Các yếu tố bảo đảm quyền của phụ nữ trong tố tụng hôn nhân và gia đình bao gồm: Yếu tố pháp luật; Hoạt động của cơ quan tố tụng; Yếu tố ý thức pháp luật và văn hoá pháp lý.
1. Yếu tố pháp luật:
Đảm bảo quyền của phụ nữ là một truyền thống và đường lối nhất quán, xuyên suốt việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Nhà nước bảo vệ quyền của phụ nữ bằng nhiều hình thức rất rõ nét, sinh động, thấm đượm chủ nghĩa nhân văn và phát triển phù hợp xu hướng của thế giới, thể hiện rất rõ trong các bản Hiến pháp và các văn bản pháp luật. Bảo đảm thực hiện, bảo vệ quyền của phụ nữ bằng pháp luật là công cụ sắc bén, là phương thức hiệu quả nhất, có giá trị, hiệu lực trên quy mô toàn xã hội, bởi những đặc trưng riêng của pháp luật, như: có tính bắt buộc chung, được bảo đảm thực hiện bằng giáo dục, thuyết phục, cưỡng chế thi hành khi cần thiết; được đảm bảo thực hiện bằng bộ máy Nhà nước, công cụ, phương thức tác động của Nhà nước.
Thực hiện quyền con người nói chung, quyền của phụ nữ nói riêng là một quá trình phụ thuộc vào tổng thể nhiều yếu tố về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, pháp luật. Nhưng thực hiện trong tố tụng vụ việc HN&GĐ thì yếu tố pháp luật có vị trí, vai trò, tầm quan trọng hàng đầu vì nó là phương tiện chính thức hóa giá trị xã hội của quyền con người nói chung, quyền của phụ nữ nói riêng.
Thêm vào đó còn là công cụ sắc bén của Nhà nước trong việc thực hiện và bảo vệ quyền con người, là phương tiện thực hiện sự cam kết và hòa nhập giữa pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế bảo đảm thực hiện quyền con người nói chung, quyền của phụ nữ nói riêng ở mỗi quốc gia và trên bình diện pháp luật quốc tế; đồng thời pháp luật tạo cơ sở pháp lý để công dân đấu tranh bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ, nó là đại lượng mang giá trị phổ biến, là chuẩn mực của sự công bằng, do đó có thể đo được hành vi của mọi chủ thể trong xã hội kể cả các cơ quan, tổ chức, công chức nhà nước, các cơ quan bảo vệ pháp luật là chủ thể dễ có nguy cơ làm phương hại đến quyền của công dân. Nếu công dân hiểu biết pháp luật thì pháp luật được coi là chỗ dựa, là vũ khí lợi hại trong đấu tranh bảo vệ tự do, dân chủ, quyền con người. Và chỉ khi đó pháp luật mới thực sự là của nhân dân, vì nhân dân.
Yếu tố pháp luật là một trong những điều kiện quan trọng nhất để quyền của phụ nữ được thực hiện trên thực tế. Chính vì lẽ đó, cùng với sự phát triển của nước nhà, đường lối chính sách của Đảng về đảm bảo quyền của phụ nữ đã lần lượt được sửa đổi, bổ sung, thể chế hóa trong hệ thống pháp luật, tiêu biểu và cơ bản nhất là Luật HN&GĐ. Quy định quyền nhân thân và quyền tài sản trong các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, như: Quyền được làm mẹ, quyền được nuôi con, quyền về tài sản, quyền được cấp dưỡng, quyền lưu cư ... đã được quy định cụ thể hơn, phù hợp hơn với thực tế đời sống gia đình Việt Nam và đồng bộ với pháp luật có liên quan, như: Bộ luật Dân sự, Luật xử lý vi phạm hành chính.
Các quy định bảo vệ quyền phụ nữ nói riêng, quyền con người nói chung trong lĩnh vực HN&GĐ theo pháp luật Việt Nam ngày càng toàn diện và tiến bộ, phù hợp với yêu cầu của pháp luật quốc tế, là cơ sở vững chắc cho quyền của phụ nữ được đảm bảo thực hiện trên thực tế thông qua hoạt động của cơ quan tư pháp và bằng việc quy định các hình thức, biện pháp xử lý hành vi vi phạm; xây dựng hệ thống các thủ tục tố tụng nhằm ngăn ngừa sự tùy tiện, lạm quyền của các cơ quan và người tiến hành tố tụng.
2. Hoạt động của cơ quan tố tụng:
Trong nhà nước pháp quyền, trách nhiệm bảo vệ quyền con người nói chung, quyền của phụ nữ nói riêng trước hết thuộc về nhà nước với các cơ quan trong bộ máy của mình, trong đó trao cho Tòa án là cơ quan duy nhất thông qua hoạt động tố tụng có quyền bảo vệ quyền con người và bảo vệ công lý.
Đảm bảo quyền của phụ nữ trong mối quan hệ HN&GĐ bằng Tòa án là cơ chế pháp lý mang tính quyền lực nhà nước được thực hiện trên cơ sở pháp luật quy định về tổ chức, thẩm quyền, quy tắc vận hành của hệ thống Tòa án, cách hành xử của người tiến hành tố tụng đặc biệt là Thẩm phán thông qua thủ tục tố tụng dân sự quyết định tính hợp pháp của hành vi pháp lý, xử lý những hành vi xâm phạm, áp dụng các chế tài pháp lý, như: hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên, buộc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, thậm chí tước quyền và lợi ích thiết yếu nhất của chủ thể vi phạm. Quyền, nghĩa vụ của các chủ thể tham gia vào cơ chế này đều do pháp luật quy định và đảm bảo thực hiện. Đó cũng chính là sự khác biệt với các cơ chế bảo vệ quyền con người bằng con đường hành chính hay bằng hoạt động của các tổ chức xã hội.
Để quyền của phụ nữ được đảm bảo trong hoạt động tố tụng vụ việc HNGGĐ:
Thứ nhất, hoạt động tố tụng của Tòa án phải được tiến hành theo trình tự, thủ tục tố tụng luật định. Cho nên pháp luật tố tụng là cơ sở pháp lý bảo đảm cho Tòa án thực hiện tốt hoạt động tố tụng của mình. Tố tụng chỉ bảo đảm được công bằng, vô tư, khách quan khi Tòa án được thực sự độc lập, độc lập về thể chế; độc lập giữa cơ quan lập pháp và hành pháp; độc lập về các vấn đề hành chính tư pháp trong nội bộ, bao gồm cả việc phân công hồ sơ vụ án cho các Thẩm phán của Tòa án đó; độc lập về tài chính và phải có đủ ngân sách để thực hiện chức năng của mình một cách có hiệu quả; độc lập trong việc ra quyết định, các nhánh quyền lực khác của Nhà nước phải tôn trọng và chấp hành; phải có đầy đủ thẩm quyền; phải có cả quyền và nghĩa vụ trong việc bảo đảm thủ tục tố tụng công bằng và ban hành quyết định có căn cứ.
Phải đảm bảo được nguyên tắc mọi người đều có quyền được hưởng một phiên tòa bình đẳng và công khai do một cơ quan xét xử độc lập và công bằng được thành lập theo quy định của pháp luật hiện hành. Do vậy đòi hỏi phải có hệ thống pháp luật tố tụng đầy đủ, thống nhất và đảm bảo được quyền của phụ nữ.
Thứ hai, năng lực, trình độ, đạo đức, bản lĩnh ... của Thẩm phán là một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng hoạt động tố tụng vụ việc HNGĐ. Quyết định có đúng pháp luật, hợp tình, hợp lý hay không phần lớn phụ thuộc vào vai trò của Thẩm phán. Công việc của họ tạo nên trụ cột chính của việc bảo vệ pháp lý hiệu quả quyền con người mà nếu không có nó, những nguyên tắc cao quý nhằm bảo vệ cá nhân chống lại sự lạm dụng quyền lực dường như sẽ mất hết ý nghĩa.
3. Yếu tố ý thức pháp luật và văn hoá pháp lý:
Bảo đảm quyền của phụ nữ là trách nhiệm của toàn xã hội, trách nhiệm này xuất phát từ đặc điểm của phụ nữ, những người thuộc về phái yếu trong xã hội, nhóm người dễ bị tổn thương. Trong những năm gần đây Nhà nước và xã hội đã có những hành động cụ thể nhằm bảo vệ quyền của phụ nữ. Tuy nhiên tình trạng xâm phạm quyền của nhóm người yếu thế này vẫn diễn ra phổ biến. Thực trạng này là kết quả tất yếu của nhiều yếu tố.
Đầu tiên, phải kể đến trình độ văn hóa của chủ thể pháp luật. Đây là yếu tố tác động trực tiếp đến việc thực hiện pháp luật về bảo vệ quyền của phụ nữ, là điều kiện đầu tiên, cơ bản để có những hành vi xử sự hợp pháp, với người có trình độ văn hóa cao họ sẽ dễ dàng hiểu biết pháp luật, nhận thức đúng pháp luật và dẫn đến việc thực hiện pháp luật nghiêm minh.
Còn với những người trình độ văn hóa thấp, điều đó sẽ ngược lại, thật khó khăn cho họ trong việc hiểu biết cũng như thực hiện pháp luật mà lại là pháp luật quy định về quyền và bảo vệ quyền của phụ nữ có thể chưa đầy đủ và phần nào đó còn bị xem nhẹ; nhiều thói quen, phong tục, tập quán có hại cho phụ nữ chưa được quan tâm đấu tranh loại bỏ như đánh vợ hay dạy dỗ vợ là lẽ thường tình, chồng bảo gì phải nghe theo răm rắp, vì ở nước ta đâu đó vẫn tồn tại nhiều tư tưởng trọng nam khinh nữ, suy nghĩ gia trưởng, áp đặt.
Thứ hai, xuất phát từ yếu tố tâm lý của các thành viên trong gia đình và cộng đồng, đặc biệt ở nông thôn, việc ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột đối với phụ nữ chưa được cộng đồng chủ động phát hiện sớm và báo cho các cơ quan chức năng xử lý, can thiệp kịp thời vì họ không muốn có sự rắc rối liên quan đến họ hay nói cách khác là sự thờ ơ trước những hành vi trái pháp luật; chưa có thói quen giải quyết tranh chấp mâu thuẫn bằng con đường tư pháp, tâm lý e ngại phải hầu Tòa.
Thứ ba, có những nguyên nhân thuộc về chính phụ nữ đó là xuất phát từ đặc điểm tâm lý của phụ nữ, số ít không được trang bị kịp thời, thiếu kỹ năng sống cơ bản để thích nghi với đời sống kinh tế – xã hội có nhiều biến đổi. Do đó chính bản thân họ không ý thức được về quyền của mình, không đóng vai trò chủ động trong quá trình giải quyết vụ việc ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Bên cạnh đó là ý thức pháp luật, trình độ, đạo đức của người tiến hành tố tụng là yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo quyền của phụ nữ, vừa trực tiếp, vừa gián tiếp. Qua hoạt động tố tụng vụ việc HNGĐ trực tiếp đảm bảo quyền của phụ nữ khi ly hôn tại tòa án. Trong quá trình giải quyết vụ việc HN&GĐ đã tuyên truyền pháp luật đến các đương sự là người chồng và người vợ. Nhưng cũng không thể không nói tới tình trạng trong những năm gần đây, ý thức pháp luật của một bộ phận người tiến hành tố tụng ngày càng giảm sút, biến chất, thoái hóa trong khi thực hiện công vụ, không những không đảm bảo được quyền của phụ nữ nói riêng, quyền con người nói chung mà còn mang lại hậu quả mất niềm tin ở nhân dân.