Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người là gì? Các dấu hiệu pháp lý cấu thành tội phạm làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người?
1. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người là gì?
Kế thừa các nội dung hợp lí và cơ bản trong các quy định trước đây của BLHS 1985,1999 và dựa vào cơ sở lý luận chung của khoa học luật hình sự, Điều 8 BLHS 2015 quy định về khái niệm tội phạm như sau:
Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.
Quy định về khái niệm tội phạm trên đây thể hiện toàn diện các đặc điểm cơ bản của tội phạm như: tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, tính có lỗi của tội phạm, tính trái pháp luật và tính chịu hình phạt của tội phạm.
Không chỉ thể hiện các đặc điểm của tội phạm, Điều 8 BLHS 2015 còn tạo khả năng, làm khuôn mẫu cho việc xây dựng các khái niệm về một tội phạm cụ thể trong phần các tội phạm của BLHS Việt Nam năm 2015. Các tội phạm cụ thể được quy định trong Phần các tội phạm của BLHS Việt Nam năm 2015 có thể được khái quát theo khuôn mẫu của Điều 8 của BLHS Việt Nam năm 2015.
Trên cơ sở quy định tại Điều 8 và 240 BLHS năm 2015 và dựa vào lý luận khoa học của luật hình sự, có thể rút ra khái niệm tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người như sau:
“Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người là hành vi cố ý đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người; đưa vào hoặc cho phép đưa vào Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người hoặc các hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người, do người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện”.
Dựa vào dựa vào lý luận khoa học của luật hình sự và khái niệm về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người trên đây có thể xác định các dấu hiệu pháp lý của tội tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người trong bốn yếu tố cơ bản của tội phạm là: Khách thể của tội phạm, mặt khách quan của tội phạm, chủ thể của tội phạm và mặt chủ quan của tội phạm,
2. Các dấu hiệu pháp lý cấu thành tội phạm làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người:
– Khách thể của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người
Khách thể của tội phạm theo lí luận khoa học luật hình sự là quan hệ xã nào được quy định tại Phần các tội phạm trong BLHS Việt Nam năm 2015 cũng đều xâm hại đến một hoặc một số quan hệ xã hội nhất định bằng cách gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho những quan hệ xã hội đó.
Thông qua việc gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho khách thể của tội phạm, tội phạm thể hiện được đầy đủ tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội.
Tại Phần các tội phạm của BLHS Việt Nam năm 2015, các tội phạm cụ thể được sắp xếp một cách khoa học thành các chương dựa vào khách thể loại của tội phạm. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người được quy định tại chương: “Các tội phạm về môi trường”
Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người là một trong các tội phạm xâm phạm đến sự an toàn về tính mạng và sức khỏe con người. Điểm khác cơ bản đối với các tội xâm phạm trực tiếp đến sự an toàn về tính mạng và sức khỏe con người được quy định tại Chương XII BLHS Việt Nam năm 2015 là: Dấu hiệu “Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” chỉ như là một nguy cơ tiềm ẩn sự nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khỏe con người, trong khi đó khách thể trực tiếp của làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người vẫn là xâm phạm đến chế độ bảo vệ môi trường.
Tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm này còn thể hiện ở chỗ làm giảm các lợi ích của môi trường trong sạch của xã hội, vi phạm đến quyền được sống trong môi trường của mỗi người, gây thiệt hại và đe dọa gây thiệt hại cho con người.
Nghiên cứu về khách thể của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240 BLHS năm 2015 cũng cần phân tích và chỉ ra đối tượng tác động của tội phạm.
Trong khoa học luật hình sự đối tượng tác động của tội phạm là bộ phận của khách thể của tội phạm mà khi tác động đến bộ phận này tội phạm gây thiệt hại cho khách thể của tội phạm.
Đối tượng tác động của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240 BLHS năm 2015 là động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm đã bị nhiễm bệnh nguy hiểm cho người có khả năng lây lan sang người.
Động vật là các loại chim, thú, gia cầm, các loài tôm cá, các loài côn trùng ... được gọi chung là sinh vật có cảm giác và tự vận động.
Sản phẩm động vật là thực phẩm được chế biến từ động vật hay nói cách khác là sản phẩm được hình thành từ động vật như thịt, xương, sữa, các bộ phận từ động vật khác ....
Thực vật là các loại cây, rễ, củ, hoa, lá, củ, hạt ... sản phẩm thực vật là các loại sản phẩm được chế biến từ thực vật như bột, dầu, nước ép các loại ...
Vật phẩm khác là bất kì vật gì bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh truyền nhiễm có khả năng lây bệnh cho người như công cụ giết mổ,bao bì đóng gói, phương tiện tàng trữ, vận chuyển động vật, thực vật...
Trên đây là khách thể và đối tượng tác động của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, để xác định dấu hiệu pháp lý tiếp theo của tội phạm cần tìm hiểu mặt khách quan của tội phạm.
– Mặt khách quan của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người
Trên cơ sở quy định cụ thể trong Điều 240 BLHS Việt Nam năm 2015 về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người cho thấy tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người là loại tội phạm có cấu thành tội phạm vật chất, theo khoa học luật hình sự thì tội phạm có cấu thành tội phạm vật chất cần thiết phải có đủ các dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm, đó là: Hành vi nguy hiểm cho xã hội, hậu quả nguy hiểm cho xã hội và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả đó.
Dấu hiệu đầu tiên trong mặt khách quan của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người là hành vi nguy hiểm cho xã hội của tội phạm. Điều 240 BLHS năm 2015 quy định 3 dạng hành vi của tội phạm tại Khoản 1 của Điều luật:
a) Dạng hành vi khách qua thứ nhất của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người là: Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người.
Dịch bệnh nguy hiểm là những loại dịch bệnh dễ lây nhiễm, dễ lan rộng nhanh chóng từ người này sang người khác, từ vùng này sang vùng khác trong cộng đồng. Dịch bệnh nguy hiểm cho người được hiểu là những căn bệnh có khả năng gây tổn hại nặng cho sức khỏe người nhiễm bệnh và có khả năng gây tử vong cao nhưng lại khó chữa trị trong hoàn cảnh hiện tại khi dịch bệnh xảy ra tại một hoặc một số địa bàn trong xã hội.
Danh mục các loại dịch bệnh nguy hiểm cho người do Bộ y tế quy định và được cập nhật thường xuyên hàng năm, các dịch bệnh trong danh mục của Bộ y tế như: Dịch tả, bệnh đậu mùa, bệnh thương hàn, bệnh than, v.v ...
Vùng có dịch là khu vực (được giới hạn bởi đơn vị hành chính như một địa danh, một địa phương, một vùng lãnh thổ ...) đang có dịch bệnh đã được cơ quan có thẩm quyền công bố (Ủy ban nhân dân các cấp, Bộ y tế hoặc Chủ tịch nước) trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng truyền dịch bệnh là động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác đã được cơ quan có thẩm quyền xác định khả năng truyền dịch bệnh cho người và bị cấm đưa ra khỏi nơi có dịch bệnh.
b) Dạng hành vi khách quan thứ hai của tôi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người là: Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người.
Nếu như hành vi đưa vào vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người có thể được thực hiện bởi bất kỳ người nào dù họ mang quốc tịch Việt Nam hay nước ngoài hoặc người không quốc tịch thì hành vi “cho phép” đưa vào vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người chỉ có thể được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn nhất định và họ phải mang quốc tịch Việt Nam.
c) Dạng hành vi khách quan thứ ba của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người là: bất kì một hành vi nào khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người. Chúng có thể là một trong các hành vi sau: trốn khỏi nơi cách ly của người theo quy định phải cách ly để phòng bệnh; Không tuân thủ quy định về cách ly: như tự ý giao tiếp với người ngoài khu cách ly; Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.
Dấu hiệu thứ hai trong mặt khách quan của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người là hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Căn cứ vào khoản 1 Điều 240 cho thấy hậu quả nguy hiểm cho xã hội của tôi là làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người là đã “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”. Điều này thể hiện trong thực tiễn rằng đã có dịch bùng phát tại ít nhất một khu vực hoặc đơn vị hành chính nhất định như: một xã, phường, thị trấn hoặc một huyện, quận hoặc một tỉnh, thành phố ...
Dấu hiệu thứ ba trong mặt khách quan của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người là mối quan hệ nhân quả giữa một trong các dạng hành vi khách quan và hậu quả của tội phạm, điều này có nghĩa rằng hành vi khách quan của người phạm tội đã làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người tại một đơn vị hành chính nhất định hoặc một khu vực lãnh thổ.
Để xác định dấu hiệu pháp lý khác của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người cần thiết phải nghiên cứu về chủ thể của tội phạm.
– Chủ thể của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người
Chủ thể của tội phạm là một yếu tố không thể thiếu trong bốn yếu tố cấu thành tội phạm. Chủ thể của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người là con người cụ thể đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong tình trạng có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt đủ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Cũng như các tội phạm khác chủ thể của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người cũng phải đảm bảo dấu hiệu chung như người đó phải có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi nhất định khi họ thực hiện hành vi khách quan của tội phạm.
Nói một cách khác thì chủ thể của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người là chủ thể bình thường, bao gồm đầy đủ hai dấu hiệu chung là năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.
Về dấu hiệu chung thứ nhất: Chủ thể của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người là người có năng lực trách nhiệm hình sự, năng lực trách nhiệm hình sự là điều kiện cần thiết để có thể xác định một người là có lỗi khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, chỉ khi họ có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự thì họ mới có thể là chủ thể của tội phạm, người có năng lực trách nhiệm hình sự là khi họ thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có khả năng nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi và khả năng điều khiển được hành vi đó.
Khả năng điều khiển được hành vi ở đây được hiểu đầy đủ khả năng kiềm chế được hành vi nguy hiểm cho xã hội đã thực hiện và khả năng lựa chọn xử sự khác không nguy hiểm cho xã hội.
Người có năng lực trách nhiệm hình sự theo luật hình sự Việt Nam là người đã đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 12 BLHS năm 2015 và không thuộc trường hợp ở trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 21 BLHS năm 2015.
Theo quy định của Điều luật thì: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Người bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác qua kết luận của giám định pháp y mà vì mắc bệnh nên họ mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển thì dù họ có thực hiện hành vi khách quan của tội làm lây lan dịch cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự khi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.
Ngoài bệnh tâm thần thì các bệnh khác phải là những loại bệnh do tính chất của bệnh có ảnh hưởng đến hoạt động tinh thần của bệnh nhân.
Về dấu hiệu chung thứ hai: Chủ thể của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người là người đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.
Con người không phải khi sinh ra đã có sẵn năng lực trách nhiệm hình sự, năng lực trách nhiệm hình sự là năng lực của sự tự ý thức, được hình thành trong sự phát triển của cá thể cả về mặt tự nhiên và xã hội. Ở mỗi người bình thường đều có khả năng hình thành và phát triển ý thức và tự ý thức, nhưng phải trải qua quá trình giáo dục trong điều kiện của xã hội thì khả năng đó mới trở thành hiện thực.
Năng lực trách nhiệm hình sự chỉ hình thành khi con người phát triển đến độ tuổi nhất định và năng lực đó sẽ phát triển về trí tuệ, thể chất, kinh nghiệm sống, khi đó con người mới nhận thức được đầy đủ yêu cầu của xã hội và đáp ứng yêu cầu đó. Khi đạt được độ tuổi BLHS quy định thì con người có năng lực trách nhiệm hình sự.
Điều 12 BLHS năm 2015 quy định:
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác. 2.Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.
Trên cơ sở Điều 12 BLHS quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự và Điều 240 về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người cho thấy chỉ người nào từ đủ tuổi 16 trở lên mới có thể là chủ thể của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.
Điều 240 BLHS năm 2015 quy định về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, tại khoản 1 có quy định các loại hành vi cơ bản của tội phạm, trong các hành vi khách quan có hành vi:
Cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người và Cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người.
Đây là hành vi khách quan của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, đó có thể là cán bộ kiểm dịch tại các cửa khẩu biên giới hoặc tại các chốt kiểm dịch tại các địa phương nơi đang có dịch.
Tuy nhiên, khái quát chung trên cơ sở quy định tại Khoản 1 Điều 240 BLHS thì ngoài trường hợp nêu trên đây, chủ thể của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người là chủ thể thường với hai dấu hiệu là năng lực trách nhiệm hình sự và tuổi chịu trách nhiệm hình sự.
– Mặt chủ quan của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người
Trong bốn yếu tố cấu thành tội phạm thì mặt chủ quan của tội phạm có quan hệ chặt chẽ với mặt khách quan của tội phạm. Nếu như mặt khách quan của tội phạm phản ánh các dấu hiệu bên ngoài của tội phạm như: hành vi, hậu quả, mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả thì mặt chủ quan của tội phạm thể hiện diễn biến tâm lí bên trong con người phạm tội.
Các diễn biến tâm lí này hình thành các dấu hiệu của mặt chủ quan là: Lỗi của người phạm tội, động cơ và mục đích phạm tội.
Đối với tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người thì chỉ lỗi của người phạm tội là dấu hiệu bắt buộc trong mặt khách quan của tội phạm, động cơ và mục đích phạm tội tuy không là dấu hiệu bắt buộc nhưng cũng phản ánh tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm.
Lỗi trong mặt chủ quan của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người là lỗi vô ý phạm tội. Trong khoa học luật hình sự lỗi được hiểu là thái độ chủ quan của người phạm tội đối với hành vi và hậu quả phạm tội, khi thực hiện các hành vi khách quan được quy định trong Điều 240 BLHS năm 2015 như:
Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người hoặc Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người.
Thì người phạm tội có lỗi cố ý nhưng khi dịch bệnh là hậu quả của tội phạm xảy ra thì người phạm tội lại có lỗi vô ý đối với hậu quả “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”.
Đánh giá chung thì lỗi trong mặt chủ quan của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người là lỗi vô ý phạm tội.
Trong khoa học luật hình sự thì lỗi vô ý phạm tội có hai hình thức: vô ý phạm tội do quá tin và vô ý phạm tội do cẩu thả. Hai hình thức này để có thể xảy ra đối với tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Trong trường hợp lỗi của người phạm tội là vô ý do quá tin thì người phạm tội biết rằng hành vi phạm tội của mình có thể làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người nhưng tin rằng hậu quả đó có thể tránh được.
Trong trường hợp lỗi của người phạm tội là vô ý do cẩu thả thì người phạm tội biết rằng hành vi phạm tội của mình có thể làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người nhưng cẩu thả, tắc trách không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ của công dân đối với việc phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho con người trong hoàn cảnh khách quan nhất định.
Dấu hiệu thứ hai của mặt chủ quan của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người là động cơ phạm tội. Động cơ phạm tội được hiểu là động lực thúc đẩy người phạm tội thực hiện các hành vi khách quan của tội phạm. Động cơ phạm tội của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người không là dấu hiệu bắt buộc trong mặt chủ quan của tội phạm, người phạm tội có thể thực hiện hành vi phạm tội bằng các động cơ vụ lợi hoặc các động cơ cá nhân khác.
Dấu hiệu thứ ba của mặt chủ quan của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người là mục đích phạm tội. Mục đích phạm tội là cái mốc đặt ra trong ý thức để hành vi phạm tội hướng tới. Đối với tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người thì mục đích phạm tội không là dấu hiệu bắt buộc.