Cam kết về lao động trong Hiệp định CPTPP? Cam kết lao động trong Hiệp định EVFTA? Các cam kết lao động của Việt Nam trong Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA?
1. Cam kết về lao động trong Hiệp định CPTPP:
Hiệp định CPTPP là một FTA thế hệ mới với những tiêu chuẩn cao, toàn diện và cân bằng, nhằm mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ tạo mới việc làm, tăng năng suất và sức cạnh tranh; nâng cao mức sống, giảm đói nghèo ở các nước ký kết; bảo vệ môi trường và bảo vệ quyền của người lao động. Hiệp định dành riêng một Chương 19 với 15 điều quy định về lao động cũng như các cam kết về lao động ràng buộc các nước thành viên.
Về cơ bản, Hiệp định CPTPP không đưa ra tiêu chuẩn riêng về lao động mà chỉ tái khẳng định các tiêu chuẩn lao động cơ bản được nêu trong
Tuyên bố năm 1998 của ILO và yêu cầu tất cả các nước thành viên có nghĩa vụ tôn trọng, thúc đẩy và thực thi với tư cách thành viên của ILO.
Các nước thành viên của Hiệp định CPTPP phải tự chứng minh rằng họ tuân theo những tiêu chuẩn lao động cơ bản của ILO. Bên cạnh đó, Hiệp định cũng yêu cầu nước thành viên ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quy định về mức lương tối thiểu, số giờ làm việc, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp và những cam kết này áp dụng với cả các khu chế xuất. Tại Chương 19 này, quyền tự do liên kết được xác định là một quyền dân sự – kinh tế, chứ không phải là một quyền chính trị .
Theo đó, tất cả các nước thành viên sẽ thông qua và duy trì trong pháp luật cũng như trong thực tiễn những quyền lao động cơ bản được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của ILO, gồm:
– Quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động và người sử dụng lao động (Theo Công ước số 87 và số 98).
– Xóa bỏ lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc (Theo Công ước số 29 và số 105).
– Cấm sử dụng lao động trẻ em, xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất (Theo Công ước số 138 và số 182).
– Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp (Theo Công ước số 100 và số 111).
Ngoài ra, Hiệp định CPTPP còn yêu cầu nước thành viên phải có quy định liên quan đến điều kiện lao động ở mức chấp nhận được về lương tối thiểu, giờ làm việc và an toàn sức khỏe nghề nghiệp. Tuy nhiên, đối với yêu cầu này Hiệp định CPTPP không ràng buộc nước thành viên ở cách thức cũng như mức độ “chấp nhận được” của điều kiện lao động mà cho phép các nước áp dụng linh hoạt theo cách giải thích riêng của mỗi nước .
Như vậy, Hiệp định CPTPP đã nâng yêu cầu về quyền lao động lên mức cao hơn, đó là buộc các nước tham gia phải luật hóa những điều kiện làm việc có thể chấp nhận được và thực thi quy định được luật hóa đó trong thực tiễn đời sống kinh tế – xã hội của quốc gia đó.
2. Cam kết lao động trong Hiệp định EVFTA:
Khác với Hiệp định CPTPP dành hẳn 01 chương quy định về lao động, trong Hiệp định EVFTA, cam kết về lao động được bố cục trong nội dung Chương 13 về Thương mại và phát triển bền vững. Tuy nhiên, cũng tương tự như Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA không đưa ra các cam kết hay tiêu chuẩn lao động mới mà tái khẳng định nghĩa vụ thành viên của Việt Nam và EU với tư cách thành viên của ILO đối với các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản trong Tuyên bố năm 1998.
Theo đó, cả Việt Nam và EU cùng cam kết tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện hiệu quả các nguyên tắc về các quyền cơ bản trong lao động, gồm:
(a) Quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động và người sử dụng lao động.
(b) Xóa bỏ lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc.
(c) Cấm sử dụng lao động trẻ em.
(d) Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp
Ngoài ra, Hiệp định EVFTA còn là lời khẳng định của Việt Nam và EU về việc mỗi bên sẽ:
– Tiếp tục và duy trì các nỗ lực nhằm phê chuẩn các công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế;
– Xem xét việc thông qua các công ước khác được ILO phân loại là phù hợp với thời điểm hiện tại, có tính đến các điều kiện trong nước;
– Trao đổi thông tin với bên kia về việc phê chuẩn nêu trên;
– Mỗi Bên tái khẳng định cam kết của mình về việc thực hiện có hiệu quả luật pháp và quy định trong nước và các Công ước của ILO đã được cả 02 bên phê chuẩn.
Như vậy, mục tiêu cao nhất về cam kết lao động mà Hiệp định EVFTA muốn các bên phải thực hiện đó là tôn trọng, thúc đẩy và thực thi hiệu quả các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động.
3. Các cam kết lao động của Việt Nam trong Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA:
3.1. Các cam kết lao động của Việt Nam trong Hiệp định CPTPP:
Cam kết lao động của Việt Nam trong Hiệp định CPTPP gồm có cam kết chung về lao động của CPTPP và cam kết riêng của Việt Nam. Trong đó, cam kết chung được giữ nguyên trong Chương Lao động của Hiệp định. Còn cam kết riêng về lao động của Việt Nam trong CPTPP là thư trao đổi giữa Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam và Bộ trưởng 10 nước thành viên CPTPP còn lại.
Các cam lao động được quy định tại Chương 19 về Lao động trong Hiệp định CPTPP bao gồm: các bên sẽ thông qua và duy trì trong các đạo luật và quy định cũng như trong thực tiễn 04 tiêu chuẩn – quyền lao động cơ bản được nêu trong Tuyên bố 1998 của ILO; và quy định trong luật pháp và thực
hiện trong thực tiễn những điều kiện làm việc ở mức chấp nhận được về lương tối thiểu, giờ làm việc và an toàn sức khỏe nghề nghiệp.
Các cam kết về lao động trong Hiệp định CPTPP cũng chính là những cam kết về lao động sâu sắc nhất và có mức độ ràng buộc chặt chẽ nhất trong số các FTA mà Việt Nam đã tham gia cho đến thời điểm hiện tại.
Đối với các tiêu chuẩn về xóa bỏ lao động trẻ em, xóa bỏ lao động cưỡng bức và xóa bỏ phân biệt đối xử trong lao động, Việt Nam cam kết tuân thủ và gần như áp dụng trực tiếp các Công ước cơ bản của ILO mà Quốc hội đã phê chuẩn. Về cơ bản, hệ thống pháp luật của Việt Nam đã phù hợp với các tiêu chuẩn cơ bản của ILO và cam kết trong Hiệp định. Việt Nam đã và đang triển khai một số chương trình hành động quốc gia để thực thi các tiêu chuẩn trên trong thực tiễn. Đối với quy định trong luật pháp và thực hiện trong thực tiễn những điều kiện làm việc ở mức chấp nhận được về lương tối thiểu, giờ làm việc và an toàn sức khỏe nghề nghiệp, nhìn chung, hệ thống pháp luật lao động của Việt Nam đã có quy định và được áp dụng trong thời gian qua.
Đối với tiêu chuẩn tự do liên kết và thương lượng tập thể: với tư cách là thành viên của ILO và Hiệp định CPTPP, Việt Nam cam kết tôn trọng và bảo đảm quyền của người lao động trong việc thành lập và gia nhập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Có thể nói, trong các cam kết về lao động thì cam kết về tự do liên kết và tương lượng là cam kết quan trọng nhất, đồng thời cũng là thách thức lớn nhất đối với Việt Nam. Bởi, Hiệp định CPTPP đã đặt ra một số yêu cầu bắt buộc để bảo đảm quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể: (i) khẳng định nghĩa vụ của một nước thành viên ILO đối với quyền tự do liên kết và công nhận một cách thực chất quyền thương lượng tập thể; (ii) xây dựng khung khổ luật pháp và thực hiện hiệu quả trong thực tiễn các quy định pháp luật nhằm đảm bảo quyền tự do liên kết và công nhận một cách thực chất quyền thương lượng tập thể; (iii) không được trì hoãn hoặc có những hành động nhằm né tránh việc thực thi các cam kết sau khi Hiệp định có hiệu lực.
Và để phù hợp với các quy định của Hiệp định CPTPP, Việt Nam cam kết hoàn thiện chính sách và pháp luật về bảo vệ tổ chức của người lao động để không bị người sử dụng lao động can thiệp và phân biệt đối xử nhằm vô hiệu hóa hoặc làm suy yếu khả năng đại diện, bảo vệ cho quyền và lợi ích của người lao động. Mặt khác, Việt Nam ghi nhận quyền tự do lập hội và thương lượng tập nhưng đồng thời cũng yêu cầu tổ chức đại diện của người lao động phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam.
Đối với cam kết về quyền tự do liên kết, Việt Nam đã được 10 nước thành viên còn lại của Hiệp định CPTPP gia hạn cho một lộ trình là 05 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực để hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức bộ máy quản lý, bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động và tuân thủ hoàn toàn các cam kết lao động trong Hiệp định CPTPP.
Ngày 24/01/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 121/QĐ–TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tổ chức và cơ quan chức năng phải thiết lập và áp dụng các biện pháp chỉ đạo, điều hành và các biện pháp khác nhằm mục tiêu thực hiện đầy đủ và có hiệu quả Hiệp định CPTPP .
3.2. Các cam kết lao động của Việt Nam trong Hiệp định EVFTA:
Như đã phân tích ở trên, cam kết của Việt Nam về lao động trong Hiệp định EVFTA thực chất là cam kết đối với các nguyên tắc và các quyền lao động cơ bản trong Tuyên bố năm 1998 của ILO. Từ năm 1992, Việt Nam đã là thành viên của ILO, do đó, các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản của ILO đã được Việt Nam thực hiện với tư cách thành viên kể từ đó.
Ngày 08/06/2020, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 102/2020/QH14 về việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Trong đó, Quốc hội đã quyết nghị: “Áp dụng toàn bộ nội dung của Hiệp định EVFTA” .
Trên thực tế, mọi điều khoản được ghi nhận trong Hiệp định liên quan đến lao động đều là cam kết do chính Việt Nam khởi thảo, đàm phán, xây dựng và thống nhất với EU. Theo đó, Việt Nam cam kết tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện Tuyên bố 1998 của ILO về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, bao gồm cả việc thúc đẩy phê chuẩn và thực thi có hiệu quả các Công ước cơ bản của ILO. Ngoài ra, Việt Nam cũng nhất trí tăng cường | hợp tác với EU thông qua cơ chế chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về thúc đẩy việc phê chuẩn và thực thi các công ước về lao động.
Ngay từ trước khi ký kết EVFTA, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp với Bộ Tư pháp khẩn trương rà soát các quy định hiện hành trong các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi phụ trách để đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung hoặc hình thức áp dụng phù hợp nhằm bảo đảm thực hiện các cam kết trong EVFTA, trong đó bao hàm cả các cam kết về lao động .
Ngày 06/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1201/QĐ–TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Trong đó, mục tiêu mà người đứng đầu cơ quan hành pháp của nước ta đặt hàng đối với các cơ quan và tổ chức hữu quan khi ban hành quyết định là phải xây dựng, thiết lập các biện pháp chỉ đạo, điều hành và các biện pháp khác nhằm triển khai thực hiện đầy đủ và có hiệu quả Hiệp định EVFTA .
Nhìn chung, các cam kết về lao động của Việt Nam trong CPTPP và EVFTA đã và sẽ tác động rất lớn đến thị trường lao động trong nước. Do đó, một khi Việt Nam đã chuẩn bị tốt mọi điều kiện để bảo đảm thực hiện các cam kết này thì năng suất lao động cũng như việc làm mới sẽ được thúc đẩy tăng trưởng và kiến tạo nhiều hơn đối với thị trường nước nhà. Tuân thủ các cam kết lao động trong Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA sẽ giúp Việt Nam phát triển bền vững và bảo đảm về một sự tăng trưởng ở hiện tại nhưng không phải trả giá bằng các cơ hội của thế hệ tương lai.