Giải pháp hoàn thiện quy định về khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại 

Quy định pháp luật về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại chưa rõ ràng, cụ thể. Một số kiến nghị giải pháp hoàn thiện quy định về khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại?

Quy định pháp luật về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại chưa rõ ràng, cụ thể là nguyên nhân chính có ảnh hưởng tới thực trạng bất cập, vướng mắc trong việc thực hiện trên thực tế. Thực tiễn Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đã có hiệu lực pháp luật từ 01/01/2018, như vậy mới chỉ có gần 03 năm kiểm nghiệm trong thực tiễn đã xuất hiện những hạn chế, bất cập cần khắc phục. Để khắc phục được những thiếu sót của pháp luật, vướng mắc trong thực tiễn, tác giả đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật và những giải pháp đảm bảo việc thực hiện quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại như sau:

Thứ nhất, khắc phục tình trạng bị hại từ chối giám định thương tích.

Nghĩa vụ của bị hại được quy định chung nhất tại điểm a khoản 4 Điều 62 Bộ luật tố tụng hình sự. Theo đó, bị hại “có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trường hợp cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải”. Việc bị hại từ chối giám định thì căn cứ để khởi tố vụ án hình sự không được đảm bảo, chưa nói đến việc không xử lý được trách nhiệm hình sự của người phạm tội, khó khăn trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, không đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.

Tuy nhiên, những quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về nghĩa vụ của bị hại chưa đáp ứng yêu cầu trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trong khi đó, việc quy định nghĩa vụ của bị hại trong việc tuân thủ yêu cầu giám định hoàn toàn không ảnh hưởng quyền lợi của bị hại nhưng lại góp phần đấu tranh tội phạm có hiệu quả. Do đó, cần thiết phải quy định rõ hơn về nghĩa vụ của bị hại trong việc giám định thương tích, trình tự, thủ tục, điều kiện để dẫn giải bị hại đi giám định thương tích nhằm khắc phục vướng mắc, bất cập trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm thời gian qua. Đồng thời, cần quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương (UBND, tổ dân phố…) trong việc động viên, thuyết phục bị hại tuân thủ yêu cầu giám định, không được chống đối.

Ngoài ra việc bị hại từ chối giám định thương tích một phần nguyên nhân do thực tiễn có rất nhiều trường hợp trong thời gian giải quyết tin báo, tố giác Điều tra viên để một khoảng thời gian quá lâu mới yêu cầu bị hại đi giám định thương tật dẫn đến trong thời gian đó có nhiều yếu tố phát sinh nên bị hại lại từ chối giám định thương tật. Do đó trong quá trình xác minh, đối với công tác giám định tỷ lệ thương tật thì cơ quan điều tra cần phải thực hiện ngay sau khi xảy ra vụ Cố ý gây thương tích để đảm bảo kết quả giám định được chính xác, kịp thời; đồng thời giúp ngăn ngừa việc thỏa thuận, thậm chí là mua chuộc, đe dọa giữa đối tượng gây án với bị hại để bị hại từ chối giám định tỷ lệ thương tật dẫn đến khó xử lý.

Cụ thể: ngay sau khi xảy ra vụ việc thì cơ quan điều tra phối hợp cùng Cơ quan giám định pháp y tiến hành giám định nóng ngay tại bệnh viện khi người bị hại đang điều trị vết thương, đồng thời, tiến hành ngay việc lấy lời khai của người bị hại (nếu có thể, làm rõ yêu cầu xử lý để có căn cứ xử lý, không để cho các đối tượng có điều kiện thỏa thuận làm cho người bị hại từ chối giám định tỷ lệ thương tật.

Thứ hai, hoàn thiện quy định pháp luật việc bị hại trình bày lời buộc tội tại phiên tòa.

Khoản 3 Điều 62 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định: “Trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại thì bị hại hoặc người đại diện của họ trình bày lời buộc tội tại phiên tòa”. Hoạt động xét xử tại phiên tòa là quan trọng nhất. Thông qua phiên tòa, các chức năng cơ bản của tố tụng được đảm bảo thực hiện một cách rõ nét, công khai, dân chủ và bình đẳng. Hội đồng xét xử thực hiện chức năng của mình bằng việc đưa ra những phán quyết khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật dựa trên kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Xác định được tầm quan trọng của tranh tụng tại phiên tòa, Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị quy định về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới là “việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa tranh luận dân chủ, công khai”.

Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng một lần nữa yêu cầu: “Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp, chất lượng tranh tụng tại tất cả các phân tòa xét xử…”. Căn cứ dưới góc độ pháp lý, tranh tụng được hiểu là sự tranh luận giữa các bên (bên buộc tội và bên gỡ tội) dựa trên những tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình giải quyết vụ án, nhằm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tranh tụng là thành tựu của nền văn minh nhân loại, không chỉ thể hiện bản chất nhân đạo mà còn phản ánh xu hướng phát triển dân chủ và tiến bộ của tố tụng hình sự. Tranh tụng đã được thừa nhận trên phạm vi toàn cầu và được ghi nhận tại Điều 10 Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền của Liên hợp quốc ngày 10/12/1948 với nội dung “Mọi người đều có quyền hoàn toàn ngang nhau được phát biểu bình đẳng và công khai trước Tòa án độc lập và không thiên vị, nơi quyết định các quyền và nghĩa vụ của mình hoặc về việc buộc tội mình có cơ sở trước Tòa”.

Tại Việt Nam, yêu cầu cải cách tư pháp, hoàn thiện thủ tục tố tụng hình sự nói chung, tranh tụng trong xét xử nói riêng đã được đề ra trong nhiều Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, trong đó đặt ra yêu cầu phán quyết của Tòa án phải có căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, người bào chữa, bị cáo, bị hại, người làm chứng, người chứng kiến, nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền và lợi ích hợp pháp để ra những bản án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục và trong thời hạn pháp luật quy định. Vì vậy đối với các vụ án khởi tố theo yêu cầu của bị hại, việc tạo điều kiện để bị hại có yêu cầu khởi tố trình bày lời buộc tội đối với bị cáo tại phiên tòa cũng là sự đảm bảo dân chủ, công khai trong quá trình xét xử.

Bộ luật tố tụng hình sự 2015 chỉ quy định bị hại trình bày lời buộc tội trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại nhưng chưa có quy định cụ thể về nội dung, thủ tục, thời điểm để bị hại thực hiện việc buộc tội tại phiên tòa. Do đó, tác giả đề xuất bổ sung thêm 01 điều luật quy định về việc buộc tội của bị hại tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, lời buộc tội của bị hại sẽ được thực hiện sau khi Kiểm sát viên trình bày lời luận tội.

Bên cạnh đó, luật chưa quy định rõ lời buộc tội của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là quyền hay nghĩa vụ. Về nguyên tắc, trách nhiệm chứng minh tội phạm trong trách nhiệm hình sự thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng bao gồm Cơ quan điều tra, truy tố và xét xử. Ngoài ra, một số cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định tại Điều 35 Bộ luật tố tụng hình sự, bởi vậy không thể coi việc buộc tội là nghĩa vụ của bị hại đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự. Tôi đồng ý với quan điểm này vì lý do nhận thức về pháp luật của bị hại chưa đầy đủ và chính xác, sẽ không am hiểu hết toàn diện vấn đề như Kiểm sát viên (là bên công tố tại phiên tòa) nên không thể coi việc trình bày lời buộc tội tại phiên tòa là nghĩa vụ của bị hại. Do đó kiến nghị bổ sung vào khoản 2 Điều 62 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 theo hướng quy định việc trình bày lời buộc tội tại phiên tòa là quyền của bị hại.

Cũng cần xem xét bổ sung thêm quy định cho phép LVN Group, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại (nếu có) thay mặt bị hại trình bày lời buộc tội tại phiên toà. Sau khi LVN Group, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại trình bày lời buộc tội thì bị hại có quyền được bổ sung lời buộc tội. Trường hợp bị hại không có LVN Group, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì thẩm phán cần hướng dẫn, nêu rõ quyền của bị hại trong việc trình bày lời buộc tội để đảm bảo lời buộc tội của bị cáo đầy đủ, đúng pháp luật.

Thứ ba, hoàn thiện quy định của pháp luật về vấn đề yêu cầu khởi tố vụ án hình sự và rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của bị hại hoặc người đại diện của họ.

Trong các tội phạm khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu bị hại thì điều kiện bắt buộc của đa số các tội phạm đó là chỉ có một bị hại, trường hợp có nhiều hơn một bị hại thì tội phạm không còn là tội khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu bị hại nữa. Do đó, việc một hay tất cả bị hại rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự không còn bắt buộc các cơ quan tố tụng đình chỉ vụ án. Tuy nhiên, đối với tội “cố ý gây thương tích được quy định tại Điều 132 Bộ luật hình sự 2015 mà các bị hại đều có thương tích dưới 11% thì vẫn thuộc nhóm các tội khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại.

Như đã nêu ở trên đối với trường hợp vụ án có nhiều bị hại, để việc yêu cầu khởi tố vụ án hình sự và rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự vừa bảo vệ quyền lợi ích của bị hại lại vừa đảm bảo pháp chế, bảo đảm lợi ích chung của toàn xã hội và quyền lợi của bị can, bị cáo thì khoản 1 Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 cần bổ sung quy định Trong trường hợp vụ án có nhiều người yêu cầu khởi tố vụ án hình sự, có người không yêu cầu khởi tố vụ án hình sự thì cơ quan có thẩm quyền vẫn có thể khởi tố vụ án hình sự. Bổ sung khoản 2 điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015: “Trong trường hợp Vụ án có nhiều người yêu cầu khởi tố vụ án hình sự nhưng có một hoặc một số người không bao gồm tất cả các yêu cầu khởi tố vụ án hình sự thì cơ quan có thẩm quyền vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng”.

Bên cạnh đó, cũng cần quy định việc rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự không làm mất đi quyền đòi bồi thường thiệt hại do hành vi của bị can, bị cáo gây nên. Trong trường hợp này, cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng đó là hướng dẫn bị hai, người đại diện của bị hại nếu rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự nhưng vẫn muốn đòi bồi thường thiệt hại thì có thể khởi kiện yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại trong 1 vụ án dân sự khác.

Cần thiết phải bổ sung quy định cho phép Hội đồng xét xử vụ án hình sự cấp phúc thẩm có thẩm quyền “hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án” là khoản 2, Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Bởi lẽ theo quy định tại khoản 2, Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, hậu quả pháp lý của rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự là “vụ án phải được đình chỉ” nghĩa là bị hại, người đại diện của bị hại có thể rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự trong bất kỳ giai đoạn tố tụng nào, bao gồm cả giai đoạn xét xử phúc thẩm. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 359 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì bị hại, người đại diện của bị hại rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự không phải là căn cứ để HĐXX cấp phúc thẩm quyết định đình chỉ vụ án hình sự. Điều này dẫn đến những vướng mắc trong thực tế quá trình xét xử. Hệ quả là những bản án sai thiếu căn cứ pháp luật.

Trong một số trường hợp, pháp luật tố tụng hình sự cũng cần phải quy định rõ, tại phiên tòa, bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của bị hại rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự, Kiểm sát viên tham gia phiên tòa cũng đồng ý với bị hại hoặc người đại diện, nhưng bị cáo không đồng ý việc rút yêu cầu đó mà muốn Tòa án tiếp tục xét xử vụ án thì Hội đồng xét xử vẫn phải tiếp tục xét xử vụ án để đảm bảo lợi ích cho bị cáo.

Thứ tư, đối với trường hợp trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử có sự thay đổi về khung hình phạt trong cùng một điều luật nếu việc thay đổi dẫn đến tội thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại thì cần quy định rõ hơn cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự để tháo gỡ vướng mắc. Vì vậy, khoản 3 Điều 8 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018 quy định về quan hệ phối hợp giữa cơ quan điều tra và viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự cần được sửa đổi, bổ sung như sau: Không thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự nếu qua điều tra xác định được hành vi của bị can phạm vào khoản khác của tội danh đã khởi tố.

Ngoại trừ trường hợp qua điều tra xác định hành vi phạm tội thuộc khoản khác của tội danh đã khởi tố mà khoản đó chỉ được khởi tố theo yêu cầu của bị hạn thì phải ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự vì khoản 4 điều 9 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018 quy định về quan hệ phối hợp giữa cơ quan điều tra và viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự cần được sửa đổi, bổ sung như sau “Không thay đổi quyết định khởi tố bị can quá trình điều tra làm rõ hành vi của bị can phạm vào khoản khác trong cùng tội danh, điều luật đã khởi tố đối với bị can. Ngoại trừ trường hợp khi tiến hành điều tra nếu có căn cứ xác định hành vi của bị can phạm vào khoản khác của Điều luật đã bị khởi tố và thuộc khoản của tội chỉ được khởi tố theo yêu cầu của bị hạn thì phải ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can”.

Thứ năm, trong quá trình giải quyết tin báo, tố giác, kiến nghị khởi tố có rất nhiều trường hợp do nhiều yếu tố khác nhau như bị tác động bởi yếu tố vật chất (thỏa thuận bồi thường thiệt hại), yếu tố tinh thần (bị hại được hứa hẹn, bị dụ dỗ hay bị mua chuộc, cũng có thể thỏa mãn nhu cầu nào đó về tinh thần ) hoặc có yếu tố khác bị hại không yêu cầu khởi tố vụ án hình sự do đó để đảm bảo việc không yêu cầu khởi tố vụ án hình sự thể hiện ý chí tự do của bị hại và người đại diện, bảo đảm sự chặt chẽ quy định của pháp luật, không để oan sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, cần sửa đổi quy định tại khoản 8 điều 157 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 về một trong các căn cứ không khởi tố vụ án hình sự.

“Tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 36, 138, 139, 142, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố, trừ trường hợp không yêu cầu khởi tố do bị ép buộc, cưỡng bức”. Đồng thời bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015: “Bị hại hoặc người đại diện của họ có quyền yêu cầu khởi tố trong trường hợp trước đó những người này không yêu cầu khởi tố do bị ép buộc, cưỡng bức”.

Thứ sáu, xem xét để bổ sung hoặc lược bỏ một số tội danh vào nhóm những tội khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu bị hại.

Từ thực tiễn tại Việt Nam có thể thấy rằng một số tội lỗi vô ý mặc dù thuộc nhóm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng nhưng người thực hiện hành vi phạm tôi do lỗi vô ý, không có mục đích vụ lợi lại có thể được phía bị hại, gia đình bị hại. Ví dụ như một số tội phạm vi phạm quy định về an toàn giao thông. Hoặc điều 182 Bộ luật hình sự 2015, tội “vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng” tác giả kiến nghị nên cho tội này vào nhóm những tội khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu bị hại, vì nếu xử lý tội phạm của nhóm này mà không cân nhắc thì hậu quả có thể dẫn đến là những ảnh hưởng xấu đến gia đình, con cái chung của bị cáo và bị hại mà chính bị hại cũng không mong muốn xảy ra.

Khoản 1 Điều 226 Bộ luật hình sự 2015 quy định tội “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” là một quy định mới của Bộ luật hình sự 2015. Tuy nhiên theo quan điểm cá nhân của tác giả, đây là một quy định cần phải xem xét lại vì còn nhiều tranh cãi. Quy định này đã mở ra thêm một chủ thể mới đó là “pháp nhân thương mại”. Mặc dù việc truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại không loại bỏ trách nhiệm hình sự của cá nhân, nhưng trường hợp nào thì truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, trường hợp nào thì truy cứu trách nhiệm hình sự của cá nhân thì còn chưa được làm rõ, chưa có văn bản nào hướng dẫn. Tại rất nhiều quốc gia có hệ thống pháp luật tiên tiến trên thế giới (Trung Quốc, Hoa Kỳ, Đức…) thì cũng chưa có chế định về truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Do đó, cần loại bỏ quy định này.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com