Giải pháp đảm bảo quyền trẻ em được chăm sóc thay thế tại Việt Nam? Đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao và đảm bảo quyền được chăm sóc thay thế?
1. Hoàn thiện pháp luật:
Thống nhất, bổ sung quan điểm về quyền trẻ em và phát triển trẻ em trong quá trình xây dựng pháp luật, phát triển toàn diện con người Việt Nam trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, bắt đầu từ phát triển toàn diện trẻ em giai đoạn đầu đời. Dành những điều kiện tốt nhất để thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ và chăm lo chu đáo nhất cho trẻ em.
Thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 – 2030 với ý nghĩa chiến lược phát triển trẻ em Việt Nam để thực hiện các mục tiêu của Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030 liên quan đến quyền trẻ em mà Việt Nam cam kết thực hiện, cần sớm xây dựng các chương trình, đề án giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 để tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em bao gồm:
Nghiên cứu, bổ sung chính sách hỗ trợ chăm sóc, phát triển toàn diện trẻ em trong các môi trường chăm sóc thay thế, các chính sách trợ giúp nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi, trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, thảm họa; Hoàn thiện pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em, xây dựng hệ thống tư pháp thân thiện với trẻ em.
Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, có lộ trình hoàn thiện chính sách, pháp luật và các văn bản hướng dẫn về bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em thống nhất với Luật trẻ em, Nghị định số 56/2017/NĐ–CP (Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Nuôi con nuôi, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình); Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về chăm sóc thay thế, rà soát các văn bản pháp luật có liên quan đến thành lập, hoạt động và quản lý Quỹ bảo trợ trẻ em để sửa đổi, bổ sung mô hình tổ chức Quỹ phù hợp, nâng cao tính độc lập và hiệu quả góp phần đảm bảo trẻ em và người chăm sóc thay thế được hưởng đầy đủ các chính sách cũng như sự hỗ trợ từ quỹ bảo trợ trẻ em.
Luật Trẻ em đã có quy định tại mục III, chương 4 về Chăm sóc thay thế rất cụ thể và chi tiết. Trong đó, Điều 60 quy định về các yêu cầu đối với việc thực hiện chăm sóc thay thế, tại khoản 3 quy định “Phải xem xét ý kiến, nguyện vọng, tình cảm, thái độ của trẻ em tùy theo độ tuổi và mức độ trưởng thành của trẻ em, trường hợp trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên phải lấy ý kiến của trẻ em”, tuy nhiên, theo tác giả trẻ em 07 tuổi thì còn khá nhỏ, trẻ vẫn chưa làm chủ được hành vi và nhận thức của bản thân, vì đây là quy định về độ tuổi đòi hỏi có sự đồng ý của trẻ em. Do đó, có thể xem xét nâng độ tuổi cao hơn để đảm bảo việc thực hiện quyền của trẻ, tác giả đề xuất quy định 09 tuổi để phù hợp với Luật Nuôi con nuôi “...trường hợp nhận trẻ em từ đủ 09 tuổi trở lên làm con nuôi thì còn phải được sự đồng ý của trẻ em đó” .
Hoàn thành các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chăm sóc thay thế đối với các cá nhân, cơ quan, tổ chức vi phạm các quy định về chăm sóc thay thế. Đối với các hành vi cấu thành tội phạm cần kiên quyết đưa ra pháp luật để ngăn chặn tình trạng trẻ em bị xâm hại ngày càng nhiều trong môi trường chăm sóc thay thế, áp dụng khung hình phạt cao nhất có thể để răn đe nhóm tội phạm về trẻ em đang ngày càng gia tăng.
2. Phát triển nguồn nhân lực và hệ thống bảo vệ, chăm sóc thay thế cho trẻ em:
Phát triển nguồn nhân lực về chăm sóc thay thế cho trẻ em cần thực hiện các nhiệm vụ cụ thể:
– Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em và tham gia thực hiện các quyền của trẻ em ở các bộ, ngành, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, cơ sở giáo dục, cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc, bảo vệ trẻ em và địa phương, cộng đồng dân cư. Chú trọng củng cố nhận thức, kiến thức về quyền trẻ em, trách nhiệm, năng lực, phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp trong việc thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em.
– Cơ quan ở trung ương có trách nhiệm xây dựng chương trình, tài liệu về chăm sóc thay thế, tổ chức đào tạo đội ngũ giảng viên nòng cốt và hỗ trợ địa phương tổ chức tập huấn cho đội ngũ công chức, viên chức, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở các cấp. Ngoài tập huấn về lý thuyết, cần có các ca cụ thể làm quy trình mẫu để đảm bảo cho hoạt tập huấn đạt hiệu quả cao nhất và gần với thực tế.
Phát triển hệ thống dịch vụ đáp ứng thực hiện quyền trẻ em có sự lồng ghép và phối hợp giữa các dịch vụ y tế, giáo dục, tư pháp và các dịch vụ an sinh xã hội; ưu tiên hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em đặc biệt là trẻ em cần được chăm sóc thay thế.
– Phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em nhằm đáp ứng yêu cầu hỗ trợ trẻ em ở cả 3 cấp độ. Việc cung cấp các dịch này phải bảo đảm tính chuyên nghiệp và có đủ số lượng, điều kiện đáp ứng nhu cầu cần sự bảo vệ của mọi trẻ em mọi lúc, mọi nơi. Bảo đảm tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất một Trung tâm công tác xã hội làm đầu mối về việc phối hợp và cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Xây dựng các loại hình cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, bao gồm cả cơ sở công lập và cơ sở ngoài công lập đáp ứng yêu cầu của công tác bảo vệ trẻ em nói chung và trẻ em cần chăm sóc thay thế nói riêng.
– Nghiên cứu, xây dựng và phát triển các mạng lưới, mô hình cung cấp dịch liên cấp theo hình thức dịch vụ một cửa và các gói dịch vụ tiếp cận trẻ em, cha mẹ và người chăm sóc trẻ em tại gia đình và cộng đồng.
– Duy trì, phát triển hệ thống cơ sở có chức năng, nhiệm vụ chuyên biệt cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em ở cấp trung ương, cấp vùng và cấp tỉnh: duy trì và mở rộng hoạt động của các cơ sở có một phần chức năng, nhiệm vụ cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.
– Phát triển, nhân rộng các mô hình về bảo vệ, chăm sóc thay thế cho trẻ em, đặc biệt phòng, chống xâm hại trẻ em trên phạm vi cả nước.
Để phát triển được một hệ thống bảo vệ và chăm sóc thay thế cho trẻ em một cách chuyên nghiệp, cần phải triển khai một số hoạt động như:
– Nghiên cứu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, điều kiện thành lập, hoạt động và giải thể của cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Hiện nay các quy định về loại hình này được quy định tại Luật Trẻ em năm 2016 từ Điều 55 đến Điều 59 với 5 điều khoản là: Các loại hình cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; Điều kiện thành lập, đăng ký hoạt động của cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; Thẩm quyền thành lập, cấp đăng ký hoạt động đối với cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; Hoạt động của cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; Đình chỉ, chấm dứt hoạt động đối với cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Do đó, cần phải có văn bản dưới luật sớm điều chỉnh về lĩnh vực này để đảm bảo trẻ em được bảo vệ và được can thiệp chăm sóc thay thế kịp thời.
– Triển khai đồng bộ việc cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em ở 3 cấp độ: phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp giảm thiểu nguy cơ và trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Đặc biệt cần chú trọng việc cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em ở cấp độ can thiệp vì đây là cấp độ bảo vệ cao nhất được áp dụng cho các tình huống khẩn cấp, và thông thường trẻ em sẽ được chăm sóc thay thế trong các trường hợp can thiệp nhằm tách trẻ ra khỏi môi trường nguy hại với trẻ.
– Tăng cường đầu tư ngân sách dành cho công tác trẻ em nói chung và thực hiện pháp luật về chăm sóc thay thế cho trẻ em nói riêng. Nhà nước có vai trò nòng cốt trong việc bảo đảm quyền của trẻ em được chăm sóc thay thế, do đó, Nhà nước cần xác định mục tiêu bảo vệ trẻ em thông qua chăm sóc thay thế luôn phải được đặt trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Trong những năm qua, Nhà nước đã đầu tư nhiều ngân sách cho công tác trẻ em nói chung. Tuy nhiên, để bảo đảm thực hiện pháp luật về chăm sóc thay thế hiệu quả Nhà nước phải tăng cường đầu tư ngân sách hơn nữa nhằm xây dựng được hệ thống các cơ sở cung cấp dịch vụ trẻ em trên tất cả các vùng miền đồng thời nâng cao chất lượng của các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.
3. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật:
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật luôn có vị trí quan trọng trong quá trình xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa hiện nay, là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và sự điều phối, tổ chức thực hiện của các cơ quan nhà nước và các tổ chức, đoàn thể; là khâu then chốt, quan trọng để chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống xã hội, đi vào ý thức, hành động của từng chủ thể trong xã hội.
Phổ biến, giáo dục pháp luật là cầu nối để chuyển tải pháp luật vào cuộc sống. Nói cách khác, quá trình đưa pháp luật vào cuộc sống được bắt đầu bằng hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật. Thực hiện pháp luật dù bằng hình nào trước hết đều phải có hiểu biết pháp luật. Nếu không nhận thức đầy đủ vị trí quan trọng và không thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thì dù công tác xây dựng pháp luật có làm tốt đến mấy cũng không đạt được hiệu quả thực thi pháp luật. Do vậy, một phần quan trọng tạo nên thành công của công tác bảo vệ trẻ em nói chung cũng như quyền được chăm sóc thay thế của trẻ em nói riêng không thể thiếu hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, cụ thể là Luật Trẻ em năm 2016.
Phổ biến, giáo dục pháp luật về trẻ em chính là phương tiện truyền tải những thông tin, những yêu cầu, nội dung và các quy định pháp luật về chăm sóc thay thế đến với người dân, giúp cho người dân hiểu biết, nắm bắt kịp thời mà không mất quá nhiều thời gian, công sức cho việc tự tìm hiểu, tự học tập.
Thứ nhất, tổ chức các chiến dịch, sự kiện tuyên truyền về quyền trẻ em trong đó có quyền của trẻ em được chăm sóc thay thế nhằm thu hút sự tham gia của toàn xã hội về chăm sóc thay thế cho trẻ em; tổ chức các diễn đàn, hội thảo chuyên sâu về các giải pháp nâng cao hiệu quả của lĩnh vực chăm sóc thay thế cho trẻ em; tổ chức các buổi tập huấn nghiệp vụ về thực hiện chăm sóc thay thế nhằm thống nhất quy trình thực hiện và nâng cao hiệu quả công tác.
Thứ hai, phổ biến, giáo dục quy định của pháp luật, chính sách liên quan đến công tác chăm sóc thay thế cho trẻ em, cập nhật kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách liên quan đến công tác chăm sóc thay thế; giới thiệu các mô hình, điển hình tốt trong công tác chăm sóc thay thế cho trẻ em như: mô hình chăm sóc thay thế tại gia đình, cộng đồng, nuôi con nuôi.
Thứ ba, tiếp tục tuyên truyền và nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em – 111. Tổng đài thực sự là cầu nối giữa người dân và các cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ trẻ em. Tổng đài phải nâng cao hiệu quả trong tư vấn và hỗ trợ cho cha mẹ trẻ và trẻ cùng với người dân, cán bộ làm công tác xã hội kiến thức về phòng tránh xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em; phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; phối hợp cơ quan, cá nhân có thẩm quyền, chức năng bảo vệ trẻ em trong phạm vi toàn quốc để đáp ứng việc tiếp nhận, trao đổi, xác minh thông tin, thông báo, tố giác về trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi; hỗ trợ người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với từng trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi ... từ đó đưa trẻ vào môi trường chăm sóc thay thế để tạm thời cách ly trẻ ra khỏi môi trường nguy hại cho trẻ.
Thứ tư, nâng cao năng lực cho các cấp quản lý, cho gia đình, cộng đồng và trẻ em. Giáo dục kiến thức, phương pháp, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho người chăm sóc trẻ, người làm công tác trẻ em, đặc biệt kỹ năng phòng ngừa, phát hiện sớm trẻ em bị xâm hại, bạo lực. Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em nhằm giúp các em ý thức được trách nhiệm của mình đối với bản thân, với gia đình, cộng đồng, có kỹ năng tự bảo vệ mình, bảo vệ bạn bè trước các nguy cơ bị xâm hại, bạo lực trong môi trường chăm sóc thay thế.
Thứ năm, phát hiện, lên án những hành vi vi phạm quyền trẻ em; phản ánh kịp thời việc xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm quyền trẻ em để giáo dục răn đe và phòng ngừa chung. Đảm bảo rằng trẻ được an toàn trong môi trường chăm sóc thay thế được xem là phù hợp nhất với trẻ.
4. Tăng cường sự phối hợp và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức:
Đẩy mạnh vai trò của các cơ quan, tổ chức và công tác phối hợp liên ngành về thực hiện quyền của trẻ em được chăm sóc thay thế
Bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của Nhà nước, gia đình, xã hội, mọi công dân và chính trẻ em trong việc bảo đảm cho mọi trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và trong điều kiện tốt nhất có thể. Các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là các cơ quan, các ngành có trách nhiệm trực tiếp trong việc thực hiện pháp luật về chăm sóc thay thế cho trẻ em như: Quốc hội, Chính phủ, các Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Y tế, văn hóa, Tư Pháp, Công an, Tòa án, ... có trách nhiệm phối hợp trong việc thực hiện pháp luật về chăm sóc thay thế. Sự phối hợp trong thực hiện pháp luật về chăm sóc thay thế phải theo một cách thức nhất định và phải dựa vào chức năng, nhiệm vụ của các ngành và chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức ở cấp Trung ương và địa phương.
Đối với Quốc Hội và Hội đồng nhân dân các cấp
– Chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tăng cường giám sát việc thực hiện Luật trẻ em nói chung và pháp luật về chăm sóc thay thế nói riêng, đặc biệt là triển khai các giải pháp ứng phó với đại dịch COVID–19 tác động đến quyền được chăm sóc thay thế của trẻ em, nhất là các trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; việc phân công, bố trí nhân lực, ngân sách để thực hiện quyền được chăm sóc thay thế của trẻ em, giải quyết các vấn đề về liên quan đến chăm sóc thay thế cho trẻ, trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành, tổ chức, địa phương.
– Giám sát việc lồng ghép, thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện quyền trẻ em được chăm sóc thay thế trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội bộ, ngành, địa phương và quốc gia. Quyết định ngân sách hằng năm cho việc thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch về thực hiện quyền trẻ em, ưu tiên cho công tác chăm sóc thay thế cho những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
– Chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội trong việc xem xét, đánh giá những vấn đề liên quan đến trẻ em, đặc biệt về vấn đề bảo vệ trẻ em và chăm sóc thay thế trong các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của Luật Trẻ em.
Đối với Viện kiểm sát nhân dân tối cao
– Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về quy trình, thủ tục điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án xâm hại tình dục trẻ em.
– Xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch về công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em.
– Hoàn thiện chỉ tiêu thống kê về các tội phạm mà trẻ em được chăm sóc thay thế là đối tượng bị xâm hại.
Đối với Tòa án nhân dân tối cao
– Chủ trì, hướng dẫn theo thẩm quyền các quy định liên quan đến việc Tòa án ra quyết định hạn chế quyền của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em hoặc tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em trong trường hợp trẻ em bị xâm hại bởi chính cha, mẹ, người chăm sóc; hướng dẫn, chỉ đạo Tòa án nhân dân các cấp giải quyết các trường hợp trẻ em đã được giải quyết cho làm con nuôi trong nước nhưng vì lý do bất khả kháng mà cha mẹ nuôi trả lại cơ sở nuôi dưỡng để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em.
– Tiếp tục mở rộng tổ chức và hoạt động của Tòa gia đình và người chưa thành niên trên phạm vi toàn quốc, ưu tiên nâng cao năng lực cho thẩm phán, hội thẩm nhân dân về xét xử các vụ việc liên quan đến trẻ em được chăm sóc thay thế và người chưa thành niên. Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án về xâm hại trẻ em đặc biệt là trẻ em được chăm sóc thay thế.
Đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành về thực hiện quyền được chăm sóc thay thế của trẻ em cần phải xây dựng cơ chế, quy trình phối hợp cấp bộ, ngành về một số nội dung, hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc thay thế cho trẻ em, đặc biệt trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em được chăm sóc thay thế, phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan tư pháp trong phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ trẻ em trong các vụ việc, vụ án bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trong môi trường chăm sóc thay thế. Ngoài ra, các cơ quan nhà nước thực hiện ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật và chỉ đạo, tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về chăm sóc thay thế nhằm đáp yêu cầu thực tiễn và tạo cơ sở cho công tác phối hợp liên ngành đạt hiệu quả.
Các bộ, ngành có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em và cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về trẻ em được chăm sóc thay thế. Cơ quan, tổ chức, cơ sở xã hội, gia đình, cá nhân có trách nhiệm bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ liên quan đến quyền của trẻ em được chăm sóc thay thế; hỗ trợ, tạo điều kiện để trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình theo quy định của pháp luật; phối hợp, trao đổi thông tin trong quá trình thực hiện chăm sóc thay thế.
Các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em trong quá trình thực hiện nhiệm vụ liên quan đến quyền của trẻ em được chăm sóc thay thế, như: Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ...
– Tăng cường các hoạt động giám sát và phản biện xã hội đối với việc xây dựng và thực hiện pháp luật, chính sách về bảo đảm thực hiện quyền của trẻ em được chăm sóc thay thế, đặc biệt đối với công tác bảo vệ trẻ em, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.
– Phối hợp với các cơ quan trong công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động đoàn viên, hội viên, các gia đình, cộng đồng dân cư về trách nhiệm, kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền trẻ em nói chung và quyền được chăm sóc thay thế nói riêng, đặc biệt về quyền được bảo vệ, được sống an toàn, lành mạnh của trẻ em. Chăm sóc thay thế thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi; chỉ đạo và giám sát việc thực hiện phong trào liên quan đến chăm sóc thay thế tại cộng đồng.
– Các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tham gia giám sát, vận động nguồn lực, hỗ trợ cho công tác chăm sóc thay thế.
– Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chỉ đạo tổ chức Đoàn thanh niên các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giám sát công tác phòng, chống xâm hại trẻ em; thực hiện vai trò là cơ quan đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em thực hiện giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em.
– Đẩy mạnh công tác giám sát, giải trình, thanh tra, kiểm tra liên quan đến thực hiện quyền của trẻ em được chăm sóc thay thế
Tăng cường đánh giá, kiểm tra, thanh tra liên ngành và chuyên đề việc thực hiện luật pháp, chính sách, chương trình về chăm sóc thay thế cho trẻ em. Quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức về bảo đảm quyền của trẻ em được chăm sóc thay thế và phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, kịp thời phát hiện sai sót và điều chỉnh những nội dung, hoạt động không phù hợp; làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương, các cơ quan, tổ chức, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em trong việc giải quyết các vấn đề về quyền chăm sóc thay thế của trẻ em.
Bảo đảm chất lượng công tác giám sát, theo dõi, báo cáo, giải trình liên quan đến thực hiện quyền trẻ em thông qua việc phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu về trẻ em từ trung ương đến địa phương. Hoàn thiện bộ chỉ tiêu thống kê về trẻ em được chăm sóc thay thế ở tất cả các hình thức chăm sóc thay thế theo quy định của pháp luật và các trường hợp chưa được đăng ký theo quy định để đảm bảo không bỏ sót số liệu thực tế, trong đó có các chỉ tiêu cụ thể về các độ tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe, tình trạng trước khi được chăm sóc thay thế,..., số liệu về trẻ em bị xâm hại trong môi trường chăm sóc thay thế, xử lý vi phạm hành chính về chăm sóc thay thế cho trẻ em; tiếp tục hướng dẫn các tỉnh, thành phố thu thập, chuẩn hóa số
liệu về trẻ em được chăm sóc thay theo Luật Trẻ em để bảo đảm theo dõi, đánh giá sát việc thực hiện chính sách đối với từng nhóm đối tượng.
5. Nâng cao hiệu quả trong hợp tác quốc tế về thực hiện quyền trẻ em:
Để Bảo đảm thực hiện pháp luật về chăm sóc thay thế cho trẻ em cần tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế với những nội dung sau:
Một là, tiếp tục thực hiện lộ trình tham gia vào các liên minh nhằm đảm bảo thực hiện quyền trẻ em. Duy trì, mở rộng hợp tác với các chính phủ và các tổ chức quốc tế trong việc vận động cả về kỹ thuật và nguồn lực xây dựng và thực hiện văn bản pháp lý, chính sách, các chương trình, đề án, dự án về trẻ em, đặc biệt về bảo vệ trẻ em, thực hiện quyền của trẻ em được chăm sóc thay thế.
Hai là, chủ động tiếp đón nhiều đoàn nước ngoài, chuyên gia quốc tế về chăm sóc thay thế vào tìm hiểu tình hình tại Việt Nam. Tạo cơ hội cho các đại biểu quốc tế hiểu rõ hơn chính sách của Việt Nam về quyền con người nói chung, luật pháp, chính sách cụ thể trên từng lĩnh vực bảo vệ quyền trẻ em được chăm sóc thay thế.
Ba là, tăng cường hợp tác quốc tế nghiên cứu tiếp thu những kinh nghiệm của các quốc gia trong việc thực hiện pháp luật về chăm sóc thay thế cho trẻ em, xuất phát từ những điều kiện kinh tế – xã hội và những đặc điểm riêng của mỗi quốc gia. Trong đó, nghiên cứu tiếp thu kinh nghiệm xây dựng mô hình chăm sóc thay thế phù hợp như mô hình gia đình chăm sóc thay thế, trung tâm công tác xã hội với trẻ em; trung tâm trẻ em đường phố, mô hình trợ giúp trẻ em và hỗ trợ gia đình của trẻ em được chăm sóc thay thế, người chăm sóc thay thế, mô hình trợ giúp liên quan đến nuôi con nuôi. Học hỏi kinh nghiệm phát triển mạng lưới trung tâm công tác xã hội, văn phòng tư vấn, điểm công tác xã hội và đào tạo đội ngũ nhân viên làm công tác xã hội mang tính chuyên nghiệp đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế.
Bốn là, tiếp tục mở rộng và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong công tác chăm sóc thay thế thông qua quan hệ với các tổ chức quốc tế như: UNICEF, WHO, Save the Children, Plan International, CfC, ... để nhận được sự hỗ trợ và trao đổi về kinh nghiệm, kỹ thuật, nhân lực và tài chính cho hoạt động thực hiện pháp luật về chăm sóc thay thế cho trẻ em ở Việt Nam. Đặc biệt, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc hỗ trợ kỹ thuật, kiến thức, kinh nghiệm và các nguồn lực cho công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật, chính sách, hướng dẫn thực hiện cũng như giám sát, đánh giá việc hoạt động thực hiện pháp luật về chăm sóc thay thế ở Việt Nam; huy động nguồn lực quốc tế trong việc xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án, dự án trợ giúp, bảo vệ, chăm sóc trẻ em cần được chăm sóc thay thế của Việt Nam.