Kiến nghị các giải pháp và định hướng hoàn thiện pháp luật để nâng cao hiệu quả hoạt động giải quyết tranh chấp dân sự bằng hòa giải ngoài Tòa án tại Việt Nam.
1. Giải pháp và định hướng hoàn thiện pháp luật về hoà giải các tranh chấp dân sự thông qua hình thức hòa giải ở cơ sở:
Giải pháp:
Trước tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm và các tranh chấp, xung đột xảy ra ngày càng nghiêm trọng, diễn biến phức tạp đang đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với công tác tư pháp nói chung, công tác hòa giải ở cơ sở nói riêng phải được tăng cường, có bước chuyển mình ngang tầm với yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn. Yêu cầu này đặt ra không chỉ cho ngành Tư pháp – với chức năng giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở mà còn cho các ban, ngành, các tổ chức đoàn thể và toàn xã hội. Cụ thể, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, UBND các cấp cần thiết phải tăng cường đầu tư về kinh phí, cơ sở vật chất và tạo các điều kiện thuận lợi khác. Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở; hàng năm tổ chức sơ kết, tổng kết, khen thưởng, nêu gương những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải tại địa phương; tăng cường đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác hòa giải ở cơ sở.
Thứ hai, do ở mỗi vùng miền, mỗi địa phương có những đặc thù riêng, điều kiện, phong tục tập quán, nên nếu việc nghiên cứu, tổ chức làm điểm các mô hình hòa giải phù hợp sẽ đem lại hiệu quả thiết thực. Đồng thời, gắn hoạt động hòa giải ở cơ sở và phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Thứ ba, thực hiện tốt cơ chế phối hợp quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở theo hướng dẫn tại Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP UBTƯMTTQVN; đẩy mạnh lồng ghép việc thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở với các phong trào, cuộc vận động do Mặt trận phát động, kết hợp chặt chẽ công tác hòa giải ở cơ sở với hoàn thiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
Định hướng hoàn thiện pháp luật:
Thứ nhất, UBND các cấp cần thiết phải ban hành định hướng chỉ đạo, thể hiện bằng việc việc ban hành các văn bản hướng dẫn, giao trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, tổ chức kiểm tra đôn đốc thường xuyên.
Thứ hai, cần thiết phải nghiên cứu, xem xét, quy định đưa tiêu chí chất lượng hòa giải (tỷ lệ hòa giải thành) là một trong các tiêu chí đánh giá chất lượng chính quyền và đoàn thể hằng năm ở cơ sở; nghiên cứu việc gắn kết công tác hòa giải ở cơ sở với hoạt động của luật sư, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, với hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để kịp thời giải tỏa các vướng mắc, mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột tại địa bàn dân cư; khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia vào công tác hòa giải cơ sở, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp luật đã nghỉ hưu, người có uy tín, kinh nghiệm xã hội tham gia công tác hòa giải ở cơ sở.
2. Giải pháp và định hướng hoàn thiện pháp luật về hoà giải các tranh chấp dân sự thông qua hình thức hoà giải thương mại:
Giải pháp:
Thứ nhất, do hiểu biết và nhận thức của các cá nhân, cơ quan, tổ chức, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp về phương thức giải quyết bằng hòa giải thương mại vẫn còn hạn chế, do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến về hòa giải thương mại nhằm nâng cao nhận thức của cá nhân, cơ quan, tổ chức, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp về vai trò, tính hiệu quả của hòa giải trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh trong việc tiếp cận dịch vụ hòa giải thông qua các hình thức như tổ chức hội thảo, tọa đàm, tuyên truyền, phổ biến, quảng bá hoạt động hòa giải trên báo, đài, mạng internet.
Thứ hai, Đội ngũ hòa giải viên thương mại cần chủ động tích cực trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, kỹ năng hỗ trợ giải quyết tranh chấp đặc biệt là trong các lĩnh vực chuyên sâu như đầu tư, thương mại quốc tế, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm. Các Trung tâm hòa giải thương mại cần có chính sách quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu, uy tín cho Trung tâm; bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao tính chuyên nghiệp, trình độ cho đội ngũ hòa giải viên thương mại của Trung tâm qua đó tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp.
Định hướng hoàn thiện pháp luật:
Thứ nhất, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của quy định pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế, quy định pháp luật một số nước có hoạt động hòa giải thương mại phát triển như Anh, Mỹ, Liên minh Châu Âu,...Cần thiết nghiên cứu sửa đổi quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự theo hướng thời gian tiến hành giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại không tính vào thời hiệu khởi kiện, thời hạn tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Thứ hai, Tòa án nhân dân tối cao cần thiết phải ban hành văn bản cụ thể, chỉ đạo, hướng dẫn Tòa án nhân dân các cấp triển khai các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc thực thi thỏa thuận hòa giải đã cam kết; chỉ đạo Tòa án địa phương tuyên truyền, hướng dẫn, cho các bên về phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án như trọng tài, hòa giải để các bên lựa chọn, trước khi đưa tranh chấp ra tòa nhằm giảm tải công tác xét xử của Tòa án đã quá tải từ lâu; tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ thẩm phán của các Tòa án địa phương về kiến thức pháp luật và kỹ năng giải quyết các vụ việc liên quan đến hoà giải thương mại.
3. Giải pháp và định hướng hoàn thiện pháp luật về hoà giải các tranh chấp dân sự thông qua hình thức hòa giải tiền tố tụng:
Giải pháp:
Thứ nhất, cần hoàn thiện và nâng cao kỹ năng giải quyết hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã và các tranh chấp lao động. Hòa giải tranh chấp đất đai và các tranh chấp lao động là vấn đề vô cùng khó khăn và phức tạp. Điều này đòi hỏi các thành viên trong Tổ hòa giải và hoà giải viên phải tìm hiểu quá trình mâu thuẫn cũng như là nắm bắt chính xác tâm tư, nguyện vọng của các bên. Quá trình hòa giải, Tổ hòa giải phải tỏ ra hết sức mềm dẻo, vừa giải quyết tranh chấp trên cơ sở quy định pháp luật nhưng cũng vừa có tình. Để làm được việc này đòi hỏi thành viên Tổ hòa giải và hòa giải viên phải được trang bị một số kỹ năng cần thiết.
Thứ hai, cần tăng cường công tác tổ chức tập huấn về công tác hòa giải về tranh chấp đất đai và tranh chấp lao động. Ngoài việc trang bị những kỹ năng cần thiết cho việc hòa giải tranh chấp thì đòi hỏi hoà giải viên cần phải có hiểu biết đầy đủ về các quy định của pháp luật có liên quan đến hòa giải. Có như vậy, mới hạn chế được những sai sót trong quá trình hoà giải.
Thứ ba, cần nâng cao trách nhiệm hòa giải tranh chấp đất đai của Tổ hòa giải và tranh chấp lao động của hoà giải viên. Để việc hòa giải đem lại kết quả tốt, vai trò của Tổ hòa giải tranh chấp đất đai và hoà giải viên lao động là rất quan trọng. Tuy nhiên, thực tế một số vụ việc hòa giải tranh chấp đất đai của Tổ hòa giải và hoà giải các tranh chấp lao động của hoà giải viên lao động chưa làm hết trách nhiệm của mình, chỉ hòa giải qua loa, chiếu lệ để chuyển hồ sơ đến Tòa án. Do đó, cần có sự quan tâm thích đáng của nhà nước thông qua việc bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp lý, kỹ năng hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên. Đồng thời tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho hoạt động của Tổ hòa giải ở cơ sở và Hoà giải viên lao động để nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải.
Thứ tư, cần tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân. Thực tế cho thấy, việc tranh chấp đất đai và tranh chấp lao động xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân là trình độ hiểu biết pháp luật, ý thức pháp luật, sự tôn trọng pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hết sức hạn chế. Do đó, việc nâng cao trình độ pháp luật cho nhân dân theo yêu cầu quản lý nhà nước bằng pháp luật hiện nay đang là vấn đề cấp thiết. Để làm được việc này cần triển khai đồng bộ các hình thức phổ biến, tuyên truyền pháp luật: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền thông qua các hội nghị, tuyên truyền thông qua công tác hòa giải ở cơ sở, qua tủ sách pháp luật...
Định hướng hoàn thiện pháp luật:
Đối với việc hoà giải các tranh chấp lao động, từ những bất cập được nêu ra ở phần thực tiễn, cần thiết phải đưa ra một số định hướng nhằm giải quyết vấn đề, góp phần hoàn thiện các nội dung về pháp luật lao động, nhất là các vấn đề liên quan thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là hoạt động hoà giải tiền tố tụng. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, về quy định thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện. Cần bổ sung điều khoản về “thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện” nhằm đảm bảo thống nhất với quy định trong Bộ luật Dân sự hiện hành về thời hiệu khởi kiện; hoặc bổ sung nội dung “trường hợp bộ luật này không quy định, thì áp dụng Bộ luật Dân sự” để có cơ sở dẫn chiếu trong trường hợp luật chuyên ngành không quy định thì áp dụng luật chung như tại Điều 4 Luật Thương mại năm 2005 có quy định nội dung này như sau: “Hoạt động thương mại không được quy định trong Luật Thương mại và trong các luật khác thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự”.
Thứ hai, về thời hiệu khởi kiện. Cần điều chỉnh thời hiệu khởi kiện tranh chấp lao động là 02 năm để phù hợp với thời hiệu khởi kiện của các tranh chấp dân sự hiện nay; hoặc có thể điều chỉnh thời hiệu khởi kiện là 02 năm bổ sung quy định theo hướng khi các bên đưa yêu cầu ra Tòa án để giải quyết sau 01 năm thì phần tiền công, tiền lương do mất việc, lãi suất từ khoản phải trả giữa các bên (nếu có) chỉ được tính trong khoản thời gian 01 năm này”.
Thứ ba, về giá trị pháp lý của biên bản hòa giải thành. Cần bổ sung quy định theo hướng “biên bản hòa giải thành có hiệu lực pháp luật và buộc phải thi hành, trừ trường hợp nội dung thỏa thuận trái pháp luật, trái đạo đức xã hội hoặc quá trình hòa giải không đúng thủ tục theo quy định” để đảm bảo về mặt lý luận khi công nhận thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Hoà giải viên lao động cũng như đảm bảo nguyên tắc không xem xét lại vụ việc đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đồng thời tránh gây lãng phí thời gian, công sức của các bên khi tiến hành thủ tục hòa giải và thủ tục hòa giải hướng đến giá trị thực thi hơn là mang tính “hình thức” như hiện nay.
Trong khi chờ đợi các vướng mắc, bất cập đang tồn tại về thủ tục và thời hiệu trong giải quyết tranh chấp lao động nói trên được chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn hiện nay, khi tiến hành thủ tục hòa giải thì các bên tranh chấp nên ấn định thời hạn thực hiện thỏa thuận cụ thể trong biên bản hòa giải thành và phải đảm bảo trước một khoảng thời gian nhất định so với thời hiệu khởi kiện theo luật định.
4. Giải pháp và định hướng hoàn thiện pháp luật về hoà giải các tranh chấp dân sự qua Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án:
Giải pháp:
Thứ nhất, Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án năm 2020 mới được ban hành, sự tiếp cận của người dân về luật này vẫn còn hạn chế. Do đó, cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân, cơ quan, tổ chức có thể nắm bắt được luật này.
Thứ hai, hiện nay đội ngũ hoà giải viên được bổ nhiệm chủ yếu là cán bộ đã nghỉ hưu của các cơ quan tư pháp. Do đó, cần thiết phải bổ nhiệm thêm nguồn nhân lực Hoà giải viên trẻ có kiến thức pháp luật sâu rộng tham gia vào đội ngũ Hoà giải viên.
Thứ ba, thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ để nâng cao trình độ hoà giải của các Hoà giải viên. Thêm vào đó, cũng nên đề ra những kế hoạch khen thưởng thường niên, tạo động lực cố gắng cho các Hoà giải viên.
Định hướng hoàn thiện pháp luật:
Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án đã được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập cần sửa đổi, bổ sung. Cụ thể:
Thứ nhất, về bản chất thì trình tự, thủ tục, thẩm quyền hoà giải của các Trung tâm Hoà giải, đối thoại quy định trong Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án là hoà giải ngoài tố tụng, nhưng được đặt tại Toà án. Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án quy định việc tiến hành hoà giải, đối thoại không nhất thiết phải tiến hành tại Toà án mà có thể ngoài Toà án. Do vậy, tên Luật là Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án chưa thật sự sát với bản chất của loại hình hoà giải này là ngoài tố tụng.
Thứ hai, về lệ phí, kinh phí hòa giải, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, Trưởng ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương tại Thông báo số 121a–TB/BNCTW về việc cần có giải pháp “tăng cường thu hút các nguồn xã hội tham gia thực hiện hoà giải, đối thoại”. Trong trường hợp Quốc hội ban hành quy định chi tiết về thủ tục công nhận kết quả hoà giải thành ngoài Toà án, lệ phí công nhận kết quả hoà giải thành thì cần ban hành quy định để áp dụng chung cho việc công nhận kết quả hoà giải ngoài Toà án đối với các mô hình hoà giải hiện có ở nước ta.
Thứ ba, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế, quy định của pháp luật một số nước về hoà giải, cần phải mở rộng quy định tại khoản 9 Điều 16 Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án sang các lĩnh vực hoà giải khác như hoà giải thương mại, hoà giải cơ sở. Theo đó, thời gian nộp đơn tiến hành hoà giải để giải quyết tranh chấp không tính vào thời hiệu khởi kiện, thời hạn tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Thứ tư, về tiêu chuẩn bổ nhiệm Hoà giải viên, Luật hoà giải, đối thoại tại Toà án có quy định: “có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư”. Việc coi điều kiện nêu trên là điều kiện tư cách là không hợp lý. Vì thế, cần phải xem xét việc thay đổi cụm từ “có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư” thành “có kiến thức pháp lý”. “Người có uy tín trong cộng đồng dân cư” thường là những người có tuổi cao.
Thứ sáu, về cơ cấu tổ chức của Trung tâm Hoà giải, đối thoại tại Toà án, cần thiết phải quy định Giám đốc Trung tâm Hoà giải, đối thoại là Chánh án hoặc Phó Chánh án Toà án cấp tỉnh, cấp huyện; Phó Chánh án Trung tâm là Thẩm phán do Chánh án Toà án nơi đặt Trung tâm phân công là hợp lý. Bởi lẽ, để thực hiện được các nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm, bảo đảm hiệu quả việc điều hành, giám sát hoạt động hoà giải của Hoà giải viên thì Giám đốc Trung tâm phải là lãnh đạo Toà án; Phó Giám đốc Trung tâm giúp việc cho Giám đốc Trung tâm, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Giám đốc Trung tâm khi được uỷ quyền nên cũng phải là người có chức danh tư pháp như Thẩm phán để điều hành, giám sát, hỗ trợ hoạt động của Hoà giải viên.
Thứ bảy, về phạm vi điều chỉnh quy định theo Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án, việc quy định phạm vi của Trung tâm Hoà giải, đối thoại tại Toà án chỉ hoà giải những tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự vẫn chưa tổng quát. Do đó, có thể hoàn thiện khoản 2 Điều 1 Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án như sau:
“Điều 1: Phạm vi điều chỉnh
2. Hoà giải theo quy định của Luật này được thực hiện trước khi Toà án thụ lý các tranh chấp, yêu cầu về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động có thể hoà giải, đối thoại (sau đây gọi chung là vụ việc dân sự có thể hoà giải, đối thoại), khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu Toà án giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính và các bên đồng ý hoà giải, đối thoại tại Toà án trước khi Toà án thụ lý, giải quyết vụ việc”.