Việc học sinh đánh nhau đánh nhau sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhà trường, gia đình và xã hội; việc dùng vũ lực để giải quyết vấn đề của các em ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường thể hiện tư tưởng; đạo đức trong cuộc sống đã phần nào sai lệch. Vậy với theo quy định học sinh đánh nhau sẽ bị xử phạt ra sao?.
1. Hành vi đánh nhau của học sinh được hiểu như thế nào?
Hành vi đánh nhau được hiểu là hành vi dùng vũ lực tác động vào người khác, hành vi này có thể gây ra thương tích cho người bị tác động hoặc không tùy thuộc vào mức độ, tính chất khác nhau.
Đối với học sinh, đây là hành vi diễn ra khá phổ biến do tính cách của các em còn nhiều non trẻ và cái tôi mạnh mẽ, bên cạnh đó là sự thiếu hiểu biết về pháp luật. Học sinh ở đây được hiểu là người được tham gia giáo dục ở các trường học, nên khi học sinh đánh nhau ở trong phạm vi trường học hay ngoài phạm vi trường học thì đều được coi là hành vi đánh nhau của học sinh.
2. Hành vi đánh nhau của học sinh là hành vi bị cấm?
Điều 37 Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT có quy định về các hành vi học sinh không được làm như sau:
“Điều 37. Các hành vi học sinh không được làm
1. Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác.
2. Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh.
3. Mua bán, sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất gây nghiện, các chất kích thích khác và pháo, các chất gây cháy nổ.
4. Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép.
5. Đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng.
6. Sử dụng, trao đổi sản phẩm văn hóa có nội dung kích động bạo lực, đồi trụy; sử dụng đồ chơi hoặc chơi trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của bản thân.
7. Học sinh không được vi phạm những hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, theo quy định tại khoản 5 Điều này thì hành vi đánh nhau là một trong các hành vi bị cấm đối với học sinh kể cả trong trường học và ngoài phạm vi trường học.
Và đương nhiên, nếu vi phạm, học sinh sẽ bị kỷ luật, thậm chí chịu trách nhiệm dân sự, hành chính, hình sự nếu cần thiết.
3. Xử lý kỷ luật:
Đối với hành vi đánh nhau, gây rối trật tự công cộng, an ninh trong và ngoài nhà trường (tức vi phạm khoản 5 Điều 37 Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT) thì học sinh sẽ bị xử lý kỷ luật theo khoản 2 điều 38; cụ thể:
2. Học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây:
a) Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm.
b) Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.
c) Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Riêng đối với học sinh tiểu học thì sẽ xử lý theo quy định tại Thông tư 41/2010/TT-BGDĐT Thông tư Ban hành Điều lệ trường tiểu học. Cụ thể như sau:
“2. Học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập và rèn luyện thì tuỳ theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp sau :
a) Nhắc nhở, phê bình;
b) Thông báo với gia đình.”
4. Trách nhiệm dân sự của học sinh khi tham gia đánh nhau:
Trách nhiệm dân sự ở đây chính là trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Theo quy định của Bộ Luật Dân sự Việt Nam thì người từ đủ 18 tuổi trở lên khi gây thiệt hại thì sẽ phải tự bồi thường, còn từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi thì phải bồi thường bằng tài sản của mình. Điều này sẽ áp dụng chủ yếu với học sinh cấp THPT.
Đối với học sinh chưa đủ 15 tuổi thì được quy định cụ thể tại Điều 599 Bộ Luật Dân sự 2015. Cụ thể:
“Điều 599. Bồi thường thiệt hại do người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý
1. Người chưa đủ mười lăm tuổi trong thời gian trường học trực tiếp quản lý mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra.
2. Người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại cho người khác trong thời gian bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý thì bệnh viện, pháp nhân khác phải bồi thường thiệt hại xảy ra.
3. Trường học, bệnh viện, pháp nhân khác quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không phải bồi thường nếu chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý; trong trường hợp này, cha, mẹ, người giám hộ của người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự phải bồi thường.”
Quy định này được hiểu như sau:
– Đối với người chưa đủ 15 tuổi có hành vi đánh nhau trong phạm vi trường học mà gây thiệt hại thì cha mẹ sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Trong trường hợp tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường thì nếu con có tài sản riêng thì phải lấy tài sản riêng để bù trừ trường hợp quy định tại Điều 599 Bộ Luật Dân sự 2015.
– Đối với người chưa đủ 15 tuổi có hành vi đánh nhau trong phạm vi ngoài trường học mà gây thiệt hại thì:
+ Trường hợp nhà trường chứng minh không có lỗi của trường học trong việc quản lý thì cha, mẹ, hoặc người giám hộ của người đó phải bồi thường.
+ Trường hợp nhà trường không đủ chứng cứ để chứng minh lỗi không thuộc về trường học trong thời gian trực tiếp quản lý thì nhà trường sẽ phải bồi thường.
Mở rộng: Hồ sơ, giấy tờ cần thiết để yêu cầu bồi thường:
– Giấy khai sinh của trẻ bị thiệt hại (Nếu mất thì cần đến Ủy ban Nhân dân nơi mình sống để yêu cầu trích lục giấy khai sinh)
– Thẻ học sinh
Giấy tờ, tài liệu hóa đơn nhập viện, thuốc thang
– Giấy chứng thương.
– Giấy ra viện.
– Giấy chứng nhận phẫu thuật.
– Hồ sơ bệnh án.
– Giấy chứng tử (trong trường hợp nạn nhân tử vong).
– Tài liệu chứng minh thiệt hại về tài sản
– Và các chi phí khác
5. Trách nhiệm hành chính của học sinh khi tham gia đánh nhau
Đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính được quy định tại Khoản 1 Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012
– Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý
– Người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.
Do đó, căn cứ Khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình nếu học sinh ở độ tuổi quy định trên đánh nhau dù trong phạm vi nào cũng sẽ bị xử lý vi phạm hành chính, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau.
Bên cạnh đó, Khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định việc thực hiện hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 08 triệu đồng.
Và các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Khoản 14 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP bao gồm buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 1, điểm c khoản 2, điểm b khoản 3 và điểm a khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
6. Trách nhiệm hình sự của học sinh khi tham gia đánh nhau
Việc xác định học sinh có hành vi đánh nhau có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không sẽ tùy thuộc vào tính chất, mức độ tổn thương của người bị đánh.
Và phải chú ý rằng, việc chịu trách nhiệm hành chính và hình sự sẽ không đi đôi với nhau.
Căn cứ theo Điều 12 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự như sau:
– Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
– Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định của Bộ luật này.
Trường hợp người thực hiện hành vi bạo lực học đường từ đủ 16 tuổi trở lên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134 Bộ luật Hình sự) với mức hình phạt cao nhất lên tới 18 năm tù; hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác (điều 155 Bộ luật Hình sự) với mức phạt được quy định trong điều luật này là cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù lên đến 5 năm.
Và cụ thể trách nhiệm pháp lý sẽ xác định dựa theo mức thiệt hại như sau:
Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017), thì bị phạt tù từ 07 năm đến tù chung thân như sau:
“- Phạt từ 10 năm đến 15 năm đối với:
+ Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 6 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015;
+ Phạm tội dẫn đến chết người.
– Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
+ Làm chết 02 người trở lên;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
+ Gây thương tích vào vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.”
Như vậy, học sinh từ đủ 14 tuổi trở lên sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có hành vi đánh nhau được xác định là cố ý gây thương tích có tính chất rất nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng.