 1884-1945) 

Pháp bắt đầu vẽ bản đồ Việt Nam theo kỹ thuật khoa học hơn cho đúng kinh tuyến và vĩ tuyến. Năm 1885, Sở Thủy văn của bộ Hải quân Pháp đã thực hiện bản đồ Archipel des Paracels ( quần đảo Hoàng Sa) theo tư liệu của người Đức. Bản vẽ gồm hai phần quần đảo : 

(1) Groupe du Croissant ( nhóm Nguyệt Thiềm) và các đảo, bãi thành viên; (2) Groupe de l’Amphitrite ( nhóm An Vĩnh) và các đảo , bãi thành viên.7 Bản đồ đã thực hiện hơn 100 năm qua vẫn được coi là chính xác, chỉ cần dịch tiếng Pháp sang Tiếng Việt và ghi tên các đảo bằng địa danh đã Việt hóa hoặc tên mới do ta đặt là đủ. 

Trong thời kỳ Pháp xâm lược Việt Nam, trên cơ sở đại diện cho triều đình phong kiến An Nam, Pháp đã có nhiều hành động củng cố chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa bằng việc tiến hành tuần tra, kiểm soát và đưa quân ra đóng trên các đảo. Để quản lý hành chính, chính quyền lúc đó đã sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa và thành lập đơn vị hành chính ở quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế và cho xây dựng nhiều công trình trên cả hai quần đảo. 

Sau chiến tranh thế giới lần II, Pháp quay lại Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 08/03/1949, Pháp công nhận độc lập thống nhất của Việt Nam và ngày 14/10/1950, Pháp chính thức trao trả việc phòng thủ quần đảo Hoàng Sa cho Việt Nam. 

2.4. CÁC NHÀ HÀNG HẢI, TU SĨ PHẬT GIÁO , CÔNG GIÁO, CÁC SÁCH ĐỊA DƯ THẾ GIỚI XƯA, các tài liệu phương Tây cũng ĐỀU KHẲNG ĐỊNH HOÀNG SA- Trường Sa LÀ CỦA Việt Nam. 

Người Bồ Đào Nha bắt đầu thám hiểm đường bờ biển Việt Nam năm 1523. Diogo Ribeiro đã thăm dò một khoảng dài rất nhiều đảo san hô,bãi đá ngầm cực kì nguy hiểm cho thuyền bè đi lại và vẽ lại quần đảo này vs ba sơ đồ của ba năm: 1525,1527,1529. ông đặt tên quần đảo này là Pracel ( nghĩa là đá ngầm ) , là quần đảo của Giao Chỉ- tức VN ta. ông cũng đặt tên bờ biển quần đảo đá ngầm ( Costa da Pracel) ở khoảng đất liền Quảng Ngãi8 

Rất nhiều bản đồ khác ở Tây phương đều vẽ theo Diogo Ribeiro, chỉ khác tên gọi Pracel thành Parcel hay Paracel. Người Đức và người Anh phát hiện hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cách nhau khá xa và cuối thế kỉ 19. 

Quần đảo phía Bắc ( Hoàng Sa) vẫn giữ nguyên tên là Paracel, quần đảo phía nam (Trường Sa) gọi là Spratly để ghi ơn thuyền trưởng Richard Spratly người Anh đã có nhiều công phát hiện các quần đảo trong Biển Đông. 

Cuốn La cosmografia istorica, astronomica e fisica, tập 6 của Biagio Soria in tại Napoli năm 1828, phần 4 nói về đế chế An Nam có câu cuối cùng ghi rằng: “ Thuộc về đế chế này là quần đảo Hoàng Sa (Paracels) bao gồm các đảo và đá ngầm ở phía đông bờ biển nước này” .9 

Nhật ký trên tàu Amphitrite ( năm 1701) cũng xác nhận Paracels là một quần đảo thuộc về nước An Nam. 

Năm 1898 Trung Quốc đã nêu lý do Paracels ( quần đảo Hoàng Sa) không thuộc chủ quyền của Trung Quốc, dứt khoát từ chối yêu cầu của công ty Bảo hiểm Anh đòi Trung Quốc bồi thường việc dân Hải Nam ‘hôi của” của tàu Bellona của Đức đắm vào năm 1894 ở ngoài khơi bãi đá Bắc và tàu Unofi Maru của Nhật Bản đắm năm 1896 cũng ở quần đảo Hoàng Sa.10 

Mãi cho tới năm 1909, chính quyền Quảng Đông mới tuyên bố Paracels là đất vô chủ (res-nullius) và đem tàu chiến đến thảm sát, thực hiện bước đầu chiếm hữu theo cách thức phương Tây như bắn 21 phát súng đại bác, cắm cột mốc chủ quyền. Việt Nam khi ấy bị Pháp đô hộ , mất quyền tự chủ ngoại giao. 

Thêm vào đó, Trung Quốc còn cho rằng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là đảo ven bờ trong khi các tư liệu khách quan phương Tây, kẻ cả bản đồ như An Nam Đại quốc họa đồ năm 1838 được Giám mục Taberd đưa vào cuốn từ điển Latino-Anamitici ghi rất rõ Paracel seu hay Cát Vàng ( tức quần đảo Hoàng Sa) ở vị trí tọa độ hiện nay. 

Các tư liệu của Việt Nam cũng như của phương Tây và ngay cả một số tư liệu của Trung Quốc cũng hết sức rõ ràng về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một thực tế khách quan, khác hẳn với những tư liệu mà Trung Quốc đã viện dẫn để cố suy diễn và chứng minh chủ quyền của họ một cách phi pháp. Về pháp lý quốc tế, Hiệp định Genève năm 1954 về Đông Dương đã phản bác luận điểm của Trung Quốc khi cho rằng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã từng thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ở Biển Đông nằm dưới vĩ tuyến 17 sẽ được đặt dưới sự quản lý hành chính của chính quyền quản lý phía Nam vĩ tuyến 17. Hòa ước Hòa bình Francisco cũng đã khẳng định không giao cho Trung Quốc thay thế Nhật Bản quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hiến chương Liên Hợp Quốc đề cập cấm sử dụng vũ lực trong việc giải quyết tranh chấp quốc tế, nhưng Trung Quốc nhiều lần vi phạm. Sự kiện năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Công Ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 cũng quy định rõ lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, cho phép các nước, bị vi phạm có thể đơn phương đưa nước vi phạm ra Tòa Luật biển của Liên Hợp Quốc. Việt Nam có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý quốc tế để khẳng định chủ quyền của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các văn bản nhà nước, sách điển chế, chính sử, sách địa lí , các tư liệu phương Tây và ngay cả của Trung Quốc trước năm 1909 đều thể hiện rõ quá trình xác lập , thực thi liên tục, hòa bình chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo này. Tuy nhiên, chính quyền nước ta luôn tôn trọng nguyên tắc “ công lý hòa bình” để giải quyết các vụ xâm chiếm bất công những phần lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Ngoài công hàm gửi Liên Hiệp Quốc và các quốc gia vi phạm chủ quyền nước ta, hoặc các Sách Trắng cũng như tuyên bố minh bạch về chủ quyền, các cơ quan chức năng đã thiết lập những bản đồ có tọa độ chính xác về tất cả các đảo, bãi cát, đá ngầm.. của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nhằm minh thị chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên Biển Đông và trên toàn thể các quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa.

CHƯƠNG II: Nguyên tắc chiếm hữu thực sự trong LQT 

1. Luật pháp quốc tế về thụ đắc lãnh thổ : 

Trong quá trình phát triển lâu dài của nhân loại, cùng với sự xuất hiện của các quốc gia, Luật pháp quốc tế đã dần dần hình thành và phát triển. 

Trước đây khi chiến tranh được coi là phương tiện hợp pháp để giải quyết các tranh chấp quốc tế thì cơ sở xác lập chủ quyền lãnh thổ và thay đổi lãnh thổ quốc gia chủ yếu thông qua chiến tranh xâm chiếm lãnh thổ. Ngày nay, luật quốc tế hiện đại thừa nhận và khẳng định nguyên tắc cấm dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực đã làm thay đổi hẳn cơ sở của việc xác lập chủ quyền lãnh thổ. Pháp luật quốc tế cũng ghi nhận một trong những nguyên tắc cơ bản để xác lập hợp pháp danh nghĩa chủ quyền lãnh thổ của một quốc gia là: việc xác lập chủ quyền phải dựa vào các phương thức thụ đắc lãnh thổ hợp pháp. Luật pháp quốc tế về thụ đắc lãnh thổ là một ngành luật sớm xuất hiện và có vai trò quan trọng. Các quy định về thủ đắc lãnh thổ giúp giải quyết câu hỏi làm thế nào một quốc gia có thể xác lập chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ mới một cách hợp pháp chống lại các yêu sách của các quốc gia khác. Qua lịch sử phát triển, có vẻ không có bất kỳ quốc gia nào không có biến động về lãnh thổ, và ngành luật quốc tế này sẽ hợp pháp hóa hoặc bất hợp pháp hóa các biến động này. Đối với Việt Nam, lịch sử đất nước đi cùng với lịch sử mở mang bờ cõi từ đồng bằng sông Hồng đến miền trung và rồi đến miền nam hình thành lãnh thổ đất nước hình chữ S như ngày nay. Trong quá trình lịch sử đôi lúc lãnh thổ Việt Nam mở rộng, đôi lúc lại thu hẹp. Hiện nay vẫn còn những vùng lãnh thổ của Việt Nam vẫn bị nước khác tranh chấp, đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đôi khi có một số tiếng nói cho rằng đây là lãnh thổ của Campuchia. Để xác định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo trên và để phản bác mọi nghi ngờ về chủ quyền của Việt Nam ở đồng bằng sông Cửu Long và ở mọi vùng lãnh thổ khác trên đất nước, các quy định của luật quốc tế về thụ đắc lãnh thổ cần được tìm hiểu kỹ càng. 

Để xác định chủ quyền đối với vùng lãnh thổ tranh chấp, người ta thường phải trả lời câu hỏi: Lãnh thổ đó có phải là vô chủ không và ai là người đầu tiên xác lập chủ quyền trên lãnh thổ đó?. Một câu hỏi nữa cũng cần được trả lời đó là: phương thức thụ đắc lãnh thổ nào đã được sử dụng để thiết lập chủ quyền lãnh thổ? 

Vì vậy, nghiên cứu các phương thức thụ đắc lãnh thổ trong luật quốc tế là rất cần thiết. 

1.1 Các phương thức thụ đắc lãnh thổ 

Trong lịch sử phát triển lâu dài của Luật pháp quốc tế, những nguyên tắc và quy phạm pháp luật xác lập chủ quyền lãnh thổ đã được hình thành trên cơ sở thực tiễn quốc tế, trong đó có các phương thức thụ đắc lãnh thổ. 

Thụ đắc lãnh thổ là việc một quốc gia xác lập chủ quyền của mình đối với một vùng lãnh thổ mới, hay nói cách khác, mở rộng lãnh thổ hiện của của mình, thêm một vùng lãnh thổ mới vào bản đồ lãnh thổ quốc gia của mình. Luật pháp quốc tế về thụ đắc lãnh thổ là một ngành luật sớm xuất hiện và có vai trò quan trọng. Các quy định về thủ đắc lãnh thổ giúp giải quyết câu hỏi làm thế nào một quốc gia có thể xác lập chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ mới một cách hợp pháp chống lại các yêu sách của các quốc gia khác. Qua lịch sử phát triển, có vẻ không có bất kỳ quốc gia nào không có biến động về lãnh thổ, và ngành luật quốc tế này sẽ hợp pháp hóa hoặc bất hợp pháp hóa các biến động này. 

Một điểm sơ bộ khác cần chú ý về các phương thức thụ đắc là chúng chỉ hoàn toàn phù hợp khi quyền sở hữu lãnh thổ không chắc chắn. Chẳng hạn, Quần đảo Shetland đã là một phần của Vương quốc Anh từ rất lâu đến nỗi tất cả các quốc gia đều công nhận chúng là một phần của Vương quốc Anh và không ai bận tâm hỏi Vương quốc Anh lần đầu tiên có được nó như thế nào.11 

Theo quan điểm truyền thống là có một số chế độ riêng biệt mà chủ quyền có thể có được trên lãnh thổ. Việc phân loại các chế độ này ban đầu được vay mượn từ các quy tắc của pháp luật La Mã về việc mua lại tài sản, điều này không đáng ngạc nhiên vì chủ quyền đối với lãnh thổ mang một số điểm tương đồng với quyền sở hữu tài sản; và trong thế kỷ mười sáu và mười bảy, khi luật pháp quốc tế hiện đại bắt đầu phát triển, các lý thuyết hiện hành về chế độ quân chủ tuyệt đối có xu hướng coi một lãnh thổ nhà nước là tài sản riêng của quốc vương . Nhưng có một số cách mà việc sử dụng các khái niệm luật tư nhân này tạo ra một cái nhìn lệch lạc về luật pháp quốc tế hiện đại. Cụ thể, nó giả định rằng việc chuyển nhượng lãnh thổ diễn ra giữa các quốc gia đã tồn tại, giống như việc chuyển nhượng tài sản diễn ra giữa các cá nhân đã tồn tại. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hình thức chuyển nhượng lãnh thổ thường xuyên nhất (chính xác hơn là: chuyển giao chủ quyền đối với lãnh thổ) đã xảy ra khi một thuộc địa trở nên độc lập, vì lãnh thổ là một thành phần thiết yếu của chế độ nhà nước, sự ra đời của nhà nước và chuyển giao lãnh thổ không thể tách rời thành một bang là lãnh thổ của nó. 

Hiện nay, trên thế giới không còn lãnh thổ vô chủ nữa, vì vậy, các nguyên tắc, quy phạm pháp luật xác lập chủ quyền lãnh thổ chủ yếu được sử dụng để phân xử các trường hợp tranh chấp lãnh thổ, để chứng minh hay làm cơ sở chứng minh các quyền của quốc gia đối với lãnh thổ tranh chấp. Vì vậy nghiên cứu về các nguyên tắc thiết lập chủ quyền lãnh thổ, các phương thức thụ đắc lãnh thổ vẫn mang tính cấp thiết. Luật pháp quốc tế cho phép bốn cách thức thụ đắc lãnh thổ chính: (1) chuyển nhượng, (2) sự hình thành lãnh thổ mới, (3) chiếm hữu, và (4) chiếm hữu theo thời hiệu. Trước đây, luật pháp quốc tế còn cho phép cách thức thứ năm là (5) sử dụng vũ lực/xâm lược. 

1.2 PHƯƠNG THỨC THỤ ĐẮC LÃNH THỔ BẰNG CHIẾM HỮU (OCCUPATION) 

1.2.1 Định nghĩa: 

Phương thức thụ đắc bằng chiếm hữu là hành động của một quốc gia thiết lập và thực hiện quyền lực của mình trên một lãnh thổ vốn chưa thuộc chủ quyền của bất kỳ một quốc gia nào khác hoặc một vùng lãnh thổ vốn đã có chủ sau đó bị bỏ rơi và trở lại trạng thái vô chủ ban đầu. 

Chiếm hữu được đề cập đến trong định nghĩa này không phải là sự chiếm đóng trong chiến tranh hay chiếm đóng quân sự trong thời bình vì cả 2 hành động chiếm đóng đó đều không đem lại sự thụ đắc lãnh thổ do đối tượng chiếm đóng là lãnh thổ của quốc gia khác. Còn “chiếm hữu” trong định nghĩa trên có đối tượng là một lãnh thổ vô chủ hoặc có địa vị pháp lý như lãnh thổ vô chủ như vùng đất đã bị người chủ bỏ rơi không thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nào. 

1.2.2 Chủ thể thụ đắc lãnh thổ bằng chiếm hữu: 

Việc chiếm hữu lãnh thổ phải là hành động nhân danh quốc gia, được quốc gia uỷ quyền, không phải là hành động của tư nhân. Quyền phát hiện cũng như chiếm hữu là một sự đòi hỏi đồng thời hai điều kiện: Corpus (yếu tố vật chất) và animus (yếu tố tinh thần) và chúng phải được thực hiện bởi nhà nước. rong vài trường hợp, khi cả hai bên tranh chấp lãnh thổ đều không có bằng chứng về việc thực hiện chủ quyền thì vai trò hoạt động của các cá nhân cũng có giá trị nhất định mặc dù cá nhân không có quyền hạn đích thực trong việc xác lập chủ quyền lãnh thổ. 

1.2.3. Đối tượng của phương thức thụ đắc lãnh thổ bằng chiếm hữu:

Như đã được nêu trong định nghĩa, đối tượng của phương thức thụ đắc lãnh thổ bằng chiếm hữu là lãnh thổ vô chủ (Terra Nullius) hoặc lãnh thổ bị bỏ rơi (Terra derelict ta) không thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nào.

Một trong những nội dung của phương thức thụ đắc lãnh thổ bằng chiếm hữu phải là những lãnh thổ vô chủ, không nằm trong hệ thống địa lý, chính trị – hành chính của bất kỳ quốc gia nào. Nội dung này cũng là yêu cầu của các hình thức chiếm hữu bằng sắc lệnh của đức Giáo hoàng, chiếm hữu bằng cách phát hiện, chiếm hữu tượng trưng đã từng có trong lịch sử. 

Lãnh thổ vô chủ (terra nullius) là lãnh thổ chưa từng đặt dưới sự quản trị của quốc gia nhất định nào. Nói một cách khác, lãnh thổ đó chưa có một tổ chức quốc gia, có thể có cư dân sống trong vùng lãnh thổ đó nhưng chưa có một tổ chức nhà nước nào trên đó. Sự chiếm hữu lãnh thổ vô chủ là một hình thức thụ đắc hợp pháp. Trong luật pháp và thực tiễn quốc tế, khái niệm “lãnh thổ bị bỏ rơi” là vùng lãnh thổ trước kia đã từng được chiếm hữu và trở thành lãnh thổ của một quốc gia, nhưng sau đó quốc gia chiếm hữu tự từ bỏ chủ quyền của mình đối với vùng lãnh thổ này. Đa số các luật gia quốc tế cũng cho rằng muốn kết luận một vùng lãnh thổ bị bỏ rơi cần hội tụ đủ hai yếu tố: 

– Quốc gia chiếm hữu đã chấm dứt trên thực tế mọi hoạt động mang tính quyền lực Nhà nước đối với lãnh thổ; 

– Quốc gia chiếm hữu không có biểu hiện muốn khôi phục lại chủ quyền đối với lãnh thổ đó. 

Ngày nay, các luật gia tiến bộ đều cho rằng việc giành chủ quyền trên một lãnh thổ có cư dân phải dựa trên nguyên tắc quyền dân tộc tự quyết, một nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế hiện đại. Theo nguyên tắc này, mọi sự thay đổi lãnh thổ và tất cả hình thức giành chủ quyền đều phải dựa trên ý chí của cư dân sinh sống trên lãnh thổ đó, bởi lẽ: Sự phù hợp giữa quyền tối cao về lãnh thổ với ý chí chủ quyền của nhân dân là cơ sở pháp lý cao nhất để giải quyết tranh chấp những lãnh thổ đã được chiếm hữu từ lâu. 

1.2.4. Quá trình hình thành và phát triển của phương thức thụ đắc lãnh thổ bằng chiếm hữu. 

a. Trước thế kỷ XV: 

Vấn đề tranh chấp lãnh thổ thường chỉ diễn ra theo quy luật mạnh được yếu thua. Đó là thời kỳ mà trên những vùng đất vô chủ (Terra nullius) sự phát kiến dẫn tới sự thụ đắc lãnh thổ. Thời gian này, vấn đề tranh chấp lãnh thổ thường chỉ diễn ra trong từng khu vực, và chưa xuất hiện những nguyên tắc pháp luật về xác lập chủ quyền lãnh thổ được thừa nhận rộng rãi. 

b. Thời kỳ thế kỷ XV và đầu thế kỷ XVI : 

Thế kỷ XV được mệnh danh là thời kỳ của những phát kiến địa lý vĩ đại (mở đầu là sự kiện Crixtop Colomb – 1492 tìm ra Châu Mỹ). Các phát kiến đó đã tạo nên điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các quốc gia phát kiến dẫn tới việc thiết lập chủ quyền trên những vùng lãnh thổ mới được phát hiện. Hình thức thiết lập chủ quyền lãnh thổ bằng chiếm hữu đã hình thành và phát triển cùng với sự bắt đầu bành trướng của Châu Âu ra các châu lục khác. Do sự phát triển giao lưu thương mại và những tiến bộ về hàng hải đã dẫn tới sự hình thành các cường quốc hàng hải. Các cường quốc này bành trướng như vũ bão trên biển. Trước hết phải kể đến Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã đi tiên phong trong việc phát hiện ra những vùng đất mới. 

Trong thế kỷ XV và đầu thế kỷ XVI, chủ quyền đối với lãnh thổ mới “phát hiện” được xác định theo các sắc lệnh của Giáo hoàng Alexander VI về phân chia các vùng lãnh thổ mới “phát hiện” ngoài Châu Âu giữa hai quốc gia đứng đầu hai dòng đạo Thiên chúa là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Theo sắc lệnh này, tất cả các vùng lãnh thổ bao gồm “tất cả các đảo và đất liền đã tìm thấy và sẽ tìm thấy, đã phát hiện và sẽ phát hiện” ở phía Đông một đường tưởng tượng chạy từ địa cực này sang địa cực khác qua phía Tây đảo Cap Vert 100 liên là thuộc Bồ Đào Nha, còn các vùng lãnh thổ ở phía Tây là thuộc Tây Ban Nha. Theo Hiệp ước Tordesillas do Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trực tiếp thương lượng và ký kết với nhau ngày 7/6/1494 và được Giáo Hoàng Jules II xác nhận năm 1506 thì con đường tưởng tượng đó được dịch về phía Tây thêm 370 liên13 

c. Thời kỳ thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XIX: Thời kỳ phát hiện và chiếm hữu tượng trưng. 

Từ thế kỷ XVI, các nước đã phải tìm ra những nguyên tắc về thiết lập chủ quyền trên những vùng lãnh thổ mà họ “phát hiện”. Thuyết “quyền ưu tiên chiếm hữu” dành cho quốc gia đã phát hiện ra vùng lãnh thổ đó đầu tiên, gọi tắt là thuyết quyền phát hiện. 

Thời kỳ “Chiếm hữu tượng trưng”: 

Trên thực tế, việc phát hiện chưa bao giờ tự nó đem lại cho quốc gia phát hiện chủ quyền lãnh thổ vì rất khó xác định thế nào là phát hiện, xác nhận việc phát hiện và xác định giá trị pháp lý của việc phát hiện ra một vùng lãnh thổ mới. Sau đó các luật gia đã vận dụng quyền sở hữu tài sản trong luật cổ La Mã vào lĩnh vực chủ quyền, vì vậy, việc phát hiện đã mau chóng được bổ sung bằng việc chiếm hữu trên danh nghĩa, nghĩa là quốc gia phát hiện ra một vùng lãnh thổ phải để lại dấu vết của mình trên vùng lãnh thổ mà họ phát hiện, ví dụ như phải đặt một bia chủ quyền, một mốc chủ quyền hoặc một dấu hiệu quốc gia có giá trị tượng trưng hoặc có thể thực hiện nghi lễ tượng trưng, thông báo cho các quốc gia khác biết thì mới có chủ quyền lãnh thổ. Thời kỳ này luật quốc tế công nhận các hành vi tượng trưng của việc sáp nhập lãnh thổ do quốc gia phát hiện ra thực hiện như là danh nghĩa nguyên thuỷ của việc chiếm hữu. Thuyết này là thuyết quyền chiếm hữu tượng trưng được áp dụng từ thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XIX. 

d. Thời kỳ sau Hội nghị Berlin (1885) – Thời kỳ “chiếm hữu thật sự 

Các luật gia ngày càng nhận thức rõ ràng việc phát hiện, kể cả việc phát hiện có để lại dấu vết trên một vùng lãnh thổ chỉ đem lại cho quốc gia phát hiện một danh nghĩa phôi thai, tạm thời, chưa hoàn chỉnh. Danh nghĩa “phôi thai” này, về bản chất chưa được hoàn thiện, cuối cùng sẽ biến mất trừ trường hợp nó được hoàn thiện sau đó bởi sự chiếm hữu và quản lý hành chính thật sự lãnh thổ được phát hiện trong một khoảng thời gian hợp lý. Chủ quyền muốn được xác lập và được công nhận thì phải là thật sự có hiệu quả tức là đòi hỏi sự có mặt thực tế của quốc gia chiếm hữu trên vùng lãnh thổ đó. 

Quan điểm này ngày càng chiếm ưu thế và sau Hội nghị Berlin về Châu Phi năm 1885 của 13 nước Châu Âu và Hoa Kỳ, sau khoá họp của Viện Pháp luật quốc tế ở Lausanne năm 1888 thì trở thành một trong những nguyên tắc của luật pháp quốc tế gọi là nguyên tắc chiếm hữu thật sự. 

Định ước Berlin ký ngày 26/2/1885 xác định nội dung của nguyên tắc chiếm hữu thật sự và quy định “các điều kiện chủ yếu phải đáp ứng khiến cho những hành động chiếm hữu mới ở vùng duyên hải lục địa châu Phi được coi là thật sự”. Theo đó, việc chiếm hữu là thực sự nếu thỏa mãn hai điều kiện: 

– Việc chiếm hữu chủ quyền lãnh thổ mới của bất kỳ quốc gia nào ở Châu Phi cũng phải được thông báo cho các nước tham gia hội nghị. 

– Các nước chiếm hữu phải đảm bảo có sự hiện diện của tổ chức chính quyền tại chỗ để thi hành pháp luật và có thể khi cần thiết bảo đảm các quyền lợi về tự do buôn bán, tự do quá cảnh trong các điều kiện được quy định. 

(Điều 34 và 35 của Định ước Berlin ký ngày 26/2/1885) 

Định ước Berlin, tuy chỉ giải quyết vấn đề Châu Phi, và chỉ ràng buộc 14 quốc gia tham gia ký kết. Nhưng hai điều trên đã được luật pháp quốc tế chấp nhận làm cơ sở cho việc công nhận chủ quyền quốc gia trên một lãnh thổ nhất định. Nghĩa là: 

– Có sự thông báo về việc chiếm hữu cho các nước ký Định ước. 

– Phải “duy trì trên những vùng lãnh thổ mà họ chiếm hữu sự tồn tại của một quyền lực đủ để khiến cho các quyền mà mình đã giành được được tôn trọng…”. 

Sau đó, với sự phát triển của Luật pháp quốc tế, nguyên tắc thật sự nói trong Định ước Berlin, vốn chỉ có giá trị đối với các vùng duyên hải lục địa Châu Phi và chỉ có giá trị đối với các quốc gia ký Định ước hoặc sau đó tham gia Định ước, trở thành một nguyên tắc có giá trị phổ biến của luật pháp quốc tế, có thể áp dụng cho mọi vùng lãnh thổ. 

Trong điều kiện toàn bộ lãnh thổ thế giới được phân chia xong giữa các nước đế quốc chủ nghĩa, Công ước Saint Germain ngày 10/9/1919 tuyên bố huỷ bỏ Định ước Berlin năm 1885 với lý do là trên thế giới không còn có vùng lãnh thổ vô chủ nữa, từ nay Định ước không còn ràng buộc các quốc gia thành viên của Công ước Saint Germain nữa. Tuy vậy, ngay trong Công ước Saint Germain vẫn có Điều 10 còn mang dấu ấn rõ rệt của Định ước Berlin năm 1885: “các cường quốc ký kết công ước thừa nhận nghĩa vụ phải duy trì trong những vùng thuộc quyền mình sự tồn tại của một quyền lực và các phương tiện cảnh sát để đảm bảo việc bảo vệ người và tài sản trong trường hợp cần thiết, việc tự do buôn bán và quá cảnh”

Như vậy là trên văn kiện chính thức thì nguyên tắc thật sự không còn giá trị nữa. Việc đặt ra và huỷ bỏ các nguyên tắc thật sự đều do các cường quốc đế quốc thông qua xuất phát từ những quyền lợi riêng của các nước đế quốc trong việc tranh giành các lãnh thổ vô chủ hoặc lạc hậu. Nhưng so tính hợp lý của nguyên tắc đó mà sau khi có Công ước Saint Germain, các luật gia trên thế giới vẫn vận dụng nó trong lĩnh vực học thuật cũng như khi giải quyết các vụ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trong đó có rất nhiều vụ tranh chấp chủ quyền trên các hải đảo. 

Mặc dù Định ước Berlin chỉ có một giá trị tương đối về thời gian và không gian: nó chỉ liên quan đến bờ biển Châu Phi vì đó là mục đích Hội nghị, và mặt khác, nó lại bị điều I của Công ước Saint Germain (10/9/1919) huỷ bỏ. Nhưng trên những nét lớn, nguyên tắc thật sự được thể hiện trong Định ước vẫn có thể áp dụng vào tất cả các vùng lãnh thổ vô chủ và cho phép rút ra một số yếu tố về giải pháp cho vụ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

Có thể nhận xét khái quát quá trình phát triển của luật pháp quốc tế về xác lập chủ quyền lãnh thổ bằng phương thức chiếm hữu như sau: 

Sự khám phá ở thế kỷ XV được tiếp theo bằng sự khẳng định công khai về chủ quyền vào thế kỷ XVIII, đã cung cấp một danh nghĩa sơ khai và đến thế kỷ XIX, đã được hoàn chỉnh bằng việc chiếm hữu thật sự. 

2. Nguyên tắc chiếm hữu thực sự trong luật quốc tế: 

Nguyên tắc thật sự ra đời với Định ước Berlin năm 1885. Từ đó đã được áp dụng để giải quyết nhiều vụ tranh chấp quốc tế về chủ quyền lãnh thổ, như các vụ: đảo Palmas năm 1928 giữa Hoa Kỳ và Hà Lan (1928); Vụ đảo Clipperton giữa Mexico và Pháp (1931), vụ Đông Greenland (1933) giữa Na Uy và Đan Mạch, vụ Minquiers và Ecréhous (1953) giữa Anh và Pháp. 

Charles Rousseau, giáo viên trường Đại học Luật Paris, uỷ viên Viện pháp luật quốc tế viết: “nguyên tắc thật sự chủ yếu được dùng để chứng minh một trật tự đã được thiết lập. Được tập quán trọng tài thừa nhận trước năm 1885” “được khẳng định lại trong luật pháp quốc tế cả trong lĩnh vực trọng tài cũng như lĩnh vực xét xử”, “nguyên tắc thật sự cũng được luật pháp quốc tế chấp nhận như một yếu tố chủ yếu của chủ quyền mà người ta yêu sách đối với các lãnh thổ vô chủ”14 

Qua thực tiễn quốc tế giải quyết tranh chấp lãnh thổ, và các công trình nghiên cứu bổ sung của nhiều luật gia có thể rút ra nội dung chính của nguyên tắc thật sự là: 

– Chủ thể của việc thiết lập chủ quyền trên một vùng lãnh thổ phải là một quốc gia. Một cá nhân không có quyền thiết lập chủ quyền trên một vùng lãnh thổ, dù cho vùng lãnh thổ đó vô chủ vì cá nhân không phải là chủ thể của luật quốc tế, không thể có chủ quyền, không có thẩm quyền về mặt quan hệ quốc tế là quan hệ giữa các quốc gia. 

– Sự chiếm hữu phải được tiến hành một cách hoà bình trên một vùng lãnh thổ thật sự là vô chủ hoặc đã được người chủ chủ động bỏ rơi hoặc mặc nhiên từ bỏ. 

– Quốc gia chiếm hữu phải thực hiện trên thực tế các hành động chủ quyền ở mức độ tối thiểu phù hợp với các điều kiện tự nhiên và dân cư trên vùng lãnh thổ đó. 

– Tính liên tục của sự thực hiện các hành động chủ quyền trên vùng lãnh thổ đó. – Không có sự phản đối của nước khác. 

Bên cạnh đó, sự Xác lập chủ quyền lãnh thổ bằng chiếm hữu chỉ có giá trị pháp lý khi nó đáp ứng những điều kiện cơ bản sau đây: 

Vùng đất, đảo bị chiếm hữu phải là một lãnh thổ vô chủ, không nằm hoặc không còn nằm trong hệ thống địa lý hành chính của một quốc gia nào. 

Vùng đất, đảo đó có thể có hoặc không có người ở. Nhưng khái niệm vô chủ có nghĩa là vùng đất, đảo có không nằm trong hệ thống địa lý hành chính của bất cứ nước nào, hoặc tuy đã từng thuộc về một quốc gia nhưng quốc gia này đã từ bỏ vả không có ý định tiếp tục thực hiện chủ quyền của mình ở đó. Vùng đất, đảo như thế được coi là vô chủ và có thể trở thành đối tượng chiếm hữu của bất kỳ quốc gia nào.

Ví dụ như, đảo Saint Martin ở gần Guadeloupe thuộc Trung Mỹ do Tây Ban Nha chiếm hữu từ giữa thế kỷ XVII . Nhưng vì không có khả năng tổ chức quản lý, họ đã quyết định từ bỏ quyền chiếm hữu đảo, rút khỏi đảo sau khi đã phá hủy mọi thiết bị và công trình xây dựng. Đảo lại trở thành vô chủ. Người Pháp, người Hà Lan cùng một lúc đến chiếm đảo và tuyên bố thiết lập chủ quyền của nước họ. Cuộc tranh chấp đã được giải quyết như sau: nửa đảo nơi người Pháp đã đổ bộ lên thuộc chủ quyền của Pháp, còn nửa kia thuộc về Hà Lan. 

Qua thực tiễn trên ta thấy, việc phát hiện ra một vùng đất, đảo có thể giữ vai trò quan trọng đối với việc chiếm hữu vùng đất đảo đó nếu nó là vô chủ, nhưng sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu nó đã được một quốc gia khác chiếm hữu. Mặt khác, nguyên tắc chiếm hữu thực sự đòi hỏi phải có sự kiểm soát và quản lý trên thực tế vùng lãnh thổ đã chiếm hữu. Vì vậy, phát hiện ra một vùng đất mới mới chỉ là mầm mống của quyền đối với vùng đất đó, và quyền có tính chất mầm mống ấy có thể mất đi nếu nó không được củng cố bằng những hành động tích cực khác để thiết lập sự chiếm hữu thực sự. Tuy nhiên, yếu tố phát hiện trong quá khứ vẫn có thể được sử dụng khi cần thiết phải chứng minh nguồn gốc của việc thiết lập chủ quyền. 

Việc chiếm hữu phải là hành động của nhà nước 

Việc chiếm hữu một vùng lãnh thổ phải là một hành động có tính chất nhà nước, nghĩa là được thực hiện bởi những viên chức đại diện cho nhà nước hoặc những người được nhà nước ủy quyền, thì mới có giá trị pháp lý. Hành động của những người mang tư cách cá nhân, hoặc của những tập thể, tổ chức tư nhân đều không có giá trị pháp lý để xác định chủ quyền lãnh thổ. Tuy nhiên trong một số trường hợp, các hành động của tư nhân với danh nghĩa công dân của một quốc gia, dù chưa được nhà nước đó chứng nhận, cũng có thể có một ý nghĩa nhất định. Như khi giải quyết tranh chấp lãnh thổ, những hành động này sẽ là chứng cứ có lợi cho một quốc gia nếu phía bên kia không có một hành động có ý nghĩa pháp lý nào được thực hiện. 

Việc chiếm hữu phải là thực sự, rõ ràng. 

Trước đây, một số luật gia cho rằng, để thiết lập sự quản lý và kiểm soát một vùng lãnh thổ thì không thể thiếu việc tổ chức dân cư. Ngày nay, với những vùng lãnh thổ không có dân cư việc kiểm soát có thể được tiến hành bằng các phương tiện kỹ thuật, do đó việc tổ chức dân cư không còn là biện pháp duy nhất. Luật pháp quốc tế đòi hỏi việc thực hiện các chức năng nhà nước trên vùng lãnh thổ chiếm hữu phải mang tính liên tục, bởi vì việc đình chỉ một hoạt động như vậy trong một khoảng thời gian tương đối dài mà không khôi phục lại nó có thể được hiểu là sự từ bỏ vùng lãnh thổ này và không có ý định tiếp tục thực hiện chủ quyền ở đó. Tuy nhiên, yêu cầu thực hiện các chức năng nhà nước một cách thường xuyên, liên tục không có nghĩa là phải có tính định kỳ thật đều đặn. Như vậy đối với những vùng lãnh thổ khó đi đến, tính liên tục của việc thực hiện chủ quyền không có ý nghĩa tuyệt đối mà phụ thuộc vào mức độ cần thiết và khả năng đi đến vùng lãnh thổ đã chiếm hữu đó. 

Tính hòa bình của sự chiếm hữu, việc chiếm hữu phải được dư luận đương thời chấp nhận: 

Yêu cầu về tính hòa bình của sự chiếm hữu có nghĩa là sự chiếm hữu không được là sự tước đoạt quyền của một quốc gia khác bằng vũ lực hay bằng hoạt động lén lút, việc chiếm hữu phải công khai và được dư luận đương thời chấp nhận. 

Ngày nay, người ta thường dùng hình thức tuyên bố hoặc thông báo bằng các phương tiện thông tin đại chúng để công khai hóa các sự kiện. Nhưng đối với các sự kiện xảy ra trong quá khứ khi quan hệ quốc tế chưa phát triển rộng rãi, việc công khai hóa các sự kiện chỉ bằng hình thức gián tiếp hoặc tay đôi, thì khi xem xét việc một nước đã chiếm hữu và thực hiện chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ, người ta chỉ chú ý đến việc lãnh thổ này trước đó đã thuộc chủ quyền của một nước nào chưa? Sự chiếm hữu ấy có bị nước nào chống lại không và dư luận đương thời đã chấp nhận hay phủ nhận chủ quyền đối với vùng đất ấy?. Trên cơ sở đó, đánh giá cơ sở pháp lý của chủ quyền nước đó đối với vùng lãnh thổ. 

Một số luận cứ khác cũng được đưa ra để biện minh quyền chiếm hữu đối với một vùng đất, nhưng đã bị luật pháp và tập quán quốc tế cũng như thực tế lịch sử bác bỏ. 

Trước khi nguyên tắc chiếm hữu thực sự có vị trí vững chắc trong luật pháp quốc tế, có lúc các nguyên tắc kế cận địa lý và liên tục lãnh thổ đã được đưa ra để vận dụng. 

Việc xác định chủ quyền lãnh thổ theo nguyên tắc kế cận địa lý hoặc liên tục lãnh thổ vì không có ranh giới rõ ràng nên đã làm nảy sinh nhiều tranh chấp. Đến khi sự kiểm soát của các quốc gia đối với lãnh thổ của mình được tăng cường, chủ quyền lãnh thổ được xác định trên những vùng lãnh thổ có đường biên giới quốc gia được định hình rõ ràng thì nguyên tắc kế cận địa lý và liên tục lãnh thổ đã bị bác bỏ và nhường chỗ cho nguyên tắc chiếm hữu thực sự. 

Công ước về Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982 đã thừa nhận các quyền thuộc chủ quyền của nước ven biển đối với thềm lục địa là phần kéo dài tự nhiên của đất liền của nước đó ra biển, như thế có nghĩa là Công ước đã chấp nhận nguyên tắc liên tục của lãnh thổ. Tất nhiên, sự liên tục lãnh thổ là nguồn gốc của những lợi ích kinh tế, chính trị, chiến lược và các lợi ích khác của quốc gia có thể dẫn tới việc quốc gia thiết lập chủ quyền đối với vùng lãnh thổ đó phù hợp với luật pháp quốc tế. Tuy nhiên điều này cũng chỉ có giá trị đối với một vùng lãnh thổ ngập nước chưa được luật pháp quốc tế xác định tính chất chủ quyền lãnh thổ tức là còn vô chủ, chứ không thể áp dụng đối với các đảo và vùng lãnh thổ ngập nước đã được luật pháp quốc tế xác định tính chất chủ quyền lãnh thổ từ lâu. 

Chủ quyền lãnh thổ được thu hẹp hay mở rộng chỉ phụ thuộc vào sức mạnh. Thực chất đây cũng chỉ là một biến tướng của thuyết “không gian sinh tồn” đã nói ở trên với một cái vỏ khác mà thôi. Đây là một luận điệu vô cùng nguy hiểm, biện hộ cho chiến tranh xâm lược, lắp ngòi nổ cho các cuộc chiến tranh liên miên, đe dọa sự ổn định và hòa bình của khu vực và của thế giới. 

CHƯƠNG III: Áp dụng nguyên tắc chiếm hữu thực sự trong việc xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam:

Chiếm hữu là cách thức thụ đắc lãnh thổ mà Việt Nam đã hợp pháp thụ đắc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong khi Trung Quốc hoàn toàn dửng dưng với quần đảo Hoàng Sa thậm chí đến cuối thế kỷ XIX, và cả Trường Sa, thì Việt Nam có bằng chứng lịch sử cho thấy là quốc gia đầu tiên chiếm hữu hiệu đối với hai quần đảo này từ thế kỷ XVII thông qua hoạt động của đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải và các hoạt động thực thi chủ quyền sau này của nhà Nguyễn. 

Căn cứ vào các nội dung của nguyên tắc chiếm hữu thực sự theo Định ước Berlin 1885 và Tuyên bố của Viện Pháp Luật Quốc tế Lausanne năm 1888 cùng với các nguyên tắc trong Nghị quyết 2625 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các quy định của Công ước Luật biển năm 1982, áp dụng đối với trường hợp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, từ đầu thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XIX, theo tập quán pháp lý phương Tây lúc bấy giờ, sự xác lập chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo này là một sự thật thể hiện bằng các hành động cụ thể về sự quản lý, chỉ đạo của các Nhà nước Việt Nam đương thời một cách nhất quán, liên tục, hoà bình phù hợp với pháp lý quốc tế bấy giờ. Sau đó, chủ quyền của Việt Nam tiếp tục được khẳng định dựa trên các cơ sở pháp lý quốc tế có giá trị phổ biến, Hiến chương Liên hiệp quốc và Công ước về Luật Biển 1982 mà các thành viên ký kết đều phải tôn trọng. Các bằng chứng lịch sử mà Việt Nam đã thu thập được rất phong phú, mặc dù do hoàn cảnh chiến tranh liên tục nên nhiều thư tịch cổ của Việt Nam đã bị mất mát, thất lạc. Tuy nhiên, những tư liệu còn lại đến nay và chính sử vẫn đủ để khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

Đỉnh cao nhất của việc tuyên bố và xác lập chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là vào năm 1816 khi vua Gia Long sai quân lính ra quần đảo Hoàng Sa cắm cờ Việt Nam và tuyên bố chủ quyền. Không chỉ vậy, các chúa Nguyễn cũng như nhà Nguyễn sau này đều có nhiều hành động liên tục cử người ra cai quản, khai thác các đảo trên cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhà nước phong kiến

Việt Nam đã tổ chức các đội Hoàng Sa, Bắc Hải để thực thi quyền chủ quyền và khai thác hai quần đảo. 

Năm 1951, tại Hội nghị San Francisco (Hoa Kỳ), khi có một đề nghị bổ sung bản dự thảo Hòa ước yêu cầu trao trả cho Trung Quốc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng Hội nghị đã bác bỏ đề nghị này với số phiếu áp đảo là 46 phiếu thuận, 3 phiếu chống và 1 phiếu trắng. Tại Hội nghị, Ngoại trưởng Trần Văn Hữu dẫn đầu phái đoàn 

Chính phủ Quốc gia Việt Nam đã tuyên bố khẳng định chủ quyền lâu đời của người Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không gặp sự phản đối hay bảo lưu của nước nào.15 

Dưới ánh sáng của pháp luật quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc chiếm hữu thực sự Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền lâu đời và liên tục của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa – hai quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 

Sau khi nước Việt Nam được thống nhất, nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 1982, Việt Nam đã lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng nay trực thuộc thành phố Đà Nẵng (từ năm 1996) và huyện Trường Sa thuộc tỉnh Phú Khánh nay thuộc Khánh Hòa (từ năm 1989). Thực tiễn pháp lý đã khẳng định nguyên tắc chiếm hữu thực sự là một trong những nguyên tắc rất nền tảng trong vấn đề xác lập chủ quyền lãnh thổ. Đối với Việt Nam cũng như các nước khác trong khu vực Biển Đông, đối diện với một thực tế tranh chấp lãnh thổ trong vùng biển này, việc căn cứ vào các quy định trong các văn bản pháp lý quốc tế cũng như những nguyên tắc cơ bản về chủ quyền lãnh thổ, như nguyên tắc chiếm hữu thực sự là hết sức cần thiết nhằm bảo đảm xác định chủ quyền một cách hợp pháp, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia liên quan, góp phần giữ gìn hòa bình, an ninh khu vực và trên thế giới.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com