Giải pháp nâng cao hiệu quả xử phạt vi phạm trong lĩnh vực hải quan? Kiến nghị một số giải pháp để tăng cường hiệu quả tuân thủ pháp luật, hiệu quả thực hiện xử phạt hành chính trong lĩnh vực hải quan?
1. Tuân thủ trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan:
Trong 3 năm gần đây các trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính đều không có khiếu kiện hay khiếu nại về các hành vi vi phạm hay quyết định xử phạt vi phạm trái với quy định của pháp luật hiện hành. Theo kế hoạch mà Cục hải quan đề ra trong công tác kế hoạch hàng năm qua các kỳ đại hội ngành thì công tác phát huy tính hiệu quả trong công tác xử phạt vi phạm hành chính cũng chưa được như tiêu chí trong kế hoạch của Cục hải quan Việt Nam, cụ thể như việc: đình chỉ vi phạm hành chính, lập biên bản vi phạm hành chính, ra các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Một thực tế là qua công tác thanh tra kiểm tra cho thấy một số công chức Hải quan không tuân thủ đúng quy trình, dẫn đến hành vi tiêu cực trong đội ngũ thực hiện công việc này. Việc này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như:
Thứ nhất: Số lượng vụ việc vi phạm quá lớn đối với một tỉnh có vùng biên giới và là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm của đồng bằng sông Cửu Long nên số lượng hàng hóa giao thương hàng ngày là rất lớn.
Thứ hai: Nhân lực không đủ để kiểm soát việc vi phạm, trong những năm qua mặc dù hàng năm Cục hải quan Việt Namvẫn tuyển dụng cho các vị trí theo chỉ tiêu, nhưng vẫn không đủ đáp ứng cho công việc, nhiều cán bộ phải kiêm nhiệm nhiều vị trí khác nhau, dẫn đến sự chuyên nghiệp hóa hay chuyên tâm cho công việc chưa được tốt, dẫn đến hiệu quả công việc trong công tác xử lý vi phạm hành chính chưa đạt hiệu quả cao nhất.
Thứ ba: Trình độ chuyên môn về xử phạt vi phạm hành chính của cán bộ là chưa sâu, và chưa đồng đều về trình độ. Công tác cán bộ tuy có được Cục rất quan tâm, nhưng những cán bộ trẻ thì chưa đáp ứng ngay được công việc, thêm nữa là công việc xử phạt vi phạm hành chính còn các điều luật và nghị định cũng chưa rõ ràng, dẫn đến tình trạng trong cùng Cục mà các cán bộ còn chưa thống nhất được 1 cách xử phạt vi phạm hành chính.
Thứ tư: Hành vi tham nhũng, tiêu cực trong việc xử phạt vi phạm hành chính điều này là khó tránh khỏi trong những cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm, đó là hành vi tiêu cực gây phiền hà, sách nhiễu của một số cán bộ công chức khi thi hành nhiệm vụ.
Xuất phát từ nguyên tắc xây dựng hệ thống pháp luật về hải quan đảm bảo: tính minh bạch, rõ ràng, tính ổn định tính dự báo; tính linh hoạt luôn cập nhật các chuẩn mực và thông lệ quốc tế tiên tiến nhất thì các quy định theo các hiệp ước quốc tế, cam kết quốc tế phải được chi tiết hóa thành các điều trong Luật Hải quan, các điều khoản luật phải được xây dựng ở mức độ chi tiết nhất có thể để tránh phải ban hành quá nhiều văn bản hướng dẫn.
Đồng thời với việc bổ sung các nội dung về quản lý hải quan hiện đại, thủ tục hải quan điện tử thì hệ thống pháp luật pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan cũng phải xây dựng tuân thủ trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, đưa được các quy định sửa đổi, bổ sung của luật vào các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.
2. Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức hải quan trong công tác xử phạt vi phạm hành chính:
Sự phát triển kinh tế của đất nước trước quá trình hội nhập quốc tế ngày càng nhanh, với những đòi hỏi về chất lượng cán bộ công chức ngành Hải quan ngày một cao. Với mỗi cán bộ công chức trong ngành cần phải tự nghiên cứu, học hỏi trong quá trình làm việc để áp dụng pháp luật đúng, thống nhất áp dụng trong toàn ngành, hiểu đúng các quy định của văn bản pháp luật. Luôn tự bồi dưỡng, nghiên cứu các văn bản pháp luật có liên quan tới công tác xử phạt vi phạm hành chính của các ngành khác mà trong Cục hải quan có tham gia theo sự phối hợp phân công liên ngành khi có việc xảy ra trên địa bàn Cục hải quan Việt Nam.
Sự phát triển xã hội không ngừng đi lên luôn kéo theo các trường | hợp vi phạm càng nhiều với các hành vi ngày càng tinh vi hơn, từ đó việc công chức Hải quan luôn phải nâng cao trình độ, chuyên môn và thiết bị công nghệ mới để phục vụ cho công việc ngày càng chuyên nghiệp hơn. Để làm tốt công tác này thì nội dung xây dựng cần:
Thứ nhất: Nâng cao trình độ và nhận thức, và trách nhiệm của người làm công tác quản lý, người đứng đầu các đơn vị phải chịu trách nhiệm và có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính. Phải luôn luôn ghi nhận việc xử lý vi phạm hành chính là một công việc quan trọng của việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao phó.
Thứ hai: Chú trọng vào công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục và bồi dưỡng cán bộ, công chức trong ngành hải quan, đặc biệt là công chức làm công tác trực tiếp xử lý, công chức tham mưu xử lý, để mọi người nhận thức đúng đắn, đầy đủ về công việc xử lý vi phạm hành chính.
Thứ ba: Việc tăng hướng dẫn, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ làm công tác xử lý có trình độ chuyên môn sâu, và đồng đều về trình độ, cộng với công việc có tính ổn định. Tại Cục hải quan Việt Namthực tế cho thấy, nếu luân chuyển cán bộ không hợp lý sẽ dẫn đến chất lượng công việc sẽ ảnh hưởng, một cán bộ kiêm nhiệm thêm việc mà công chức đó không có chuyên môn sâu thì hiệu quả công việc đó cũng giảm theo rất nhiều. Chưa tính đến những hậu quả khó lường khi ra những quyết định hay tham mưu sai trong công việc xử phạt vi phạm hành chính.
Trong trường hợp công tác tổ chức cán bộ đã có kế hoạch luân chuyển cán bộ sang vị trí, đơn vị khác thì phải có chương trình, kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ cho đối tượng được luân chuyển, người kế cận, chỉ khi nào người kế cận làm tốt công việc thì mới luân chuyển cán bộ sang vị trí mới.
Thứ tư: Có sự quan tâm nhiều hơn với đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và người làm công việc xử lý vi phạm nói riêng, và đặc biệt là những người có thành tích đặc biệt thì phải có chế độ, chính sách khen thưởng cho cá nhân hay tập thể tương ứng với thành tích của họ mang lại cho ngành cũng như cho đất nước.
3. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan:
Công tác kiểm tra, thanh tra luôn quan trọng trong các ngành nghề, từ sản xuất đến hành chính công, đặc biệt, đó là công cụ là lá chắn để ngăn chặn, phòng ngừa, phát hiện xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực của ngành hải quan. Song song với việc thanh tra giám sát thì việc kiểm tra thường xuyên phải được duy trì để giúp phát hiện những yếu kém tồn tại trong hoạt động xử phạt vi phạm hành chính.
Bằng cách kiểm tra này, các chủ thể về quản lý liên quan đến hoạt động trong hải quan vừa phát hiện được những điểm tích cực, và cũng thấy được những dấu hiệu tiêu cực trong công tác xử phạt vi phạm hành chính, để giúp cho việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. Qua đó cũng rút ra được các biện pháp và cách quản lý cũng như cách làm phù hợp hơn với quy trình xử lý vi phạm hành chính trong ngành hải quan, đó là tiền đề để giúp công tác phòng chống các vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, việc kiểm tra phải mang tính duy trì thường xuyên mới có hiệu quả, nếu mất tính duy trì thường xuyên sẽ không mang lại hiệu quả thiết thực, mất đi tính công bằng và niềm tin cho xã hội, cũng như làm mất đi giá trị lớn của luật pháp trong công tác đấu tranh với mọi hành vi trái với quy định của pháp luật, của nhà nước.
Bên cạnh việc duy trì kiểm tra thường xuyên phải có công tác kiểm tra đột xuất xen lẫn, việc tăng cường mang tính đột xuất này giúp giảm bớt việc chủ quan, lơ là trong công tác. Trong 3 năm (2018, 2019, 2020) công tác kiểm tra đột xuất tại Cục hải quan Việt Namlà chưa nhiều, mỗi năm có 3 đến 4 lần, và sau các lần kiểm tra đột xuất này thì biên bản họp kết luận là không có dấu hiệu bất thường so với các buổi kiểm tra, thanh tra thường xuyên, nó mang tính hình thức mang, kiểm tra nội bộ theo định kỳ. Trong những năm tới đây, công tác này cần đổi mới và đẩy mạnh hình thức kiểm tra đột xuất này một cách triệt để để hiệu quả tốt nhất.
Tổng cục hải quan có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc xử phạt vi phạm hành chính của các Cục hải quan địa phương. Từ thực trạng đang diễn ra tại Cục Hải quan Việt Namcho thấy vẫn còn tồn tại tình trạng quan liêu, còn yếu kém trên các phương diện về trình độ chuyên môn. Do đó việc kiểm tra thường xuyên lẫn việc kiểm tra đột xuất sẽ góp phần giải quyết các sai phạm, khiếu nại, tố cáo trong xử phạt vi phạm hành chính thuộc phạm vi Cục Hải quan tại địa phương. Quá trình kiểm tra, thanh tra sau khi có phát hiện sai phạm của cá nhân hay tập thể đều phải xử lý, bên cạnh đó, công tác tổng hợp, báo cáo đầy đủ về tình trạng vi phạm hành chính và việc xử phạt vi phạm theo quý, hay theo tháng phải được thực hiện triệt để. Hình thức này vừa mang tính chất minh bạch vừa mang tính kiểm tra chéo giữa các cơ quan liên ngành.
Tăng cường thường xuyên kiểm tra trực tiếp và đột xuất việc thực hiện pháp luật về hải quan tại các Cục Hải quan địa phương trong công việc xử phạt vi phạm hành chính là một cần thiết, chỉ có kiểm tra mới phát hiện ra ưu điểm và nhược điểm trong công việc, theo đó, sẽ phát huy được điểm mạnh của từng công chức, đồng thời khắc phục những điểm yếu kém. Sự kết hợp đồng bộ giữa kiểm tra và hướng dẫn thực hiện pháp luật là cần thiết trong hoạt động xử phạt vi phạm hành chính, đặc biệt cần có sự quan tâm đúng mức tới các Cục hải quan tại địa phương có sự phức tạp về địa lý, khó khăn về cán bộ, công chức ngành Hải quan trong công tác xử phạt vi phạm hành chính.
4. Tuyên truyền, giáo dục pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan:
Tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn và giáo dục về pháp luật luôn luôn là một phương pháp quan trọng và hợp với tình hình đất nước và văn hóa nước ta trong những năm qua. Trong thời gian dài, công việc phổ biến, giáo dục pháp luật ở nước ta đã được khẳng định với vai trò là bộ phận không thể tách rời trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Công tác tuyên truyền được thực hiện ở khắp mọi vùng miền, lĩnh vực, đối tượng ..., ngoài tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thì các cuộc thi tìm hiểu và hiểu biết về pháp luật vẫn diễn ra thường xuyên theo định kỳ và không định kỳ.
Nâng cao hiểu biết pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan cho đội ngũ công chức ở mọi cấp, mọi vị trí thông qua việc đào tạo phổ biến, giáo dục tại cơ quan, đơn vị một cách thường xuyên, với nhiều hình thức khác nhau phù hợp với điều kiện của từng cấp, từng địa bàn hoạt động; kết hợp cả đào tạo, giáo dục, bồi dưỡng tại chỗ và cử đi đào tạo, giáo dục ở các cơ sở, trung tâm trong nước và nước ngoài với nhiều cấp độ, loại hình khác nhau.
Khi một văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, các cơ quan hải quan đẩy mạnh, tăng cường tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho các cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp được biết bằng bằng hình thức đa phương tiện như; thông qua truyền thông, báo cáo viên pháp luật, đăng thông tin trên báo điện tử, tổ chức hội nghị tuyên truyền phổ biến quy mô nhỏ ... theo đó, tuyên truyền để nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng, tự giác thực hiện các quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan một cách có hiệu quả; đồng thời, tăng cường đề cao vai trò của cư dân biên giới mang tính tự quản, động viên họ thực hiện tốt pháp luật về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa qua biên giới, chống buôn lậu và gian lận thương mại, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và các hoạt động khác nhằm phát huy tinh thần làm chủ và trách nhiệm công dân trong việc tham gia quản lý trật tự an toàn xã hội, phòng chống vi phạm hành chính.