Chủ thể thực hiện hòa giải gắn với Tòa án? Nguyên tắc hòa giải gắn với Tòa án? Phạm vi hòa giải gắn với Tòa án?
1. Chủ thể thực hiện hòa giải gắn với Tòa án:
Hiện nay, công tác hòa giải gắn với Tòa án là hoạt động do Hoà giải viên thực hiện nhằm mục đích hỗ trợ các bên đương sự thoả thuận, thống nhất về việc giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp dân sự theo quy định của luật, khi Tòa án nhân được yêu cầu hoặc đơn khởi kiện trước khi thụ lý vụ việc theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Hòa giải viên là bên thứ ba được các bên tranh chấp thỏa thuận lựa chọn làm trung gian giúp giải quyết mâu thuẫn phát sinh trong quá trình hòa giải. Họ là người có đủ tiêu chuẩn và điều kiện được Chánh án TAND cấp tỉnh ra quyết định bổ nhiệm để tiến hành hòa giải vụ việc dân sự.
Theo quy định tại Điều 10 Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án, hòa giải viên là những cán bộ đã từng tham gia công tác hội thẩm nhân dân và các luật sư có phẩm chất đạo đức, có uy tín, kỹ năng, phương pháp hòa giải tốt, tâm huyết, nhiệt tình để tham gia vào hoạt động hòa giải. Một trong những điều kiện để trở thành hòa giải viên là phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác mới có thể được xem xét, bổ nhiệm làm hòa giải viên (theo Điểm a, khoản 1, điều 10, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án ban hành năm 2020 và có hiệu lực từ năm 2021).
Nhiệm vụ của hòa giải viên là làm người trung gian giúp đỡ các bên tìm được tiếng nói chung để giải quyết tranh chấp đang diễn ra. Do bản chất của việc hòa giải là giải quyết các tranh chấp dựa trên ý chí, sự tự nguyện trao đổi và thỏa thuận của các bên nên trong quá trình hòa giải, các hòa giải viên không có quyền đưa ra các quyết định bắt buộc các đương sự phải thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã quy định về điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên như sau:
– Điều kiện cần: Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, Trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự; Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật.
– Điều kiện đủ: Ngoài những điều kiện cần nói trên, người muốn được bổ nhiệm làm Hòa giải viên còn phải có đủ các điều kiện sau đây: Đã là Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên Viện kiểm sát, Chấp hành viên Thi hành án dân sự, Thanh tra viên; là Luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác; là người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư; Có kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải, đối thoại; Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao; Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại do cơ sở đào tạo của Tòa án nhân dân tối cao cấp, trừ người đã là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Thanh tra viên, Chấp hành viên thi hành án dân sự, Thẩm tra viên Tòa án ngạch Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp, Thư ký Tòa án ngạch Thư ký viên chính, Thư ký viên cao cấp.
– Ngoài ra, luật cũng quy định cụ thể các trường hợp không được bổ nhiệm làm hòa giải viên.
2. Nguyên tắc hòa giải gắn với Tòa án:
Theo quy định tại Điều 3, Luật hòa giải, đối thoại tại toà án ban hành 2020 có hiệu lực ngày 01/01/2021, nguyên tắc tiến hành hòa giải bao gồm:
1. Các bên tham gia hòa giải, đối thoại (sau đây gọi là các bên) phải tự nguyện hòa giải, đối thoại.
2. Tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận, thống nhất của các bên; không được ép buộc các bên thỏa thuận, thống nhất trái với ý chí của họ.
3. Bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa các bên.
4. Nội dung thỏa thuận hòa giải, thống nhất đối thoại không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
5. Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại phải được giữ bí mật theo quy định tại Điều 4 của Luật này.
6. Phương thức hòa giải, đối thoại được tiến hành linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm của mỗi loại vụ việc.
7. Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại độc lập và tuân theo pháp luật.
8. Tiếng nói và chữ viết dùng trong hòa giải, đối thoại là tiếng Việt. Người tham gia hòa giải, đối thoại có quyền dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình; trường hợp này họ có thể tự bố trí hoặc đề nghị Hòa giải viên bố trí phiên dịch cho mình.
9. Người tham gia hòa giải, đối thoại là người khuyết tật nghe, nói hoặc khuyết tật nhìn có quyền dùng ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng cho người khuyết tật; trường hợp này phải có người biết ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng cho người khuyết tật để dịch lại và họ cũng được coi là người phiên dịch.
10. Bảo đảm bình đẳng giới, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em trong hòa giải, đối thoại
Trong đó, nguyên tắc tự nguyện, nguyên tắc bảo mật thông tin và nguyên tắc linh hoạt trong hòa giải là ba nguyên tắc cơ bản nhất.
Hòa giải là hoạt động trước tố tụng nhưng không mang tính chất bắt buộc, các bên có tranh chấp và những người có quyền và nghĩa vụ liên quan có quyền yêu cầu đồng ý hoặc không đồng ý để giải quyết tranh chấp bằng phương pháp hòa giải; nếu không đồng ý, sự việc sẽ được giải quyết theo quy định của BLTTDS, Luật tố tụng hành chính.
Quá trình hòa giải có sự tham gia của bên thứ ba là hòa giải viên giữ vai trò làm trung gian. Với vai trò trung lập, hòa giải viên có nhiệm vụ thuyết phục các bên tìm được tiếng nói chung để dàn xếp mâu thuẫn một cách nhanh chóng và ổn thỏa. Hòa giải viên luôn phải tôn trọng sự tự nguyện của các bên, nội dung thỏa thuận, thống nhất phải phản ánh đúng với ý chí của các bên tham gia hòa giải, tuyệt đối không có yếu tố đe dọa, ép buộc các bên tham gia thỏa thuận, trái ý chí của họ.
Nguyên tắc bảo mật thông tin là nguyên tắc cơ bản của Luật Hòa giải tại Tòa án, theo đó các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải phải được giữ bí mật; trừ trường hợp các bên đã xuất trình tài liệu để sử dụng làm bằng chứng hoặc chứng cứ trong quá trình hòa giải. Để thực hiện hòa giải thành, các hòa giải viên khi nghiên cứu vụ án cần tìm hiểu rõ bản chất của sự việc: nguyên nhân phát sinh sự việc, diễn biến trong quá trình vụ việc xảy ra, lời khai và lý lẽ của các bên đương sự, …
Những thông tin liên quan đến vụ án có thể là những bí mật cá nhân của các bên tranh chấp, đây là những thông tin mà hòa giải viên cần tôn trọng và không được phép tiết lộ. Tuy nhiên, hòa giải viên cũng cần có sự tinh tế và phán đoán tốt để phân biệt được việc không để lộ thông tin cá nhân và việc che giấu thông tin về hành vi vi phạm của mình.
Phương thức hòa giải linh hoạt là đặc điểm nổi bật của cơ chế hòa giải tại Tòa án. Việc tiến hành hòa giải không bị gò bó theo trình tự và thủ tục chặt chẽ như trong BLTTDS, Luật tố tụng hành chính mà các cơ quan nhà nước xét xử phải tuân theo. Trong quá trình diễn ra hòa giải, Hòa giải viên được phép điều chỉnh các phương pháp, thời gian, địa điểm tiến hành hòa giải sao cho phù hợp với điều kiện của các bên nhằm sớm đạt được kết quả hòa giải thành.
3. Phạm vi hòa giải:
Hòa giải gắn với Tòa án với vai trò là phương thức giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp giữa các bên, đưa đương sự đến thỏa thuận, cùng nhau tự nguyện giải quyết những bất đồng trên tinh thần thiện chí, nhằm gìn giữ sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phạm vi điều chỉnh của việc hòa giải được thực hiện là các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của BLTTDS khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự và các bên đồng ý hòa giải tại Tòa án. Phạm vi hòa giải được giới hạn chặt chẽ bởi 3 yếu tố:
– Đó phải là những tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Khi hòa giải những tranh chấp trên, hòa giải viên chỉ có quyền thuyết phục và giải thích để các bên hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình, ngoài ra sẽ không thực hiện sâu vào các vấn đề pháp luật quy định thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan nhà nước, như: phân xử việc ly hôn, chấm dứt quyền nuôi con....
– Đương sự đã có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính nhưng Tòa án chưa thụ lý, chưa giải quyết vụ việc. Trung tâm hòa giải, đối thoại sẽ nhận lại các yêu cầu này được gửi sang từ Tòa án để thực hiện quá trình tiếp nhận và xử lý các đơn khởi kiện, đơn yêu cầu.
– Các bên đồng ý hòa giải tại Tòa án. Hoạt động này có tính chất thuyết phục dựa vào lý lẽ và dẫn chứng mà hòa giải viên đưa ra, đưa các bên đạt được tiếng nói chung chứ không phải sự áp đặt, vì thế các hành vi trong quá trình hòa giải đều mang tính chất tự nguyện. Mục đích hướng đến của việc hòa giải là làm cho các bên tự nguyện chấm dứt những xung đột hoặc có thể ngồi lại để thương lượng với nhau về những vấn đề đang diễn ra.