Ly thân dưới góc độ xã hội học? Ly thân dưới góc độ pháp lý? Dấu hiệu đặc trưng của ly thân? Vậy khái niệm ly thân là gì? Phân tích chi tiết khái niệm về ly thân?
Ly thân là một hiện tượng xảy ra trên thực tế trong quan hệ vợ chồng. Việc ly thân có thể diễn ra bởi nhiều lý do, trong đó lý do cơ bản nhất là giữa vợ chồng xảy ra những bất đồng, mâu thuẫn làm ảnh hưởng sâu sắc đến tình cảm giữa hai bên mà chưa thể giải quyết được. Trong những trường hợp này, trên thực tế, vợ chồng thường lựa chọn giải pháp sống riêng biệt nhau nhằm giảm bớt, giải tỏa sự căng thẳng, mâu thuẫn. Mặc dù hiện nay ở nước ta, ly thân tuy vẫn tồn tại như một hiện tượng xã hội có tính khách quan, nhưng chưa được pháp luật điều chỉnh. Do đó, tìm hiểu, nghiên cứu về ly thân cần xem xét dưới hai góc độ: Xã hội học và pháp lý.
1. Ly thân dưới góc độ xã hội học:
Là một quan hệ xã hội tồn tại khách quan trong quan hệ giữa vợ và chồng
Do pháp luật Việt Nam chưa có quy định về ly thân nên có rất nhiều quan điểm với cách hiểu khác nhau. Trên thực tế hiện nay, ly thân được nhìn nhận như một hiện tượng xã hội, là một quan hệ xã hội xảy ra trong đời sống vợ chồng. Tìm kiếm từ khóa “ly thân” trên thanh tìm kiếm Google ta sẽ có khoảng 258.000.000 kết quả (0,35 giây). Wikipedia bách khoa toàn thư mở định nghĩa: “Ly thân mô tả quan hệ vợ chồng theo đó hai người không còn chung sống, ăn ở với nhau, nhưng vẫn chưa ly hôn. Vợ chồng thường tự thỏa thuận với nhau để sống ly thân chứ không cần phải ra tòa và trên pháp lý thì họ vẫn là vợ chồng. Ly thân tạo cơ hội cho vợ hay chồng sống riêng biệt mà không phải cần ly dị” .
Theo một số công ty tư vấn luật thì “khái niệm ly thân được hiểu một cách đơn giản là hai vợ chồng sống chung hoặc sống riêng nhưng không có quan hệ vợ chồng (quan hệ tình dục). Nếu sau quá trình ly thân, cuộc sống hôn nhân của vợ chồng rơi vào tình trạng trầm trọng, đời sống hôn nhân không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được thì vợ chồng có thể tiến hành thủ tục ly hôn” .
Theo đó, dưới góc độ xã hội học, ly thân được hiểu là hiện tượng khách quan chỉ việc vợ chồng chưa ly hôn nhưng không còn đời sống hôn nhân chung (thường là do những mâu thuẫn, bất đồng), họ lựa chọn ly thân như một giải pháp tạm thời nhằm khắc phục mâu thuẫn, sau đó họ có thể quay trở lại bên nhau như trước khi ly thân hoặc cũng có thể chính thức chấm dứt hôn nhân bằng cách ly hôn.
2. Ly thân dưới góc độ pháp lý:
Là một quan hệ xã hội cần được pháp luật điều chỉnh
Chế định ly thân hay thuật ngữ “ly thân” hoàn toàn không tồn tại trong Luật HNGĐ năm 2014. Trong các văn bản pháp quy cũng không quy định về ly thân. Vì vậy, hiện nay không cơ quan, tổ chức nào giải quyết cho vợ chồng ly thân theo hướng ra quyết định hoặc bản án công nhận cho ly thân. Tuy nhiên, trên thực tế hiện tượng ly thân vẫn tồn tại trong đời sống hôn nhân của nhiều vợ chồng. Vì vậy, khi nói đến ly thân được hiểu là ly thân thực tế giữa vợ chồng.
Từ góc độ nghiên cứu dưới góc độ luật học hay xã hội học gia đình cũng có một số công trình hay bài báo khoa học nghiên cứu về ly thân. Theo Từ điển luật học, ly thân được hiểu là “việc vợ chồng chấm dứt nghĩa vụ sống chung với nhau trong khi quan hệ hôn nhân chưa hoặc không chấm dứt” . “Nghĩa vụ sống chung” được quy định tại khoản 2 Điều 19 (Tình nghĩa vợ chồng) trong Luật HNGĐ năm 2014, theo đó: “.2. Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác”. Nghĩa vụ sống chung của vợ chồng được hiểu là cuộc sống của một người nam và một người nữ sau khi kết hôn sẽ chung nhà, chung bàn ăn và chung giường, chung chăn gối...
Tuy nhiên, quy định tại Điều 19 Luật HNGĐ năm 2014 và thực tế cũng cho thấy, vợ chồng không nhất thiết phải ăn ở, sinh hoạt chung liên tục, thường xuyên trong suốt thời kỳ hôn nhân, nhưng giữa họ phải có mối liên hệ sâu đậm về tình cảm và sinh hoạt vật chất, thể xác. Việc không sống chung liên tục trong thời gian dài mà không vì lý do công việc, nghề nghiệp, học tập, công tác hay lý do khách quan khác... được hiểu là vợ chồng sống ly thân với nhau. Vợ chồng sống ly thân thường do yếu tố tình cảm chi phối; họ có mâu thuẫn trong đời sống hôn nhân dẫn đến việc không muốn tiếp xúc, ở cạnh nhau.
Theo các văn bản pháp luật về HNGĐ tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975 như: Luật gia đình năm 1959, Sắc luật năm 1964 (của chế độ Sài Gòn dưới thời Ngô Đình Diệm), thì vợ chồng muốn ly thân phải yêu cầu Tòa án giải quyết và Tòa án chỉ tuyên bố cho vợ chồng ly thân khi có các căn cứ phù hợp với quy định pháp luật. Khi bản án tuyên bố cho vợ chồng ly thân có hiệu lực pháp luật thì vợ chồng chấm dứt nghĩa vụ “đồng cư”, tức là họ không còn nghĩa vụ sống chung với nhau, trong khi quan hệ hôn nhân giữa họ vẫn tồn tại. Như vậy, ly thân được hiểu là: Vợ chồng chấm dứt nghĩa vụ “đồng cư”, tức là vợ chồng không có nghĩa vụ sống chung với nhau mà được quyền sống riêng biệt trong khi quan hệ hôn nhân giữa họ vẫn tồn tại và được pháp luật bảo vệ.
Tại Dự thảo Luật HNGĐ – Phiên bản lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân ngày 11/6/2013, khoản 10 Điều 8 “Giải thích từ ngữ” quy định: “10. Ly thân là tình trạng pháp lý, theo đó vợ chồng không có nghĩa vụ chung sống với nhau do cơ quan có thẩm quyền công nhận hoặc quyết định theo yêu cầu của hai vợ chồng hoặc của vợ, chồng”. Cùng với đó, tại Điều 20 “Lựa chọn nơi cư trú của vợ, chồng” cũng quy định như sau: “Nơi cư trú của vợ, chồng do vợ chồng lựa chọn, không bị ràng buộc bởi phong tục, tập quán, địa giới hành chính. Vợ, chồng không được căn cứ vào quy định này để từ chối sống chung với nhau mà không có lý do chính đáng”.
Tuy nhiên, cũng cần loại trừ trường hợp vợ chồng không ở cạnh nhau về mặt địa lý vì những lý do khách quan, chính đáng như công tác, học tập, công việc… Trong trường hợp này, việc không ở bên cạnh nhau của vợ chồng chỉ là tạm thời, trong một thời gian nhất định và giữa họ vẫn có mối liên quan mật thiết với nhau về tình cảm, nhân thân và tài sản, tức là họ vẫn sống chung. Việc không sống chung hay sống chung không phụ thuộc vào khoảng cách địa lý. Cần hiểu rằng khi vợ chồng không sống cùng một nơi do nhu cầu công việc, học tập, nghề nghiệp thì không thể hiểu là không sống chung, vì họ vẫn có đời sống hôn nhân chung, vẫn cùng nhau chăm lo cho gia đình, con cái và quan tâm, yêu thương nhau.
Vì vậy, sẽ là bất thường nếu vợ chồng không sống chung với nhau trong thời gian dài do những mâu thuẫn trong đời sống hôn nhân, bởi khi đó giữa họ mất đi sự liên kết chặt chẽ giữa hai cá thể về mặt tình cảm, nhân thân và tài sản. Hay “sống chung” giữa vợ chồng là có chung đời sống tình cảm, cuộc sống gia đình, cùng quan tâm, dành tình cảm và gắn bó với gia đình, chứ không thể hiểu “sống chung” chỉ bó hẹp về mặt địa lý. Do vậy, việc quy định nghĩa vụ sống chung của vợ chồng làm căn cứ xác định tình trạng ly thân là hợp lý và phù hợp với pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới.
Khác với Việt Nam, nhiều quốc gia khác đã luật hóa chế định ly thân trong các văn bản pháp luật chính thống. “Theo Điều 296 Bộ luật Dân sự Pháp, chế định ly thân được hiểu là sự giảm độ gắn kết quan hệ vợ chồng, theo đó hệ quả quan trọng nhất là sự hủy bỏ nghĩa vụ chung sống giữa vợ và chồng, trong khi những nghĩa vụ khác như nghĩa vụ chung thủy, nghĩa vụ tương trợ giúp đỡ nhau vẫn phải được duy trì giữa hai vợ chồng theo quy định của pháp luật Pháp, do Tòa án ra quyết định trên cơ sở những căn cứ và điều kiện giống như căn cứ và điều kiện ly hôn (vợ chồng ly thân, vợ chồng thống nhất chấm dứt hôn nhân, vợ chồng ly thân do lỗi của một bên hoặc ly thân do cuộc sống chung đã hoàn toàn chấm dứt)” . Khái niệm này cơ bản đã thể hiện được những đặc trưng của ly thân. Tuy nhiên, việc ly thân chỉ được thừa nhận hợp pháp trên cơ sở quyết định của Toà án, làm thủ tục tố tụng trong ly thân trở nên rườm rà hơn so với một số quốc gia cho phép hai bên tự thỏa thuận thông qua văn bản tự chứng thư .
Còn theo Luật gia đình tại Anh và xứ Wales (Điều 46 Phần II), ly thân (separation) được hiểu là: Đình chỉ quyền và nghĩa vụ sống chung chỉ còn để lại nghĩa vụ trung thành và không thể kết lập cuộc hôn nhân mới. Sự ly thân có thể là ly thân tư pháp (judicial separation) hay ly thân thuận ý (voluntary separation) được thực hiện bởi chứng thư ly thân (separation deed). Chứng thư ly thân hợp thức hóa sự hiện hữu phân cách giữa vợ và chồng có thể có các quy định liên quan đến tiền trợ cấp trong trường hợp ly thân tư pháp và bảo dưỡng con cái. Sự ly thân tư pháp có thể được tuyên do đơn xin của người chồng hay người vợ nhằm một kỳ hạn nhất định hay vô hạn định trong tất cả các trường hợp mà sự ly hôn sẽ được thỏa thuận, với điều kiện là bên đương sự không có một lỗi lầm nào để bị trách cứ . Cách hiểu này gần giống tinh thần với pháp luật Cộng hoà Pháp, tuy nhiên, thủ tục mở rộng chấp nhận sự thuận ý hai bên chứng minh bởi chứng thư ly thân.
Bộ luật Dân sự Cộng hòa Pháp và Luật gia đình tại Anh và xứ Wales quy định về ly thân có những điểm khác biệt nhất định; tuy nhiên, cả hai quốc gia này đều nhìn nhận sống chung là nghĩa vụ của vợ chồng và ly thân chính là tình trạng vợ chồng không còn phải thực hiện nghĩa vụ đó nữa. Bên cạnh hai quốc gia này, còn nhiều quốc gia khác quy định về nghĩa vụ sống chung của vợ chồng, như là: Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan, tại Điều 226 Quyền V chỉ rõ “Vợ chồng phải sống chung với nhau đúng như quan hệ vợ chồng” ; Điều 1088 Bộ luật Dân sự Nhật Bản: “Vợ chồng cùng chung sống, hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau” ; Điều 965 Bộ luật Dân sự Campuchia: “Vợ chồng phải cùng sống chung và cùng hợp tác giúp đỡ lẫn nhau” .
Khái quát lại, ta có thể hiểu “ly thân” như là một hình thức tạm dừng nghĩa vụ sống chung của vợ chồng do những mâu thuẫn trong đời sống hôn nhân. Không sống chung cần hiểu là không có sự liên kết về tình cảm, nhân thân và tài sản, không thực hiện những nghĩa chung của vợ chồng đối với nhau và đối với gia đình, không có đời sống chung trong hôn nhân, gia đình. Việc không chung sống này bao gồm cả trường hợp vợ chồng ở chung một nhà nhưng ăn riêng, ngủ riêng, không giao tiếp hoặc rất hạn chế giao tiếp.
Bởi lẽ, nam nữ kết hôn thì sống chung là một trong những mục đích và nhu cầu quan trọng của họ. Hay nói cách khác, nam nữ kết hôn là thể hiện mong muốn được sống cùng nhau nhằm có những điều kiện thuận lợi để chăm sóc, yêu thương, quan tâm nhau, quyền được quan hệ tình dục, sinh con và chăm sóc con chung... Sống chung là một nghĩa vụ tự nhiên luôn gắn liền và là đặc trưng của quan hệ hôn nhân, đây cũng chính là dấu hiệu của một gia đình “cơ bản”.
3. Dấu hiệu đặc trưng của ly thân:
Nhìn chung, có thể thấy ly thân có các dấu hiệu đặc trưng sau:
Thứ nhất, ly thân không làm chấm dứt mối quan hệ pháp lý giữa vợ chồng, các bên vẫn có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ đối với nhau và đối với con chung và tài sản chung. Họ vẫn là vợ chồng trước pháp luật và ly thân là giải pháp để giải quyết xung đột, tạo cơ hội cho hai bên suy nghĩ, khắc phục, sửa chữa lỗi lầm, mâu thuẫn.
Thứ hai, Tòa án là “cơ quan nhà nước có thẩm quyền” phù hợp nhất để công nhận hoặc quyết định việc ly thân của vợ chồng, bởi thông qua phiên họp hoặc quá trình xét xử, Tòa án có thể xem xét thấu đáo tình trạng mâu thuẫn của vợ chồng, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho vợ, chồng và đặc biệt là con cái, bảo vệ lợi ích của người thứ ba trong quan hệ dân sự, đảm bảo tính minh bạch trong chia và quản lý tài sản của vợ chồng.
Thứ ba, ly thân là quyền gắn liền với nhân thân của vợ chồng, do đó, chỉ có vợ chồng mới có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận ly thân giữa vợ chồng .
4. Vậy khái niệm ly thân là gì?
Từ những phân tích trên, có thể kết luận: Ly thân là tình trạng pháp lý xác định mối quan hệ của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận hoặc ra quyết định nhằm chấm dứt tạm thời quan hệ sống chung giữa hai vợ chồng.