Các quy định về điều kiện để được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất? Các quy định về đối tượng được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất?
1. Các quy định về đối tượng được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất:
– Đối tượng được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 bao gồm: tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; người Việt Nam định cư ở nước ngoài; cộng đồng dân cư; cơ sở tôn giáo; tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (Điều 5).
Có thể thấy, so với Luật Đất đai năm 2003 thì Luật Đất đai năm 2013 đã bỏ trường hợp người sử dụng đất là cá nhân, tổ chức nước ngoài đầu tư vào Việt Nam theo pháp luật đầu tư và được Nhà nước cho thuê đất. Đồng thời, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là đối tượng mới được Luật Đất đai năm 2013 bổ sung.
– Đối tượng được xem xét hỗ trợ theo quy định tại Nghị định 47/2014/NĐ CP thì đối tượng được hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất không chỉ giới hạn ở người có đất bị thu hồi mà còn bao gồm các đối tượng bị tác động bởi hoạt động thu hồi đất. Trong đó, đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ ổn định đời sống bao gồm các đối tượng được quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định 47/2014/NĐ CP, bao gồm các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức kinh tế, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thể hiện cụ thể tại điều Luật này.
Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm bao gồm hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi đất nông nghiệp. Tuy nhiên, không phải mọi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp đều được hưởng chính sách hỗ trợ này. Theo quy định tại Điều 20 Nghị định 47/2014/NĐ–CP thì hộ gia đình, cá nhân là cán bộ, công nhân viên của nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp thì sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm.
Ngoài ra, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ cũng là đối tượng được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm theo quy định tại Điều 84 Luật Đất đai năm 2013.
– Đối tượng được bố trí tái định cư được quy định tại Điều 86 Luật Đất đai năm 2013 và Điều 22 Nghị định 47/2014/NĐ–CP là hộ gia đình, cá nhân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất ở mà phải di chuyển nơi ở.
Việc Luật Đất đai năm 2013 mở rộng thêm đối tượng được bồi thường, hỗ trợ so với quy định của Luật Đất đai năm 2003 là rất cần thiết, đảm bảo quyền lợi cho người bị thu hồi đất. Mặt khác, việc quy định mở rộng đối tượng được bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi là phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế thế giới, xóa dần những khác biệt về quyền sử dụng đất giữa người Việt Nam trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tạo sự bình đẳng trong quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, mở ra môi trường đầu tư hấp dẫn, khuyến khích các chủ thể đầu tư vào Việt Nam.
2. Các quy định về điều kiện để được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất:
2.1. Điều kiện được bồi thường về đất:
Như đã phân tích, không phải bất cứ mọi trường hợp Nhà nước thu hồi đất thì người sử dụng đất cũng được bồi thường mà chỉ khi Nhà nước thu hồi đất phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Đồng thời, để được hưởng chính sách bồi thường từ Nhà nước thì người bị thu hồi đất cũng phải đáp ứng được các điều kiện do pháp luật quy định cụ thể tại Điều 75 Luật Đất đai năm 2013.
Một điều kiện chung nhất và có tính quan trọng nhất đó là người có đất bị thu hồi phải có căn cứ chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp của mình đối với diện tích đất bị thu hồi. Theo đó, pháp luật quy định người sử dụng đất phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi chung là Giấy chứng nhận).
Theo quy định tại khoản 1, Điều 3 Luật Đất đai thì đây là loại chứng thư pháp lý có giá trị cao nhất để xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất và là cơ sở để người sử dụng đất có thể thực hiện được các quyền năng do pháp luật quy định (chuyển nhượng, thừa kế, tặng, cho...). Trường hợp, không có Giấy chứng nhận thì người bị thu hồi đất phải thuộc các trường hợp đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại các Điều 100, Điều 101 và Điều 102 Luật Đất đai năm 2013.
Theo đó, các trường hợp không có Giấy chứng nhận hoặc không đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận thì sẽ không được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, trừ trường hợp đất nông nghiệp sử dụng trước ngày 01/7/2004 mà người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp không có Giấy chứng nhận hoặc không đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất); nguồn gốc sử dụng đất không phải là thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm (quy định tại khoản 2 Điều 77 Luật Đất đai năm 2013).
Khi quy định về điều kiện để người bị thu hồi đất được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất thì nguồn gốc sử dụng đất và hình thức thực hiện nghĩa vụ tài chính cũng là một trong những điều kiện để xem xét bồi thường cho các đối tượng. Điều 75 Luật Đất đai năm 2013 quy định cụ thể đối với từng đối tượng. Như vậy, đối với những trường hợp sử dụng đất mà có nguồn gốc là thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm thì sẽ không được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất.
Có thể thấy, so với Luật Đất đai năm 2003 thì Luật Đất đai năm 2013 đã quy định một cách cụ thể và chi tiết về điều kiện để được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất đối với từng nhóm đối tượng. Bên cạnh đó, Luật Đất đai năm 2013 cũng ghi nhận cũng là đối tượng được bồi thường về đất nếu đáp ứng điều kiện mà pháp luật đã quy định. Đây là một điểm mới của Luật Đất đai năm 2013, góp phần tạo sự bình đẳng, công bằng giữa các đối tượng sử dụng đất, bởi cơ sở tôn giáo cũng là một trong những người sử dụng đất được pháp luật ghi nhận.
2.2. Điều kiện được hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất:
Thứ nhất, điều kiện được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất
Khoản 2 Điều 19 Nghị định 47/2014/NĐ–CP quy định về điều kiện để được hỗ trợ ổn định cuộc sống đó là: hộ gia đình, cá nhân, tổ chức kinh tế, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là đối tượng được hỗ trợ ổn định cuộc sống theo Khoản 1 Điều 19 Nghị định này; có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.
Thứ hai, điều kiện được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 84 Luật Đất đai năm 2013 thì:
– Trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi đất nông nghiệp và Nhà nước thực hiện việc bồi thường bằng việc thanh toán bằng tiền tương ứng với giá trị quyền sử dụng đất bị thu hồi thì các đối tượng bị thu hồi đất được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm.
– Các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ, phải có nguồn thu nhập chính từ hoạt động kinh doanh dịch vụ; đồng thời khi Nhà nước thu hồi đất dẫn đến họ phải di chuyển chỗ ở thì sẽ được hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh; trường hợp còn trong độ tuổi lao động sẽ được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm.
2.3. Điều kiện được hưởng chính sách tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất:
Theo quy định của pháp luật hiện hành, điều kiện để người có đất bị thu hồi được hưởng chính sách tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đó là: Nhà nước thu hồi hết đất ở hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau khi thu hồi không đủ điều kiện về diện tích tối thiểu để được công nhận quyền sử dụng đất ở; đồng thời phải có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.