Đối tượng của kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm? Chủ thể và phạm vi kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm vụ án hình sự?
1. Đối tượng của kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm:
Bộ luật tố tụng hình sự 2015 không quy định đối tượng của kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm tại một điều luật nhất định. Căn cứ Điều 330, Điều 336 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì đối tượng của kháng nghị phúc thẩm hình sự là các bản án, quyết định hình sự sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Tại khoản 1 Điều 230 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị”. Như vậy, đối tượng của kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm là bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật.
Theo tác giả Đinh Văn Quế: “Bản án hoặc quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật là những bản án, quyết định sơ thẩm còn trong thời hạn kháng cáo hoặc kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm”. Sau khi xét xử sơ thẩm, bản án và các quyết định sơ thẩm sẽ không có hiệu lực pháp luật ngay. Pháp luật tố tụng hình sự sẽ quy định một khoảng thời gian nhất định trước khi bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực để các chủ thể của kháng cáo, kháng nghị thực hiện quyền kháng cáo, kháng nghị của mình. Đối với bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật sẽ không phải là đối tượng của kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm nữa mà sẽ trở thành đối tượng của kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc kháng nghị tái thẩm.
Đối với đối tượng của kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm hình sự là bản án sơ thẩm, tại khoản 1 Điều 260 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định tương đối rõ ràng bản án là quyết định bằng văn bản của Tòa án nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xét xử một vụ án. Bản án là những phán quyết của HĐXX và phải tuân thủ những nội dung và hình thức theo quy định tại điều 260 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Đồng thời, tất cả các bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật đều có thể là đối tượng của kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm hình sự.
Khoản 2 Điều 330 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định cụ thể các quyết định sơ thẩm có thể bị kháng nghị bao gồm: “Quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị là quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo và quyết định khác của Tòa án cấp sơ thẩm theo quy định của Bộ luật này”. Căn cứ vào quy định này, có thể thấy được đối tượng của kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm là quyết định sơ thẩm gồm: Quyết định tạm đình chỉ vụ án; Quyết định đình chỉ vụ án; Quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo; Quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo và Quyết định khác của Tòa án cấp sơ thẩm theo quy định tại Bộ luật này.
Bên cạnh đó, trong số các quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm trên luôn tồn tại một số quyết định vì tính chất đặc thù của nó nên việc thi hành là không thể trì hoãn, kể cả trong trường hợp kháng cáo, kháng nghị, nghĩa là quyết định đó phải có hiệu lực ngay kể từ khi ra quyết định, bất luận sau đó quyết định đó có bị kháng nghị phúc thẩm hay không, ví dụ: quyết định chuyển vụ án, quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung, quyết định thay đổi người tiến hành tố tụng. Từ đó, Bộ luật tố tụng hình sự gián tiếp quy định một số quyết định sơ thẩm không phải là đối tượng của kháng nghị phúc thẩm.
Tuy nhiên việc luật quy định về đối tượng kháng cáo là “những quyết định khác của Tòa án cấp sơ thẩm theo quy định của bộ luật này” còn mang tính khái quát, chưa cụ thể. Xét về nội dung, những quyết định của kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm là quyết định giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm. Hiện nay, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định một số quyết định là đối tượng của kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm như sau: quyết định khởi tố vụ án hình sự của HĐXX sơ thẩm(điểm c khoản 1 Điều 161); quyết định của Tòa án về việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh (khoản 2 Điều 453); quyết định của Tòa án về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện, hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện (khoản 11 Điều 368).
Theo tác giả Ngô Thanh Xuyên để xác định những quyết định là đối tượng của kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm phải dựa vào các tiêu chí sau:
“Thứ nhất: Phải là các quyết định sơ thẩm có liên quan trực tiếp đến việc xử lý vụ án, bị can, bị cáo. Thứ hai: Phải là những quyết định sơ thẩm có vi phạm pháp luật hoặc sai lầm mà nếu không kháng nghị thì sẽ không có thủ tục tố tụng nào để khắc phục. Thứ ba: Phải là những quyết định sơ thẩm nắm rõ về nội dung, hay phải là những quyết định sơ thẩm mà theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, Tòa án phải gửi ngay cho Viện kiểm sát.”
Ngoài ra, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 còn quy định các bản án, quyết định trong một số trường hợp có thể bị kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm. Cụ thể tại Điều 363: “Trường hợp bị cáo đang bị tạm giam mà Tòa án cấp sơ thẩm quyết định đình chỉ vụ án, tuyên bị cáo không có tội, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt cho bị cáo, hình phạt không phải là hình phạt tù hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo hoặc khi thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời hạn đã tạm giam thì bản án hoặc quyết định của Tòa án được thi hành ngay, mặc dù vẫn có thể bị kháng cáo, kháng nghị”. Hay như tại khoản 2 Điều 453:“Việc kháng cáo, kháng nghị quyết định của Tòa án về việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh được thực hiện như đối với quyết định sơ thẩm quy định tại Bộ luật này”.
2. Chủ thể và phạm vi kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm:
2.1. Chủ thể và phạm vi kháng cáo:
“Chủ thể của kháng cáo là những chủ thể tham gia tố tụng, có quyền lợi bị ảnh hưởng bởi bản án, quyết định của Tòa án hoặc là những người đại diện, bào chữa, bảo vệ cho chủ thể có quyền lợi bị ảnh hưởng.”. Các chủ thể có quyền kháng cáo chỉ được thực hiện quyền kháng cáo của mình trong giới hạn nhất định được gọi là phạm vi kháng cáo. “Phạm vi kháng cáo là giới hạn nội dung mà người kháng cáo được yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án hoặc xem xét lại quyết định để bảo vệ quyền lợi cho mình, cho người mình bào chữa, bảo vệ hoặc đại diện”.
So với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã bổ sung những người có quyền kháng cáo và điều chỉnh phạm vi kháng cáo cho phù hợp. Chủ thể và phạm vi kháng cáo của các chủ thể được quy định ở Điều 331 Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Theo đó, người có quyền kháng cáo gồm: Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ; người bào chữa của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người đại diện của họ, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất, người được Tòa án tuyên không có tội.
– Bị cáo, người đại diện của họ: Bị cáo và người đại diện của họ có quyền kháng cáo đối với toàn bộ bản án hoặc quyết định sơ thẩm. Theo Điều 61 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 bị cáo là người hoặc pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử và có quyền kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án.Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng này, pháp luật đã quy định quyền kháng cáo và phạm vi kháng cáo rất rộng cho bị cáo và người đại diệncủa họ. Khoản 1, Điều 331 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 cũng quy định: “Bị cáo .... người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm”.
Ngoài bị cáo, Điều 331 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 còn quy định người đại diện của bị cáo cũng là chủ thể có quyền kháng cáo bản án, quyết định sơ thẩm. Đối với bị cáo là cá nhân,Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 chưa có quy định nào về quyền của người đại diện được kháng cáo thay cho bị cáo. Tuy nhiên, theo quy định của Nghị quyết số 05/2005/NQ HĐTP Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ tư “Xét xử phúc thẩm” của Bộ luật tố tụng hình sự (NQ 05/2005), “Bị cáo, người đại diện hợp pháp (đại diện theo pháp luật) của bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo toàn bộ bản án hoặc quyết định sơ thẩm”.
Như vậy, trường hợp bị cáo là cá nhân dưới 18 tuổi, có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì người đại diện của bị cáo có quyền kháng cáo. Đối với bị cáo là pháp nhân thương mại điểm n Khoản 1 Điều 435 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định rõ, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có quyền kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án. Như vậy, bị cáo là pháp nhân sẽ thực hiện quyền kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án thông qua người đại diện theo pháp luật.
– Bị hại, người đại diện của họ: Việc ghi nhận quyền kháng cáo của bị hại là “sự ghi nhận quyền buộc tội của người bị hại” đối với bị cáo. Theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra. Bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án, quyết định sơ thẩm. Trường hợp bị hại chết, bị hại là người dưới 18 tuổi hoặc là người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì người đại diện của họ có quyền kháng cáo, “phạm vi quyền kháng cáo của những người này cũng như quyền của người bị hại”.
Trong những trường hợp bị hại là người dưới 18 tuổi, có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất, bị hại đã chết..., khi đó quyền kháng cáo của họ phải được thực hiện thông qua người đại diện của họ. Cụ thể, tại điểm m khoản 2 Điều 62 và khoản 1 Điều 331 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định người đại diện của bị hại có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm.
Theo tác giả Vũ Gia Lâm:
“Phạm vi quyền kháng cáo của người bị hại, đại diện hợp pháp của họ không chỉ giới hạn trong việc yêu cầu tăng hình phạt, áp dụng điều khoản BLHS về tội nặng hơn hoặc tăng mức bồi thường thiệt hại mà còn có thể có yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm kết tội bị cáo được Tòa án cấp sơ thẩm tuyên vô tội; áp dụng hình phạt đối với bị cáo được Tòa án cấp sơ thẩm miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt; yêu cầu tăng hình phạt tù đối với bị cáo được hưởng án treo và không cho bị cáo hưởng án treo hoặc không yêu cầu tăng hình phạt tù nhưng lại yêu cầu không cho bị cáo hưởng án treo như bản án sơ thẩm đã tuyên v.v..
– Người bào chữa: Khoản 1 Điều 72 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa. Để bảo vệ quyền và lợi ích của người bị buộc tội cũng như để pháp luật được áp dụng một cách chính xác nhất, pháp luật tố tụng hình sự đã quy định người bào chữa là một trong các chủ thể có quyền kháng cáo trong vụ án hình sự.
Theo khoản 2 Điều 72 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, những người có thể là người bào chữa (và từ đó có quyền kháng cáo) gồm: luật sư, người đại diện của người bị buộc tội, bào. chữa viên nhân dân, trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý. Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa (khoản 3 Điều 331 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).Đây là quyền kháng cáo độc lập không phụ thuộc vào ý chí của bị cáo và người đại diện. Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi cho người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất. Hơn nữa những đối tượng này là những đối tượng chưa rõ các quy định của pháp luật nên khó có thể phát hiện ra các sai sót trong bản án sơ thẩm để thực hiện quyền kháng cáo của mình.
Mặc dù Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định rõ người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, tuy nhiên trên thực tế, một số Tòa án cấp sơ thẩm lại có cách hiểu chưa chính xác dẫn đến áp dụng sai quy định này. Ví dụ: Trong vụ án Nguyễn Vũ Luân (sinh ngày 08/12/2001) phạm tội Cướp tài sản xảy ra vào ngày 03/3/2019 tại phường Bình Chiểu, quận thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh, tại thời điểm phạm tội bị cáo dưới 18 tuổi, tuy nhiên tại thời điểm xét xử sơ thẩm bị cáo đã trên 18 tuổi nhưng Tòa án sơ thẩm vẫn trao quyền kháng cáo cho Luật sư.
Cụ thể, tại Bản án sơ thẩm số 32 ngày 20/2/2020 của TAND quận Thủ Đức ghi rõ: “Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, các bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị cáo, người bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án”. Tòa án cấp sơ thẩm xét xử vụ án vào ngày 20/02/2020 khi bị cáo Luân đã trên 18 tuổi nên Luật sư bào chữa cho bị cáo không có quyền kháng cáo.Do đó, HĐXX phúc thẩm đã không chấp nhận kháng cáo của luật sư, vì tòa cấp sơ thẩm trao quyền kháng cáo của bị cáo cho người bào chữa khi bị cáo trên 18 tuổi là không đúng quy định.
– Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người đại diện của họ: Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại (khoản 1 Điều 63 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015). Bị đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức mà pháp luật quy định phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại (khoản 1 Điều 64 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015). Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án, quyết định sơ thẩm có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại. Bản chất của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự khi trong vụ án hình sự là để giải quyết vấn đề trách nhiệm dân sự, cụ thể hơn là về vấn đề bồi thường thiệt hại.Do đó, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã hạn chế quyền kháng cáo của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người đại diện của họ trong phạm vi phần bản án, quyết định sơ thẩm có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, tương tự như với người đại diện của bị hại, khoản 2 Điều 357 cũng không đề cập đến cơ sở kháng cáo của nguyên đơn dân sự và người đại diện của họ. Theo đó nếu nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn dân sự trong phạm vi kháng cáo của mình có kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết theo hướng không có lợi cho bị cáo thì không được chấp nhận. Mặc dù nguyên đơn dân sự và người đại diện của họ cũng có quyền kháng cáo tăng mức bồi thường thiệt hại.
Cụ thể khoản 3 Điều 331 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến bồi thường thiệt hại. Theo đó nguyên đơn dân sự và người đại diện của họ cũng có quyền kháng cáo tăng mức bồi thường thiệt hại nếu họ nhận thấy phần quyết định của bản án sơ thẩm về vấn đề bồi thường thiệt hại đối với nguyên đơn dân sự là chưa phù hợp, tuy nhiên Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 lại không quy định vấn đề này.
– Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự (khoản 1 Điều 65 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015). Họ là những người không tham gia thực hiện tội phạm hoặc có tham gia, nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự và Tòa án phải giải quyết những vấn đề có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ vì liên quan đến vụ án hình sự. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định quyền kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và người đại diện của họ chỉ được thực hiện trong phạm vi đối với phần bản án, quyết định sơ thẩm có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ hoặc của người mà họ đại diện.
– Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự: Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người được bị hại, đương sự nhờ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp (khoản 1 Điều 84 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015). Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự có thể là: Luật sư; người đại diện; Bào chữa viên nhân dân; Trợ giúp viên pháp lý.Bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất sẽ có những hạn chế trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình. Vì vậy để đảm bảo cho các chủ thể trên, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người này có quyền kháng cáo và quyền kháng cáo của họ chỉ giới hạn trong phạm vi liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà họ bảo vệ.
– Người được Tòa án tuyên không có tội: Người được Tòa án tuyên không có tội là người đã bị Tòa án sơ thẩm xét xử, tuy nhiên tại phiên Tòa nhận thấy hành vi của người đó chưa cấu thành tội phạm nên tuyên người đó không có tội. Để kết luận một người phạm tội và kết án họ thì phải xem xét đầy đủ 4 cấu thành tội phạm chủ thể, khách thể, mặt chủ quan, mặt khách quan. Nếu cấu thành tội phạm không thỏa mãn thì tòa án phải tuyên bị cáo không phạm tội.
Tuy nhiên, tòa án có thể tuyên lý do không phạm tội và các căn cứ để tuyên bị cáo không phạm tội không đúng, dẫn kết kết quả xét xử giống nhau (không có tội và không bị kết án) nhưng hậu quả pháp lý sau khi xét xử ngoài tố tụng có thể khác nhau. Bởi vậy Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định người đó có quyền kháng cáo về căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định họ không có tội. Đây là quyền của bị cáo được Tòa án tuyên không có tội thực hiện nhằm khôi phục lại danh dự chứng minh cho sự trong sạch của mình.
Ví dụ: Nguyễn Văn A được Tòa án tuyên không có tội do hành vi của Nguyễn Văn A không cấu thành tội phạm. Tức là Tòa án vẫn nhận định A có thực hiện hành vi nhưng còn thiếu các yếu tố cấu thành tội phạm nên hành vi của A được xem là không có tội. Tuy nhiên, A cho rằng mình không thực hiện hành vi phạm tội nên kháng cáo để Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại để chứng cho sự trong sạch của mình.
Về quy định này còn bộc lộ một số bất cập. Đó là trong trường hợp, người được tuyên không có tội chỉ được kháng cáo phần căn cứ mà Tòa án tuyên họ không có tội mà không có quyền kháng cáo các phần khác của bản án sơ thẩm là chưa bảo vệ được tối đa quyền lợi cho người bị buộc tội. Ví dụ A bị VKS truy tố về tội Đánh bạc theo quy định tại Điều 321 BLHS 2015, tuy nhiên HĐXX sơ thẩm nhận thấy hành vi của A không cấu thành tội phạm do hành vi đánh bạc bị xử lý lần đầu và có giá trị tiền, hiện vật tham gia đánh bạc dưới 05 triệu nên chưa đến mức cấu thành tội phạm. HĐXX sơ thẩm tuyên A không phạm tội và xử phạt hành chính đối với A. Tuy nhiên, A cho rằng mình không có hành vi phạm tội và không phải nộp phạt hành chính. Nhưng theo quy định của pháp luật thì A không có quyền kháng cáo phần xử phạt hành chính mà chỉ có quyền kháng cáo phần căn cứ mà Tòa án tuyên A không có tội là chưa bảo đảm quyền kháng cáo và bảo vệ tối đa quyền lợi của người bị buộc tội.
Khi nghiên cứu quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về chủ thể và phạm vi kháng cáo, có thể thấy một số hạn chế, thiếu sót sau:
Thứ nhất, quyền kháng cáo của bị can chưa được ghi nhận. Tại khoản 2 Điều 330 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định đối tượng của kháng cáo, kháng nghị gồm quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo; quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo. Theo Điều 61 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, bị cáo là người hoặc pháp nhân bị Tòa án đưa ra xét xử. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có thẩm quyền ra một trong các quyết định sau: đưa vụ án ra xét xử, trả hồ sơ điều tra bổ sung, tạm định chỉ hoặc đình chỉ vụ án (Điều 277 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).
Tuy nhiên, tại Điều 331 quy định về người có quyền kháng cáo và khoản 2 Điều 60 quy định về quyền của bị can trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 lại không trao quyền kháng cáo cho bị can. Đây chính là mâu thuẫn trong quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Bởi theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì tư cách “bị cáo” xuất hiện từ khi thẩm phán ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Nếu trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, Thẩm phán ra quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án thì bị can chưa phải là bị cáo và cũng không có quyền kháng cáo quyết định đó, như vậy quyền lợi của bị can sẽ không được đảm bảo.Việc chưa ghi nhận quyền kháng cáo cho bị can có khả năng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của họ khi quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ không có căn cứ đúng theo quy định pháp luật.
Mặc dù quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, quyết định tạm đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án là đối tượng có thể bị kháng cáo. Ở giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc tội phạm được đại xá, bị can không có quyền yêu cầu phục hồi vụ án như các giai đoạn trước đó.
Thứ hai, về quyền kháng cáo, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm (khoản 1 Điều 331) chứ không quy định kháng cáo toàn bộ bản án, quyết định sơ thẩm. Từ đây đặt ra vấn đề bị cáo, bị hại có quyền kháng cáo toàn bộ bản án, quyết định sơ thẩm hay không bởi Điều 61, Điều 62 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về quyền của bị cáo, bị hại cũng chỉ có quyền kháng cáo chứ không quy định kháng cáo toàn bộ bản án, quyết định của tòa.
Tuy còn một số hạn chế nhưng nhìn chung Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định khá cụ thể người có quyền kháng cáo, quy định này một mặt nhằm đảm bảo quyền của người có quyền kháng cáo, một mặt góp phần hạn chế tình trạng oan sai trong tố tụng.
2.2. Chủ thể và phạm vi kháng nghị:
Kháng nghị là quyền năng pháp lý được Nhà nước giao cho Viện kiểm sát nhân dân, Chủ thể của quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm là Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án cấp sơ thẩm và Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp của Viện kiểm sát đó. Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm được thực hiện trong phạm vi là toàn bộ bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án.
Theo quy định tại Điều 336 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thuộc về cả VKS cùng cấp với Tòa án cấp sơ thẩm và VKS cấp trên trực tiếp. Điểm c khoản 2 Điều 41 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định người có thẩm quyền quyết định kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm là Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKS. Cụ thể, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện có thẩm quyền kháng nghị đối với những bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp huyện.
Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền kháng nghị đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp tỉnh và Tòa án cấp huyện. Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện sát nhân dân cấp cao có thẩm quyền kháng nghị đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp tỉnh thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ủy quyền cho Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm những bản án hoặc quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp tỉnh.
Thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm khác với kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm ở chỗ chỉ có Viện Kiểm sát cùng cấp hoặc Viện Kiểm sát cấp trên trực tiếp với toà án đã ra bản án sơ thẩm mới có quyền kháng nghị. Trong khi kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị tất cả các bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa án các cấp mà không bị giới hạn
Việc quy định VKS cấp trên có quyền kháng nghị bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án cùng cấp với VKS cấp dưới trực tiếp là hoàn toàn hợp lý. Bởi việc kiểm sát qua hai cấp một mặt giúp phát hiện kịp thời các sai sót về xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm và yêu cầu Tòa án cấp trên khắc phục, bảo đảm tính hợp pháp và có căn cứ của bản án, quyết định sơ thẩm trước khi đưa ra thi hành; mặt khác, khắc phục được việc những bản án, quyết định sơ thẩm có vi phạm, sai lầm nhưng VKS cấp dưới không phát hiện được hoặc vì những lý do khác mà không kháng nghị.
Về phạm vi kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam quy định phạm vi kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm là khá rộng. Theo quy định tại khoản 1 Điều 336 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, VKS có quyền kháng nghị toàn bộ bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật.
VKS có thể kháng nghị theo hướng có lợi hoặc theo hướng không có lợi cho bị cáo và những người tham gia tố tụng khác. Nhưng việc kháng nghị thủ tục phúc thẩm bị ràng buộc bởi các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thẩm
quyền truy tố, thẩm quyền xét xử của tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm, những gì mà bản án sơ thẩm chưa đề cập, chưa quyết định thì không thuộc đối tượng kháng nghị phúc thẩm. Do đó, “nếu những gì tòa án cấp sơ thẩm chưa xét xử thì không thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp phúc thẩm và như vậy cũng không thuộc phạm vi kháng nghị của Viện kiểm sát”.
Chẳng hạn trong vụ án liên quan đến Lê Quốc Tuấn (Sinh năm: 1987, trú tại huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh) bắn 5 người tử vong ở Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh xảy ra vào ngày 29/01/2020.Sau khi TAND thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm, Viện Kiểm sát nhận định các bị cáo có vai trò hành vi phạm tội tích cực trong vụ án nhưng mức hình phạt mà cấp sơ thẩm đã tuyên phạt các bị cáo là quá nhẹ so với tính chất, hậu quả của vụ án; về nhân thân các bị cáo không có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Từ đó, VKSND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định kháng nghị một phần bản án sơ thẩm, đề nghị TAND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm theo hướng tăng hình phạt đối với các bị cáo trên. Trong trường hợp này, chủ thể kháng nghị là Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án xét xử sơ thẩm và phạm vi kháng nghị là một phần của Bản án sơ thẩm.
Quy định về chủ thể và phạm vi kháng nghị trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 cơ bản đã hợp lý, tuy nhiên, việc quy định Viện kiểm sát có quyền kháng nghị việc tăng mức bồi thường thiệt hại tại khoản 2 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 còn chưa phù hợp. Về bản chất, VKS có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Thực hành quyền công tố là hoạt động của VKSND trong tố tụng hình sự để thực hiện việc buộc tội của Nhà nước đối với người phạm tội.Bởi vậy việc Viện kiểm sát kháng nghị về mức bồi thường, bồi hoàn là chưa hợp lý bởi Viện kiểm sát là chủ thể của quyền công tố không phải là chủ thể của tố quyền dân sự trong vụ án hình sự Đương Sự có quyền tự định đoạt về mức bồi thường, bồi hoàn, đồng nghĩa với việc Viện kiểm sát không có quyền thỏa thuận với bị cáo hoặc đương sự về mức bồi hoàn trong vụ án hình sự.