Cơ cấu pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất? Các yếu tố ảnh hưởng đến pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất?
1. Cơ cấu pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất:
Pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất được phân thành các nhóm quy định như sau:
– Nhóm quy định về nguyên tắc thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất:
Việc quy định về nguyên tắc thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước có vai trò quan, bảo đảm quá trình áp dụng các quy định pháp luật về giải quyết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người bị thu hồi đất được khách quan, công khai, đảm bảo công bằng.
– Nhóm các quy định về điều kiện mà người sử dụng đất được hưởng chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất:
Việc quy định điều kiện được bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất có ý nghĩa trong việc xác định các trường hợp đủ điều kiện cũng như trường hợp không đủ điều kiện để được bồi thường, hỗ trợ và tái định cư từ Nhà nước; từ đó giúp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đưa ra phương án bồi thường phù hợp.
– Quy về giá đất làm căn cứ tính tiền bồi thường Theo Pháp luật đất đai thì giá đất cụ thể đối với từng loại đất do nhà nước quy định, cụ thể là UBND cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể để làm căn cứ cho việc tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất; Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất; tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất…
– Nhóm quy định về trình tự tiến hành các công việc có liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất:
Pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư quy định cụ thể các bước thực hiện trong quá trình giải quyết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước tiến hành thu hồi đất: lập, bổ sung, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người bị thu hồi đất; trách nhiệm của các chủ thể có liên quan. Việc quy định về trình tự, thủ tục tiến hành nhằm đảm bảo quá trình bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được thực hiện khách quan, minh bạch và đúng quy định pháp luật.
– Nhóm các quy định về giải quyết khiếu nại, khiếu kiện về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất
Khiếu nại, tố cáo trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất có ý nghĩa quan trọng, giúp cho quá trình giải quyết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư diễn ra đảm bảo tính dân chủ, công bằng, khách quan, trên cơ sở đó góp phần ngăn ngừa những hành vi vi phạm, tiêu cực và tham nhũng trong hoạt động bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người bị thu hồi đất. Từ đó, củng cố niềm tin của nhân dân vào bộ máy Nhà nước.
Đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thì hoạt động khiếu nại, tố cáo chính là phương tiện hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
2. Các yếu tố ảnh hưởng đến pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất:
2.1. Yếu tố chính trị:
Thứ nhất, quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai nói chung và chính sách, pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất nói riêng.
Ở nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền duy nhất, Đảng lãnh đạo Nhà nước và thông qua Nhà nước để lãnh đạo xã hội. Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng chỉ thị, nghị quyết, đề ra chủ trương, đường lối định hướng xây dựng và phát triển đất nước. Trên cơ sở đó, Nhà nước thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật để quản lý xã hội.
Như vậy, quan điểm, đường lối của Đảng ảnh hưởng trực tiếp quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Trong đó, việc xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật đất đai nói chung và pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất nói riêng phải được dựa trên quan điểm, đường lối của Đảng về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới qua các thời kỳ, cụ thể là Nghị quyết số 19–NQ/TW ngày 31/10/2012 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để xây dựng đất nước theo hướng hiện đại.
Thứ hai, việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất chịu tác động trực tiếp từ chế độ sở hữu toàn dân về đất đai.
Ở nước ta, đất đai không thuộc về bất cứ một cá nhân, tổ chức riêng lẻ nào mà thuộc sở hữu chung của toàn dân. Nhà nước là thiết chế đại diện cho nhân dân thực hiện quyền chủ sở hữu, thống nhất quản lý về đất đai. Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai ảnh hưởng rất lớn đến quá trình xây dựng pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Cụ thể:
– Khi thật cần thiết, có nhu cầu sử dụng đất cho mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng an ninh... thì Nhà nước tiến hành thu hồi đất và bồi thường cho người thu hồi đất. Khác với pháp luật của một số nước có chế độ sở hữu tư nhân về đất đai, cụ thể là nước Cộng hòa Pháp, Nhà nước thực hiện quyền ưu tiên mua đất của chủ sở hữu tư nhân trên cơ sở đàm phán thỏa thuận về giá.
– Giá đất được căn cứ để tính giá bồi thường cho người bị thu hồi đất không phải là giá đất trên thị trường mà là giá đất do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.
– Chỉ những chủ thể đáp ứng đủ các điều kiện do pháp luật quy định thì mới được hưởng các chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
2.2. Yếu tố kinh tế:
Cơ chế quản lý kinh tế cũng có những tác động tích cực đến việc xây dựng các quy định pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Thời kỳ trước đổi mới, cơ chế quản lý kinh tế của nước ta là cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp thì Nhà nước không cho phép thực hiện các giao dịch dân sự về quyền sử dụng đất. Người bị thu hồi đất không được hưởng khoản tiền bồi thường về đất, mà chỉ được bồi thường giá trị tài sản trên đất hoặc những thiệt hại khác do việc thu hồi đất gây ra.
Kể từ sau khi nước ta chuyển đổi thành công từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều thành phần kinh tế thì chính sách, pháp luật đất đai nói chung cũng như chính sách, pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất cũng có những thay đổi nhất định. Quyền sử dụng đất đã được thừa nhận là một loại “hàng hóa” và được phép thực hiện giao dịch trên thị trường. Cùng với đó, quyền sử dụng đất ổn định được Nhà nước bảo hộ; đồng thời, khi Nhà nước thu hồi đất, người bị thu hồi đất được bồi thường về đất, tài sản trên đất, được xem xét hỗ trợ ổn định cuộc sống, cấp tái định cư...
Có thể thấy, pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải thường xuyên được rà soát để có thể kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu của cơ chế quản lý đất đai.
2.3. Yếu tố hội nhập quốc tế:
Quá trình tham gia hội nhập quốc tế cũng đã có những ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Một trong những tác động của việc mở cửa thị trường, tham gia quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng chính là yêu cầu đối với công cuộc đổi mới và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung sao cho đồng bộ, tương thích với các quy tắc, luật lệ chung của thế giới. Trong đó, các quy định pháp luật đất đai nói chung và quy định pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất cũng cần phải thường xuyên sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thông lệ quốc tế; tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài. Qua đó thu hút các dự án đầu tư có nguồn vốn từ nước ngoài, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.