Độ tuổi chịu hình phạt tù chung thân là bao nhiêu? [ 2023]

Có áp dụng phạt tù chung thân đối với người dưới 18 tuổi phạm tội không? Và độ tuổi chịu hình phạt tù chung thân là bao nhiêu? Hãy cùng LVN Group phân tích và làm rõ qua nội dung trình bày này !.

Độ tuổi chịu hình phạt tù chung thân là bao nhiêu?

1. Tù chung thân là gì?

Tù chung thân là hình phạt tù không thời hạn được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình, không áp dụng hình phạt tù chung thân đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Tù chung thân chỉ áp dụng đối với những người phạm tội hình sự đặc biệt nghiêm trọng, là hình phạt tù không có thời hạn nhất định, do đó người bị chịu hình phạt này có thể bị ngồi tù đến hết cuộc đời.

Hình phạt tù chung thân cũng thể hiện được quyền lực của nhà nước, khi áp dụng các biện pháp xử phạt mạnh đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, là mối nguy hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, trật tự xã hội.

Tù chung thân và tử hình là hai hình phạt nghiêm trọng nhất đối với các tội phạm, do vậy nên trong quá trình xét xử của Tòa án cần xem xét, cân nhắc thật kỹ lưỡng, trước khi đưa ra bản án, quyết định.

Tù chung thân là hình phạt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đã thành niên, tức là trên 18 tuổi.

Tù chung thân sẽ không được miễn chấp hành hình phạt, chỉ được giảm án từ theo quyết định về đặc xá, đại xá của chủ tịch nước, theo quyết định của Tòa án.

2. Đặc điểm của hình phạt tù chung thân

Hình phạt tù chung thân có những đặc điểm chung và riêng như sau:

Đặc điểm chung

Với tư cách là một loại hình phạt trong hệ thống hình phạt, Hình phạt tù chung thân có trọn vẹn những đặc điểm chung của hình phạt như sau:

Một là, hình phạt tù chung thân là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc của Nhà nước Cưỡng chế là thuộc tính của pháp luật nói chung. Đây “là biện pháp trách nhiệm hình sự được Nhà nước sử dụng như là một công cụ, phương tiện cần thiết để trừng trị, giáo dục, cải tạo người phạm tội”.

Tính nghiêm khắc của hình phạt tù chung thân thể hiện ở chỗ, khi được áp dụng hình phạt có thể tước bỏ hoặc hạn chế những quyền và lợi ích của người bị kết án đến hết đời, như quyền tự do, quyền chính trị, quyền sở hữu…; gây nên những tổn hại về thể chất, vật chất và tinh thần không chỉ cho người bị kết án mà còn cho gia đình, những người thân thích của họ. Án tích là hậu quả tất yếu của hình phạt nói chung và của hình phạt tù chung thân nói riêng.

Hai là, hình phạt tù chung thân gắn liền với tội phạm: Với tính chất là một dạng của trách nhiệm hình sự và một cách thức để thực hiện trách nhiệm hình sự, hình phạt nói chung và hình phạt tù chung thân nói riêng chỉ có thể xuất hiện khi có sự việc phạm tội. Giữa tội phạm và hình phạt có mối quan hệ nhân quả và biện chứng với nhau.

Ba là, hình phạt tù chung thân được quy định trong Luật hình sự: Chỉ có Bộ luật hình sự mới được quy định hệ thống hình phạt hình sự; nội dung, phạm vi, điều kiện cho phép áp dụng từng loại hình phạt cũng như khung hình phạt của từng tội phạm cụ thể. Hiện nay, văn bản luật duy nhất quy định các loại hình phạt là Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bốn là, Hình phạt tù chung thân do tòa án áp dụng đối với người bị kết án: Chỉ có Tòa án mới có thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh tế, lao động, hành chính (Điều 1, Luật Tổ chức Tòa án). Chỉ có tòa án mới có quyền nhân danh Nhà nước quyết định một người có tội được không có tội, có phải chịu hình phạt được không và nếu phải chịu thì loại và mức hình phạt cụ thể được áp dụng thế nào. Hình phạt do tòa án quyết định phải được tuyên bằng một bản án trong một phiên tòa xét xử công khai theo trình tự, thủ tục do Luật tố tụng hình sự quy định.

Năm là, Hình phạt tù chung thân chỉ được áp dụng đối với cá nhân người có lỗi trong việc thực hiện tội phạm.

Đặc điểm riêng

Là công cụ bảo đảm cho Luật hình sự thực hiện được nhiệm vụ bảo vệ và đấu tranh phòng, chống tội phạm, bên cạnh những đặc điểm chung, hình phạt tù chung thân có những đặc điểm riêng vốn có của nó. Căn cứ là:

Một là, mức độ nghiêm khắc của hình phạt tù chung thân trong hệ thống hình phạt chỉ đứng sau hình phạt tử hình:

Hình phạt tù chung thân là hình phạt có khả năng tước đoạt tự do đến hết đời, bị cách ly vĩnh viễn khỏi môi trường sống bình thường. Có nghĩa là, người bị kết án có thể phải sống phần đời còn lại của mình trong trại giam, toàn bộ hoạt động của người bị thi hành án tù chung thân đều bị kiểm soát chặt chẽ và phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật: lao động, học tập, các sinh hoạt cá nhân, công việc hàng ngày, chế độ ăn, ngủ…

Hình phạt này giữ vị trí trung chuyển giữa hình phạt tù có thời hạn tối đa là 20 năm và hình phạt tử hình, làm cho hệ thống hình phạt giữ được tính thống nhất nội tại của nó; tạo ra khả năng phân hóa trách nhiệm hình sự và cá thể hóa trách nhiệm hình sự đối với các loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Tù chung thân chỉ được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình.

Hai là, hình phạt tù chung thân là hình phạt duy nhất trong hệ thống hình phạt có thể thay thế hình phạt tử hình:

Điều 40 Bộ luật Hình sự quy định: “Trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này hoặc trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.”. Chế định ân giảm án tử hình theo Luật hình sự Việt Nam thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta đối với mọi công dân; thể hiện sự bao dung của Nhà nước và xã hội đối với người bị kết án.

Ba là, hình phạt tù chung thân không có tính linh hoạt trong áp dụng:

Hình phạt tù chung thân không có nhiều mức độ để tòa án có thể lượng hóa khi áp dụng đối với từng tội phạm với mức nguy hiểm cho xã hội khác nhau. Ví dụ như, đối với hình phạt tù có thời hạn, tòa án có thể lựa chọn mức từ 3 tháng đến 20 năm tù. Hoặc đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, tùy theo tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, tòa án có thể lựa chọn mức từ 3 tháng đến 3 năm. Hình phạt tù chung thân chỉ chứa đựng duy nhất một mức độ không thể tăng lên hay giảm xuống để áp dụng cho mọi trường hợp phạm tội đáng phải bị áp dụng loại hình phạt này.

3. Hình phạt chung thân không được áp dụng cho người dưới 18 tuổi phạm tội

Căn cứ Điều 39 Bộ luật Hình sự 2015 về tù chung thân như sau:

“Tù chung thân là hình phạt tù không thời hạn được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình.

Không áp dụng hình phạt tù chung thân đối với người dưới 18 tuổi phạm tội”.

Theo nguyên tắc việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.

Mặt khác căn cứ vào Điều 101 Bộ Luật hình sự 2015:

1. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định;

2. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định”.

Dựa vào quy định trên, tù chung thân không áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com