Cơ sở pháp luật Việt Nam quy định về khởi kiện vụ án dân sự

Khởi kiện vụ án dân sự được xây dựng dựa trên cơ sở quyền con người, cơ sở đường lối của Đảng về hoạt động tư pháp, mối liên hệ giữa luật nội dung và luật tố tụng dân sự, các nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự, vai trò của từng đương sự.

1. Khởi kiện vụ án dân sự được xây dựng trên cơ sở quyền con người:

Con người khi sinh ra đã được xã hội thừa nhận bằng quyền được sống, đồng thời, con người phải có các quyền và lợi ích vật chất, tinh thần để tồn tại và phát triển. Vì vậy, trong hệ thống pháp lý quốc tế như Tuyên ngôn thế giới, các Công ước quốc tế đã ghi nhận và đề cao quyền con người. Dựa trên hệ thống pháp lý này, mà pháp luật của tất cả các nước trên thế giới đều ghi nhận quyền con người. Ở Việt Nam, quyền con người cũng được Đảng và Nhà nước tôn trọng tuyệt đối thông qua việc ghi nhận trong Hiến pháp về các quyền cơ bản của công dân. Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, hệ thống pháp luật quốc gia đã cụ thể hoá các quyền con người, trong đó có quyền dân sự và quyền tố tụng dân sự.

– Hệ thống pháp luật tố tụng dân sự nằm trong hệ thống pháp luật quốc gia nên các quy định của pháp luật tố tụng dân sự là sự cụ thể hóa về quyền con người trong lĩnh vực tư pháp. Các quyền này phải thể hiện được các nguyên tắc cơ bản về tố tụng dân sự, được xây dựng theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đương sự có thể bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của mình chống lại mọi sự cản trở hoặc gây tổn hại đến đương sự trong việc đòi công lý.

Ngoài ra, các quyền tố tụng của đương sự nói chung và quyền khởi kiện vụ án dân sự nói riêng phải thể hiện được vị trí, vai trò và trách nhiệm của Tòa án, của người tiến hành tố tụng trong việc bảo đảm công lý được thực thi. Theo góc nhìn này thì các quy định về quyền tố tụng của đương sự trong các văn bản quy phạm pháp luật về tố tụng dân sự như BLTTDS sửa đổi và các văn bản hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao phải là sự cụ thể hóa quyền con người, tạo cơ chế bảo vệ quyền con người một cách thiết thực và hiệu quả.

2. Khởi kiện vụ án dân sự được xây dựng trên cơ sở đường lối của Đảng về hoạt động tư pháp:

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa đã khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước đã và đang thực hiện chủ trương lớn và nhiệm vụ cấp bách đó là xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Nhà nước thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Trong Nhà nước pháp quyền thì quyền tư pháp là một bộ phận của quyền lực nhà nước và giữ một vai trò đặc biệt quan trọng. Quyền tư pháp được thực hiện thông qua hoạt động của các cơ quan tư pháp, trong đó hoạt động xét xử của Tòa án thể hiện tập trung nhất quyền tư pháp, thể hiện nền công lý, sự công bằng và bình đẳng của các chủ thể trước pháp luật, và là cơ quan Nhà nước duy nhất được quyền nhân danh Nhà nước đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật tố tụng dân sự.

Theo đánh giá của Bộ Chính trị “Nhìn chung hệ thống pháp luật nước ta vẫn chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, tính khả thi thấp, chậm đi vào cuộc sống. Cơ chế xây dựng, sửa đổi pháp luật còn nhiều bất hợp lý và chưa được coi trọng đổi mới, hoàn thiện. Tiến độ xây dựng luật và pháp lệnh còn chậm, chất lượng các văn bản pháp luật chưa cao. Việc nghiên cứu và tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên chưa được quan tâm đầy đủ. Hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế. Thiết chế bảo đảm thi hành pháp luật còn thiếu và yếu”.

Chính vì vậy, Bộ chính trị trong những năm gần đây liên tục đưa ra nhiều chiến lược quan trọng về việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp. Cụ thể, tại Nghị quyết số 48-NQTW ngày 24 tháng 5 năm 2005 nhấn mạnh “Trọng tâm là hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân, bảo đảm Tòa án xét xử độc lập, đúng pháp luật, kịp thời và nghiêm minh; phân định thẩm quyền xét xử của Tòa án sơ thẩm và Tòa án phúc thẩm phù hợp với nguyên tắc hai cấp xét xử. Hoàn thiện cơ chế quản lý Tòa án nhân dân địa phương theo hướng bảo đảm tính độc lập giữa các cấp Tòa án trong hoạt động xét xử”.

Tiếp sau đó, Bộ chính trị vạch ra chiến lược cải cách tư pháp tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 với mục tiêu “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao” và nhiệm vụ đặt ra là “Tiếp tục hoàn thiện thủ tục tố tụng dân sự. Nghiên cứu thực hiện và phát triển các loại hình dịch vụ từ phía nhà nước để tạo điều kiện cho các đương sự chủ động thu thập chứng cứ chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đổi mới thủ tục hành chính trong các cơ quan tư pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý; người dân chỉ nộp đơn đến Tòa án, Tòa án có trách nhiệm nhận và thụ lý đơn. Khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; Tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó”[29].

Như vậy, theo định hướng cải cách tư pháp trên thì việc xây dựng và hoàn thiện các quy định về quyền khởi kiện vụ án dân sự của đương sự phải được tiến hành theo định hướng tạo điều kiện cho các đương sự chủ động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý và tham gia tố tụng tại Tòa án, các quyền thương lượng, hòa giải phải được khuyến khích và phải có cơ chế hỗ trợ việc ghi nhận quyền thỏa thuận của đương sự.

3. Khởi kiện vụ án dân sự được xây dựng dựa trên mối liên hệ giữa luật nội dung và luật tố tụng dân sự:

Theo Điều 2 Bộ luật dân sự năm 2015, quy định về nguyên tắc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự như sau “1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền dân sự được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật; 2. Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”.

Về mối liên hệ giữa luật nội dung và luật tố tụng, TS. Trần Anh Tuấn đã dẫn quan điểm học thuật của các tố tụng gia Pháp như sau “Khi nghiên cứu về về mối liên hệ giữa luật nội dung và luật tố tụng, giáo sư N.FRICERO cho rằng “Mối liên hệ giữa tố quyền và quyền lợi (quyền chủ quan) là không thể phủ nhận: quyền lợi (quyền chủ quan) là đối tượng của tố quyền, và học lý phân loại các tố quyền căn cứ vào đối tượng này: tố quyền động sản có đối tượng là một quyền lợi động sản, tố quyền bất động sản là một quyền lợi bất động sản, tố quyền đối nhân dùng cho một quyền lợi đối nhân, và quyền lợi đối vật được sinh ra từ một hành vi pháp lý”. Như vậy, quyền lợi gắn liền với quan hệ pháp luật dân sự, hôn nhân gia đình, thương mại, lao động chính là đối tượng của quyền khởi kiện và là cơ sở của quyền này”.

Theo góc nghiên cứu này, trước khi tham gia vào một quan hệ tố tụng dân sự cụ thể thì các đương sự chính là chủ thể của quan hệ dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động. Trong các quan hệ dân sự theo nghĩa rộng này thì các chủ thể có các quyền dân sự nhất định và chỉ khi một trong các quyền dân sự của chủ thể bị xâm phạm thì chủ thể đó mới có quyền tự bảo vệ hoặc yêu cầu Tòa án bảo vệ. Như vậy, các quyền dân sự của chủ thể là cơ sở của quyền tố tụng dân sự nói chung và quyền khởi kiện vụ án dân sự nói riêng.

Tuỳ thuộc vào từng loại quyền dân sự bị vi phạm thì các chủ thể đó được pháp luật cho phép thực hiện các quyền tố tụng tương ứng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Theo đó, tùy trường hợp mà quyền khởi kiện có thể hướng tới hành vi của chủ thể hoặc các vật cụ thể và quyền tham gia tố tụng của đương sự được thực hiện tại Tòa án nào cũng được nhà lập pháp cân nhắc. Ngoài ra, quyền khởi kiện vụ án dân sự của đương sự phải được thể hiện trong pháp luật theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đương sự có thể bảo vệ được quyền dân sự của mình khi Tòa án nhận đơn, xác định các điều kiện khởi kiện và bảo đảm cho đương sự thực hiện quyền khởi kiện của mình tại Tòa án.

4. Khởi kiện vụ án dân sự được xây dựng dựa trên các nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự:

Nguyên tắc của luật tố tụng dân sự Việt Nam là những tư tưởng pháp lý chỉ đạo, định hướng cho việc xây dựng và thực hiện pháp luật tố tụng dân sự và được ghi nhận trong các văn bản pháp luật tố tụng dân sự.

Hệ thống các nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng dân sự Việt Nam hiện hành được quy định tại các điều từ Điều 3 đến Điều 25 BLTTDS năm 2015. Nội dung của các nguyên tắc này thể hiện về những vấn đề cơ bản của tố tụng dân sự như tính pháp chế xã hội chủ nghĩa của hoạt động tố tụng dân sự; nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Tòa án; bảo đảm quyền tham gia tố tụng của các đương sự; trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; vai trò trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức khác đối với việc giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án.

Các nguyên tắc cơ bản của tố tụng dân sự là tư tưởng chỉ đạo để xây dựng các quy định cụ thể về tố tụng dân sự. Do vậy, khi xây dựng các quyền tố tụng cho đương sự phải dựa trên các nguyên tắc cơ bản của tố tụng dân sự và phù hợp với các nguyên tắc này. Có thể nhận thấy quyền khởi kiện của đương sự được ghi nhận phải xuất phát và thể hiện các nguyên tắc cơ bản của tố tụng dân sự như nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự; nguyên tắc hai cấp xét xử; nguyên tắc quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp; nguyên tắc cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự; nguyên tắc bình đẳng trong tố tụng dân sự; nguyên tắc bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo trong tố tụng dân sự; nguyên tắc bảo đảm sự vô tư của người tiến hành tố tụng; nguyên tắc bảo đảm quyền tranh luận trong tố tụng dân sự; nguyên tắc trách nhiệm cung cấp chứng cứ của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

5. Khởi kiện vụ án dân sự được xây dựng dựa trên vị trí, vai trò của từng đương sự:

Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Đương sự trong vụ án dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền

lợi, nghĩa vụ liên quan; đương sự trong việc dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm người yêu cầu giải quyết việc dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.

Trong nhóm người tham gia tố tụng dân sự thì đương sự là người tham gia tố tụng dân sự trọng tâm và nổi bật nhất. Tùy theo từng mô hình tố tụng dân sự của

mỗi nước xây dựng trong luật của mình mà vai trò của đương sự được quy định có thể có sự khác biệt. Trong mô hình tố tụng tranh tụng, đương sự có vai trò quyết định các hoạt động tố tụng, có quyền chủ động quyết định đến sự tham gia tố tụng của các chủ thể khác. Tòa án trong mô hình này chỉ giống như trọng tài đưa ra phán quyết cuối cùng. Ngược lại, trong mô hình tố tụng thẩm xét, Tòa án lại là chủ thể giữ vị trí trung tâm, đương sự không được hoàn toàn chủ động điều khiển quá trình tố tụng, các bên đương sự cung cấp chứng cứ để thuyết phục Thẩm phán ủng hộ mình.

Về bản chất, đương sự trong vụ án dân sự hay đương sự trong việc dân sự đều có đặc điểm chung là người tham gia tố tụng dân sự để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Hay nói cách khác, họ là chủ thể có quyền, lợi ích cần được giải quyết trong vụ việc dân sự phát sinh tại Tòa án.

Trong văn bản pháp luật trước đây, xác định tư cách đương sự chỉ bao gồm nguyên đơn và bị đơn, cụ thể “Địa vị tố tụng của mỗi đương sự trong một vụ kiện phản ánh mối quan hệ giữa các đương sự với nhau trong một quan hệ pháp luật nhất định nào đó, người có quyền lợi bị xâm phạm ra trước Tòa án với tư cách là nguyên đơn và người có quyền lợi liên quan hoặc phải chịu trách nhiệm tham gia vụ kiện ở vị trí bị đơn”. Như vậy, có thể thấy, thời kỳ này chưa xuất hiện địa vị tố tụng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà nó được gộp chung với tư cách của bị đơn. Tuy nhiên, để quyền và lợi ích hợp pháp của từng đương sự được bảo vệ hiệu quả, pháp luật ở các thời kỳ sau đã có sự thay đổi, cụ thể tại Điều 68 nêu trên.

Theo nguyên tắc, đương sự khi tham gia quan hệ pháp luật tố tụng đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ tố tụng. Bình đẳng ở đây thể hiện, khi một bên đưa ra yêu cầu, chứng cứ, lý lẽ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì bên kia được quyền biết về yêu cầu và được đưa ra yêu cầu, chứng cứ, lý lẽ để phản bác lại đối phương, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Khi căn cứ và mục đích tham gia tố tụng và địa vị pháp lý của từng đương sự, pháp luật lại quy định cho họ những quyền tố tụng riêng biệt.

Đối với nguyên đơn, họ là người khởi kiện khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm nên ngoài những quyền tố tụng của đương sự, họ còn có quyền rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, thay đổi nội dung yêu cầu khởi kiện. Đối với bị đơn, họ là người bị nguyên đơn khởi kiện, vì vậy họ phải có quyền được thông báo về việc bị khởi kiện, có quyền chấp nhận hoặc bác bỏ một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn.

Ngoài ra, bị đơn còn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn. Đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, là người mà khi Tòa án giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng. Do đó, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền đưa ra yêu cầu độc lập hoặc tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc bên bị đơn.

Theo dõi chúng tôi trên
5/5(1
bình chọn
)

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com