Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động định tội danh tội phạm về ma túy? Kiến nghị các giải pháp thực tiễn, hoàn thiện các quy định của pháp luật về hoạt động định tội danh tội phạm về ma túy?
1. Giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật:
Định tội danh đạt được kết quả chính xác đòi hỏi hệ thống pháp luật cần phải hoàn chỉnh. Trước hết là hệ thống pháp luật hình sự hoàn chỉnh là điều kiện tiên quyết đảm bảo hiệu quả hoạt động định tội danh đúng, người tiến hành tố tụng định tội danh sẽ phát huy được khả năng làm việc của mình; việc định tội danh các tội phạm về ma túy khó có thể đạt được kết quả chính xác nếu như dựa trên hệ thống pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính chặt chẽ, thiếu những khái niệm pháp lý cơ bản, gây nên sự nhận thức không thống nhất giữa các chủ thể tiến hành tố tụng định tội danh.
Quy định BLHS về các dấu hiệu đặc trưng của CTTP phải tương thích với các quy định của pháp luật chuyên ngành. BLHS phải kịp thời có những sửa đổi, bổ sung để đấu tranh có hiệu quả với những hành vi nguy hiểm cho xã hội đã xảy ra trên thực tế, trước những diễn biến ngày càng phức tạp của tình hình tội phạm. Cụ thể, tác giả đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định sau:
Một là, khắc phục hạn chế tại điểm a khoản 1 các điều 249, 250, 251 BLHS năm 2015 đã phân tích ở trên.
Để khắc phục những hạn chế, vướng mắc như phân tích ở trên, đề nghị sửa đổi bổ sung điểm a khoản 1 các Điều 249, 250, 252 BLHS theo hướng như sau:
“a) Khối lượng chất ma túy dưới mức thấp nhất quy định từ điểm b đến điểm i khoản 1 Điều này, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này, hoặc đã bị kết án về một trong các tội: Tội sản xuất trái phép chất ma túy, tội tàng trữ trái phép chất ma túy, tội vận chuyển trái phép chất ma túy, tội mua bán trái phép chất ma túy, tội chiếm đoạt chất ma túy, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”.
Hai là, để định tội danh các tội phạm về ma túy trong trường hợp đồng phạm được chính xác, cần bổ sung, hoàn thiện khái niệm pháp lý cơ bản như: “khái niệm đồng phạm”, “trách nhiệm hình sự trong đồng phạm”. Theo quan điểm của tác giả, bổ sung về “khái niệm đồng phạm” nên sử dụng khái niệm “cùng tham gia” thay thế cho thuật ngữ “cùng thực hiện”. Bởi lẽ, việc sử dụng thuật ngữ “cùng thực hiện” mới chỉ thể hiện được hành vi của một loại người đồng phạm, đó là người thực hành. Điều đó chỉ đề cập đến hình thức đồng phạm đơn giản, với sự phạm tội của những người cùng thực hành mà không có những người đồng phạm khác.
Cụ thể, sửa khoản 1 Điều 17 BLHS năm 2015 như sau:
“Đồng phạm là trường hợp có từ hai người trở lên cố ý cùng tham gia một tội phạm”.
Ba là, do các đặc điểm của các chất ma túy theo quy định của BLHS có nhiều điểm khác nhau, từ những phân tích trên tác giả cho rằng để đảm bảo tính khách quan, khoa học và pháp chế, giải quyết các tranh cãi không ngừng xung quanh vấn đề giám định/xác định các chất ma túy, các cơ quan có thẩm quyền cần xác định lại tính chất và đặc điểm của các chất ma túy theo quy định của pháp luật hình sự; phần các chất ma túy thành hai hoặc nhiều nhóm tương ứng với các yêu cầu về việc cần giám định hàm lượng chất ma túy hoặc không cần giám định hàm lượng trong quá trình xác định chất ma túy khi giải quyết các vụ án hình sự cũng như các vấn đề có liên quan. Tác giả đề xuất có thể chia thành ba nhóm:
Nhóm 1: Nhóm các chất ma túy cần giám định xác định chất, hàm lượng các chất và khối lượng chất ma túy tinh chất nguyên chất áp dụng đối với các chất đối với gồm Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA và XLR – 11 và các chất ma túy theo danh mục các chất ma túy và tiền chất do Chính phủ quy định, loại trừ lá Coca, cần sa và các chế phẩm, thuốc phiện và các chế phẩm tinh dầu hay bất kỳ hỗn hợp nào có chứa Safrole, Isosafrole.
Nhóm 2: Nhóm các chất ma túy cần giám định xác định chất và khối lượng/thể tích và phải giám định hàm lượng trong trường hợp có sự pha loãng, trộn lẫn: các chế phẩm cần sa, thuốc phiện, tinh dầu hay hỗn hợp chứa Safrole, Isosafrole...
Nhóm 3: Nhóm các chất ma túy cần giám định xác định chất và khối lượng của các chất ma túy, gồm các chất ma túy là các thực thể tự nhiên, cây, lá thân, cành, hoa quả, cao của các cây coca, cần sa, thuốc phiện, lá khát và các cây có chứa chất gây nghiện khác.
Để phân loại được các nhóm chất ma túy và tiền chất như trên là một công việc rất khó khăn và tiêu tốn thời gian, đòi hỏi phải dựa trên nhiều kết quả các nghiên cứu khoa học Khoa học và y khoa). Tuy nhiên, đó là việc làm cần thiết, góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết các trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm về ma túy cũng như góp phần bảo đảm các quyền con người mà Đảng và Nhà nước ta đang hướng tới.
2. Xây dựng các tiêu chí đối với việc giải quyết án ma túy:
Trong quá trình thụ lý, giải quyết một vụ án hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng và trực tiếp là những người tiến hành tố tụng phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan để thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong từng giai đoạn nhanh chóng làm sáng tỏ vụ án, đưa người phạm tội ra truy tố đúng người, đúng tội và có bản án đúng với hành vi và mức độ phạm tội.
Như vậy, để nâng cao chất lượng giải quyết án ma túy, cần đạt những yêu cầu sau:
Thứ nhất, nhanh chóng, kịp thời
Việc giải quyết nhanh chóng, kịp thời vừa có tác dụng trừng phạt, răn đe đối với hành vi vi phạm pháp luật, người có hành vi vi phạm pháp luật; ngăn chặn sự ảnh hưởng của ma túy đến cộng đồng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước và cá nhân; kịp thời thu hồi tài sản, khắc phục hậu quả cho người bị hại; giữ gìn an toàn xã hội, lòng tin của quần chúng vào các cơ quan tư pháp; đạt hiệu quả về việc tiết kiệm thời gian, nhân lực và vật lực.
Thứ hai, việc giải quyết vụ án phải chính xác
Mục tiêu của việc điều tra là làm sáng tỏ vụ án, xác định sự thật, làm rõ hành vi phạm tội, người phạm tội, mức độ lỗi, chứng cứ...do đó giải quyết chính xác là việc xác định đúng vai trò của bị can, bị cáo trong vụ án; làm rõ các yếu tố CTTP, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của bị can, bị cáo...làm cơ sở để truy tố, xét xử có căn cứ và đúng pháp luật. Việc giải quyết chính xác còn thể hiện việc người tiến hành tố tụng thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật tố tụng.
Thứ ba, đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa đối với hành vi và người phạm tội
Việc xử lý đúng pháp luật là một hình thức răn đe, phòng ngừa tội phạm hiệu quả nhất. Do đó thực hiện được yếu tố giải quyết vụ án chính xác là hình thức răn đe đối với bất cứ đối tượng nào có ý định đi trái với quy định của pháp luật. Việc răn đe, phòng ngừa còn được thể hiện việc thông qua việc truy tố, xét xử tại phiên tòa, người tiến hành tố tụng tuyên truyền , phổ biến pháp luật trực tiếp đến bị cáo, đến từng người dân tham dự phiên tòa.
Thứ tư, đạt yêu cầu phòng ngừa cao
Việc giải quyết triệt để, thấu đáo một vụ án phải đồng thời tìm ra lý do, nguyên nhân phạm tội. Thông qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan 1 tiến hành tố tụng tìm ra những sơ hở, thiếu sót trong khâu quản lý, trong trình kiểm soát các hoạt động xã hội, kinh tế của cơ quan, tổ chức, cá nhân để có những kiến nghị, phòng ngừa kịp thời.
Thứ năm, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị chung và công tác trọng tâm của địa phương
Việc giải quyết tốt một vụ án, giải quyết tốt nhiều vụ án bên cạnh việc góp phần giữ gìn an ninh, chính trị trên địa bàn, nhưng sâu sắc hơn đó chính là lòng tin của quần chúng vào các cơ quan bảo vệ pháp luật, lòng tin của nhân dân vào việc hành vi tội phạm phải bị trừng trị thích đáng, lòng tin của con người vào lẽ phải và sự công bằng.
3. Tăng cường hướng dẫn áp dụng pháp luật:
Ngành Tòa án, Viện Kiểm sát, Bộ Công an, Bộ Tư pháp cùng các cơ quan chuyên trách cần tổ chức các đợt tập huấn, hướng dẫn cán bộ có thẩm quyền giải quyết án ma túy đúng, đầy đủ và toàn diện những quy định trong BLHS và các Thông tư liên tịch về hướng dẫn một số quy định các tội phạm về ma túy và các văn bản quy định về ma túy, liên quan đến ma túy.
Trước tiên, cần hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 3.7 mục 3 phần II Thông tư số 17/2007, Điều 49 BLHS và các điều luật có liên quan đến xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm. Theo quan điểm của cá nhân tác giả như sau:
Một là, trường hợp “đã tái phạm” là căn cứ xác định tái phạm nguy hiểm cần được xét thỏa mãn cả điều kiện về nội dung pháp lý (bị coi là tái phạm) và điều kiện về hình thức pháp lý (có bản án nhận định và xác định là tái phạm và bản án này chưa được xóa án tích). Trường hợp thỏa mãn điều kiện nội dung để xác định tái phạm nhưng không thỏa mãn điều kiện về hình thức, tức là bản án xét xử không nhận định và xác định là tái phạm thì không coi là căn cứ để xác định tái phạm nguy hiểm ở lần phạm tội sau.
Hai là, trường hợp có hai tiền án về tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy (không thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm), đều chưa được xóa án tích, lại tiếp tục có hành vi tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy dưới mức định lượng ở khoản 1 của Điều trong luật tương ứng.
Về nguyên tắc, tiền án thứ nhất là căn cứ để xác định tái phạm ở lần phạm tội thứ hai (tiền án thứ hai) do thỏa mãn đã bị kết án chưa được xóa án tích lại phạm tội do cố ý, nên không sử dụng tiền án thứ nhất để tăng nặng TNHS trong lần phạm tội thứ ba. Như vậy, tiền án thứ hai, dù là tái phạm, cũng chỉ được xem xét là tình tiết “đã bị kết án” để truy cứu TNHS theo khoản 1 Điều luật tương ứng với hành vi đã thực hiện mà thôi. Nếu bản án thứ hai không nhận định và áp dụng tái phạm, tức là tiền án thứ nhất chưa bị áp dụng để tăng năng TNHS trong tiền án thứ hai, thì tiền án thứ nhất sẽ bị áp dụng trong lần xác định TNHS đối với hành vi phạm tội ở lần thứ ba. Theo đó, tiền án thứ nhất được xác định là căn cứ định tội, tiền án thứ hai sẽ là căn cứ tăng nặng TNHS.
Ba là, trong triển khai áp dụng quy định mới của BLHS năm 2015 về các tội độc lập, đặc biệt về 04 dạng hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép và chiếm đoạt chất ma túy, tiền chất...việc làm rõ tính liên quan giữa các biểu hiện thực tế “tàng trữ”, “vận chuyển”, “mua bán” và “chiếm đoạt” có ý nghĩa rất quan trọng trong xác định hành vi khách quan của tội phạm và tội danh. Việc làm rõ này lại trên cơ sở xác định nhận thức chủ quan của chủ thể. Nếu ý thức chủ quan của chủ thể rõ ràng thì việc định tội danh và quyết định hình phạt không gặp vướng mắc.
Ví dụ, cất giấu chất ma túy nhằm để bán lại là hành vi khách quan của tội mua bán trái phép chất ma túy; cất giấu chất ma túy để sử dụng là hành vi khách quan của tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, sẽ cần phải bàn thêm về định tội danh và định khung hình phạt trong trường hợp ý thức chủ quan của chủ thể không rõ ràng.
Cụ thể, nếu cất giấu 05 gam heroin với ý thức để sử dụng, nhưng cũng sẵn sàng bán nếu có người hỏi mua. Nếu định 01 tội “mua bán trái phép chất ma túy” như thực tiễn xét xử hiện nay sẽ dẫn tới bất lợi cho người phạm tội bởi họ phải chịu TNHS về toàn bộ khối lượng chất ma túy vừa để dùng, vừa để bán đó. Hơn nữa, rõ ràng người phạm tội thực hiện 02 hành vi phạm tội, nhưng lại chỉ tuyển 01 tội “mua bán trái phép chất ma túy” là không phù hợp với hướng dẫn tại Thông tư số 17/2007. Nếu định 02 tội “tàng trữ trái phép chất ma túy” và “mua bán trái phép chất ma túy” thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ gặp phải khó khăn trong xác định đầu là khối lượng ma túy để sử dụng và đâu là khối lượng ma túy để mua bán. Tình tiết “05 gam heroin” có cùng được sử dụng để định khung hình phạt đối với cả 02 tội hay phải xác định mức khối lượng heroin bao nhiêu cho từng tội? Trường hợp này cần thiết phải được hướng dẫn thống nhất áp dụng.
Theo quan điểm cá nhân, tác giả cho rằng trường hợp bóc tách được khối lượng chất ma túy đã sử dụng thì định 02 tội và sử dụng khối lượng bóc tách để xác định TNHS. Trường hợp không thể bóc tách khối lượng chất ma túy để sử dụng và khối lượng chất ma túy để bán thì mặc định toàn bộ khối lượng chất ma túy này là đối tượng của hành vi mua bán trái phép chất ma túy và định 01 tội danh mua bán trái phép chất ma túy để bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa tội phạm.
Bốn là, tương tự trường hợp một người mua ma túy để sử dụng, sau đó thu tiền của người khác để cho những người này cũng sử dụng ma túy: bản chất việc thu tiền chính là việc bán lại một phần ma túy, hành vi cần được xác định tội danh là mua bán trái phép chất ma túy. Đối với khối lượng chất ma túy sử dụng chung, trong trường hợp không thể bóc tách riêng phần bán và phần sử dụng, cần mặc định toàn bộ khối lượng chất ma túy này là đối tượng của hành vi mua bán trái phép.
Năm là, trường hợp mua hộ ma túy cho người khác để được cùng sử dụng chỉ được xem là hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy.
Về căn cứ viện dẫn trong trường hợp miễn TNHS do chuyển biến của tình hình, tác giả cho rằng cần có nội dung hướng dẫn trực tiếp, trong đó thống nhất cách hiểu về nội dung, hậu quả pháp lý của khoản 2 Điều 8 BLHS năm 2015 (tương ứng với khoản 4 Điều 8 BLHS năm 1999) và điểm a khoản 1 Điều 29 BLHS năm 2015 (tương ứng khoản 1 Điều 25 BLHS năm 1999). Nhấn mạnh khoản 2 Điều 8 BLHS năm 2015 được viện dẫn áp dụng cho trường hợp hành vi tại thời điểm thực hiện, đối chiếu với quy định của pháp luật và văn bản hướng dẫn, tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể (chưa đạt định lượng chất ma túy để truy cứu TNHS) thì không phải là tội phạm và xử lý bằng các các biện pháp khác.
Điểm a khoản 1 Điều 29 BLHS năm 2015 được viện dẫn áp dụng cho trường hợp hành vi tại thời điểm thực hiện, đối chiếu với quy định của pháp luật và văn bản hướng dẫn, được xác định là hành vi phạm tội, nhưng trong quá trình tiến hành điều tra, truy tố, xét xử thì có sự thay đổi chính sách pháp luật làm cho hành vi phạm tội đó trở nên không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, nên được miễn TNHS. Trong trường hợp có sự thay đổi chính sách pháp luật làm cho hành vi phạm tội trở nên không còn nguy hiểm cho xã hội nữa thì chỉ cần viện dẫn điểm a khoản 1 Điều 25 BLHS năm 2015 mà không viện dẫn thêm khoản 2 Điều 8 BLHS năm 2015.
Ngoài ra, cần có hướng dẫn cụ thể hơn về các dấu hiệu định tội, định khung hình phạt đối với tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy liên vướng mắc của thực tiễn xét xử thời gian qua đã phân tích ở trên.
4. Tăng cường tổng kết thực tiễn:
Việc tổng kết thực tiễn công tác điều tra, truy tố, xét xử, qua đó sơ kết, tổng kết việc thực hiện các văn bản pháp luật; tổng hợp các vướng mắc, kiến nghị của Tòa án địa phương để ban hành những hướng dẫn cụ thể giúp Tòa án áp dụng chính xác những quy định pháp luật. Bởi lẽ, trong hoạt động giải quyết án hình sự sẽ có những việc được đánh giá là thành công và cả những việc hạn chế chưa thực hiện được.
Thông qua hoạt động tổng kết, rút kinh nghiệm sau mỗi vụ án sẽ giúp chúng ta rút ra được bài học kinh nghiệm về việc áp dụng pháp luật. Từ đó có được cái nhìn thực tiễn, khách quan để đánh giá xem những quy phạm pháp luật nào phù hợp với thực tế cuộc sống, và quy phạm pháp luật nào không còn phù hợp cần bổ sung, sửa đổi. Qua đó đề xuất những kiến nghị, đề nghị sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn áp dụng pháp luật thống nhất đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhà nước và nhân dân.
Để công tác tổng kết rút kinh nghiệm trong hoạt động xét xử, truy tố, điều tra án hình sự thật sự đạt hiệu quả, chúng ta cần đảm bảo việc cập nhật kịp thời, thường xuyên kết quả xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, kết quả công tác giám đốc thẩm, kết quả tái thẩm các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Thông qua đó tìm ra nguyên nhân của những sai lầm, thiếu sót trong quá trình xem xét, đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật để rút kinh nghiệm và lựa chọn những bản án, quyết định đúng đắn để các ngành tham khảo.
Đối với tỉnh Hải Dương, trong công tác định tội danh đối với tội phạm về ma túy ngoài việc tòa án tổ chức rút kinh nghiệm sau một số phiên tòa hay cử người có thẩm quyền tự nguyện đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn ở các cơ sở đào tạo thì các cơ quan chức năng của tỉnh cũng chưa tổ chức được các hội nghị tổng kết, hướng dẫn áp dụng pháp luật cụ thể và áp dụng thống nhất về tội danh này, cũng chưa tổ chức được các hội thảo và mời chuyên gia pháp lý nói chuyện chuyên đề về tội phạm về ma túy.
5. Tăng cường giám sát, kiểm tra việc định tội danh các tội phạm về ma túy:
Nghị quyết số 08/NQ – TU ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới xác định: “Tăng cường sự giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, của các tổ chức xã hội và nhân dân đối với các cơ quan tư pháp” .
Không thể phủ nhận tầm quan trọng của hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, và các tổ chức xã hội, nhân dân đối với các cơ quan tư pháp. Việc giám sát ngay từ giai đoạn đầu tiên của hoạt động điều tra, truy tố xét xử của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần xây dựng các cơ quan tiến hành tố tụng vững mạnh về tổ chức và cán bộ, nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử, hạn chế đến mức thấp nhất các bản án oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Do đó, cần tăng cường vai trò giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp Tỉnh, huyện đối với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử của của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án các cấp; Mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên đẩy mạnh công tác khuyến khích người dân thực hiện quyền giám sát, tố cáo của mình. Từ đó phát hiện những khuyết điểm, hạn chế trong hoạt động xét xử, qua đó kiến nghị với cơ quan Tòa án khắc phục sửa chữa. Đồng thời, nâng cao hiệu quả, vai trò, tiếng nói của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, cung cấp thông tin về hoạt động xét xử đến người dân và toàn xã hội.
Một biện pháp quan trọng nhằm bảo đảm chất lượng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử án hình sự là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải thực sự chú trọng công tác tự kiểm tra thông qua công tác kiểm tra giám sát án hàng năm của cơ quan cấp trên đối với cơ quan cấp dưới. Phải thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra án và kết hợp nhiều hình thức khác nhau như tiến hành theo chuyên đề hoặc tiến hành theo định kỳ hàng năm.
Qua đó, các cơ quan cấp trên kịp thời uốn nắn, sửa chữa, khắc phục những sai sót của đơn vị cấp dưới, góp phần áp dụng pháp luật thống nhất trong toàn ngành và nâng cao trình độ và kỹ năng điều tra, truy tố, xét xử cho các Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Thư ký. Cùng với công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, cần xử lý kịp thời, nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Thư ký, đây là biện pháp quan trọng nhằm bảo đảm chất lượng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.