Bản án hình sự sơ thẩm là gì? Đặc điểm của bản án hình sự sơ thẩm?

Khái niệm bản án hình sự là gì? Bản án hình sự sơ thẩm là gì? Phân tích các đặc điểm của bản án hình sự sơ thẩm?

Trong hệ thống các cơ quan Nhà nước, tùy thuộc vào chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản, thì hệ thống các văn bản của Nhà nước (hiểu theo nghĩa rộng) và của từng loại cơ quan có thể bao gồm văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính (văn bản hành chính pháp lý, văn bản hành chính công vụ và văn bản hành chính nội bộ) và văn bản tố tụng tư pháp. Trong hệ thống các văn bản tố tụng tư pháp do Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án ban hành thì bản án là loại văn bản đặc trưng riêng và quan trọng nhất của Tòa án. Chỉ Tòa án mới có thẩm quyền ban hành văn bản này theo trình tự tố tụng chặt chẽ được quy định trong pháp luật tố tụng.

Tòa án nhân danh Nhà nước xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính và giải quyết các việc khác theo quy định của pháp luật. Trong quá trình xét xử vụ án hình sự, để bảo đảm dân chủ, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, từ đó tăng cường pháp chế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con người nên Tòa án thực hiện chế độ hai cấp xét xử là xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm, trong đó xét xử sơ thẩm là trọng tâm và bắt buộc trong giải quyết vụ án hình sự.

Quá trình giải quyết vụ án hình sự phải trải qua các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Khi phát hiện một hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm sẽ diễn ra hoạt động khởi tố vụ án và điều tra để xác định người thực hiện hành vi này, nếu có thực hiện thì phạm vào tội gì thuộc điều khoản nào của Bộ luật Hình sự. Khi có kết quả điều tra, cơ quan công tố truy tố người bị buộc tội bằng bản cáo trạng ra trước tòa để xét xử. Tòa án mở phiên tòa để phán quyết đối với người bị buộc tội, được ghi nhận đầy đủ trong bản án hình sự sơ thẩm.

1. Khái niệm bản án hình sự sơ thẩm:

Theo GS.TSKH Lê Cảm thì:

“Xét xử vụ án hình sự là giai đoạn thứ tư và cuối cùng, trung tâm và quan trọng nhất của hoạt động tố tụng hình sự, mà trong đó cấp Tòa án có thẩm quyền căn cứ vào các quy định của pháp luật tố tụng hình sự tiến hành: 1) Áp dụng các biện pháp chuẩn bị cho việc xét xử, 2) Đưa vụ án hình sự ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm để xem xét về thực chất vụ án, đồng thời trên cơ sở kết quả tranh tụng công khai và dân chủ của hai bên (buộc tội và bào chữa) phán xét về vấn đề tính chất tội phạm (hay không của hành vi, có tội (hay không) của bị cáo (hoặc xét xử vụ án theo thủ tục phúc thẩm – nếu bản án hay quyết định sơ thẩm đã được tuyên và chưa có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng cáo, kháng nghị hoặc kiểm tra tính hợp pháp và có căn cứ của bản án hay quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm – nếu bản án hay quyết định đó bị kháng nghị) và cuối cùng, tuyên bản án (quyết định) của Tòa án có hiệu lực pháp luật nhằm giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự một cách công minh và đúng pháp luật, có căn cứ và bảo đảm sức thuyết phục. Thời điểm của giai đoạn này được bắt đầu từ khi Tòa án nhận được hồ sơ vụ án hình sự (với quyết định truy tố bị can trước Tòa án kèm theo bản cáo trạng) do Viện kiểm sát chuyển sang và kết thúc bằng một bản án (quyết định) có hiệu lực pháp luật của Tòa án”.

Như vậy, khi xét xử vụ án hình sự được thực hiện chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm. Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự là bước đầu tiên, mà khi kết thúc xét xử sơ thẩm thì bản án, quyết định được ban hành, từ đó mới có căn cứ kháng cáo kháng nghị để xét xử phúc thẩm. Xét xử phúc thẩm là quá trình xem xét bản án, quyết định sơ thẩm đã được Tòa án cấp sơ thẩm ban hành nhưng chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.

Cho đến nay, chưa có văn bản chính thức nào đưa ra khái niệm về bản án. Khi nghiên cứu về hình thức, nội dung và giá trị pháp lý của bản án trên cơ sở các quy định của pháp luật tố tụng, ông Lê Văn Minh, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đưa ra khái niệm: “Bản án là văn bản tố tụng của Tòa án được ban hành theo quy định của pháp luật tố tụng tư pháp thể hiện các thông tin về nội dung vụ án, pháp luật áp dụng, kết luận và quyết định của Tòa án về các vấn đề cần giải quyết trong một vụ án cụ thể và phải được thi hành nghiêm chỉnh khi có hiệu lực theo quy định của pháp luật”.

Theo nghĩa rộng, văn bản là hình thức thể hiện thông tin và là một trong những phương thức giao tiếp bằng ngôn ngữ viết của con người. Trên thực tế có nhiều loại văn bản khác nhau tùy thuộc vào mục đích thể hiện thông tin, giao tiếp giữa các đối tượng khác nhau trong xã hội. Ví dụ, các văn bản thể hiện dưới hình thức là các tác phẩm báo chí và văn học nghệ thuật có mục đích phục vụ nhu cầu về thông tin, văn hóa và giải trí của xã hội, trong khi đó các văn bản quy phạm pháp luật lại có mục đích là thể hiện ý chí, mệnh lệnh của Nhà nước đối với các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của văn bản đó.

Bản án không phải là sản phẩm của cá nhân mà là của Nhà nước, là một văn bản tố tụng pháp lý, trong đó thể hiện vai trò của Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, là “trọng tài” phân xử tính “đúng, sai” giữa các bên trong vụ án. Bản án là loại văn bản đặc trưng riêng có và quan trọng nhất của Tòa án. Chỉ Tòa án mới có thẩm quyền ban hành bản án theo trình tự tố tụng chặt chẽ được quy định trong pháp luật tố tụng. Bản án có các đặc điểm riêng để xác định bản án là văn bản tố tụng tư pháp của Nhà nước. Đây chính là tính chất điển hình của bản án để phân biệt với các loại văn bản khác của Nhà nước như văn bản pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính… hay các văn bản khác của cá nhân, tổ chức xã hội như báo chí, các tác phẩm văn học nghệ thuật…

2. Đặc điểm của bản án hình sự sơ thẩm:

Bản án có những đặc điểm sau:

Thứ nhất, bản án do Tòa án ban hành nên là văn bản chính thức của Nhà nước trong quan hệ với các cá nhân, cơ quan và tổ chức; Bản án là văn bản pháp lý cá biệt, do cá nhân có thẩm quyền ban hành, được áp dụng một lần trong đời sống và bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế Nhà nước.

Bản án do Tòa án ban hành dựa trên cơ sở áp dụng các quy phạm pháp luật thực định, theo trình tự, thủ tục mà luật định nhằm điều chỉnh những quan hệ cụ thể, cá biệt nhằm thiết lập quyền và nghĩa vụ cụ thể của cá nhân, cơ quan, tổ chức nhất định hoặc xác định trách nhiệm pháp lý đối với các chủ thể vi phạm pháp luật. Nhà nước trao quyền nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi mở phiên tòa, tiến hành xét xử vụ án; tiến hành hoạt động tố tụng và biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử cho Thẩm phán và Hội thẩm tại Điều 45 và Điều 46 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Bản án có tính chất áp dụng cá biệt, chứa đựng mệnh lệnh cụ thể đối với những đối tượng đã được xác định trong bản án và được áp dụng một lần đối với tổ chức, cá nhân.

Thứ hai, bản án của Tòa án là một trong các văn bản tố tụng của Tòa án được ban hành theo thủ tục tố tụng với hình thức và bố cục được lập theo mẫu thống nhất theo quy định của các luật tố tụng và Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, trong đó một mặt, vừa phải thể hiện các thông tin về Tòa án ban hành bản án, việc thụ lý và xét xử vụ án, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, các chứng cứ, tình tiết của vụ án và ý kiến của những người tham gia tố tụng, ý kiến của Viện kiểm sát; mặt khác, cũng phải thể hiện quan điểm và kết luận của Tòa án về nội dung vụ án, về pháp luật áp dụng, đường lối xử lý và quyết định của Tòa án đối với các vấn đề cần giải quyết trong vụ án. Nội dung bản án phải rõ ràng, chính xác đầy đủ và phù hợp với thực tế.

Thứ ba, bản án của Tòa án khi có hiệu lực pháp luật thì có giá trị thi hành, theo đó quyết định được tuyên trong bản án có tính chất là mệnh lệnh của Nhà nước mà các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan buộc phải thi hành. Bản án của Tòa án phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành. Điều này đã được ghi nhận là một nguyên tắc bảo đảm hiệu lực của bản án của Tòa án trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Bản án là văn bản ghi nhận phán quyết của Tòa án sau khi xét xử một vụ án. Bản án phản ánh toàn bộ các tài liệu chứng cứ theo diễn biến vụ án, đến kết quả xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa và ý kiến phân tích, đánh giá của Hội đồng xét xử.

Bản án hình sự là văn bản tố tụng trong lĩnh vực hình sự đánh dấu sự kết thúc của quá trình khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử, khẳng định bị cáo có phạm tội hay không phạm tội và nếu phạm tội thì phạm tội gì, theo điểm, khoản, điều nào của Bộ luật hình sự, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, nhân thân của bị cáo và quyết định của Hội đồng xét xử về giải quyết vụ án. Nếu bị cáo không phạm tội thì bản án phải chỉ rõ những căn cứ xác định bị cáo không phạm tội, đồng thời quyết định việc khôi phục danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo.

Như vậy, bản án hình sự sơ thẩm là văn bản tố tụng của Tòa án cấp sơ thẩm nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được ban hành theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự thể hiện các thông tin về nội dung vụ án, pháp luật áp dụng, kết luận và quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm về các vấn đề cần giải quyết trong một vụ án hình sự và phải được thi hành nghiêm chỉnh khi có hiệu lực theo quy định của pháp luật.

Theo dõi chúng tôi trên
5/5(1
bình chọn
)

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com