Định tội danh đối với các tội phạm về ma túy là gì? Đặc điểm của hoạt động định tội danh các tội phạm về ma túy? Ý nghĩa của hoạt động định tội danh các tội phạm về ma tuý?
1. Định tội danh đối với các tội phạm về ma túy là gì?
Định tội danh đối với các tội phạm về ma túy là hoạt động thực tiễn dựa trên các căn cứ pháp lý cụ thể được quy định từ Điều 247 đến Điều 259 Chương XX của BLHS về các tội phạm về ma túy. Trên cơ sở các quy định này, các cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét, đánh giá hành vi đã thực hiện trên thực tế có thỏa mãn dấu hiệu của tội phạm được quy định trong Chương XX của BLHS và sau đó xác định trách nhiệm của người phạm tội. Cơ sở chứng cứ, các tình tiết thực tế và tài liệu thu thập được của vụ án là những căn cứ quan trọng cho hoạt động định tội danh. Thông qua đó, cơ quan, cá nhân được trao thẩm quyền sẽ đối chiếu, đánh giá sự phù hợp giữa các tình tiết thuộc hành vi nguy hiểm cho xã hội xảy ra trên thực tế với các dấu hiệu CTTP của một tội phạm ma túy cụ thể được quy định trong Chương XX của BLHS nhằm tìm ra tên tội cho hành vi.
Theo nhận thức chung hiện nay, “định tội danh đối với các tội phạm về ma túy là hoạt động áp dụng pháp luật hình sự được thực hiện bởi các cơ quan tiến hành tố tụng (Tòa án, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra) với nội dung là đối chiếu, so sánh nhằm xác định sự phù hợp khách quan giữa hành vi phạm tội về ma túy (dấu hiệu pháp lý, hậu quả pháp lý.) xảy ra trên thực tế với các quy định của bộ luật hình sự để kết tội, quyết định hình phạt và các trách nhiệm pháp lý khác đối với người phạm tội”.
Trong phạm vi luận văn này, tác giả tập trung nghiên cứu và đánh giá về định tội danh đối với 04 loại tội phạm: Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249 BLHS); Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250 BLHS); Tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251 BLHS) và Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 256 BLHS).
2. Đặc điểm của hoạt động định tội danh các tội phạm về ma túy:
Thứ nhất, định tội danh các tội phạm về ma túy là một quá trình nhận thức phức tạp
Cũng như luật hình sự của nhiều quốc gia trên thế giới, Luật hình sự Việt Nam thường phân chia tội phạm nói chung (hành vi nguy hiểm cho xã hội) thành các tội riêng lẻ với những đặc trưng nhất định và có tên gọi khác nhau. Đối với mỗi loại mỗi tội phạm thì đều có một điều luật tương ứng điều chỉnh riêng về loại tội phạm đó, tên của điều luật này chính là tội danh tên gọi của tội phạm (tội danh). Ở mỗi điều luật đểu thường có phần mô tả các hành động hoặc không hành động của chủ thể, các thiệt hại, đối tượng bị tác động, lỗi của kẻ phạm tội... Đây là các yếu tố của CTTP, cho phép xác định những hành vi thỏa mãn các dấu hiệu này và một số các dấu hiệu được ghi nhận trong các điều luật thuộc Phần chung của BLHS (về năng lực TNHS, tuổi, lỗi, thời hiệu truy cứu TNHS...) là tội phạm với tội danh là tên của điều luật.
Hoạt động định tội danh đòi hỏi người được trao thẩm quyền phải nhận thức được các quy định của pháp luật hình sự nói chung cũng như các quy định về tội phạm cụ thể, từ đó đưa ra kết luận về loại tội phạm thông qua việc xác định điều luật thuộc Phần các tội phạm cụ thể trực tiếp điều chỉnh tội phạm.
Thứ hai, định tội danh là một quá trình nhận thức gồm nhiều giai đoạn khác nhau
Đầu tiên, cần xác định một hành vi là tội phạm: thông qua những căn cứ, sự kiện xảy ra trên thực tiễn để khẳng định hành vi có nguy hiểm cho xã hội, có được quy định là tội phạm theo định nghĩa về tội phạm tại Điều 8 BLHS hay không?
Tiếp theo, xác định nhóm các quy phạm pháp luật hình sự điều chỉnh tội phạm: tức là xác định tội phạm được quy định tại điều luật nào của BLHS thông qua việc xác định nhóm khách thể bị xâm hại.
Cuối cùng, cần xác định điều luật trực tiếp điều chỉnh tội phạm: hầu hết các tội phạm đều có những đặc trưng nhất định, phân biệt giữa loại tội phạm này với loại tội phạm khác; và được quy định trong luật hình sự. Đó chính là dấu hiệu bắt buộc, sự tổng hợp của các dấu hiệu này trong khoa học luật hình sự gọi là CTTP (cơ bản). Để có thể đưa ra kết luận bất kể hành vi có phạm tội hay không và cụ thể là tội phạm nào đòi hỏi các cá nhân được trao thẩm quyền có nghĩa vụ phải chứng minh được hành vi thực tế đã thoả mãn đầy đủ các dấu hiệu của CTTP cơ bản, loại trừ một số trường hợp đặc biệt như chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, hoặc đồng phạm.
Trên thực tế, các hoạt động định tội danh có thể diễn ra đồng thời, đan xen, bổ trợ cho nhau khó có thể phân tích chính xác. Người được trao thẩm quyền định tội danh cần phải nhận thức về các tình tiết của vụ việc trong sự so sánh, đối chiếu với tất cả các quy định của pháp luật hình sự có liên quan đến tội phạm đó: quy định về năng lực TNHS, độ tuổi, thời hiệu truy cứu TNHS, hành vi, hậu quả, lỗi...Toàn bộ các quy định của BLHS về tội phạm cũng như các trường hợp loại trừ TNHS tạo thành hệ quy chiếu, khuôn mẫu, làm căn cứ xem xét hành vi thực tế có là tội phạm hay không phải được người tiến hành định tội danh nắm rõ.
Thứ ba, chủ thể định tội danh
Trong giải quyết vấn đề TNHS của chủ thể trước Nhà nước, định tội danh là hoạt động bắt buộc thông qua các giai đoạn: Khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, cụ thể được thực hiện bởi của tất cả các cơ quan tiến hành tố tụng như Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án. Bị can chỉ có thể bị khởi tố, hay bị áp dụng bất kỳ hậu quả bất lợi nào do việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội khi và chỉ khi các cơ quan có thẩm quyền phải gọi tên được tội danh mà kẻ phạm tội đã phạm phải tức là chứng minh được rằng có thể đã thực hiện một tội phạm cụ thể mà BLHS quy định.
Việc định tội danh của các cơ quan tiến hành tố tụng, trực tiếp giải quyết vụ án hình sự đều được thể hiện rõ trong các văn bản như: Bản án, cáo trạng hay quyết định khởi tố bị can, kết luận điều tra,…Hệ quả pháp lý của hoạt động định tội danh sẽ có ảnh hưởng trực tiếp tới các quyền và nghĩa vụ của người thực hiện tội phạm. Nó có thể dẫn đến việc áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn, đình chỉ vụ án, miễn TNHS, miễn hình phạt...Tội danh có thể được xác định thống nhất trong suốt quá trình giải quyết vụ án; tuy nhiên, trong một số vụ án tội danh cũng có thể thay đổi qua các giai đoạn. Thông qua bản án kết tội có hiệu lực pháp luật, Tòa án thể hiện chính thức quan điểm của Nhà nước về hành vi phạm tội và đây cũng là cơ quan duy nhất có thẩm quyền định tội danh pháp lý khẳng định TNHS. Nội dung này được quy định rõ trong Hiến pháp và Bộ luật Tố tụng hình sự: Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật .
3. Ý nghĩa của hoạt động định tội danh các tội phạm về ma tuý:
Ý nghĩa về phương diện chính trị – xã hội
Thứ nhất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền và người có thẩm quyền trong các cơ quan đó thực hiện hoạt động định tội danh chính thức đối với tội phạm về ma túy theo quy định của pháp luật. Đây là hoạt động thực hiện quyền lực nhà nước. Chính vì vậy, tính chính trị sâu sắc được thể hiện rất rõ qua hoạt động định tội danh đối với tội phạm về ma túy:
Nhà nước ban hành các quy định pháp luật hình sự với mục đích quản lý các chất ma túy, bảo vệ an ninh và trật tự xã hội. Do đó, khi hoạt động định tội danh đối với tội phạm về ma túy được thực hiện trên thực tế đã góp phần đưa các quy định của pháp luật hình sự vào thực tiễn cuộc sống. “Đạo luật hình sự thể hiện ý chí về mặt Nhà nước của nhân dân ta đối với vấn đề đấu tranh với tình hình tội phạm...” – GS. TS Võ Khánh Vinh chia sẻ . Việc thực hiện chính sách của Nhà nước nhằm khắc phục tình trạng tội phạm ở nước ta chỉ đạt được hiệu quả khi tuân thủ nghiêm chỉnh đạo luật hình sự trong quá trình định tội danh, đây là điều kiện cần thiết và quan trọng. Và theo Lênin: “Một đạo luật là một biện pháp chính trị, là chính trị” . Chính vì thế, để thực thi đúng biện pháp chính trị, thực thi đúng ý chí của nhân dân đã được thể hiện trong luật, bảo vệ có hiệu quả các lợi ích của xã hội, của Nhà nước và của con người, của công dân thì cần phải đảm bảo việc định đúng tội danh.
Định tội danh đối với tội phạm về ma túy là hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền mang tính chất mệnh lệnh — phục tùng, áp đặt một chiều đối với đối tượng phạm tội. Hoạt động này thể hiện quyền lực chính trị trong thực tiễn đời sống xã hội.
Thứ hai, định tội danh đối với tội phạm về ma túy là hoạt động mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Ý nghĩa xã hội của hoạt động này thể hiện qua một số khía cạnh sau đây:
Thông qua hoạt động định tội danh đối với tội phạm về ma túy, Nhà nước ta đã thực hiện một cách nghiêm túc, có trách nhiệm đối với những cam kết quốc tế về quyền con người thông qua việc bảo đảm về an toàn và an ninh, trật tự xã hội, đấu tranh phòng chống lại hành vi vi phạm tội này.
Bên cạnh đó, trên khía cạnh thực hiện hoạt động định tội danh, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc bảo vệ sinh mạng chính trị cho người dân. Định tội danh đối với tội phạm về ma túy xảy ra theo hai hướng: khẳng định là không có tội hoặc khẳng định là có tội. Do đó, hoạt động định đúng tội danh góp phần quan trọng trong việc phòng, chống việc lạm dụng quyền lực của một số người có chức, có quyền xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân; đảm bảo không có các vụ án oan sai trên thực tế; góp phần củng cố lòng tin của người dân vào công lý và sự chí công, vô tư của các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Ý nghĩa về phương diện pháp lý
Xét trên phương diện pháp lý, có thể khẳng định rằng hoạt động định tội danh đối với tội phạm về ma túy được thực hiện một cách nghiêm túc, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật sẽ là tiền đề và cơ sở để áp dụng các quy định của pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự.
Đối với pháp luật hình sự: Hoạt động định tội danh đối với tội phạm ma túy là căn cứ, cơ sở để áp dụng những chế tài hình sự được quy định tại Chương Các tội phạm về ma túy trong BLHS. Đồng thời, cũng là căn cứ, cơ sở để áp dụng các quy định khác như các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, quy định về nguyên tắc xử lý, quyết định hình phạt, miễn hình phạt, miễn trách nhiệm hình sự, miễn, giảm thời hạn chấp hành hình phạt, án treo, xóa án tích. Do đó, việc định đúng tội danh các tội phạm về ma túy sẽ tạo tiền đề cho việc quyết định hình phạt công bằng với người phạm tội, cũng như tránh được việc kết án không có căn cứ đối với những cá nhân không có hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Đối với pháp luật tố tụng hình sự: Định tội danh đối với tội phạm về ma túy chính là cơ sở để xác định thẩm quyền cũng như thời hạn điều tra, truy tố, xét xử hay là cơ sở để xác định thời hạn áp dụng các biện pháp ngăn chặn phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành đối với người phạm tội.
Ngược lại, định tội danh sai sẽ dẫn đến một loạt hậu quả tiêu cực như: không đảm bảo được tính công minh, có căn cứ và đúng pháp luật của hình phạt do Tòa án quyết định, truy cứu TNHS người vô tội, bỏ lọt kẻ phạm tội, thậm chí có thể xâm phạm, ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự, nhân phẩm và các quyền tự, tự do của công dân như là những giá trị cao quý nhất được thừa nhận chung trong nhà nước pháp quyền, cũng như xâm phạm pháp chế, đồng thời còn làm giảm uy tín và hiệu lực của các cơ quan bảo vệ pháp luật và Tòa án, giảm hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm,...